A. Ngô gia văn phái Trong những hội văn, dòng văn, nhóm phái của văn học Việt Nam thời trung đại thì Ngô gia văn phái hiện được coi là dòng văn lớn nhất, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự phát triển của văn học dân tộc. Ngô gia văn phái là tên gọi một dòng văn gồm các tác giả của dòng họ Ngô Thì, sống vào nửa cuối thế kỷ 18 đến thế kỷ 19, thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh trả lại Bắc Hà cho Vua Lê đến khi Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, thống nhất cả nước. Quê của các tác giả là ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, (nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ngô Chi Thất và Ngô Trân là người đề xướng và dựng nên Văn phái, về sau được mệnh danh là Ngô gia văn phái. Ngô gia văn phái gồm 20 tác giả thuộc 9 thế hệ trong đó hai tác giả chính là Ngô Thì Chí làm quan thời Lê Chiêu Thống và Ngô Thì Du làm quan dưới triều nhà Nguyễn. Sáng tác của dòng văn Ngô Thì rất đa dạng về nội dung. Có điều này là bởi dòng văn tập hợp tác phẩm của nhiều người, trải dài qua ba triều đại: Lê - Trịnh, Tây Sơn, triều Nguyễn. Tuy nhiên dòng văn Ngô Thì vẫn có những nét thống nhất, nổi bật lên thành "phong cách" của văn phái. Dòng văn Ngô Thì rất phong phú về thể loại với đầy đủ cả văn học chức năng và văn học nghệ thuật, chính luận và trữ tình, văn xuôi và thơ, văn khảo cứu và văn chương hình tượng.. Đọc Ngô gia văn phái, ngoài những cảnh sắc thiên nhiên quen thuộc đầy chất thơ còn có thể thấy một nông thôn tiêu điều, nhao nhác, đói thiếu.. và đặc biệt là có thể hình dung được xã hội Bắc Hà qua cái nhìn đầy lo âu của kẻ sĩ, Bắc Hà không còn cảnh tượng thái hòa mà đang suy thoái, khó gượng lại được nếu không có sự sửa đổi mạnh mẽ.. Đồng thời trong bối cảnh xã hội ấy, các nhà văn Ngô gia cũng phát hiện ra nhiều điều mới mẻ. Kẻ sĩ không hoàn toàn như trước, đặc biệt là ý thức về tài năng, về cuộc sống riêng tư, về hoài bão và nghĩa vụ, lý tưởng, tình ái, tất cả đều được suy ngẫm và dám "tự quyết", có thể nói tinh thần "tự nhậm" khá cao. Bộ Ngô gia văn phái xứng đáng được xem là một bộ sách lớn, lưu giữ khá toàn diện diện mạo văn hóa, xã hội thời đại. Với một nội dung phong phú như thế, Ngô gia văn phái quả đã tạo dựng được một khuôn thước riêng, dù có thể chưa lớn lắm. Đó là tính nghị luận sắc sảo, chất ký sự phong phú và đa dạng, tính trào phúng nhẹ nhàng mà sâu sắc và nhất là tính trữ tình đằm thắm, nồng đậm. Đặc biệt, làm rạng danh dòng họ Ngô Thì chính là thể loại tiểu thuyết chương hồi với tác phẩm nổi tiếng là Hoàng Lê nhất thống chí, đỉnh cao của thể loại tiểu thuyết chương hồi ở Việt Nam. B. Hoàng Lê nhất thống chí Chủ đề: Nhân vật nữ trong HLNTC dưới góc nhìn của tác giả trung đại I. Tác phẩm 1. Giải thích nhan đề "Nhất thống" có nghĩa là thu quyền hành về một mối. Thời Lê Trung hưng, giai đoạn nhà hậu