Những bài học từ tam quốc diễn nghĩa - Kinh nghiệm vui từ Tam Quốc diễn nghĩa ra đời sống

Thảo luận trong 'Thư Giãn' bắt đầu bởi nntc6761, 25 Tháng mười 2022.

  1. nntc6761 ~~~Cập nhật link bài mới ở trên tường ạ~~

    Bài viết:
    2,167
    Các kinh nghiệm vui từ Tam Quốc diễn nghĩa ra đời sống (giải trí là chính, chuẩn là chủ yếu ^^) :

    1. Kinh nghiệm của Nễ Hành cho ta thấy: Được PR quá đà so với thực tài vô hình chung gây ra phản cảm trong buổi phỏng vấn, tạo thành kiến không hay với sếp.

    Lý giải: Khổng Dung ra sức tiến cử Nễ Hành với Tào Tháo, nhưng vì Nễ Hành quá ngạo mạn, luôn mắng chửi mọi người. Sau nhiều lần bị thất vọng vì thái độ của Nễ Hành, Tào Tháo sai Nễ Hành sang Kinh châu.

    2. Kinh nghiệm của Hoa Đà cho thấy: Dù y thuật có cao minh đắc dụng cỡ nào, chữa nhầm con bệnh có máu đa nghi thì sớm muộn gì thanh danh cũng bị hủy hoại, thân bại danh liệt. Thần y thành lang băm trong nháy mắt.

    Lý giải: Hoa Đà bị Tào Tháo chém vì cho là lang băm, do ổng đề xuất mổ não. Với mức độ hiểu biết y học thời đó lại thêm gặp Tào Tháo đa nghi, ca này đúng là quá đen cho ông thần y :(

    3. Kinh nghiệm của Tào Tháo là: Khi giàu có, thành công lớn thì mọi lý lẽ, lời nói đều trở thành trích dẫn; sai lầm trong quá khứ chỉ là tai nạn.

    Lý giải: Cái này thì rõ ràng rùi. Tào Tháo là người đã đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc. Tào Tháo là một chính trị gia lỗi lạc, một nhà lãnh đạo giỏi, nhà quân sự có tài. Ông là người năng động, dám nói dám làm. Về tính cách, ông có thói đa nghi, hung bạo, hiếu sát và cư xử nhiều lúc xảo trá, nên người đương thời thường khiếp sợ chứ không yêu mến ông.

    4. Kinh nghiệm của Mã Tốc: Nhân viên văn phòng có thể giỏi xuất sắc với các số liệu, thống kê, sở học đầy bụng. Nhưng cho đi ra ngoài bán hàng rong thì thế nào cũng gặp sự cố rước họa vô thân.

    Lý giải: Mã Tốc có tài, thích bàn luận việc quân sự, nhiều lần hiến kế cho Gia Cát Lượng thành công nhưng khi được giao làm tiên phong đánh trận thì thua, làm mất Nhai Đình và bị chém theo quân pháp.

    5. Kinh nghiệm của Lưu Bị: Chưa giàu thì cố gắng cày sâu cuốc bẫm, gặp quý nhân phò trợ sẽ đổi đời. Nhưng giữ được của cải tài sản tích lũy bấy lâu nó tùy thuộc vào độ liều mạng lớn tới đâu.

    Lý giải: Lưu Bị từ xuất thân nghèo khó, sau bao lăn lộn chinh chiến và được Gia Cát Lượng phò tá, trở thành hoàng đế khai quốc nước Thục Hán thời Tam Quốc. Ngô - Thục giao tranh, Thục bị đánh chỉ còn tàn quân, nhưng ngay sau đó Ngô - Ngụy cũng xảy ra chiến tranh. Lúc này Lưu Bị cân nhắc tiến đánh Đông Ngô nhưng cuối cùng chọn giảng hòa. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, nhân vật Lưu Bị được mô tả là người nhân hậu, thương dân, sống coi trọng tình nghĩa, nhưng kém phần sắc sảo về quân sự, thiếu mưu trí, táo bạo và mạnh mẽ. Thực ra, Lưu Bị là một trong những nhân vật được La Quán Trung hư cấu khá nhiều trong Tam Quốc diễn nghĩa.

