Những thành tựu của cư dân Việt trong thời kỳ Hùng Vương - Kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Weirdo8822, 18 Tháng mười một 2022.

  1. Weirdo8822

    Bài viết:
    2
    Thời Hùng Vương bao quát các giai đoạn phát triển từ sơ kỳ thời đại đồng thau đến sơ kỳ thời đại sắt là một thời kỳ lịch sử lớn, một quá trình vận động từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp về các mặt liên quan đến trạng thái kinh tế.

    Vào đầu thời Hùng Vương, tương ứng với giai đoạn Phùng Nguyên, chuyển biến quan trọng nhất là sự phát triển của nghề nông trồng lúa nước, nghề chăn nuôi, nghề gốm, là sự phát triển đến mức hoàn hảo của nghề chế tác đá và nhất là sự phát triển của nghề luyện kim đồng thau. Nhưng nhìn chung công cụ sản xuất bằng đá vẫn hoàn toàn chiếm ưu thế nên kinh tế còn mang tính chất nguyên thủy. Tình trạng này được phản ánh trong truyền thuyết: 'Lúc quốc sơ, đồ dùng của dân chưa đủ, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ ống làm chiếu, lấy gạo ngâm làm rượu, lấy cây quang lang làm thức ăn..'(Lĩnh Nam chích quái).

    [​IMG]

    Trải qua các gai đoạn Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, nền kinh tế ngày càng phát triển mạnh và đạt đến trình độ khá cao. Công cụ đá được thay thế dần bằng những công cụ đồng thau, rồi công cụ sắt. Nền kinh tế bao gồm nhiều ngành nghề, trong đó nông nghiệp trồng lúa nước trở thành chủ đạo.

    Về nông nghiệp, ngoài rìu đồng được sử dụng để khai phá đất đai, từ giai đoạn Gò Mun đã tìm thấy những lưỡi kiếm đồng và đến giai đoạn Đông Sơn thì tìm thấy hàng loạt lưỡi cày đồng và cuốc, mai, thuổng bằng sắt. Ngoài ra hẳn còn nhiều loại công cụ bằng tre, gỗ không được bảo tồn đến nay. Với hàng trăm lưỡi cày đồng được phát hiện với kích thước và hình dạng phong phú (hình cánh bướm, tam giác, quả tim), ta có thể xác đinh rằng một nền nông nghiệp dùng cày với những lưỡi cày bằng kim loại đã ra đời và phát triển, thay thế dần cho nông nghiệp dùng cuốc trước đó. Cày có thể kéo bằng sức người hay sức súc vật. Với những lưỡi cày cở lớn và việc nuôi trâu bò đã phổ biến thời bấy giờ, có nhiều khả năng con người đã biết sử dụng trâu bò để kéo cày. Trước khi lưỡi cày sắt ra đời, việc dùng lưỡi cày đồng thau và sức kéo súc vật là tiêu biểu cho kỹ thuật canh tác tiến bộ thời đó.

    [​IMG]

    Bằng những công cụ kim khí, cư dân giai đoạn hậu kỳ thời đại đồng thau và sơ kỳ thời đại đồ sắt đã mở rộng địa bàn cư trú, đấy mạnh công cuộc chinh phục vùng đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ. Có hai hình thức canh tác lúa nước là làm rẫy (miền gò đồi, chân núi) và làm ruộng (miền đất thấp, đồng bằng). Ruộng có nhiều loại, nhưng phổ biến là loại ruộng nước. Sử cũ Trung Hoa chép về lịch sử nước ta có đoạn viết: 'Ngày xưa, Giao Chỉ khi chưa chia thành quận huyện, ruộng đất có ruộng Lạc, ruộng đó theo nước triều lên xuống, dân khẩn ruộng mà ăn nên gọi là dân Lạc'.'Ruộng Lạc' có lẽ là loại ruộng nước, loại ruộng cố định, được trồng trọt thường xuyên, mặt ruộng được cải tạo, có bờ giữ nước, nghĩa là có điều kiện thâm canh tăng vụ.