Lê suy yếu, chức vị vua Lê chỉ là làm cảnh, còn các chúa Trịnh đã lập phủ riêng để xét đoán mọi việc quốc gia. Trong nước ta thời bấy giờ có vua lại có chúa, quyền binh không thống nhất. Sau khi Trịnh Sâm mất, kiêu binh làm loạn, nhà chúa suy vi. Rồi quân Tây Sơn ra Bắc, Nguyễn Huệ lật đổ ngôi chúa đem quyền trị nước mà họ Trịnh đã đoạt, trả lại cho một mình vua Lê. Đó chính là cái ý nghĩa của tựa đề Hoàng Lê nhất thống chí. 2. Thể loại Tác phẩm được viết theo thể chí. Chí là một lối văn ghi chép sự vật, sự việc. Chí còn dùng để chỉ những cuốn tiểu thuyết mang tính chất lịch sử. Nếu so sánh với Trung Quốc thì quả thật Việt Nam không có những "danh tác" hay "kỳ thư" hoành tráng như "Đông Chu liệt quốc" hay "Tam quốc diễn nghĩa" nhưng "Hoàng Lê nhất thống chí" là cuốn tiểu thuyết chương hồi mang tính chất lịch sử được đánh giá rất cao và rất nổi tiếng. 3. Tóm tắt nội dung chính Hoàng Lê nhất thống chí phản ánh cuộc tranh chấp quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến thời Lê mạt và phong trào Tây Sơn. Tác phẩm miêu tả khoảng hơn 30 năm cuối thế kỷ 18, từ khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa (1767) đến lúc Nguyễn Ánh lên ngôi vua (1802). Đây chính là giai đoạn rất nhiều biến động trong lịch sử Việt Nam, cả cơ cấu xã hội phong kiến cùng những hình thái ý thức, tư tưởng, đạo đức.. hầu như bị đảo lộn và lay chuyển tận gốc. Có bao nhiêu biến cố dữ dội đẫm máu đã xảy ra như loạn kiêu binh, triều Lê Trịnh sụp đổ, Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, Gia Long lật đổ triều đại Tây Sơn.. II. Nhân vật nữ 1. Góc nhìn chung Là người phụ nữ phong kiến, sống chật hẹp trong gia đình vương giả, lại ở thời điểm chế độ xã hội suy tàn đến cùng cực, phe phái nổi lên thanh toán lẫn nhau, giành giật địa vị thống trị, những nhân vật nữ ấy dưới triều Lê- Trịnh được phản ánh trong tác phẩm mang màu sắc rất tiêu cực. Họ bị hư hỏng, méo mó để rồi không thấy gì xa rộng hơn là quyền lợi ích kỉ của bản thân mình, con cái mình, đến mức thẳng tay thanh toán lẫn nhau, chẳng kể họ hàng ruột thịt. Sự thông minh sáng suốt, lòng trung trinh và tài cán của họ chỉ để giúp cho bè này hay phái nọ trong cuộc chiến phi nghĩa mà thôi. Hoàng Lê nhất thống chí cho thấy người phụ nữ thường ở địa vị phụ thuộc, thấp kém, không có quyền làm chủ cuộc đời. Họ sống trong giàu sang, nhưng nghèo về kiến thức. 2. Phân tích về nhân vật nữ dưới góc nhìn của các tác giả a. Gương mặt tích cực Hoàng Lê nhất thống chí có khoảng 20 nhân vật nữ trên tổng số gần 400 nhân vật của tác phẩm, tức là chiếm tỷ lệ rất nhỏ, cỡ 5%. Đó là thái hậu, hoàng hậu, phi tần, thiếp thất, cung nữ, gia nhân.. Các nhân vật này "hầu hết đều thuộc tầng lớp trên. Họ nếu không phải là lá ngọc cành vàng thì cũng là những quý phu nhân vợ con nhà quan, hoặc nữa là những hạt mưa sa vào chốn lầu son gác tía, hay là người