Hiện Đại Những Con Sóng Cô Đơn - Ngô Tiếu Kì

Thảo luận trong 'Hoàn Thành' bắt đầu bởi NgoTieuKi, 15 Tháng sáu 2020.

  1. NgoTieuKi

    Bài viết:
    196
    Chương 10

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thằng Hoàng và đám bạn của nó ngồi cách tôi không xa. Một đứa trông khá đụt đi gọi thức uống cho cả bọn. Một thằng khác, mang giày màu đỏ, đi vòng ra chỗ quầy pha chế và lấy ra một bàn cờ tướng. Trông nó có vẻ khá thân thiện với đám nhân viên ở đây, chắc là khách quen.

    Thằng Hoàng và thằng mang giày đỏ ấy ngồi chơi cờ với nhau, thằng đụt thì ngồi đọc sách sau khi đi đem nước về cho cả bọn, còn ba đứa khác thì bàn chuyện gì đó, và thỉnh thoảng lại nhìn vào bàn cờ.

    Bọn nó chơi cờ được được một lát thì thằng Hoàng đổi chỗ cho một thằng mang giày xanh, còn thằng giày đỏ thì cứ ngồi yên tại chỗ. Tôi lờ mờ đoán được là đứa nào thua thì phải nhường chỗ cho đứa khác, vì mấy ông chú xóm tôi cũng hay chơi như vậy.

    Sau khi đổi chỗ cho thằng giày xanh vài lần thì thằng Hoàng không chơi nữa, có lẽ vì thua nhiều quá. Nó đứng dậy và lôi từ trong quầy pha chế ra một cây đàn guitar. Một thằng tóc xoăn kéo một cái bàn khác đến và đặt trước mặt, còn cái bàn có đầy ly nước thì được một thằng đeo kính dịch sang bên. Hai thằng giày xanh và giày đỏ vẫn chăm chú vào ván cờ, còn thằng đụt thì vẫn không rời mắt khỏi cuốn sách.

    Cái loa đặt ở trong góc quán cà phê đã im lặng, và tiếng guitar thật bắt đầu vang lên. Thằng Hoàng cầm đàn, thằng đeo kính hát, còn thằng tóc xoăn thì bè theo trong lúc gõ nhịp lên bàn. Bọn chúng đang hát bài Mắt Đen của nhóm Bức Tường, một bài hát khá xưa và tôi cũng ít thấy ai nghe ở hiện tại.

    Tôi biết được bài hát này từ hồi còn học cấp hai, khi anh Tư tôi đang trong kỳ nghỉ hè sau năm học đầu tiên ở đại học. Anh ngồi trên gác suốt ngày chỉ để tập đàn và hát, không quan tâm đến thế sự gì nữa. Chị Ba tôi nói anh có bạn gái, và chị gái ấy thích bài này.

    Vì giọng của anh khá tệ, tệ hơn cả tôi, nên tôi thích nghe anh hát, nhưng anh toàn đuổi tôi đi. Anh nói tôi làm anh mất tập trung và chẳng tập tành được gì.

    Có lần, tôi đứng ở lưng chừng cầu thang nhìn trộm anh tập đàn. Anh cứ đàn tới đàn lui, và gương mặt cau có của anh nói cho tôi biết rằng anh đàn sai bét.

    Trông thấy tôi, anh giận dữ và đổ hết tội lỗi cho đứa em trai tội nghiệp, rồi ném luôn cuốn sổ tập đàn vào ngay giữa trán tôi. Dù sao thì tôi cũng là đứa cứng cỏi nên không khóc.

    Tôi kể với con Ngân về chuyện của anh Tư, rằng chỉ vì một cô gái xa lạ nào đó mà giận dữ với đứa em trai yêu dấu của mình, và tôi ước gì anh sẽ chẳng bao giờ đàn được bài đó. Nhưng nó lại đồng tình với anh Tư và cho rằng tôi không nên có những suy nghĩ như vậy. Thế là chúng tôi cãi nhau, và nó không ra khỏi nhà trong một tuần, chỉ để tránh mặt tôi.

    Sau đó một tuần nữa, tôi thấy anh Tư đập nát cây đàn rồi ngồi khóc một mình trên gác. Chị Ba kéo tôi xuống để tránh tai bay vạ gió, nhưng tôi vẫn kịp nghe tiếng anh chửi rủa cô gái đã cắm cho anh một cái sừng, và trùng hợp là chị ta cũng tên Ngân.

    Sau những dòng ký ức về anh Tư, tôi chợt nhận ra đó là lần duy nhất mà điều ước của tôi thành sự thật. Tôi có chút buồn về chuyện này, vì dù sao thì hồi còn bé, anh em tôi rất thân. Tôi chỉ mong anh ấy chia tay cô gái kia để anh em tôi có thể quay lại như trước đây thôi. Nhưng bây giờ, chúng tôi chẳng mấy khi nói chuyện với nhau, dù chỉ là một tin nhắn, hay một câu bình luận trên mạng xã hội.

    Chơi xong bài Mắt Đen, bọn thằng Hoàng hát thêm một bài nữa là Đường Đến Ngày Vinh Quang, cũng của nhóm Bức Tường. Có lẽ bọn chúng thích nhóm nhạc này.

    So với anh Tư, bọn chúng chơi nhạc hay hơn nhiều, và dù chỉ thỉnh thoảng hát chêm vào một hai câu, giọng của thằng Hoàng vẫn ăn đứt anh tôi.

    Tôi chợt thấy lạ là bọn chúng chẳng bao giờ tham gia bất kỳ buổi văn nghệ mà trường tổ chức, dù tiết mục mà tôi đang xem hay hơn rất nhiều so với bài nhảy hở hang đạt giải nhất trong lễ khai giảng cách đây hơn nửa năm.

    Khi quán cà phê bắt đầu đông khách hơn, bọn thằng Hoàng không chơi nữa. Có lẽ chúng cũng biết rằng chỉ có mỗi mình tôi là thích nhạc của bọn chúng.

    Tôi vờ hớp một ngụm trà và nhìn đám thằng Hoàng, nên dù chúng thấy ánh mắt của tôi, thì cũng không biết được tôi đang nhìn về đâu. Bọn chúng ngồi nói chuyện gì đó, và, chúng không hề hút thuốc.

    Điều đó chẳng có gì là lạ, ở những nơi chốn bình thường khác. Nhưng ở đây, khi tôi nhìn lại một lượt những chiếc bàn có người ngồi, chỗ nào cũng nhan nhản màu khói thuốc lá. Đáng nói hơn, làn khói trắng ấy đang bao phủ những gương mặt non choẹt, sợ rằng có đứa còn chưa học hết lớp bảy. Chúng nhả khói điệu nghệ hơn cả mấy thằng ất ơ cùng xóm với tôi.

    Tôi nhìn hai đứa nhóc ngồi bàn bên cạnh, chúng nó không hút thuốc, mà đang hút cái ống gì đấy rồi nhả khói um tùm, hệt như cái pô xe máy của mẹ tôi. Hai đứa nó hút chung một cái ống, và tôi chợt nghĩ rằng, lỡ như một đứa bị bệnh về răng miệng, thì đứa còn lại có bị lây hay không. Khốn kiếp, chúng ngồi ngay trước cái quạt, và khói thì cứ thế tấp vào mặt tôi.

    Tôi nín thở trong chốc lát, nhìn về phía cái bàn lúc đầu mình ngồi khi vừa bước vào đây. Một cặp tình nhân, còn mang trên cổ chiếc khăn quàng đỏ, đang ngồi ở đó và ngấu nghiến môi nhau.

    Ở một góc khác, một đám nít ranh đang chơi game, và không ngừng tuôn ra những câu chửi thề gớm ghiếc nhất mà tôi từng nghe.

    Tôi liếc qua liếc lại khắp mọi ngóc ngách trong quán cà phê, và những hình ảnh trên cứ lặp đi lặp lại không ngừng.

    Trời ạ, chuyện gì đang xảy ra thế này? Cha mẹ của chúng đâu, tại sao lại có thể để bọn nhóc như vậy được chứ? Tôi muốn rút lại những lời mình đã nói khi nãy, ai đó, hãy đến và tống khứ lũ nhóc này vào trường học đi. Chúng cần được dạy dỗ lại ngay lập tức.

    Chúng chẳng phải là tương lai của đất nước này hay sao? Và tôi đang chứng kiến cái tương lai ấy chìm ngập trong nguy cơ bị ung thư phổi, bị nỗi ám ảnh của những trận game đã kết thúc chất chồng lên nhau, bị ảnh hưởng bởi thứ tình cảm chưa đến tuổi dậy thì và có thể là nạn phá thai tràn lan sau đó.

    Tôi nhìn khung cảnh xung quanh mình, và những dòng suy nghĩ bắt đầu lộn xộn lên. Tôi muốn đứng dậy và nói cho bọn chúng nhận thức được về chuyện chúng đang làm. Tôi muốn làm một cái gì đó, nhưng kỳ quái là, tôi chẳng thể nhấc nổi cái mông mình lên. Tôi cảm thấy mình thật xa lạ với thế giới này, và lạc loài với những gương mặt xung quanh.

    Tôi nhìn thằng Hoàng, muốn nó cùng đám bạn của nó tiếp tục chơi thêm vài bản nhạc nữa. Tại sao bọn nó không chơi nữa? Phải chăng, bọn nó cũng từng muốn thắp lên ngọn lửa trong những linh hồn tăm tối kia, để có thể dẫn đường cho chúng, nhưng sau cùng thì cũng phải từ bỏ, vì biết chẳng thể thay đổi được gì?

    Tôi cảm thấy ngột ngạt vô cùng, mắt tôi bắt đầu đau nhức và màng nhĩ thì bị lấp đầy bởi những tiếng vo ve. Tôi không thể ở đây thêm một khắc nào nữa. Tôi cảm thấy bất lực trước những thứ đang diễn ra, và khi không thể thay đổi được gì, có lẽ tôi nên rời đi.

    Tôi nhớ về chuyện ở hiệu sách và cảm thấy mình của hiện tại thật hèn nhát. Nhưng có lẽ là một sự hèn nhát khôn ngoan - tôi tự an ủi mình.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng sáu 2020
  2. NgoTieuKi

    Bài viết:
    196
    Chương 11

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi rời khỏi quán cà phê quái quỷ ấy một cách nhanh nhất có thể. Sau khi nhìn sắc trời chạng vạng, tôi băng sang bên kia đường để mua một cái bánh.

    Không hiểu sao, tôi lại mua bánh ở cái tiệm vắng khách hơn. Đôi lúc, tôi vẫn làm những chuyện khác người như vậy, bởi khi đó tôi thấy mình mới là chính mình, và có lẽ đây là lời giải thích hợp lý cho hành động của tôi.

    Bà chủ cửa hàng khá già nua, tóc bà cụ đã bạc hết cả, gương mặt bà nhăn nhúm và đầy những chấm đồi mồi như những hạt nho khô, còn đôi mắt bà thì mờ đục như có một lớp bánh tráng che ở phía trước.

    Tôi gọi rất to, cũng phải đến cả trăm lần thì bà cụ mới nghe thấy. Bà đang nằm ngả người trên chiếc ghế bố, cách cái tủ bánh chưa tới ba mét, nhưng vẫn mất đến cả tiếng đồng hồ để di chuyển hết quãng đường ấy.

    Tôi đếm lại số tiền trong túi và biết rằng mình sẽ hết sạch nếu mua một cái bánh kem hoành tráng, thứ mà tôi không cần lắm, mặc dù rất muốn.

    Tôi chỉ vào một cái bánh nhỏ và hỏi xin bà một cây đèn cầy. Tay bà lão run run chạm vào tấm kính, nhưng không tài nào mở ra được. Tôi vội chạy qua phía đó và mở cánh cửa tủ giúp bà.

    Mùi bánh ngọt thơm phức xô đẩy nhau tràn ra ngoài, xộc vào mũi khiến tôi thấy đói cồn cào, và bàn tay tôi cũng bắt đầu run rẩy. Tôi nâng chiếc bánh của mình ra ngoài rồi cẩn thận kéo tấm kính lại, chờ để lấy cây đèn cầy và cảm ơn bà cụ.

    Chiếc bánh không đắt lắm, chỉ bằng hai ly cà phê bên kia đường, nhưng tôi thấy nó đáng giá hơn thế nhiều. Bà cụ còn tặng tôi một nụ cười hiền hậu nữa, dù răng bà đen thui vì ăn trầu nhưng tôi vẫn thấy nụ cười ấy rất đẹp.