    6. Kinh nghiệm của Bàng Thống: Đi xin việc nên trang điểm cho đàng hoàng nếu ngoại hình không bắt mắt, bằng không dù tài giỏi cách mấy cũng bị xếp vô chỗ làm ít thơm tho béo bở.

    Lý giải: Bàng Thống được La Quán Trung miêu tả trong Tam Quốc diễn nghĩa là "người mày rậm, mũi gồ, mặt đen, râu ngắn, hình dung xấu xí". Bàng Thống từng lập mưu giúp Chu Du thắng Tào Tháo trong trận Xích Bích. Sau khi Chu Du mất, Lỗ Túc tiến cử Bàng Thống cho Tôn Quyền nhưng Bàng Thống không được Tôn Quyền trọng dụng nên đến Kinh Châu theo Lưu Bị. Lưu Bị nghe tin Bàng Thống tới đầu quân thì hết sức vui mừng, nhưng thấy ông mặt mũi xấu xí thì thay đổi thái độ, chỉ cho ông làm Huyện lệnh Lỗi Dương.

    7. Kinh nghiệm của Khổng Minh: Làm việc nhiều thì nhất quyết phải tẩm bổ, chơi thực dưỡng ăn kiêng thì thế nào cũng mất mạng do suy nhược cơ thể quá lâu.

    Lý giải: Khổng Minh được cho là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của ông. Không chỉ có tài năng hơn người, ông còn nổi tiếng với tấm lòng tận trung báo quốc, "cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi". Ông cho lính làm ruộng để có lương thực đánh trường kỳ. Lo lắng đọ mưu kế với quân Ngụy, lại làm việc rất vất vả, dậy sớm thức khuya, nên sức khỏe mỗi ngày mỗi sút kém, ông bị bệnh mất trong doanh trại.

    8. Kinh nghiệm từ Lã Bố cho thấy: Đẹp trai, có tài mà bất trung, phản chủ sẽ chết thê thảm. Cứ làm ở 1 công ty được vài ba tháng lại tính nhảy việc thì cuối cùng cũng thất nghiệp, không công ty nào dám tuyển.

    Lý giải: Lã Bố nổi tiếng võ nghệ dũng mãnh, giỏi cưỡi ngựa bắn cung. Tuy nhiên, Lã Bố lại mang tiếng xấu là phản phúc vô thường khi hai lần trở mặt giết chủ, cuối cùng bại trận và bị Tào Tháo ra lệnh xử tử.

    9. Kinh nghiệm từ Điêu Thuyền là: Đẹp mà điêu thì sẽ không có hạnh phúc lâu dài.

    Lý giải: Điêu Thuyền nghe theo mưu kế của cha nuôi Vương Doãn: Một mặt tỏ vẻ yêu quý Đổng Trác, nhưng khi đến với Lã Bố thì lại ra sức quyến rũ, khiến Lã Bố chịu không nổi đả kích mà giết Đổng Trác. Điêu Thuyền được Lã Bố cưới làm thiếp, tình cảm của hai nhân vật này cũng được cho là rất mực khăng khít nhưng Lã Bố vong mạng trong thời loạn thế, còn Điêu Thuyền về sau cũng chẳng rõ tung tích.

    10. Kinh nghiệm của Hứa Du: Bớt chọc mấy thằng tính nóng như kem.

    Lý giải: Tam Quốc diễn nghĩa kể rằng Hứa Du bị Hứa Chử giết là do đùa dai công trạng của mình.