hầu cận phục vụ vua chúa. Trong số này, số đàn bà đáng kính theo quan điểm của Nho giáo không nhiều, chỉ có hai người tiết liệt, trung trinh, đó là người thiếp Phan Thị Thuấn (của viên tiểu tướng Ngô Cảnh Hoàn) và hoàng phi Nguyễn Thị Kim (của vua Lê Chiêu Thống). Đây là hai người đàn bà đã tuẫn tiết theo chồng. Với bà Thuấn, tác giả dành đôi dòng ngắn ngủn mang tính chú thích, trong đó có viết là: " Hoàn có người thiếp yêu là Phan Thị Thuấn rất trẻ, đẹp. Sau khi Hoàn chết, nàng cứ nhởn nhơ may sắm quần áo và trang điểm như không có chuyện gì, mọi người chê cười cũng mặc. Đến hết giỗ 100 ngày, bấy giờ nàng mới trang điểm đẹp đẽ, bơi thuyền đến chỗ chồng chết mà tự tử. Nhân dân địa phương bèn lập đền thờ, khen là người con gái tiết liệt. " Với hoàng phi Nguyễn Thị Kim, tác giả dành nhiều câu chữ trang trọng với tình cảm ngậm ngùi để miêu tả lại việc" tuẫn tiết "theo chồng mà theo ông là rất đáng ngợi ca. " Năm Giáp Tý (1804), vua Thanh giáng chỉ cho đưa di hài của vua Chiêu Thống về táng ở quê nhà và cho các người bề tôi trốn theo đều được về nước. Ngày 13 tháng 8 mùa thu năm ấy, di hài vua Lê đưa về đến cửa ải. Hoàng phi là Nguyễn Thị Kim nghe tin, liền từ Kinh Bắc lên cửa ải để đón linh cữu. Ngay từ hôm ấy, hoàng phi tuyệt thực, mỗi ngày chỉ uống một chén hồ, vật vã bên linh cữu mà khóc lóc. Ngày 23 tháng 8 di hài đưa về đến Thăng Long, các quan dựng rạp tế ở nhà Diên tự công. Hằng ngày Hoàng phi chỉ nhấm vài đốt mía mà thôi. Ngày 12 tháng 10, các quan thay hài cốt vua Lê sang một chiếc tiểu khác. Tế xong, hoàng phi đến trước hương án khóc lóc thảm thiết và nói với Diên tự công rằng: - Ta nhẫn nhục vất vả đã mười lăm mười sáu năm trời nay, trong những ngày ấy không phải là không dám chết, chỉ vì thái hậu, vua ta, con ta vẫn ở bên Trung Quốc, âm tín không thông, còn mất không rõ, nên ta còn chờ đợi một chút. Nay thái hậu cùng vua ta đều mất, con ta cũng chết, linh cữu đã về đến nước nhà thế là việc của ta xong rồi, ta phải chết theo để hầu bên lăng tẩm mới phải. Rồi đó, hoàng phi liền uống thuốc độc tự tử. Ai nghe tin ấy cũng đều thương xót. Sứ thần Trung Hoa bấy giờ đang ở đấy cũng than thở, ngợi khen mãi. Ngày 13, các quan lại sắm quan khách khâm liệm cho Hoàng phi, rồi ngày 28 cùng rước xuống thuyền đưa về trấn Thanh Hóa. * * * Sau khi hoàng phi đã chết theo vua Lê, người khắp cả nước ta và người Trung Quốc đều khen là bậc tiết nghĩa. Có người làm bài "Tiêu cung tuẫn tiết hành" (bài trường ca về người cung phi chết theo vua) để lưu truyền đời sau.. " Và rồi, tác giả đã không quản dài dòng vụn vặt chép lại cả bài Tiêu cung tuẫn tiết hành dài hơn 120 câu để khen bà, trong lúc đó có nhiều sự việc quan trọng khác lại bị ông bỏ qua. Người đọc ngày nay không đánh giá bà phi này quá cao như vậy. Đó cũng là điều tác giả không ngờ tới. b. Gương mặt tiêu cực Đáng buồn là các nhân