    Tôi có chút tò mò và hỏi con cái của bà đâu, nhưng sau đó thì bà cụ đột nhiên không cười nữa. Bà cố gắng giơ bàn tay run rẩy của mình lên, chỉ sang tiệm bánh bên cạnh. Tôi giữ tay bà cụ lại, nói rằng mình đã hiểu rồi, mặc dù tôi thật sự chẳng hiểu gì lắm. Tôi sợ rằng nếu như tôi không làm như vậy, bà cụ sẽ xúc động đến mức bị đột quỵ mất, bà già lắm rồi. Khổ thật!

    Tôi đặt cái bánh của mình trong giỏ xe, nhưng chẳng biết đi về đâu. Và ở Nha Trang, khi không biết phải đi đâu, người ta lại ra biển. Nơi đó đủ rộng cho những kẻ cô đơn, lạc lối, hoặc có phần tự kỷ giống như tôi.

    Đi được một đoạn, tôi chợt nhớ ra là mình không có thứ gì để đốt cây đèn cầy kia cả, mà tôi thì không biết đánh lửa như người tiền sử. Tôi dừng lại trước tiệm tạp hóa đầu tiên mình nhìn thấy và mua một cái hộp quẹt.

    Mặc dù cái bánh nằm chình ình ngay trong giỏ, tuy không phải bánh kem nhưng cũng là một cái bánh sinh nhật chính hiệu, vậy mà bà chủ tiệm vẫn nghĩ rằng tôi mua hộp quẹt để đốt thuốc, và giới thiệu cho tôi một loại thuốc mới.

    Tôi muốn giải thích rằng tôi không phải mấy đứa hư hỏng thích ngâm mình trong khói thuốc, nhưng rốt cuộc thì tôi chỉ cảm ơn bà rồi đạp xe đi. Đôi khi, tôi sợ rằng mình càng giải thích thì người khác lại càng hiểu lầm, nếu như họ đã muốn hiểu lầm về tôi.

    Tôi quay lại cái ghế đá lúc chiều, nhưng đã có người ngồi ở đó, nên tôi phải đi thêm một đoạn nữa để tìm một cái khác.

    Mặc dù bụng đã đói, nhưng tôi vẫn chưa ăn cái bánh ngay. Tôi có thể ăn tối vào lúc chín giờ, hoặc thậm chí trễ hơn, nhưng nếu đồng hồ chưa điểm sáu giờ, thì tôi sẽ không ăn. Có lẽ vì tôi đã quen với việc chờ mẹ về rồi cùng ăn cơm tối. Tôi gọi cho bà và nói rằng đang tổ chức sinh nhật với bạn, trong khi tôi chỉ có một mình.

    Sau cuộc gọi cho mẹ, tôi ngồi nhìn những cái tên trong điện thoại, ngón tay cứ lướt lên lướt xuống. Có những số điện thoại mà tôi chẳng biết mình lưu lại để làm gì, không cuộc gọi, không tin nhắn, và tôi cũng không còn nhớ đó là ai.

    Tôi nhắn tin cho thằng Vũ, một trong những đứa bạn thân của tôi. Bọn tôi quen nhau từ lớp một, nhưng bắt đầu chơi với nhau từ hồi còn cấp hai. Tôi ngồi chờ hơn năm phút, nhưng vẫn không thấy nó trả lời.

    Điên thật, tôi có thể ngồi nhìn đàn kiến hay một con sâu di chuyển trong một tiếng đồng hồ, nhưng năm phút để nhìn vào màn hình điện thoại và chờ một tin nhắn là quá lâu đối với tôi.

    Không thể chấp nhận được chuyện đó, tôi kiểm tra số tiền còn lại trong thuê bao của mình, vẫn đủ để thực hiện một cuộc gọi dài ba phút. Tôi gọi cho cái thằng lề mề ấy mà không cảm thấy tiếc rẻ điều gì.

    "Gì vậy Trứng?" - Thằng Vũ bắt máy và gọi tôi bằng cái tên khốn nạn ấy.

    Tôi đang bực mình lắm, và nó vừa đổ thêm một thùng dầu vào đống lửa trong bụng tôi. Nhưng tôi vẫn cố nhịn, vì tôi đang cần nó. Tôi giải thích rằng hôm nay là sinh nhật của mình, tôi có sẵn một cái bánh và muốn nó lết ra đây để ăn mừng cùng tôi.

    Nhưng tất cả những gì tôi nhận được là một câu hỏi khá bâng quơ: "À, vậy hả?", cùng một lời từ chối phũ phàng, với lý do là nó còn phải đi học thêm.

    Tôi có phần giận, vì nó không nhớ sinh nhật của tôi, trong khi tôi vẫn nhớ sinh nhật của nó mà không cần nhờ đến mạng xã hội nhắc nhở, và hằng năm vẫn nhắn tin chúc nó "sinh nhật vui vẻ", được viết đầy đủ bằng tiếng Việt có dấu.

    Nhưng điều khiến tôi giận hơn là cái lý do của nó. Tôi nhổ vào cái lý do ấy. Thằng đó mà chăm chỉ học hành như thế thì tôi đi đầu xuống đất, hoặc trồng cây trên đầu. Tôi biết chắc rằng nó đang đứng bên một bàn bi da hoặc ngồi trong một quán net nào đó. Ngày nào nó cũng đến những nơi như vậy, sau giờ học, và ở đó cho đến cuối ngày.

    Nó vẫn xin tiền học thêm đều đặn, nhưng không phải toán, lý hay hóa, mà là bi da và điện tử. Không hiểu sao cha mẹ nó không hề hay biết gì, chẳng lẽ điểm số thấp tè của nó không đủ để tố cáo nó hay sao?

    Tôi im lặng một lát để suy nghĩ sẽ chửi nó như thế nào cho phải, nhưng khi tôi chỉ vừa gọi nó là "thằng chó.." thì phía bên kia đã vang lên tiếng tút tút. Mặc kệ, tôi vẫn cứ chửi nó, chửi luôn cái điện thoại, và với một giọng chỉ đủ để mình tôi nghe thấy, tôi chửi bất kỳ ai nhìn vào mình.

    Tôi không ngụy biện, nhưng thực sự thì tôi không phải là một kẻ thô tục, thiếu văn hóa. Tôi chỉ cảm thấy bức xúc và cần được giải tỏa, và tôi cảm thấy thoải mái hơn thật.

    Ngoài thằng Vũ ra, tôi còn vài đứa bạn nữa, nhưng bọn chúng bận học thật. Chúng học cả ngày, sáng, trưa, chiều, tối, và cả ban đêm. Tôi e rằng thời gian mà bọn chúng dành cho việc ngủ còn ít hơn cả Leonardo Da Vinci.

    Bọn chúng dường như không có thời gian nghỉ ngơi, hay để làm bất kỳ một việc gì khác, ngay cả ăn uống hay đi vệ sinh cũng được chúng thực hiện trong tư thế vội vàng, tôi tin chắc là vậy.

    Não bọn chúng, trong khoảng thời gian này, cho tới khi kết thúc kỳ thi đại học, chỉ dùng để nhồi nhét những phương trình toán học, những định luật vật lý, hay những phản ứng hóa học.

    Chịu, tôi chẳng thể nào học được kiểu đó. Nếu phải học như vậy, khả năng cao là cơ thể tôi sẽ nhão ra thành một vũng bùn, còn đầu óc tôi sẽ bị rối loạn và tôi có thể mắc bệnh tâm thần cũng không biết chừng. Thậm chí, tôi có thể bị lây bệnh trĩ vì ngồi chung ghế với một đứa nào đó ở lớp học thêm.

    Tôi không muốn như vậy, tôi học để có được những kiến thức cần thiết, chứ không học đến chết để rồi phủ định sạch trơn những kiến thức ấy sau khi ra trường. Tôi không ngụy biện đâu, thật đấy.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng sáu 2020
  3. NgoTieuKi

    Bài viết:
    196
    Chương 12

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khi vừa thở dài xong một hơi, tôi chợt thấy có những ngón tay đưa ra trước mắt mình. Đó là một đứa nhóc tầm năm - sáu tuổi, da đen nhẻm, và dưới ánh đèn nhá nhem, trông nó lại càng đen hơn. Nó mặc một bộ quần áo rách rưới, đi chân đất, tay cầm một cái mũ lưỡi trai - với cái lưỡi trai đã bị rách một nửa - có vài tờ một ngàn, hai ngàn bên trong.

    Tôi ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào đôi mắt ngây thơ của nó. Tôi không tin mấy vụ ăn xin này lắm, bởi tôi có nghe mẹ tôi kể rằng, bà từng bắt gặp rất nhiều người giả làm ăn xin, và bà bị lừa cũng không ít tiền.

    Thằng bé có chút rụt rè và sợ hãi khi tôi nhìn nó như vậy, nhưng nó không rời đi. Nó vẫn đứng im ở đó, trước mặt tôi, nhìn tôi bằng ánh mắt tội nghiệp.

    Tôi cắn nhẹ môi, giả vờ quay đi. Trước mắt tôi là chiếc xe đạp tàn tạ, nhưng trong đầu tôi vẫn là gương mặt đáng thương của thằng bé.

    Cuối cùng, sự lương thiện bên trong tôi đã chiến thắng. Tôi lục trong túi quần của mình được vài tờ tiền lẻ, nhưng tôi chỉ cho nó một tờ hai ngàn, vì tôi cũng nghèo lắm. Nhưng nó vẫn không đi, và vẫn trưng ra cái mặt khổ sở đó nhìn tôi.

    Trời ạ, không lẽ tôi phải nói với nó rằng tôi chẳng còn bao nhiêu trong người, và tôi cũng là một đứa nghèo mạt rệp chứ chẳng phải giàu sang gì.

    Nó không thấy chiếc xe đạp rỉ sét như một đống đồng nát của tôi sao? Hay là nó muốn tôi phải moi hết tất cả ruột gan, phải bán luôn cả chiếc xe đạp của mình để có tiền cho nó?

    Tôi bực mình quá, đành rút ra một tờ hai ngàn khác, vừa trừng mắt nhìn nó vừa bỏ tờ tiền vào trong cái mũ. Chẳng lẽ thằng nhóc ấy chưa được đọc câu chuyện Người Ăn Xin của Tuốc-ghê-nhép hay sao?

    Khổ thật, tôi quên mất là có thể nó không được đi học. Nhưng dù sao thì tôi vẫn thấy ông lão ăn xin của Tuốc-ghê-nhép đáng tin hơn thằng nhóc ấy, bởi vì ông ta chẳng xin xỏ được thứ gì.

    Sau khi thằng bé rời đi, tôi cảm thấy hơi đau ở phía dưới. Chắc là do khi nãy tôi uống hơi nhiều trà đá. Tôi có chút hối hận vì đã vội vã rời khỏi quán cà phê mà chưa kịp giải quyết chuyện này. Mải dây dưa với thằng nhóc ăn xin mà tôi phải nhịn thêm một lúc nữa, và giờ thì cơn đau đã trở nên rất là quyết liệt.

    Tôi nghĩ đến việc vào một quán cà phê, gọi một phần nước rồi tranh thủ chui vào cái toilet ở đó. Nhưng có vẻ như là bất khả thi, vì ở gần bờ biển chỉ có những quán cà phê đèn mờ, và một đứa học sinh như tôi thì không thể xuất hiện ở đó, mà tôi cũng không có tiền để vào đó. Còn nếu đi xa hơn, tôi e rằng mình sẽ bị nổ bong bóng đến chết mất, tôi phải đạp xe nữa mà.

    Tôi nhìn mặt biển đêm dịu dàng, tôi đã giãi bày tâm tư không biết bao nhiêu lần trong lòng đại dương, khi đang đắm mình giữa làn nước mát lành. Nhưng lúc này, tôi không thể xuống nước được, tôi không có quần áo để thay, và tôi cũng chưa muốn về nhà.

    Tôi nhìn hàng dừa trên bờ cát trắng, rồi lại nhìn không gian có phần vắng vẻ ở xung quanh. Lần gần nhất tôi để con người khác trong tôi trần trụi với thiên nhiên cách đây cũng rất lâu rồi, hồi tôi còn học lớp sáu.

    Đó là một buổi tối, khi tôi đang chơi năm mười với mấy đứa trong xóm thì xuất hiện cái cảm giác giống hệt như bây giờ, và thế là tôi tưới nước lên bức tường của một ngôi nhà gần gần mình nhất.