    Công cuộc chinh phục vùng đồng bằng, phát triển nông nghiệp trồng lúa nước đặt ra yêu cầu bức thiết về công tác trị thủy và thủy lợi. Cuộc đấu tranh chống ngập lụt và ước mơ chế ngự thiên tai của con người được phản ánh trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Cho đến nay, khảo cổ học chưa tìm thấy dấu vết những công trình thủy lợi thời Hùng Vương. Một đoạn chép trong sữ cũ cho biết bấy giờ cư dân đã 'tướii ruộng theo nước triều lên xuống' (An Nam chí lược), hoặc dấu tích một đoạn đê cổ có trước thời Bắc thuộc ở Cổ Loa gợi cho chúng ta suy nghĩ rằng thời Hùng Vương (nhất là ở giai đoạn cuối) người ta đã biết đắp bờ giữ nước, dẫn nước, tháo nước, tưới tiêu cho đồng ruộng và đắp những đoạn đê ngắn để chống ngập lụt.

    Hái lượm và săn bắn vẫn tồn tại và có mặt phát triểu nhưng bị đẩy xuống hàng thứ yếu. So với hái lượm, săn bắn đóng vai trò quan trọng hơn vì nó bổ sung nguồn thức ăn cho con người, lại có ý nghĩa chống thủ dữ, bảo vệ mùa màng và cuộc sống.

    Ngoài ra, chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng gắn bó chặt chẽ với nông nghiệp. Xương răng của chó, lợn, trâu, bò được tìm thấy trong nhiều di chỉ khảo cổ thời này.

    Các nghề thủ công cũng phát triển mạnh, như nghề làm đá, làm gốm, làm mộc, đan lát, nghề dệt, nghề sơn..

    Trong các nghề thủ công đời Hùng Vương, sự ra đời và phát triển của nghề luyện kim (đúc đồng, luyện sắt) có ý nghĩa như một cuộc cách mạng đối với toàn bộ nền kinh tế. Nghề đúc đồng xuất hiện từ đầu thời Hùng Vương, (giai đoạn Phùng Nguyên) phát triển liên tục qua các giai đoạn Đồng Đậu, Gò Mun và đạt đến đỉnh cao rực rỡ vào giai đoạn Đông Sơn cho thấy nghề luyện kim đồng thau ở nước ta có một quá trình phát triển lâu dài, tại chỗ và mang tính chất bàn địa rõ nét.

    Ngoài các công cụ và dụng cụ bằng đồng như lưỡi cày, rìu, dao, giáo, mũi tên, nồi, thống, hiện vật tiêu biểu cho tài năng và kỹ thuật tuyệt vời của nghề đúc đồng thời Hùng Vương là trống đồng và thạp đồng.

    [​IMG]

    Trong giai đoạn Đông Sơn, trên cơ sở phát triển cao của nghề đúc đồng, nghề luyện sắt đã xuất hiện, lại có tác dụng thúc đẩy sự hoàn thiện của kỹ thuật đúc đồng. Dấu tích của lò luyện sắt xốp ở Đông Mõm (Nghệ Tĩnh), các ống bễ ở Vinh Quang (Hà Nội), các công cụ sắt ở Đường Mây, Gò Chiền Vậy (Hà Nội).. là những chứng tích xác thực của nghề luyện săt. Không còn nghi ngờ gì nữa, vào cuối thời Hùng Vương nghề luyện sắc đã ra đời, và câu chuyện huyền thoại về ngựa sắt, roi sắt của người anh hùng làng Gióng rõ ràng có cốt lõi lịch sử của nó.

    Tóm lại, trong khoảng 2000 năm trước công nguyên, nền kinh tế thời Hùng Vương trải qua những bước phát triển lớn lao mà cơ sở là nghề nông trồng lúa nước với công cụ lao động bằng đồng thau và sắt. Cũng trên cơ sở đó, con người từ vùng đồi núi, trung du và vùng cao của đồng bằng tràn xuống khai phá và chiếm lĩnh vùng đồng bằng rộng lớn của sông Hồng, sông Mã, sông Cả, thay đổi cảnh quan địa lý vùng châu thổ, tạo ra một cục diện mới của cuộc sống văn minh nông nghiệp.
     
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng mười một 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...