vật còn lại góp mặt trong vai trò khá phản diện. Từ góc nhìn của các tác giả, họ hiện lên rất đáng khinh, đáng sợ. - Tham lam, được voi đòi tiên Thứ nhất là thói tham lam, được voi đòi tiên của họ. Tiêu biểu là tật cậy được sủng ái mà trở nên ngang tàng, quá quắt. Đặc điểm này thể hiện qua nhân vật Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Đàn bà xưa kia vốn cam chịu, nhẫn nhục, nhưng hễ được yêu chiều, họ sẽ liền biến đổi, lên mặt, đòi làm mưa làm gió. Với những người đàn bà đẹp thì" hồng nhan họa thủy "! Theo phần đầu của hồi một, tác giả viết rằng: Lúc đó bốn phương yên ổn, kho đụn đầy đủ, chúa dần dần sinh bụng kiêu căng, xa xỉ, phi tần thị nữ kén vào rất nhiều, mặc ý vui chơi thỏa thích. Một hôm, tiệp dư (tức một cấp bậc của vợ vua, dưới bậc phi) Trần Thị Vịnh sai nữ tỳ Đặng Thị Huệ bưng một khay hoa đến trước nơi chúa ngồi. Ả họ Đặng này, quê ở làng Phù Đổng, mắt phượng mày ngài, vẻ người mười phần xinh đẹp. Chúa nom thấy rất bằng lòng, bèn tư thông với ả. Từ đó, Thị Huệ càng ngày càng được nhà chúa yêu quý, ả nói gì chúa cũng nghe và hễ có việc gì là chúa cũng bàn với ả. Rồi ả được ở chung một nơi với chúa, y như một cặp vợ chồng nhà thường dân. Xe kiệu, quần áo của ả cũng đều được sắm sửa hệt như đồ dùng của chúa. Thị Huệ từ lúc được nhà chúa chiều chuộng, hơi có vẻ lộng hành, thường đóng kịch trước mặt chúa. Có khi Huệ không mặc gì, chỉ khoác lên người một chiếc khăn rất mỏng, lượn lờ qua lại để khiêu khích chúa. Chúa lao vào ôm thì Huệ lẩn rất nhanh, khiến chúa sôi cả máu lên mới thôi. Hễ có chuyện gì không vừa ý, là ả xây xẩm mặt mày, rồi kêu khóc thảm thiết để làm rối lòng chúa. Chúa có một viên ngọc dạ quang, lấy được trong khi đánh dẹp phương Nam, vẫn xâu ở trên đầu khăn làm đồ trang sức. Một hôm Thị Huệ lấy tay mân mê viên ngọc. Chúa nói: - Nhè nhẹ tay chứ, đừng làm ngọc sây sát! Thị Huệ bèn ném viên ngọc xuống đất mà khóc rằng: - Làm gì cái hạt ngọc này! Chẳng qua vào Quảng Nam kiếm giả chúa hạt khác là cùng. Sao chúa nỡ trọng của khinh người như vậy? Rồi ả tự ý bỏ ra ở cung khác, từ chối không gặp chúa nữa. Chúa phải dùng nhiều cách dỗ dành cho ả vui lòng, lúc ấy ả mới chịu làm lành với chúa. Kịp đến khi Thị Huệ có mang, chúa liền sai người đi lễ khắp trăm thần để cầu sinh con thánh. Đến kỳ, ả sinh được một trai, vào năm Đinh Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng 38 (1777). Chúa hết sức yêu mến đứa bé, lúc đầy trăm ngày, chúa lấy tên của mình lúc nhỏ là Cán mà đặt cho nó, để tỏ ra nó cũng giống mình. Chúa quý vương tử Cán bội phần. Nhưng vương tử Cán không phải con cả. Chính vì vậy, Thị Huệ mới ngầm có ý muốn cướp ngôi thế tử. Được người đàn ông quyền lực cưng như trứng mỏng mà Tuyên phi vẫn chưa thỏa. Người phụ nữ này tiếp tục muốn có địa vị, có danh vọng. Bà ép chúa và tìm mọi cách để đạt dục vọng của mình. - Tham vọng Vì vậy mà ta