    Đau lòng thay, tôi đang làm nửa chừng thì bà chủ nhà về, thế là tôi vừa xả phần còn lại vừa phải nghe những lời sỉ vả của bà ta. Sau đó thì trò chơi năm mười kết thúc đối với tôi, vì tôi bị bà ta tóm cổ rồi lôi về nhà để mắng vốn với mẹ tôi.

    Lúc đó, tôi giận bà ta lắm, nhưng giờ nghĩ lại thì bà ta cũng khá nhân đạo, khi đợi tôi giải quyết xong rồi mới lôi tôi đi. Mẹ tôi không la rầy tôi nhiều, nhưng kể từ đó, tôi không đi bậy ngoài đường nữa.

    Nghĩ về chuyện ấy, tôi lại cảm thấy khá là khó xử. Tôi nên cố nhịn và tìm một chỗ dành cho việc đó để bảo vệ môi trường, hay hành xử một cách ích kỷ để thỏa mãn bản thân đây?

    Thật khó hiểu là tôi vẫn có thời gian để tung đồng xu, và lời khuyên của nó là chọn cách thứ hai.

    Ơn trời là như thế, bởi tôi không có thời gian để tung nó lại lần nữa. Thế là tôi khóa chiếc xe của mình vào chân của chiếc ghế đá, rồi chạy thật nhanh xuống bãi cát.

    Tôi núp sau một gốc cây dừa, và bắt đầu tưới nước vào bộ rễ của nó. Thật may mắn là tôi không nhìn thấy ai ở xung quanh, bởi tôi đang bận nhắm mắt lại để tận hưởng cảm giác thư thái trong tâm hồn.

    Nghĩ gì thì nghĩ, trước sau gì nước trong cơ thể tôi cũng được trả lại cho đại dương thôi. Tuy quá trình xử lý có hơi khác nhau, nhưng kết quả thì vẫn vậy.

    Mà dù sao thì, cái thứ tôi đang xả ra cũng không ô nhiễm bằng nước thải của các nhà máy trong các khu công nghiệp. Nhiều lúc, những cái nhà máy ấy cũng có "đi vệ sinh" đúng chỗ đâu.

    Tôi vừa tưới nước, vừa giải thích những điều đó với cây dừa, hi vọng rằng nó sẽ không giận dữ mà ném trái dừa vào đầu tôi. Sau khi giải quyết xong, tôi vỗ vỗ vào thân cây và cảm ơn nó, vì đã cảm thông cho tôi. Thật là thoải mái!

    Tôi quay trở lại chiếc ghế đá trên bãi cỏ, và, có một thằng nhóc đang ăn vụng chiếc bánh của tôi. Tôi hét lên, rồi chạy tới túm lấy đầu nó.

    Khốn kiếp, cái bánh tôi còn chưa động đến, dù chỉ một miếng nhỏ.

    Thằng nhóc giãy giụa, nhưng không thoát khỏi tay tôi được. Cho tới khi bình tĩnh lại, tôi mới nói năng một cách bình thường hơn và nghe nó giải thích.

    Nó nói rằng vì thấy cái bánh của tôi để hớ hênh nên mới tưởng là đồ người khác bỏ đi. Thỉnh thoảng, người ta vẫn hay bỏ những thứ còn ăn được như vậy, và mọi việc chỉ là hiểu nhầm.

    Đúng là tôi cũng có mở cái hộp ra từ trước, và không kịp đóng lại trước khi bỏ đi tâm sự với cây dừa. Có lẽ thằng nhóc không nói dối.

    "Lỡ bánh có độc thì sao?" - Tôi vô tình nghĩ đến chuyện nàng Bạch Tuyết và hỏi bâng quơ, nhưng câu trả lời của thằng bé khiến tôi ngỡ ngàng: "Cùng lắm là chết thôi, dù sao thì sống thế này cũng chẳng vui vẻ tí nào!".

    "Sao..", tôi định hỏi nó là sao không nhảy xuống biển luôn đi cho khỏe, nhưng may là kịp ngậm cái mồm của mình lại. Suýt nữa thì tôi có thể đã giết một đứa bé vô tội, bằng lời nói của mình. Khỉ thật, tôi bị nhiễm cái tật xấu của bà cô chủ nhiệm lúc nào không biết nữa.

    Để sửa chữa cho sai lầm mà mình suýt chút nữa gây ra, tôi lấy một tờ năm ngàn cho thằng bé. Có thể với người khác, năm ngàn không là gì, nhưng đó lại là con số chiếm tỷ lệ lớn trong tổng tài sản của tôi.

    Đừng phán xét tôi, tôi như vậy là hào phóng lắm rồi, lòng tôi vẫn còn đau như cắt đây này. Mà tôi cũng cho thằng bé luôn cái bánh của mình, một phần vì trông nó có vẻ lâu rồi chưa được ăn no, một phần vì đôi bàn tay lâu ngày chưa rửa của nó cũng đã rờ rẫm khắp cái bánh.

    Thằng bé cảm ơn tôi rối rít rồi chạy đi. Hướng chạy của nó, cùng hướng với thằng nhóc lúc nãy xin tiền của tôi.

    "Có khi nào hai đứa nó?" - Tôi thốt lên. Nhưng mà thôi, dù sao thì tôi cũng chỉ mất có chín ngàn đồng và một cái bánh, còn nếu bọn chúng thực sự khó khăn, thì tôi đã làm được một việc có ý nghĩa trong cuộc đời mình.

    Tôi ngồi nhìn cây đèn cầy và chẳng biết làm gì với nó nữa. Nghĩ ngợi thế nào, tôi lại chạy xuống bãi cát. Gió thổi về hướng đông nam nên tôi đứng hơi lệch về hướng bắc so với cây dừa khi nãy. Tôi đào một cái hố và cắm cây đèn cầy vào giữa. Tôi đốt nó bằng cái hộp quẹt, có chút chật vật vì gió và hơi thở ẩm ướt của biển.

    Cẩn thận che cho ngọn lửa nhỏ bé không bị thổi tắt đi, tôi ngắm nhìn ánh sáng yếu ớt nhưng kiên cường của nó, và nhớ đến mấy câu đầu trong bài hát yêu thích của mình. Hóa ra, không phải thứ gì lấp lánh cũng là vàng, nhưng có khi còn quý hơn cả vàng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng sáu 2020
  4. NgoTieuKi

    Bài viết:
    196
    Chương 13

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sau khi tự hát chúc mừng sinh nhật cho chính mình và ngồi chờ cho cây đèn cầy cháy hết, tôi rời khỏi bãi biển, vì cần phải bỏ thứ gì đó vào bụng.

    Tôi định mua một ổ bánh mì gặm cho nhanh. Tôi biết có một tiệm bánh mì rất ngon chỉ bán vào buổi tối, tuy hơi xa nhưng tôi cũng đang rảnh, nên không có vấn đề gì.

    Nhưng trên đường đi, tôi gặp phải một đôi vợ chồng già, họ chở nhau trên một chiếc xe đạp ở phía trước mặt tôi, và tôi không có cách nào vượt lên được.

    Đường thì không lớn, mà ông già ấy đạp xe cứ rề rề rà rà, đã vậy chốc chốc còn dừng lại, nói cái gì đấy với bà lão. May cho họ là tôi không phải dạng người cục súc, và tính kiên nhẫn cũng cao.

    Tôi cứ thế đạp xe chầm chậm phía sau bọn họ. Con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo chỉ dài có vài chục mét, nhưng phải mất hơn mười lăm phút tôi mới nhìn thấy đầu bên kia của nó.

    Đến cuối đường, ông già dừng xe lại trước một xe hủ tiếu gõ, và lại quay ra sau nói chuyện với bà lão. Khi bà lão gật đầu, ông già mới chầm chậm bước xuống xe, đỡ bà vợ của mình.

    Tôi có chút mắc cười về cảnh tượng này. Một tay ông ta giữ lấy chiếc xe, một tay thì đưa cho bà vợ để đỡ bà xuống. Cả hai cánh tay của ông già cứ run lên liên hồi, giống như có cả cái xe bỏng ngô đang hoạt động hết công suất ở trong đó vậy.

    Nếu như bà cụ không tự mình bước xuống được, tôi cá là cả ba đã nằm ra giữa đường rồi, tính luôn cả chiếc xe đạp. Bọn họ làm tôi quên mất món bánh mì của mình và đi vào quán hủ tiếu. Tôi ngồi ở bàn kế bên hai người bọn họ, gọi một tô bình thường và âm thầm quan sát.

    Ông già ấy làm cái gì cũng chậm chạp, ngắt có mấy chiếc lá rau sống thôi mà mất hơn mười lăm phút, và khi ông ta nêm gia vị xong thì mấy sợi hủ tiếu cũng muốn mềm nhũn ra luôn rồi.

    Có lẽ ông ta không biết sự lề mề của mình khiến người khác khó chịu đến mức nào. Đã thế, ông ta lại còn giành làm hết, không cho bà vợ động tay động chân đến thứ gì. Vậy mà bà cụ ấy cũng kiên nhẫn ngồi chờ đợi.

    Điên thật, hai vợ chồng già ấy vừa bắt đầu ăn thì tôi đã chén xong bữa tối của mình. Tôi có lý do để ngồi thêm chút nữa, nhưng tôi lại chẳng thể giải thích điều đó với ông chủ quán được, dù chẳng cần phải giải thích nếu tôi cứ muốn ngồi lại. Tôi đành phải tính tiền rồi rời đi.

    Tôi cảm thấy có chút tức tối trong người. Tôi chỉ mới nghe được rằng hôm nay là sinh nhật bà cụ nên ông lão ấy mới chở bà đi dạo, rồi bọn họ hẹn nhau sáng sớm ngày mai ra bờ biển ngắm bình minh, và tháng sau sẽ kỷ niệm năm mươi năm ngày cưới.

    Tôi muốn nghe mấy chuyện linh tinh lang tang của họ thêm nữa, bởi kể từ khi bà tôi mất, lâu rồi tôi chưa được nghe mấy người già kể chuyện như vậy, dù là tôi được kể cho nghe hay chỉ nghe lỏm.

    Nhưng tôi càng thấy tức hơn, khi chợt nhận ra là mình vẫn có thể gọi thêm một tô hủ tiếu nữa, và vậy là có lý do để tiếp tục ngồi nghe câu chuyện của đôi vợ chồng già nọ.

    Tức thật, tại sao lúc nào cũng xong xuôi hết mọi chuyện, tôi mới nghĩ ra cách giải quyết tốt hơn? Biết bao nhiêu lần tôi bị như vậy rồi, nhưng vẫn không tránh được. Chán ơi là chán!

    Tôi lại đạp xe lòng vòng mà chẳng biết đi đâu. Cái thành phố này nhỏ thật, chẳng có mấy nơi để tôi có thể dừng chân, dù cho vẫn chưa đi hết mọi ngóc ngách của nó nhưng tôi cũng biết được điều này.

    Nói là thế, nhưng tôi vẫn cứ thử đổi hướng đi của mình xem sao, thế là tôi bẻ tay lái và rẽ vào một con đường khác so với dự định ban đầu.

    Tôi lạc vào một đoạn đường hơi tối, cách một quãng dài mới có một cây cột đèn, mà không phải cái đèn nào cũng sáng, và sự vắng vẻ của nó khiến tôi có chút sợ.

    Tôi nghĩ, lỡ đâu có vài thằng ất ơ nào đó, cùng với cái ống chích trên tay, từ trong bóng tối lao ra và chặn xe tôi lại. Bộ dáng của bọn chúng, ừm, có lẽ là khá gầy gò và xanh xao, đứa nào đứa nấy cũng cởi trần và xương xẩu nổi lên khắp lồng ngực, trông chẳng khác gì những cái xác ướp sống lại.

    Và thế là tôi bị cướp mất chiếc xe đạp, rồi tôi lại phải giải thích với mẹ mình về những chuyện đã xảy ra, sau đó là nghe ông bố say xỉn của tôi suốt ngày nói rằng "Mày không biết đánh lại à? Dăm ba cái thằng xì ke mà cũng sợ".

    Ông bố của tôi chắc chắn sẽ nói những lời đó, vì hồi năm lớp bảy, tôi từng bị một thằng lớn con cầm dao dí vào mặt rồi cướp đi chiếc xe đạp "xịn" của mình, sau đó thì ngày nào bố tôi cũng hỏi tôi sao không đánh lại nó.

    Rõ ràng, ông ta xem chiếc xe đạp quan trọng hơn cả tính mạng của con mình. Nhưng điều phiền phức nhất đối với tôi là phải đi bộ về nhà, mỏi chân lắm.