    11. Kinh nghiệm của Tuân Úc: Cống hiến hết mình cho công ty nhưng không được lòng sếp thì cũng về 0.

    Lý giải: Tuân Úc là một mưu sĩ và quan đại thần thời Đông Hán, có công lớn giúp Tào Tháo gây dựng sự nghiệp thời Tam Quốc. Khi Tào Tháo đã làm thừa tướng, tước Vũ Bình hầu nhưng chưa muốn dừng lại mà muốn thăng lên tước công, được gia phong Cửu tích và lấy Ký châu làm lãnh thổ riêng của họ Tào để dựng nước riêng trong lãnh thổ nhà Hán; Tào Tháo sai mưu sĩ Đổng Chiêu đi bàn kín việc này với Tuân Úc, vì ông là tham mưu số một của Tào Tháo và địa vị, uy tín trong triều đình nhà Hán cũng lớn hơn cả trong các văn thần. Tuy nhiên, Tuân Úc không đồng tình. Tào Tháo đã có chủ ý xưng hiệu nên sau khi nghe Đổng Chiêu báo cáo tình hình, rất bực Tuân Úc. Khi Tào Tháo đi nam chinh đánh Tôn Quyền ở Nhu Tu, khác với thường lệ, Tào Tháo không để Tuân Úc trấn thủ Hứa Xương nữa mà dâng biểu lên Hán Hiến Đế đề nghị để Tuân Úc ra lĩnh quân ở huyện Tiêu với chức vụ Quang lộc đại phu tham thừa tướng quân sự. Trên thực tế, động thái này nhằm loại bỏ vai trò Thượng thư lệnh từ lâu của Tuân Úc. Tuân Úc lên đường rồi ngã bệnh. Khi được Tào Tháo gửi cho hộp đồ ăn rỗng, Tuân Úc cho rằng Tào Tháo muốn giết mình, bèn tự sát.

    12. Kinh nghiệm của Triệu Vân: Nếu không làm được ông chủ, thì cố gắng làm 1 nhân viên trung thành, cần mẫn, ít nói, và thạo việc, tự khắc ông chủ sẽ cất nhắc vào vị trí tốt và được trả công thưởng xứng đáng.

    Lý giải: Nhân vật Triệu Vân được xây dựng như là trợ thủ đắc lực của thừa tướng Gia Cát Lượng. Lượng có mưu trí hô phong hoán vũ, có thể tính toán được hết mọi mưu kế của kẻ địch, còn Triệu Vân là người nhận lệnh đi thi hành, luôn luôn thành công, trở thành một trong "ngũ hổ tướng" của Lưu Bị.

    13. Kinh nghiệm của Trương Phi: Khi trong tay không còn gì thì liệu pháp to mồm có khi cũng mang lại hữu ích nhất thời. Đừng ngược đãi, bắt cấp dưới làm điều phi thực tế, sẽ bị đi chầu trời.

    Lý giải: Trận đánh cầu Trường Bản, Trương Phi đã quát mấy tiếng khiến Tào Tháo hoảng sợ mà lui quân; khi ấy Trương Phi chỉ có vài mươi kị sĩ còn Tào Tháo có trăm vạn hùng binh. Do nôn nóng báo thù cho anh kết nghĩa (Quan Vũ) bị quân Đông Ngô hại nên Trương Phi thường đánh đập quân sĩ; có hai tên hạ quan dưới trướng Trương Phi là Trương Đạt và Phạm Cương đã âm thầm sát hại ông vì lo sợ bị ông chém đầu vì không hoàn thành quân lệnh ông giao là phải lo quân trang cờ xí màu trắng cho toàn quân của ông mặc để tang Quan Vũ trong cuộc tấn công báo thù quân Đông Ngô.

    14. Kinh nghiệm của Quan Vũ: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói với thằng ma cô. Vốn ít thì không nên chơi canh bài bự.