thấy được thói xấu thứ hai, ấy là tham vọng. Điều đáng sợ nhất của những người đàn bà trong Hoàng Lê nhất thống chí là tham vọng. Tác phẩm cho thấy đàn bà vốn hiền lành, cam chịu nhưng khi đã có cơ hội và leo lên vị thế thì trở nên khủng khiếp vì dùng mọi thủ đoạn ghê rợn để đạt được quyền lực, vinh hoa. " Đến năm thế tử mười lăm tuổi, thì con nhỏ là vương tử Cán ra đời, chúa hết sức yêu dấu đứa con nhỏ đó. Ba năm sau, thế tử đúng mười tám tuổi. Theo lệ cũ, thế tử đáng được mở phủ riêng; nhưng bấy giờ các quan chẳng ai dám tâu bày, mà chúa cũng không hề nhắc tới việc ấy. Như thế là người nối ngôi vẫn chưa định, nên lòng người rất phân vân. Hễ ai thuộc về thế tử Tông thì hùa theo thế tử Tông, ai thuộc đảng Thị Huệ thì vào phe vương tử Cán. Trong phủ chúa dần dần sinh ra bè nọ cánh kia. Thị Huệ cho rằng thế tử Tông đã khôn lớn, lông cánh đã đủ; mà con mình hãy còn trứng nước, nên càng mưu mô để gây thêm thế lực. " Thị Huệ lúc này tìm đủ mọi cách để thực hiện mưu đồ. Nào là đòi chúa gả công chúa Ngọc Lan cho em trai mình là Đặng Mậu Lân, nào là gian dâm với Quận Huy để có thêm vây cánh.. - Tầm nhìn hạn hẹp Thứ ba, những người phụ nữ hiện lên với tâm địa nhỏ mọn, đầu óc hạn hẹp. Ngô gia văn phái đã chọn công chúa Ngọc Hân để cụ thể thói xấu này. Khi Nguyễn Huệ - tức chồng của công chúa, trong vai trò là con rể hỏi chuyện của nhà vợ - đã hỏi rằng nhân phẩm của hoàng tự tôn như thế nào (hoàng tự tôn là một trong những người được dự đoán sẽ thừa kế ngai vàng của vua Lê), thì công chúa vì chưa thoát khỏi thói thường của người đàn bà, đã nghĩ bụng anh trai thì thân thiết hơn cháu ruột, nên sợ hoàng tự tôn sẽ cướp mất ngôi của anh trai, bèn đáp rằng" Nhân phẩm của hoàng tự tôn cũng tầm thường thôi! " . Chính vì việc này mà sau công chúa đã bị phê phán rằng" Tự Tôn không được làm vua, thiên hạ ắt loạn. Họ Lê sẽ mất, ấy là lỗi tại công chúa Ngọc Hân. Công chúa thực đã làm hại đến việc lớn của xã tắc, hãy xóa tên trong sổ họ đi, để cho công chúa về nước Tây Sơn mà yên hưởng giàu sang, họ ta chẳng thiếu gì một con người ấy! " Vì có tầm nhìn hạn hẹp, nên những người phụ nữ không làm được việc lớn. Câu chuyện cho thấy rõ tư tưởng dân gian thời đó" Đàn ông nông nổi giếng khơi/Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu ". Bằng chứng là: Thánh mẫu thái tôn (tức là mẹ Trịnh Sâm) thuộc phe đối đầu với Đặng Thị Huệ. Bà ấy có muốn vương tử Cán đi, để người cháu cả là thế tử Tông lúc đó đang bị thất sủng được lên ngôi chúa. Tác giả đã viết rằng" do làm kiểu đàn bà nên không được việc ", thánh mẫu khi nghe âm mưu phía người cháu yêu của mình chuẩn bị tiêu diệt vây cánh của Đặng Thị Huệ là quận Huy, cướp ngôi vương tử Cán, đã sợ nhỡ công việc bại lộ, em trai mình vạ lây; nên muốn trước hết thử ngầm đi dỗ dành quận Huy để hắn đưa thế tử Tông lên quyền ngôi chúa luôn cho khỏi chiến tranh. Thế