    Khốn nạn thật! Điều tôi không muốn cũng xảy đến. Phía trước tôi khoảng năm mươi mét, ngay trước cổng của một ngôi trường mẫu giáo, một đám gần chục đứa xăm trổ đầy mình đang tụ tập ở đó.

    Trên đoạn đường vắng, sự xuất hiện của tôi giống như một cái gì đó có khả năng thu hút sự chú ý cực mạnh, giống như cả cơ thể tôi đang phát sáng vậy.

    Giờ mà tôi đi qua đó thì chết chắc. Thế là tôi quay đầu xe và bỏ chạy thục mạng, tưởng như chiếc xe của tôi có thể tan nát ra bất cứ lúc nào.

    Phía sau lưng tôi, tiếng nẹt pô, tiếng rú ga bắt đầu vang lên ầm ĩ.

    "Lạy ông địa, xin hãy phù hộ cho con qua kiếp nạn này!" - Tôi không ngừng lẩm bẩm trong miệng.

    Có vẻ như lời khẩn cầu của tôi đã được nghe thấy, tôi kịp chạy tới con đường đầy ánh sáng diệu kỳ phía trước mà không bị làm sao cả. Nhưng khi đã an toàn, tôi lại có chút tò mò. Tôi đứng nấp sau một góc tường và nhìn bọn chúng.

    Hóa ra, đó chỉ là những đứa nhóc đang tập tành đua xe, và chúng chỉ dám gầm rú trong cái đoạn đường tối tăm ấy - thế giới riêng của chúng.

    Mặc dù vẫn còn lành lặn, nhưng tôi cũng cảm thấy sợ hãi trước sự dại dột của mình. Tôi không nên đi vào những đoạn đường vừa vắng vẻ, vừa tối tăm như thế nữa. Tôi không chắc mình sẽ có lần may mắn thứ hai.

    Hây da, tôi chỉ định thay đổi một chút cho thông thoáng đầu óc, ai biết đâu lại đi vào ngõ cụt thế này. Cuối cùng, tôi vẫn phải lết cái bộ mặt ủ rũ của mình đi lang thang dọc theo con đường biển, và tôi thấy thoải mái hơn chút xíu.

    Có lẽ, không phải lúc nào con người cũng cần phải thay đổi mới có thể tốt hơn. Nếu như chưa thể trở nên tốt đẹp với những thứ mình đang có, tôi chẳng cần phải thay đổi bất kỳ điều gì cả.

    Tôi cứ thế lướt đi trong đêm, nhìn những ngọn đèn phía trên đầu lùi về sau. Xung quanh tôi, những chiếc xe cứ lao vùn vụt về phía trước.

    Đã hơn chín giờ tối, bọn họ vội vã như vậy để làm gì chứ? Cuộc sống của họ vội vã cả một ngày dài như vậy chưa đủ sao?

    "Có thể họ vội về nhà để có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn" - Tôi tự trả lời câu hỏi của mình.

    Nhưng rồi, tôi lại nghĩ, họ có chạy nhanh đến mấy cũng chỉ có thêm được mười, hoặc mười lăm phút ở nhà là cùng. Trong khi đó, cứ chầm chậm thế này, tận hưởng những làn gió mát mẻ, chẳng phải thư thái tâm hồn hơn sao?

    Tôi chợt nhớ đến đoạn trích Bến Quê của nhà văn Nguyễn Minh Châu mà mình đã học hồi cấp hai. Mặc dù những người đi ngang qua trước mắt tôi không giống như nhân vật trong câu chuyện, một người đã đặt chân khắp nơi trên quả địa cầu này, nhưng với tôi, bọn họ cũng không khác nhau mấy.

    Bọn họ đều chỉ có thể biết được khung cảnh xung quanh với mình đẹp đẽ thế nào, nếu như họ không còn đủ sức để đi đến những nơi mà họ cho là họ muốn đến.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng sáu 2020
  5. NgoTieuKi

    Bài viết:
    196
    Chương 14

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mà kệ đi, mỗi người có một suy nghĩ, họ có cảm nhận riêng của họ, tôi chẳng cần quan tâm làm gì, và họ cũng chẳng thể nào biết được suy nghĩ của tôi.

    Tôi đạp xe cho đến tận cuối con đường bên bờ biển, ở đó có một cây cầu dài bắc ngang qua cửa sông. Tôi không biết có cây cầu nào dài hơn không, nhưng nó là cây cầu dài nhất tôi từng thấy.

    Tôi xuống xe và dắt bộ lên cầu. Không phải tôi không đủ sức đạp lên, mà là chiếc xe của tôi không chịu đựng được con dốc cao như vậy.

    Tiếng kêu lạch cạch của chiếc xe đạp bị át đi trong tiếng gió lồng lộng và tiếng sóng biển rầu rĩ không ngừng. Tôi lên đến nơi cao nhất của cây cầu, đứng dựa vào lan can, và nhìn không gian thăm thẳm trước mắt.

    Tôi nhắm mắt lại và không muốn suy nghĩ gì nữa. Hôm nay có lẽ là một ngày dài, một ngày sinh nhật đáng nhớ, một mốc thời gian đặc biệt trong cuộc đời tôi.

    Tôi mở mắt ra vì cảm nhận được vài ánh mắt đang hướng về mình, nhưng lướt đi rất nhanh về phía cuối con dốc của cây cầu.

    Họ không cho rằng tôi định nhảy xuống đấy chứ? Nghĩ lại thì, đúng là có vài vụ nhảy cầu tự tử ở chỗ tôi đang đứng thật.

    Nhưng không lẽ họ không thấy tay tôi đang nắm chặt lấy chiếc xe của mình sao? Làm gì có ai sắp chết mà vẫn còn luyến tiếc chiếc xe đạp cà tàng như vậy chứ, dù cho đó là tài sản lớn nhất của tôi lúc này.

    Tôi chỉ đang tận hưởng khung cảnh yêu thích của mình thôi. Mà dù cho tôi có chán ghét cuộc đời này như thế nào, thì đó cũng không phải lý do để chết.

    Tôi mở điện thoại để xem giờ. Mỗi lần thấy trống rỗng là tôi lại làm việc này, thậm chí có khi cứ cách một - hai phút là tôi lại mở điện thoại lên.

    Cũng có thể tôi đang chờ ai đó gọi điện cho mình, chứ không phải chỉ để xem giờ. Chẳng có ai gọi điện cho tôi cả, trừ mẹ tôi, mỗi khi bà nghĩ rằng tôi bị lạc, hoặc đã quá trễ để một đứa như tôi vẫn còn ở ngoài đường, và tôi sẽ bị nguy hiểm gì đó.

    Đối với tôi, lúc này vẫn còn sớm, nhưng với mẹ tôi thì lại là trễ. Có lẽ tôi nên về nhà, tôi chẳng thể bị xử trảm chỉ vì năm chục ngàn được. Và dù rằng, ở đó có những chuyện tôi không thích nhất, nhưng cũng là nơi có người yêu thương tôi nhiều nhất.

    Tôi đứng chờ năm phút nhưng mẹ tôi vẫn chưa gọi. Chán thật, những lúc bình thường, khi tôi không muốn nghe điện thoại thì bà lại gọi, còn lúc tôi muốn nhận một cuộc điện thoại từ bà thì lại chẳng thấy đâu.

    "Không lẽ mẹ tôi vẫn nghĩ tôi đang tiệc tùng sinh nhật cùng lũ bạn?" - Tôi thở dài suy nghĩ. Có lẽ tôi nên tự giác về nhà vẫn hơn.

    Đi được phân nửa đoạn đường về nhà, tôi gặp một đám đông đang tụ tập trong một con hẻm nhỏ. Tôi cũng không vội, nên tiến đến gần để xem xem có chuyện gì.

    Tiếng bát đĩa vỡ kêu loảng xoảng, tiếng đập phá đồ đạc, tiếng chửi bới mỗi lúc một rõ ràng.

    Tôi dựa chiếc xe của mình vào một bức tường gần đó, khóa lại một cách cẩn thận. Khi tiến đến sát bên ngoài vòng vây, tôi cố chồm người lên và nhìn qua khe hở giữa những cái đầu.

    Phía sau vòng người, bên trong một ngôi nhà khang trang, một người đàn ông say xỉn đang đánh đập một người phụ nữ và một đứa nhóc khoảng bảy tuổi.

    Phía trước tôi là một cái đầu cao ngang tầm mắt, và những sợi tóc hôi rình ở đó không ngừng chọc vào hai lỗ mũi khiến tôi có chút khó chịu.

    Tôi vỗ vai anh ta hỏi xem có chuyện gì, thì được giải thích rằng người đàn ông đang quát tháo ầm ĩ phía bên trong là chồng của người phụ nữ, và là bố của đứa bé kia. Ông ta, sau khi nhậu say về, nói gì đó với thằng bé, nhưng nó cãi lại và bị đánh, rồi bà mẹ chạy ra can ngăn thì cũng bị ăn đòn nốt.

    Thật không thể nào tin được, bây giờ là thế kỷ hai mươi mốt rồi chứ có phải thời tiền sử đâu, vậy mà cái miệng của thằng cha đang nói chuyện với tôi lại hôi rình như thể ba ngày chưa đánh răng vậy.

    Sau khi không thể nhịn thở thêm được nữa, tôi ra hiệu rằng mình đã hiểu chuyện và bảo anh ta tiếp tục xem bên trong thế nào. Tôi nhìn không rõ lắm, nhưng vẫn thoáng thấy người đàn ông đó hết đấm thì lại đá, từ trên mặt cô vợ cho đến trên người thằng con.

    Khốn nạn, sao loại người tàn bạo đến như thế vẫn tồn tại được ở trong cái xã hội văn minh này. Tôi không biết thằng bé đã nói gì, nhưng tôi chắc chắn rằng ông ta hoàn toàn sai, bởi những kẻ say xỉn chẳng có lúc nào đúng cả. Những kẻ đó đã sai ngay từ khi bắt đầu say rồi.

    Nhưng càng khốn nạn hơn là, những người đang đứng xem kia, không ai có vẻ gì là sẽ ngăn cản, hay có bất kỳ hành động nào khác để chấm dứt hành động của người đàn ông đó lại cả, dù cho cánh cửa đang mở toang mời gọi.

    Bọn họ, với những cái bĩu môi cùng những lời đánh giá về sự độc ác của người đàn ông, đang dùng điện thoại để quay lại cảnh tượng ấy.

    Một người đàn ông béo lùn gần đó cười nhạt và nói: "Đánh cho sướng tay, mai lại quỳ gối lạy lục xin lỗi, lúc đó thì lại nhục cái mặt".

    Nhục? Tôi chẳng hiểu sao có thể cảm thấy nhục nếu như phải xin lỗi, sau khi làm sai một việc gì đó.

    Cái hành động đánh đập vợ con kia mới thực sự là nhục nhã. Một người lẽ ra phải là trụ cột trong gia đình, nhưng lại ra tay hành hạ chính những người mà gã phải bảo vệ, những người chân yếu tay mềm, không có chút khả năng phản kháng.

    Tôi lại nghĩ đến mấy đứa trẻ hư hỏng trong quán cà phê lúc chiều, có khi nào linh hồn của bọn chúng cũng đã bị tàn phá một cách nặng nề như thế này không?

    Nhưng, theo như lời người đàn ông béo lùn kia nói, thì chuyện này vẫn thường xuyên xảy ra. Tại sao người phụ nữ kia vẫn cứ chịu đựng một người đàn ông như vậy? Tại sao không chấm dứt với ông ta đi? Không lẽ chị ta thích ăn đòn đến thế?

    Nhưng còn đứa bé, nó đang khóc la ầm ĩ thế kia mà, sao lại bắt nó phải chịu đựng cùng với mình chứ? Chẳng lẽ vì những lời xin lỗi, và có thể là những lời hứa hẹn sẽ thay đổi, của người đàn ông kia sao?

    Nhưng, lời xin lỗi sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu như người ta vẫn mắc lại lỗi lầm đó, chẳng phải như thế sao?

    Có cả mười vạn câu hỏi vì sao hiện lên trong đầu tôi, nhưng tôi chẳng biết phải trả lời như thế nào nữa. Tôi nắm chặt hai nắm đấm và muốn làm điều gì đó.