    Lý giải: Khi Quan Vũ còn trấn giữ Kinh châu, Tôn Quyền khiến Gia Cát Cẩn đến Kinh Châu, nói với Vũ: "Tôi đến có ý kết giao hai nhà. Chúa tôi có con trai thông minh, nghe ngài có con gái tuyệt sắc, nên muốn cầu thân. Nếu ưng thuận, chúng ta sẽ hiệp nhau đánh Tào." Nhưng Vũ nổi giận nói: "Con gái ta ví như loài hổ, há lại gả cho loài khuyển?" Từ đó quan hệ giữa Đông Ngô và Kinh châu lại căng thẳng như trước. Người duy nhất chủ trương giữ hòa khí với Lưu Bị là Lỗ Túc đã qua đời nên Tôn Quyền quyết định ngả theo Tào Tháo để lấy toàn bộ Kinh châu. Sau này, trong tình thế bị quân Ngô truy kích, Quan Vũ biết không thể dùng lực lượng ít ỏi còn lại để kháng cự, nên một mặt giả vờ đầu hàng, sai một số quân ở lại giương cờ trắng trên thành, còn mình dẫn hơn 10 quân kỵ theo đường nhỏ đổi hướng chạy lên phía bắc, hy vọng men theo đường núi để thoát khỏi vòng vây của Tôn Quyền để tới Ích châu hoặc Hán Trung (địa bàn của Lưu Bị) ; nhưng bị tướng Ngô chặn đường phục kích. Tôn Quyền cố chiêu hàng Quan Vũ nhưng không được, lại bị Vũ chửi mắng nên ra lệnh chặt đầu Vũ.

    [​IMG]

    (Tổng hợp từ nhiều nguồn, có chỉnh sửa, bổ sung)
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng mười 2022
  2. chiqudoll

    Bài viết:
    1,422
    Cá nhân mình thấy kết cục của Tuân Úc quá là nghẹn khuất luôn ấy. Cống hiến cũng ghê gớm lắm nhưng mà dám cản đường boss "phi thăng" thì cũng răng rắc.
     
    Mèo A Mao Huỳnh Mainntc6761 thích bài này.
  3. nntc6761 ~~~Cập nhật link bài mới ở trên tường ạ~~

    Bài viết:
    2,167
    Đúng vậy :(

    Đây là 1 nhân vật có thật và "Tam Quốc diễn nghĩa" đã khắc họa nhân vật này gần như sát với thực tế, chỉ có về cái chết của ổng thì có những ý kiến khác nhau trong giới sử học: Trần Thọ trong "Tam Quốc chí" cho rằng Tuân Úc vì quá lo lắng mà chết, Tôn Thịnh trong "Ngụy thị xuân thu" lại cho rằng Tào Tháo gửi hộp thức ăn cho Tuân Úc nhưng khi ông mở hộp ra thì trong hộp không có gì, Tuân Úc cho rằng Tào Tháo muốn giết mình, bèn tự sát. "Tam Quốc diễn nghĩa" theo thuyết của Tôn Thịnh. Nhưng giới sử gia hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng Trần Thọ có lý hơn vì Tôn Thịnh không đưa ra chứng cứ nào cho câu chuyện của mình, và rằng việc gửi đồ ăn cho Tuân Úc của Tào Tháo chỉ là lời đồn đại. Điều lo lắng của Tuân Úc dẫn tới cái chết của ông (theo như Trần Thọ) là lo lắng cho tiền đồ của nhà Hán. Tuân Úc là người trước sau trung thành với nhà Hán, nhiều năm ông hiến kế giúp Tào Tháo vì ông cho rằng Tào Tháo là anh hùng dẹp loạn để trợ giúp nhà Hán, chứ không phải vì cơ nghiệp riêng của họ Tào. Việc Tào Tháo muốn tự mình xưng vương, tỏ rõ ý muốn đoạt ngôi nhà Hán khiến Tuân Úc quá thất vọng, vì trước đó ông vẫn nghĩ Tào Tháo là trung thần, hết lòng chinh chiến để phục hưng nhà Hán, ông không ngờ Tào Tháo là người xảo quyệt, lấy việc trợ giúp nhà Hán làm chiêu bài dần dần cướp ngôi.
     
    chiqudollMèo A Mao Huỳnh Mai thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...