là phe địch biết tỏng âm mưu của phe mình mất rồi. Cách xử lý tình huống này của Thánh Mẫu khiến cho người đọc ngán ngẩm về tầm nhìn ngắn ngủn, cách thức dùng người quẩn quanh, nông cạn của những người đàn bà quyền lực trong cung vua phủ chúa đương thời. - Tâm địa đen tối, giả dối Thêm nữa, tâm địa của người đàn bà trong tác phẩm bị khắc họa là đen tối, giả dối khó lường. Điều này thể hiện ở chi tiết chúa Trịnh Sâm lúc hấp hối qua đời. Chúa một đời tung hoành ngang dọc, được tác giả viết là" cứng rắn, thông minh, quyết đoán sáng suốt, trí tuệ hơn người ", lúc sắp chết lại trở nên đáng thương, bi hài vì không hiểu được lòng dạ đàn bà. Chi tiết này được viết rất tài tình và gây được tiếng cười. Khi ấy, chúa Trịnh đau ốm nằm trên giường, sắp về gặp ông bà tổ tiên. Bấy giờ thánh mẫu, tức mẹ Chúa vào thăm, ý bà là muốn nói rằng Chúa hãy suy nghĩ lại đi, hãy để con cả là thế tử Tông lên làm Chúa kế vị, đừng để cho con của Đặng Thị Huệ. Nhưng vì có Thị Huệ ở đấy nên bà cũng khó hé răng, thế là dùng dằng mãi chẳng nói được gì, chỉ sụt sịt, nức nở. Vậy mà chúa thấy thế, lại tưởng mẹ thương xót mình. Chúa khẩn khoản xin: - Con xin chắp tay cúi đầu lạy mẹ. Nay con chẳng may xấu số, không được thờ mẹ cho đến cùng. Nghĩ đến đạo hiếu chưa tròn, ruột gan con đau như dao cắt. Xin mẹ hãy ngự giá về cung, cố ăn ngủ cho thảnh thơi, đừng nghĩ gì đến con mà đau lòng mẹ. Tiếp đến là Thị Huệ, Chúa lại ảo tưởng tiếp. Thị Huệ hết việc cắt tóc thề rằng" Chúa thượng chẳng thương thiếp, nỡ bỏ thiếp vò võ một mình! Thiếp xin liều thân mà chết theo chúa ", lại đến việc khóc lóc suốt một khắc, tức hơn mười lăm phút liền, rồi lại òa lên nức nở ỉ ôi. Nhưng thị làm vậy đâu phải vì chúa, mà vì sợ không chuẩn bị chu đáo trước, nhỡ đến lúc tình thế khẩn cấp sẽ bị người khác cướp mất ngôi thế tử của con mình, rồi con còn nhỏ, chúa thì mất, trông cậy vào đâu.. Đó, thế mà chúa lại quay sang dặn Thị Huệ rằng: - Bệnh ta không khỏi, không ở được cùng khanh đến lúc bạc đầu. Nay ta về chầu trời, khanh ở lại phụng thờ thánh mẫu, nuôi nấng tự vương; còn duyên sắt cầm đành hẹn đến kiếp khác. Rồi lại dặn cấp dưới của mình rằng: - Sau khi ta qua đời, các ngươi phải nên khuyên giải chính cung cho khéo, chớ để nàng liều mình. Vạn nhất nếu không ngăn cản nổi ý chí của nàng, thì cứ để nàng chung thuyền với ta mà đưa đi, cho nàng được hầu hạ ta ở nơi lăng tẩm". Trịnh Sâm thật là tội nghiệp, vốn thông minh, quyết đoán sáng suốt, trí tuệ hơn người, có đủ tài về văn lẫn võ, cuối cùng vì cả tin mà trở thành con rối bị hai người đàn bà diễn trò, điều khiển! - Đánh mất tình nghĩa Đỉnh điểm của sự suy đồi nhân cách ở những người phụ nữ chính là việc họ trở nên vô nhân tính, quên hết tình nghĩa, chà đạp lên nguyên tắc đạo đức của Nho giáo. Đầu tiên là ở chi tiết thị dung túng cho những hành động thú tính, đê tiện của em trai mình; ép