    Nhưng, nếu tôi cứ tự tiện mà xông vào như thế thì có bị tính là xâm nhập gia cư bất hợp pháp không nhỉ? Mà trông ông ta to lớn quá, lỡ như ông ta có võ, có khi tôi chẳng giúp được gì mà lại thành trò cười cho thiên hạ. Người phụ nữ kia cũng không hề kêu cứu, có thể chị ta vẫn còn chịu đựng được thêm chút nữa.

    Nhưng.. Khốn kiếp, sao bỗng nhiên tôi lại trở thành một người lý trí như vậy? Tôi muốn đập tan đi những lý do của mình và làm điều mà mình nên làm.

    Nhưng, chẳng phải những người kia cũng như vậy sao? Có vài người trông còn lực lưỡng hơn tôi nữa. Tôi định làm gì? Và hành động anh hùng của tôi sẽ được gì? Đâu phải lúc nào làm một việc tốt, thì kết cục của tôi cũng sẽ tốt đẹp.

    Mà cho dù tôi kết thúc được chuyện của ngày hôm nay, thì những ngày sau đó sẽ thế nào? Tôi chẳng thể túc trực mãi ở đây để ngăn chặn việc đó không tái diễn lần nữa. Tôi đầu hàng.

    Nói chung, tôi có lý do chính đáng để không can dự vào chuyện nhà người khác. Tôi nhìn lại những gương mặt xung quanh mình lần nữa trước khi rời đi. Có lẽ, họ cũng có những lý do của riêng mình.

    Khi họ đã có một lý do, thì nhiều lý do khác cũng sẽ xuất hiện. Chúng liên kết với nhau thành một sợi xích dài, siết chặt lấy linh hồn của mỗi người, ngăn không cho bọn họ có những hành động thiếu lý trí, cho dù có thể mang đầy tính nhân đạo.

    Khi những sợi xích của người này liên kết với của người khác, nó sẽ trở thành một sợi xích lớn hơn, rồi cứ thế mà kéo dài ra, dài ra mãi. Và nếu như có một người nào đó đến gần, một người không mang trong mình những sợi xích, họ cũng sẽ bị những sợi xích kia quấn lấy, rồi trở thành một mắt xích mới.

    Tôi cảm thấy bản thân có chút không ổn. Cả người tôi đang trở nên rất nặng nề. Có lẽ, tôi cũng đang mang trong mình một sợi xích.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng sáu 2020
  6. NgoTieuKi

    Bài viết:
    196
    Chương 15

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi chợt nhớ đến mẹ. Thật may là bà không bị như người phụ nữ kia, mỗi khi bố tôi say. Hoặc cũng có thể là tôi không nhìn thấy chuyện đó, bởi không phải lúc nào tôi cũng ở nhà.

    Suy nghĩ đến đây, tôi đạp xe nhanh hơn trước. Tôi cố gắng đi thẳng một mạch về nhà, không quan tâm đến bất kỳ chuyện gì giữa đường nữa. Bố tôi có đánh tôi thì cũng không sao, bởi tôi quen với việc đó rồi, nhưng mẹ tôi thì khác.

    Nếu chuyện đó xảy ra, tôi không biết liệu tôi có đủ sức để vượt qua bức tường lý do cao chót vót của mình không nữa, nhưng tôi sẽ cố.

    Dù đã đi nhanh, nhưng cũng phải mười giờ hơn tôi mới về đến nhà. Bên trong vẫn sáng đèn. Cửa đã đóng, nhưng không khóa.

    Tôi có chút hồi hộp bởi sự yên tĩnh của không gian xung quanh. Và khi cánh cửa mở ra, tôi nhìn thấy một cảnh tượng chưa từng xuất hiện trong cuộc đời mình.

    Mẹ đang ngồi ở giữa nhà đợi tôi, với một chiếc bánh sinh nhật, một chiếc BÁNH KEM sinh nhật đúng nghĩa.

    Dù cho tôi đã mười tám tuổi, nhưng lại là lần đầu tiên tôi có được một chiếc bánh sinh nhật, trong ngày sinh nhật của mình. Có ai mà không biết là những lần đầu tiên mang ý nghĩa đặc biệt như thế nào chứ, ví dụ như lần đầu tiên đi học, lần đầu tiên không bị ngã khi đi xe đạp v. V..

    Tôi không biết nói gì nữa, nước mắt tôi sắp rơi đến nơi rồi, nhưng may là khi tôi đưa tay lên dụi mắt thì không có giọt nước mắt nào chảy ra. Cảm giác của tôi lúc này.. tôi không biết phải diễn tả thế nào nữa.

    Nếu như có một người nào đó, lần đầu tiên sau mười tám năm, không được ai nhớ đến ngày sinh nhật nữa, không được tặng bánh kem nữa, thì cái cảm giác đau khổ của người đó lớn bao nhiêu, cảm giác vui sướng của tôi cũng lớn bấy nhiêu. Đại khái là như thế.

    Tôi muốn hét lên và nhào tới ôm chầm lấy mẹ, nhưng bà ra hiệu cho tôi im lặng. Phải rồi, bố tôi đang ngủ, tôi phải giữ im lặng, nếu như không muốn tự tay phá hỏng bữa tiệc sinh nhật của mình.

    Chúng tôi đốt nến, hát chúc mừng sinh nhật. Tôi nhắm mắt lại, đọc thầm điều ước bé nhỏ của mình rồi thổi tắt nến. Tôi ước gì ư? Chuyện đó là bí mật, bởi nói ra thì sẽ chẳng còn linh nghiệm nữa.

    Tôi và mẹ, mỗi người chỉ ăn một miếng bánh nhỏ, vì nếu ăn quá nhiều vào giờ này sẽ dễ bị béo lên, mà cũng không tốt cho sức khỏe. Phần bánh còn lại, tôi cất vào tủ lạnh, để dành ăn sáng.

    Sau khi đã làm xong những việc cần làm, tôi lên gác nằm ngủ, nhưng không sao quên được những chuyện đã xảy ra ngày hôm nay.

    Tôi mỉm cười, có phần hơi gượng gạo, khi nghĩ về bữa tiệc sinh nhật của mình. Nó cũng giống như của bao người khác, nhưng toàn bộ đều diễn ra trong im lặng. Cảm giác cứ như đang xem một video ca nhạc bị tắt tiếng, nhìn môi cô ca sĩ mấp máy nhưng lại chẳng hiểu cô ta đang hát gì.

    Có lẽ, ngoài tôi ra, chẳng còn ai khác được tổ chức sinh nhật một cách kỳ lạ như vậy.

    Sáng hôm sau, tôi thức dậy vào sáu giờ sáng như mọi khi, để chuẩn bị đến trường. Bố tôi đang ngồi ở ngay cửa ra vào, nhấm nháp một ly cà phê tự pha và hút một điếu thuốc.

    Ông không ăn sáng, bởi tiền mua một ổ bánh mì hay một gói xôi cũng đủ mua một chai rượu đế rồi, còn cơm mẹ tôi nấu thì không hợp khẩu vị của ông.

    Lúc nào bố tôi cũng chê các món mẹ tôi nấu, bởi ông nấu ăn ngon hơn thật. Nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả, vì ông rất ít khi nấu cơm cho chúng tôi. Tất cả những lần ông vào bếp đều là để làm đồ nhậu.

    Bố tôi ngồi trầm ngâm, nhìn về phía góc tường nhà đối diện. Con hẻm xóm tôi rất nhỏ, nên bức tường phía bên kia chỉ cách cửa ra vào nhà tôi có hai bước chân.

    Thỉnh thoảng, có người ở trong đi ra hoặc người ở ngoài đi vào, bố tôi phải cất đôi chân vào trong nhà, chờ cho người đó đi qua rồi mới thả xuống lại như trước.

    Có lẽ ông đang suy nghĩ về chuyện bị mất năm chục ngàn. Tôi hơi lo, nhưng cũng không sợ lắm. Chín mươi chín phần trăm là bố tôi chẳng nhớ gì về chuyện đó.

    Ông chẳng bao giờ nhớ những gì mình đã làm trong lúc say cả. Cũng giống như việc ông vẫn thường dạy tôi rất nhiều đạo lý, khi ông đang say, nhưng lại chẳng bao giờ nhớ và tự áp dụng cho chính bản thân mình.

    Ông ngồi nép vào một bên khi tôi đi qua. Tôi chào ông rồi đạp xe đi học, như chưa từng có chuyện gì xảy ra, và tôi cũng không biết về năm chục ngàn nào cả.

    Buổi sáng, ánh nắng dịu nhẹ chưa đủ để làm đám bụi đường trở nên khô khốc. Hai hàng cây bên đường buông đám lá lòa xòa ra phía ngoài, đôi lúc lại chạm vào mái tóc tôi khi tôi đi ngang qua chúng.

    Nói chung thì, đường từ nhà tôi đến trường khá yên bình, trừ đoạn chỗ ngã tư đèn xanh đèn đỏ gần trường. Chả hiểu sao, cứ tới khi đèn đỏ còn ba giây là người ta đã đi, trong khi phía bên kia, có lẽ là đèn vừa chuyển sang vàng, thì có vài chiếc xe lại phóng nhanh lên.

    Thế là cứ cách hai hoặc ba ngày, tôi lại bắt gặp một vụ va chạm ở đó, và hôm nay là một ngày như thế. Hai chiếc xe máy va chạm với nhau rồi té lăn quay ra giữa ngã tư, còn người trên xe thì bắt đầu sỉ vả nhau.

    Khi cuộc khẩu chiến xảy ra, những người xung quanh cũng dừng lại để xem, như thể họ đang xem một trận rap-battle chuyên nghiệp vậy.

    Và cứ thế, cái ngã tư dù khá rộng nhưng cũng bị kẹt cứng lại. Chỉ có những người quá bận rộn, hoặc những người khôn ngoan như tôi, mới có thể ngó lơ trước cuộc tranh luận không đáng đó.

    Thật khó hiểu, họ không thể đợi vài giây để chấp hành luật giao thông, nhưng lại có thể dành tận ba mươi phút để làm một việc vô nghĩa là đứng cãi nhau giữa đường. Không lẽ vì họ chưa tỉnh ngủ, nên cần phải vận động bộ não của mình một chút?

    Tôi đi qua cái ngã tư ấy, chợt nghĩ về mấy cái bùng binh. Nếu như chúng mà biết suy nghĩ, có lẽ chúng cũng cảm thấy tủi thân, bởi chúng đứng giữa các ngã tư quanh năm suốt tháng mà chẳng được nhiều người chú ý tới như vậy.

    Hai tiết học của ngày thứ bảy nhẹ tựa lông hồng. Môn công nghệ thì chẳng có gì đáng nói, nó dễ ợt đối với tôi. Từ năm lớp mười một, tôi đã nổi lên như một thần đồng môn này rồi, nhưng đáng tiếc đây chỉ là một môn phụ. Nhiều đứa còn cảm thấy tôi dở người khi tự hào rằng mình giỏi cái môn học vô nghĩa như vậy. Chẳng ai cần phải giỏi công nghệ để thi đại học cả.

    Nhưng gì thì gì, tôi vẫn cảm thấy thích, khi cả lớp chỉ có mình tôi là vẽ được cái khối ba chiều từ hình chiếu của chúng. Và có lẽ, những đứa chê bai tôi là bởi vì chúng tự ti với trí tưởng tượng nghèo nàn của chúng. Chúng lúc nào cũng biểu diễn cái lỗ tròn bằng hình elip nằm xéo theo cái khối đó, trong khi tôi chỉ cần nhìn cái miệng ly nước là biết phải vẽ như thế nào cho đúng.

    Còn về môn giáo dục công dân thì cũng chẳng có gì khó khăn, cứ học thuộc bài để làm kiểm tra là đủ, mà cũng chẳng có gì nhiều để học.

    Tiết học kéo dài bốn mươi lăm phút, nhưng hết ba mươi phút là chúng tôi ngồi chơi rồi. Tôi muốn nói lại lần nữa là, môn này chẳng có gì để học, toàn là những thứ chán ngắt được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

    Cứ tưởng giờ giáo dục công dân của chúng tôi sẽ lại kết thúc như mọi khi, thì tự dưng vài đứa bắt đầu nói chuyện lớn tiếng mà chẳng kiêng nể gì ai, và cả lớp trở nên ồn ào như cái chợ.

    Mọi thứ bắt đầu trở nên hỗn loạn kể từ khi con Mỹ la lên, trước khi làm rơi cái điện thoại của nó xuống đất. Nhưng rồi sau đó, tất cả âm thanh đột nhiên biến mất.

    Xung quanh tôi là một sự im lặng đến đáng sợ, cứ như cái đoạn không có tiếng trước khi mấy con ma xuất hiện trong phim kinh dị vậy.

    Sau một hồi căng màng nhĩ ra để nghe ngóng, tôi chỉ biết được là bọn chúng đang xem thứ gì đó trên mạng xã hội. Cái bọn này, sao không nói thẳng ra luôn đi.

    Mặc dù bà cô Vân ngồi phía trên không cấm sử dụng điện thoại, nhưng tôi không thích dùng thứ đó trong giờ học, bởi quy định ở trường là như vậy.

    Tôi là một người rất tuân thủ luật lệ, nếu thấy nó đúng đắn.
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng sáu 2020
  7. NgoTieuKi

    Bài viết:
    196
    Chương 16

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi quay qua quay lại, cố đọc trên những gương mặt quanh mình xem đang có chuyện gì, nhưng vô ích. Bầu không khí quỷ dị bao trùm khắp cả lớp, và gió từ những cái quạt trần thổi xuống cũng khiến tôi nổi da gà.

    Tôi nhìn cái đồng hồ treo ở cuối lớp, còn mười lăm phút nữa mới hết giờ. Tôi quyết định đợi. Nhưng sau ba trăm lẻ một giây dài đằng đẵng, tôi đành thay đổi quyết định của mình.

    Dù sao thì ngồi không như vậy cũng chẳng được tích sự gì. Tôi lấy điện thoại ra và đăng nhập vào mạng xã hội, lướt một vài dòng, nhưng chẳng thấy có gì mới mẻ.

    Tôi tìm kiếm trang cá nhân của con nhỏ ngồi sát bên cửa lớp, tên của nó là Bình Yên. Con bé đó chuyện gì cũng biết, giống như cả ngày của nó chỉ dùng để lên mạng xã hội đọc tin tức, rồi chia sẻ lại tất cả những thứ nó đọc được.

    Trang cá nhân của nó tạp nham đến nỗi tôi phải bỏ theo dõi nó để được yên bình, nhưng tôi vẫn giữ nó lại trong danh sách bạn bè của mình. Thứ cuối cùng mà con bé đó chia sẻ là một dòng trạng thái ngắn, được viết bởi một người tên Trần Hoàng Dương. Nguyên văn là:


    "Bố mẹ lúc nào cũng nói rằng: Sau này, khi con lập gia đình, khi con trở thành một người cha, con sẽ hiểu được những gì bố mẹ làm bây giờ là tốt nhất cho con.



    Nhưng, đó là chuyện của tương lai, và nó trừu tượng quá.



    Con chỉ có một thắc mắc là: Bố mẹ muốn con phải hiểu được những thứ chưa xảy ra, những thứ mà con, thậm chí là bố mẹ cũng chưa trải qua.



    Trong khi đó, cả bố và mẹ đều đã từng là những người con, từng sống ở độ tuổi của con, nhưng lại không hiểu con đang nghĩ gì, muốn gì, hay đang trải qua những gì.



    Con xin lỗi, nhưng mọi người tự hiểu nhau đi. Con mệt rồi!"

    Tôi kéo xuống những dòng bình luận bên dưới, nhiều lắm, chẳng thể nào đọc hết được. Cuối cùng thì tôi cũng kết luận được đó là một bức thư tuyệt mệnh, và người viết những dòng đó cũng đã chết.

    Buồn thật, đang sống sờ sờ như vậy tự dưng lại chết chi cho uổng. Cuộc sống của tôi cũng có tốt đẹp gì đâu, vậy mà tôi vẫn khỏe mạnh phây phây đấy thôi.

    Kiểu gì thì kiểu, ai mà chẳng có lúc vui lúc buồn, nhưng phải vì niềm vui mà sống, chứ nếu vì nỗi buồn mà chết thì có lẽ ai cũng chết hết cả rồi. Người ta nhìn lên bầu trời đêm để ngắm những vì sao, chứ có ai nhìn vào khoảng tối kia đâu.

    Tôi chợt thấy ảnh đại diện của người này có chút quen mắt, hình như tôi đã gặp ở đâu rồi. Tôi vào xem những bức ảnh khác của cậu ta, và lúc này mới biết, đó đúng là một người tôi đã từng gặp.

    Trần Hoàng Dương.. Dương Trần Hoàng.. khổ, họ tên trên mạng xã hội cứ bị đảo lộn, làm tôi chẳng biết ai là ai. Nhưng, rõ ràng là ngày hôm qua, tôi thấy nó vẫn còn đàn hát vui vẻ, yêu đời lắm mà. Sao nó lại có thể ra đi nhanh như vậy được chứ?

    Tôi chợt nhớ đến những câu hát của nó:


    Sâu trong đáy mắt, em nói gì?

    Hay

    Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi..

    Hình như nó chỉ hát có mấy từ như vậy, rồi im lặng và mỉm cười trong suốt thời gian chơi đàn sau đó. Có lẽ, chưa có ai từng một lần nhìn vào mắt nó và hỏi nó muốn gì, và nó cũng đã nói rằng ngày hôm nay sẽ đến.

    Bất giác, tôi cảm thấy có chút buồn, không nhiều lắm, nhưng là một nỗi buồn mà tôi chưa từng gặp trước đây.

    Tiếng trống trường vang lên, ngăn dòng suy nghĩ miên man của tôi lại. Tôi gói gém sách vở rồi ra về, giống như những ngày thứ bảy khác, nhưng cũng có gì đó không giống. Hình như, tôi không cảm thấy vui sướng và nhẹ nhõm khi tiết học cuối cùng trong tuần kết thúc nữa.

    Kỳ lạ thật, tôi chẳng quen gì với thằng Hoàng, nhưng lại bị ám ảnh mãi về cái chết của nó. Tiếng đàn, tiếng hát của nó cứ văng vẳng trong đầu tôi, chẳng thể nào chấm dứt.

    Không được, như thế này chẳng giống tôi chút nào. Nếu không chấm dứt những suy nghĩ vẩn vơ này đi, chắc tôi bị tự kỷ luôn mất.

    Không được, không được. Tôi lắc lắc cái đầu, để những thứ có liên quan đến thằng Hoàng văng ra ngoài. Tôi thở thật mạnh rồi đạp xe về nhà.

    Có lẽ tôi cần một giấc ngủ để bình ổn lại tâm trí của mình. Chỉ có khi ngủ, tôi mới thôi không suy nghĩ linh tinh. Cùng lắm là tôi nằm mơ và quên hết sạch mọi thứ khi tỉnh lại.

    Buổi sáng, chẳng có ai ở nhà nên khá yên tĩnh, và tôi có thể ngủ một cách thoải mái. Tôi không biết mình ngủ trong bao lâu, nhưng tôi đang mơ màng thì tiếng TV ở dưới nhà đánh thức tôi dậy.

    A a a a a a a a a!

    Tôi không biết có bao nhiêu chữ "a" trong tiếng thét của mình nữa. Tôi đang rất mệt mỏi vì phải ngủ trái giờ, lại thêm tâm trạng không được tốt, tại sao không cho tôi nghỉ ngơi chứ? Tôi đi xuống dưới, nhưng không có ai.

    A a a a a a a a a a a a a a a a a a a a a a ă!

    Tại sao lại không có ai? Tôi biết là ai đã mở TV, tôi nghĩ rằng người đó đang ngồi xem ở dưới nhà, nhưng sao lại không có?

    Không tôn trọng giấc ngủ của tôi đã đành, nhưng không tôn trọng đến mức đánh lạc hướng luôn cả những suy đoán của tôi thì sao mà chịu nổi chứ.

    Tôi cuộn chặt những ngón tay, nghiền mấy chiếc răng hàm của mình, gồng hết cơ trong người chỉ để nhấc chiếc remote nhẹ tênh lên.
    Tôi chuyển sang kênh hoạt hình rồi rút luôn dây điện của TV ra, còn cái remote thì bị tôi nhét vào trong tủ quần áo.

    Cái TV nhà tôi bị chạm, nên nếu muốn chuyển kênh thì phải có cái remote mới được, chứ mà nhấn mấy cái nút của cái TV thì tới Tết Ma-rốc mới dò đúng kênh muốn xem.

    Tôi đã ở chung nhà với bố tôi mười tám năm nên biết rõ một điều: Bố tôi mà mở TV lên là phải đúng kênh thời sự, dù nhiều lúc ông chẳng xem hay quan tâm đến những tin tức ấy.

    Tự nhiên cái suy nghĩ trêu tức được bố mình khiến tôi có chút hưng phấn, thế là tôi rửa mặt và ngồi vào bàn học, vừa làm bài vừa chờ đợi.

    Gần một tiếng sau, bố tôi về. Và việc đầu tiên ông làm chính là tìm cái remote - tôi biết được vì nghe tiếng chửi thề của ông.
    Năm phút sau, âm thanh của một bộ phim hoạt hình vang lên. Có lẽ bố tôi đã hết kiên nhẫn với cái remote.

    Sau đó, từ loa của cái TV, tôi nghe thấy tiếng bom nổ, rồi tiếng gầm gừ của sư tử, tiếng xe đua, tiếng đao kiếm chí chóe, tiếng ca nhạc, rồi lại là tiếng của bộ phim hoạt hình khi nãy.

    - Đại! Cái remote TV đâu?

    Tôi đang ngồi cười thầm thì cái giọng lè nhè của bố tôi vang lên ở ngay sau lưng, to đến nỗi khiến tôi giật bắn người. Ông đang đứng trên bậc thang cao nhất, nhìn chằm chằm vào tôi.

    - Con biết đâu, nãy giờ đang học bài mà.

    - Mày nói láo! - Ông quát lên, với cái giọng như của một tên cai ngục đang thẩm vấn phạm nhân, trong một bộ phim nào đó mà tôi từng xem - Nói, mày giấu nó ở đâu?

    - Con có giấu đâu, nãy giờ học bài trên này chứ có xuống dưới đó đâu mà giấu. Mà cũng tắt TV luôn đi, chứ để ồn không học bài được. - Tôi cố giữ bình tĩnh, nhìn vào đôi mắt đang long lên sòng sọc ấy. Tôi bày ra bộ mặt ngây thơ không biết gì, nhưng có lẽ câu nói phía sau đã tố cáo tôi.

    - Rõ ràng là mày - Ông ta hùng hổ bước hẳn lên trên, nắm lấy cổ áo tôi, phả hơi thở đầy mùi cồn vào mặt tôi - Mày giấu ở đâu, có nói không hả?

    - Không biết thì sao mà nói..

    Tôi cố gắng chối lần nữa, nhưng hoàn toàn không có tác dụng. Ông ta kéo tôi ra khỏi bàn học bằng tay trái, rồi quạt liên tiếp vào đầu tôi bằng tay phải.

    Lúc đó, mọi suy nghĩ, mọi nhân cách, mọi thứ liên quan đến phần người trong tôi đều bay theo những cú quạt đó. Tôi gạt tay ông ta ra rồi gào lên:

    - Suốt ngày nhậu nhẹt say xỉn, mở TV ồn ào như vậy ai mà học hành gì được nữa! Sắp thi đại học rồi đó ông có biết không hả?

    Tôi cứ tưởng những tiếng gào thét từ tận tâm can mình, thứ mà tôi đã dồn nén suốt bao năm qua sẽ thức tỉnh con người ấy. Nhưng không, làm gì có ai say mà tỉnh lại được dễ dàng như vậy, và một gã say lúc nào cũng ghét nhất bị người khác nói mình say.

    Ông ta vừa chửi tôi là thứ mất dạy, vừa lao vào đấm đá túi bụi. Phải rồi, ông ta đang say, nên làm sao nhớ được rằng ông chẳng dạy tôi được thứ gì ra hồn cả. Những lời nói đẹp đẽ sẽ chẳng bao giờ hóa thành vàng ngọc, nếu như được thốt ra bởi một tấm gương xấu xí.

    Tôi chẳng thể chịu đựng mãi được, thế là tôi xô ông ta ra lần nữa, nhưng lần này mạnh hơn. Ông ta ngã nhào xuống, khiến mọi thứ trên căn gác có phần rung rinh. Ông ta lại chửi rủa ầm ĩ và lao tới đánh tôi, và tôi, theo một phản xạ, đưa tay lên đỡ.

    Tôi thề, tôi chỉ đỡ thôi chứ không đánh lại, vậy mà ông ta lại ôm lấy cổ tay phải, nằm vật ra sàn rồi gào rú thảm thiết. Tôi nói thật, nếu mà Chí Phèo nhìn thấy cảnh tượng này thì cũng phải gọi ông ta bằng cụ.

    Tiếng chửi bới của ông ta khiến những người hàng xóm của tôi nghe thấy và chạy sang, thậm chí có người còn đi hẳn lên gác để xem cho rõ. Nhưng tôi chỉ biết lắc đầu nhìn tất cả bọn họ, những gương mặt tò mò lãnh đạm.

    Tôi bước qua những ánh mắt lạnh lùng ấy, rời khỏi căn nhà mục nát của mình.
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng sáu 2020
  8. NgoTieuKi

    Bài viết:
    196
    Chương 17

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi phóng xe thật nhanh trên đường như một thằng khùng. Những cảnh vật cứ vùn vụt trôi qua trước mắt, chẳng thể nhìn rõ vào thứ gì.

    Chiếc xe đạp kêu lạch cạch, như sắp rụng rời tất cả những con ốc vít của nó ra, nhưng nó vẫn lao đi như bay, vượt qua cả những chiếc xe máy.

    Tôi chạy đến một ngã tư, không nhìn rõ đang là giây thứ mấy, chỉ biết là ngọn đèn vàng đã nhấp nháy. Nhưng tôi không dừng lại được. Xe của tôi không có thắng.

    Tôi lách qua ngay trước mũi của một chiếc xe máy, đang lao đến từ phía bên phải. Tay lái loạng choạng, nhưng chiếc xe của tôi vẫn không ngã.

    Có tiếng chửi bới phía sau, nhưng tôi không ngoảnh đầu lại nhìn. Nhưng tại sao tôi lại né cơ chứ? Cứ để vụ va chạm đó diễn ra, biết đâu mọi thứ lại tốt hơn?

    Dưới những tia nắng chói chang, hai mắt tôi vẫn mở thao láo, bởi tất cả mọi thứ xung quanh đều đang bị bao phủ bởi một màn nước.

    Tôi lại nhìn thấy gương mặt của những người hàng xóm, phải chăng vì tôi từng thờ ơ trước sự bất hạnh của người khác, nên những người khác cũng thờ ơ trước nỗi bất hạnh của tôi? Hay phải chăng, những con người đó cũng từng bị bỏ rơi như vậy

    Trong đầu tôi hoàn toàn trống rỗng, hay đúng hơn là chất đầy những suy nghĩ trống rỗng. Gió bắt đầu thổi vào trong những suy nghĩ đó, tạo thành những âm thanh rền rĩ, giống như tiếng huýt sáo theo giai điệu của bài hát mà tôi vẫn thường nghe.

    Đôi mắt dần khô đi, tôi tưởng như đang nhìn thấy một chiếc cầu vồng phía chân trời xa xa, hoặc cũng có thể đó là chiếc thang dẫn lên thiên đường.

    Tôi cứ thế chạy theo nó, chạy theo cho đến khi không thể chạy tiếp được nữa, vì ngay trước mũi chân tôi đã là mặt biển bao la.

    Tôi có thể bơi!

    Nhưng không hiểu sao, hai cánh tay tôi chẳng thể nào đập nổi. Tôi tưởng mình như một con chim sẻ bị rơi xuống biển, bị những con sóng vùi dập, không có cách nào để bay lên với bộ lông đã ướt sũng.

    Và tôi cứ thế chìm dần.

    Lạnh, lạnh quá! Có ai ở đây không?

    Tôi gào thét, những bọt bong bóng trào ra khỏi miệng, kéo nhau lên phía trên để được vỡ tan. Tôi ngẩng đầu nhìn những tia nắng lấp loáng xuyên qua mặt nước, đưa tay về phía chúng, nhưng chẳng thể nào bắt lấy được. Những tia nắng mỗi lúc một xa dần, mỗi lúc một nhạt đi, rồi vụt tắt.

    Sao ngộp thở quá vậy? Tôi đang làm cái quái gì thế này?

    Tôi đứng bật dậy, ngoi lên khỏi mặt nước rồi ho sặc sụa. Cát ở dưới chân tôi, và mặt biển chỉ cao ngang ngực, nếu có chút gợn sóng thì cũng chỉ chạm vào đến cằm.

    Quái quỷ, sao tự nhiên tôi lại có cái suy nghĩ chết người như vậy chứ? Ướt hết cả quần áo rồi còn đâu! Cũng may là tôi đã để điện thoại và đôi dép của mình lại trên bờ, nếu không thì chẳng còn để mà xài.

    Tôi quạt hai cánh tay, cố thoát khỏi vũng lầy đang bao phủ quanh mình. Và khi tôi bước qua những con sóng, bàn chân tôi bắt đầu dính đầy những hạt cát nóng bỏng.

    Tôi thò tay vào trong túi quần, cảm thấy hạnh phúc vì thói quen để tiền của mình ở đó.

    Gần mười hai giờ trưa, tôi ngồi giữa bãi biển vắng tanh như chùa Bà Đanh, chờ cho những tia nắng làm bốc hơi sạch sẽ nước biển trên người mình, và trên cả những tờ tiền đang được trải ra trên khung sườn đầy rỉ sét của chiếc xe đạp.

    Nếu như có ai nhìn thấy tôi, chắc chắn họ sẽ nghĩ là tôi bị tâm thần. Buồn thay, có vài người nhìn thấy tôi thật.

    Nửa tiếng sau thì quần áo của tôi cũng phơi xong, và cả cơ thể tôi có mùi giống như của một con cá mòi khô. Mặc dù có chút khó chịu, nhưng vẫn còn hơn là cứ ướt nhẹp như một con sứa.

    Tôi vẫn ngồi lại trên bãi cát nóng cháy mông ấy, vì chưa biết phải đi đâu, và tôi chỉ đứng dậy khi cảm thấy hơi đói.

    Tôi đạp xe đi tìm một chỗ bán bánh mì, không hiểu sao tôi cứ nghĩ đến món này mỗi khi đói. Chiếc xe của tôi vấp vào một ổ gà trên đường, khiến tôi nhận ra có thứ gì đó bên trong giỏ.

    Là chiếc hộp quẹt tôi mua hôm qua.

    Tôi định vứt nó đi, nhưng lại thấy như vậy thì thật là lãng phí. Thế là tôi tìm đến tiệm tạp hóa hôm trước và mua một gói thuốc, loại mà bà già ở đó đã giới thiệu, rồi hướng về quán cà phê.

    Hôm nay, tôi muốn được buông thả.

    Giờ này, quán cà phê vẫn còn vắng, và có lẽ là thời điểm thích hợp để mấy đứa nhân viên xem phim, trên cái TV treo ở bức tường phía đối diện tôi.

    Đó là một bộ phim hoạt hình, và tôi thì không thể cưỡng lại được bất kỳ bộ phim hoạt hình nào. Tôi vốn thích những thứ màu mè và đáng yêu.

    Nội dung phim nói về cuộc phiêu lưu của một con cá màu cam, băng qua cả đại dương để giải cứu con trai của nó, một con cá màu cam khác, nhưng nhỏ hơn.

    Một bộ phim khá vui nhộn, nhưng vẫn có vài cảnh khiến tôi phải khóc. Vì không muốn người khác biết mình dễ xúc động như vậy, tôi giả vờ dụi mắt như thể có hạt bụi vừa bay vào.

    Tôi bỗng cảm thấy ghét cái bộ phim hoạt hình vừa xem kinh khủng. Tôi ghét luôn cả những đứa lúc nào cũng có được tình yêu thương của bố.

    Tại sao lại như vậy?

    Tôi cúi gằm, lấy một tay che phía trước trán, và nhìn những giọt nước thi nhau rơi xuống đất, vẽ nên những hình mặt trời to nhỏ.

    Một đứa nhân viên trong quán đến hỏi tôi có bị làm sao không, tôi nói dối rằng mình cắn phải trái ớt trong ổ bánh mì, rồi đuổi khéo nó đi. Đôi lúc, tôi cần được ở một mình, và cũng cần phải nói dối.

    Rồi bằng một cách bạo lực nhất, tôi bốc lấy gói thuốc, gỡ lớp bao ni lông phía ngoài, mở nắp và giật lớp giấy bạc ra. Tôi rút một điếu thuốc, kẹp giữa hai ngón tay.

    Tôi nhìn chằm chằm vào cái que màu trắng ấy, và nó bắt đầu run lên, cứ như có ai đó đang giữ đầu bên kia, cố gắng giật ra khỏi tay tôi.

    Hai ngón tay của tôi kẹp chặt lấy đầu thuốc, khiến nó hơi bị móp lại. Bàn tay tôi run lên, cánh tay tôi run lên, cả cơ thể tôi run lên, không gian xung quanh tôi run lên, và cả thế giới quan của tôi cũng đang run lên.

    Tôi nghiêng đầu qua một bên, đặt cái trán của mình lên bàn tay còn lại và bắt đầu cười, cười đến mức run rẩy.

    Tôi sợ gì chứ? Tôi đã mười tám tuổi rồi, hút một điếu thuốc thì đã làm sao? Tôi chẳng làm hại ai cả, cũng chẳng phải cầm dao đi giết người, việc gì phải đắn đo như vậy? Hút một điếu thuốc, hay thậm chí một gói, thì đã làm sao?

    Cho đến khi đã ngậm điếu thuốc trên môi, tôi vẫn còn cười. Tôi không thể ngừng cười, chẳng còn biết mình cười vì điều gì nữa. Hoặc cũng có thể là, tôi đang khóc.

    Xoạch! Xoạch! Xoạch!

    Tôi quên vặn ga nhỏ lại, và ngọn lửa suýt thiêu rụi mái tóc của tôi. Hơi có chút chật vật, nhưng cuối cùng thì tôi cũng đốt được điếu thuốc của mình.

    Vị của nó chả ngon lành gì, không hiểu sao bọn nhóc lại thích như vậy. Dù sao cũng đã đốt lên rồi, ráng hút cho hết vậy.

    Tôi đang phì phèo tập nhả khói thì thấy bà cô Ngân ngồi ở phía đối diện và nhìn về phía mình.

    Sao cô ta lại ở đây? Cô ta ngồi đó từ khi nào? Cô ta có thấy tôi không vậy?

    Tôi giả vờ ho sặc sụa và đưa một tay lên che mặt, hi vọng rằng có thể tàng hình, giống như cái cách mà loài chim đà điểu vùi đầu vào trong cát.

    Nhưng vô dụng, cô ta đứng dậy và tiến về phía trước. Có lẽ đôi mắt của cô ta có thể nhìn thấy người tàng hình, mà hình như bà giáo viên nào cũng có khả năng đó.

    Có gì phải sợ chứ? Tôi không trốn nữa và hiện nguyên hình. Cô ta ngồi xuống bên cạnh, nhưng sau đó hơi nhích ra một chút, vì mùi cá mòi xông khói thuốc lá của tôi.

    - Em cũng thường đến đây à? - Bà cô địa lý hỏi.

    - Không! - Tôi thổi một đám khói xuống đất và nói. Tôi có thể trả lời hay hơn, nhưng chẳng cần, bởi câu hỏi của cô ta cũng khá chán.

    - Ai dạy em hút thuốc vậy? - Cô ta lại hỏi một câu ngu ngốc khác.

    - Cần gì phải có người dạy, nó dễ như ăn cơm ấy mà. - Lần này, tôi nói nhiều hơn một chút.

    - Bỏ đi, không tốt cho sức khỏe đâu.

    - Cảm ơn. - Tôi không hiểu sao mình lại cảm ơn vì lời khuyên mà ai cũng biết, thậm chí nó còn in sẵn trên gói thuốc - Nhiều lúc, người ta vẫn làm những thứ không nên làm, và không làm những thứ nên làm đấy thôi. - Nói xong, tôi vứt đầu thuốc đã cháy hết xuống đất rồi lấy mũi chân chà đạp lên nó. Tôi đặt một điếu thuốc khác lên môi và lại châm lửa. Lần này, tôi làm thành thục hơn rất nhiều.

    Cô ta ngồi im lặng một lúc lâu, cho tới khi tôi hút xong điếu thứ hai thì cô ta vẫn cứ không nhúc nhích tí nào. Tôi chẳng biết cô ta làm vậy để làm gì nữa, trông thật ngu ngốc và đáng ghét.

    Tôi muốn đuổi cô ta đi, càng xa càng tốt. Trong lúc tôi đang lựa chọn những từ ngữ có tính xua đuổi mạnh nhất thì cô ta đứng dậy và bước đi. Tôi cảm giác hơi hụt hẫng, vì không kịp dùng những từ mà mình vừa nghĩ ra. Điều đó khiến tôi quên mất là tôi đang nhìn chằm chằm vào cô ta.

    - Xin lỗi em về chuyện sáng hôm qua, - Bà cô chợt quay lại và nói, - Đừng hút thuốc nữa, không tốt đâu. - Sau đó thì bước ra khỏi quán cà phê.
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng sáu 2020
  9. NgoTieuKi

    Bài viết:
    196
    Chương 18

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nghe những lời đó, tôi rút một điếu thuốc khác đặt lên môi, và lại nhìn chằm chằm bà cô như để trêu ngươi.

    Đúng như tôi nghĩ, cô ta ngoảnh lại nhìn tôi lần nữa, trước khi khuất dạng sau bức tường.

    Tôi định quẹt lửa, nhưng điếu thuốc cứ run lên. Tôi nhắm mắt lại và hít thật sâu. Thôi được rồi, có lẽ tôi sẽ nhường cô lần này.

    Tôi rút điếu thuốc ra khỏi miệng, nhét vào trong gói thuốc, đóng nắp lại. Tôi khuấy ly cà phê đã bị loãng ở phía trên, do những viên đá tan ra rồi hớp một ngụm lớn.

    Tôi hi vọng rằng vị đắng của cà phê có thể xua tan đi mùi thuốc lá, nhưng lại cảm thấy như vừa nuốt cả một điếu thuốc vào trong cổ họng. Tôi uống vội một ngụm nước trà và cảm thấy đỡ hơn.

    Nhìn cái hộp quẹt ở trên bàn, tôi nhặt nó lên, ngón tay cái không ngừng quẹt cái bánh răng của nó. Tôi chăm chú nhìn vào ngọn lửa cứ cháy lên rồi lại vụt tắt.

    Hôm qua, tôi vừa dùng nó để đốt nến sinh nhật, còn hôm nay, tôi lại dùng nó để đốt những điếu thuốc. Tôi thở dài, mở gói thuốc ra, nhét cái hộp quẹt vào chỗ trống của hai điếu thuốc để lại.

    Khoảng ba giờ chiều, bọn nhóc con hôm trước lại xuất hiện và dần lấp đầy những chiếc bàn. Có vẻ như là thứ bảy, bọn chúng sẽ xuất hiện sớm hơn những ngày khác.

    Tôi ngồi nhìn chúng một lát rồi rời khỏi quán cà phê. Có lẽ, quán cà phê ấy sẽ là nơi thứ hai tôi có thể đến, mỗi khi buồn chán, sau bờ biển.

    Tôi chạy sang bên kia đường, mua hai cái bánh nhỏ ở cửa tiệm vắng khách, rồi đạp xe đến nơi thứ nhất mà tôi có thể đến.

    Tôi tìm chiếc ghế đá quen thuộc của mình và ngồi xuống, chờ đợi ánh hoàng hôn xuất hiện từ phía sau lưng. Lấy chiếc điện thoại từ trong túi quần ra, tôi định tìm kiếm vài thứ hay ho để đọc, nhưng rồi lại thấy không hứng thú lắm.

    Tôi nhận ra rằng, khi tôi không vui, tôi chỉ có thể nhìn thấy được mặt tiêu cực trong những thứ trước mắt. Có lẽ đó là lý do mà tôi thường đọc lúc tâm trạng bình thường. Tôi không muốn phá hỏng những thứ mình đọc được.

    Tôi chống hai tay lên chiếc ghế đá, hơi nâng đầu gối lên, và bắt đầu đung đưa đôi bàn chân trên những ngọn cỏ. Tôi nói chuyện với cái bóng màu xanh đậm của mình, đang lắc lư ở phía trước. Cứ cách vài phút, nó lại dài ra thêm một đoạn. Và mỗi khi dài ra, nó lại mờ đi một ít, cho đến khi biến mất hẳn.

    Rồi cái bóng xuất hiện trở lại, khi những ngọn đèn sáng lên. Tôi đã ngồi chờ hơn ba tiếng đồng hồ, nhưng vẫn không thấy hai đứa nhóc hôm qua. Có lẽ, chúng đã đi đến nơi khác để xin xỏ, bởi quanh chỗ tôi cũng hơi vắng.

    Tôi chợt nghĩ, không lẽ bọn chúng cứ đi xin ăn như vậy cả đời sao? Nếu tôi mà là cha mẹ bọn chúng, tôi sẽ chẳng sinh chúng ra làm gì, khi chẳng thể cho chúng ăn no mặc ấm và đi học tử tế.

    Tôi vừa ăn hai cái bánh, vừa nhìn những con sóng đang cuộn mình trong đêm. Khi con sóng phía trước vừa vỡ tan, con sóng sau mới tìm đến, nhưng ở đó đã chẳng còn lại gì. Rồi chúng bắt đầu khóc lóc, đến mức biến bản thân thành muôn vàn bọt nước trắng xóa. Chúng vốn là nước, nên nước mắt của chúng chính là những bọt sóng ấy.

    Từ khi có biển, biết bao nhiêu con sóng đã xô vào bờ cát, phải đến hàng tỷ tỷ tỷ tỷ tỷ con sóng ấy chứ, nhưng chúng chẳng bao giờ gặp được nhau. Những con sóng còn bất hạnh hơn cả tôi nữa. Nghĩ đến điều đó, tôi thấy khá hơn được một chút.

    Chợt điện thoại của tôi reo lên. Không cần nhìn cũng biết là mẹ tôi gọi. Tôi nói với mẹ là đang đi chơi với lũ bạn và sắp về. Nhưng sau đó, bà lại khiến tôi không muốn về nữa, khi hỏi chuyện giữa tôi và bố tôi.

    Tôi nói rằng mình không hề đánh ai cả, và mọi thứ chỉ là hành động phản xạ có điều kiện mà thôi.

    Mẹ tôi "ừ" một tiếng, khiến tôi tưởng rằng bà tin những gì tôi vừa kể. Nhưng bà lại nói thêm rằng: "Dù sao thì ông ấy cũng là cha mày, làm như thế là không nên".

    Giọng bà có chút buồn làm cho tôi cũng buồn theo. Bà là người quan trọng nhất đối với tôi, nhưng lại không hề tin tôi. Đó là lần đầu tiên tôi tắt máy mà không nói trước.

    Tôi bắt đầu thở những tiếng khò khè, trong khi đôi mắt dần nhòe đi. Tôi không hiểu sao, kể từ khi bước sang tuổi mười tám, tôi lại mau nước mắt đến như vậy.

    Tôi chợt nhớ đến thằng Hoàng. Mỗi buổi sáng thứ hai, tôi vẫn luôn nhìn nó và tự nhủ rằng, mình không phải là đứa thảm hại nhất trên thế giới này. Nhưng hóa ra, tôi còn thảm hại hơn cả nó.

    Ngay từ khi sinh ra, tôi đã là một đứa thất bại rồi, và điều đó sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời, bởi nó chính là cái tên của tôi. Tôi chỉ là một cái vỏ trứng trống rỗng, một thứ vứt đi mà thôi.

    Bầu trời đỏ hoe, và chẳng có ngôi sao nào. Nếu bầu trời đêm không có sao, thì làm sao ngắm sao được chứ, chỉ có thể nhìn vào khoảng tối tăm ở đó.

    Tôi moi gói thuốc từ trong túi quần ra, và rút lấy điếu thứ ba. Lần lượt từng điếu thuốc được nhen lên, và tôi bắt đầu hút cạn chúng, cũng như để chúng hút cạn sinh mệnh của mình.

    Tàn thuốc rơi vãi xung quanh tôi, hóa thành tro bụi, bay theo những cơn gió, chỉ còn lại những đầu thuốc cháy đen giữa những ngọn cỏ.

    Tại sao mỗi khi tôi đang cố tự chữa lành vết thương của mình, thì lại gặp phải một vết thương lớn hơn chứ? Là tôi quá nhạy cảm chăng?

    Không, là bởi vì chẳng ai hiểu tôi. Ngay cả khi bọn họ đứng ở vị trí của tôi, thì họ vẫn là họ, chứ không phải tôi.

    Tôi vừa châm lửa điếu thuốc thứ mười hai thì một người đàn ông lạ mặt ngồi xuống bên cạnh và chìa tay ra. Nhìn vẻ bề ngoài thì có lẽ đó là một người vô gia cư.

    Tôi đặt một điếu thuốc vào bàn tay đen đúa ấy rồi mặc kệ ông ta. Lão bật cười, đặt điếu thuốc lên môi mà chẳng hề châm lửa.

    - Này chàng trai, không phải cứ hút vài điếu thuốc, uống vài ly rượu là trưởng thành đâu. - Lão vừa ngậm điếu thuốc vừa nói, nghe cứ như bị móm.

    Tôi mặc kệ lão, bởi tôi chẳng hút thuốc để chứng tỏ mình là người trưởng thành.

    - Đàn ông, khi mất đi một thứ gì đó quý giá thì mới có thể trưởng thành được. - Sau một hồi im lặng thì lão nói câu đó, cười lớn rồi bỏ đi.

    "Đồ điên" - tôi lẩm bẩm.

    Lão vừa khiến tôi không thể nào hút trọn một gói thuốc, trong khi lão cũng chẳng hút cái điếu thuốc tôi cho. Tôi ném điếu thuốc đang hút dở xuống đất, chà đạp lên nó rồi đứng dậy, rời khỏi nơi đó.

    Đi đến hết con đường ven biển, tôi lại dắt bộ chiếc xe lên giữa cầu. Không hiểu sao, tôi chợt nhớ đến lời nói của gã điên khi nãy và nghĩ đến số tuổi của mình. Tôi chỉ mới mười tám tuổi và một ngày.

    Tôi có cần phải trưởng thành không? Tôi có gì đáng giá để mất chứ? Hoặc nếu có thứ để tôi yêu quý, trân trọng, thì tôi không nên đánh mất nó chút nào. Mà nếu phải đánh đổi chúng để trưởng thành, tôi thà tự đánh mất chính mình còn hơn.

    Chợt tôi lại nghĩ đến thằng Hoàng, và lại buồn cho nó, dù chẳng biết chuyện gì đã xảy ra ngoài cái chết của nó. Tôi hút thêm được ba điếu thuốc nữa thì một giọng nói vang lên từ bên cạnh:

    - Mày đang đứng chỗ của tao đấy! - là con Trang. Trông nó khác hẳn khi ở trường, nhưng tôi vẫn nhận ra.

    Tôi mặc kệ nó, tiếp tục nhìn về phía biển, và đốt thêm một điếu thuốc khác.

    - Mày không biết hút thuốc! - nó tựa vào lan can, rồi giật lấy gói thuốc trong tay tôi.

    Tôi vẫn mặc kệ nó.

    Nó châm lửa, hút một hơi rồi đưa tôi điếu thuốc, nhưng tôi vờ như không nhìn thấy.

    Nó giật điếu thuốc trong miệng tôi, ngậm lấy đầu thuốc ướt nhẹp mà không hề sợ hãi, hút một hơi dài rồi thổi vào mặt tôi.

    Tôi vẫn hít thở bình thường, và vẫn mặc kệ nó.

    Có lẽ tôi làm nó hơi bực mình. Nó ném cả hai điếu thuốc đang cháy dở xuống biển, lấy hai tay đập vào mặt tôi, bắt tôi phải quay qua nhìn nó.

    Rồi nó hôn tôi một cái, nhẹ và nhanh như cơn gió đang thổi qua giữa chúng tôi. Khi nó buông tay ra, tôi lại quay mặt mình về phía biển, và tiếp tục mặc kệ nó.

    - Chỉ là một nụ hôn thôi, không có gì to tát đâu.

    Con Trang tưởng rằng tôi đang nghĩ về nụ hôn kỳ quái của nó, nhưng còn lâu mới có chuyện đó. Nó chẳng có năng khiếu đọc suy nghĩ của người khác như tôi. Nếu là trước đây, có thể tôi sẽ suy nghĩ về hành động của nó thật, còn bây giờ thì không.

    Tôi chỉ đang nghĩ:

    - Khi nào thì những con sóng kia mới hết cô đơn?

    ----------

    * * *

    Hết rồi nha, cảm ơn các bạn đã đọc đến tận đây.

    Thực ra cái kết cũng không khó hiểu lắm đâu, chỉ hơi khó hiểu chút thôi, nhưng cũng không phải là không thể hiểu được :V

    Chúc các bạn ngủ ngon, đặc biệt là những bạn không có ai chúc ngủ ngon mỗi đêm giống mình :P
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng sáu 2020
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...