chúa cho Mậu Lân lấy công chúa là để tăng uy thế, củng cố lực lượng cho bản thân. Phe cánh của Thị Huệ thì mỗi ngày một mạnh. Các quan lớn nhỏ không ai là không nịnh nọt, hùa theo, mà nhà chúa cũng càng trọng ả hơn trước. Thừa dịp ấy, Thị Huệ bèn hỏi con gái chúa là công chúa Ngọc Lan cho em trai mình là Đặng Mậu Lân. Công chúa này tên chữ là Ngọc Thuyên, là cô con gái yêu quý nhất của chúa. Ngọc Lan vóc người yếu đuối, từ nhỏ vẫn ở trong cung thuỷ tinh, kiêng nắng, kiêng gió. Nơi Ngọc Lan ở, chúa bắt thị tỳ phải nói năng sẽ sàng để cho nàng khỏi giật mình. Khi Ngọc Lan đã lớn, mỗi lần vào thăm chúa, chúa đều cho phép cùng ngồi với mình như lúc nàng còn bé. Phàm những điều Ngọc Lan cầu xin chúa, không có lời nào là không đắt. Các quan vào hàng công thần, quý tộc, nhiều người đã tới cầu hôn, nhưng chúa chưa hứa gả cho ai. Đã có lần chúa hạ chiếu chỉ cho các quan văn võ, cùng con cháu các dòng họ công thần vào phủ để cho công chúa tự kén chọn. Chúa bảo công chúa hễ chọn được ai vừa ý thì chúa sẽ gả cho người ñó. Nhưng Ngọc Lan vẫn chưa kén được ai vừa lòng. Đến nay, Thị Huệ cầu hôn cho em trai, chúa sợ mất lòng ả ta, bất đắc dĩ mà phải gượng nhận lời. Lại nói, Đặng Mậu Lân này vốn là một tên hung bạo; từ khi Thị Huệ được chúa yêu dấu, Lân lại càng ỷ vào thế chị để làm những việc càn rỡ. Hết thảy áo quần, xe kiệu của y, nhất nhất đều rập kiểu theo đúng như của vua chúa. Thường ngày, Lân vẫn đem theo vài chục tên tay sai, cầm gươm vác giáo đi nghênh ngang khắp kinh ấp. Hễ gặp xe kiệu, bất kỳ là của đám quan quân nào, Lân cũng đều cà khịa đánh nhau làm cho họ nhục nhã, rồi lấy thế làm thích thú. Gặp đàn bà con gái giữa đường, hễ người nào trông vừa mắt, tức thì Lân sai tay chân quây màn trướng ngay tại chỗ, rồi lôi người ấy vào hiếp liền. Chồng hoặc cha kẻ bị nạn, nếu dám hé răng kêu ca, lập tức Lân sai quân vặn gãy răng, hoặc cũng có người bị đánh đến chết. Người thiên hạ sợ Lân hơn sợ beo sói. " Không chỉ vậy, thị còn dùng cả thân xác để gia tăng thế lực, vây cánh. Thị đã phạm vào tội thất tiết - thứ tội tày trời của đàn bà thời phong kiến. Ngày xưa, đàn bà chết đói là chuyện nhỏ, thất tiết mới là chuyện lớn. Như Vũ Nương thông minh hiền dịu chỉ vì một lời nghi oan thất tiết của chồng mà phải trầm mình xuống sông tự vẫn vì sợ sẽ phải chịu bản án cay nghiệt của xã hội. Vậy mà Thị Huệ - một trong những người đàn bà tôn quý nhất thiên hạ thời đó, lại đi gian dâm với quận Huy. Mà chuyện này đâu phải kín kẽ gì đâu. Kết thúc hồi thứ nhất, các tác giả viết rằng: " Trăm quan ít sáng nhiều mờ, Để cho Huy quận vào sờ chính cung "là vì như thế. Bên cạnh Thị Huệ, còn có nhân vật ác nghiệt hơn là Dương Thị Ngọc Hoan - mẹ của thế tử Tông, con trai cả của Chúa. Sau này, khi thế tử Tông giành lại ngôi xong, Ngọc Hoan có quyền thế trong tay, liền bắt đầu màn trả thù rất tàn khốc: Đầu tiên là Thị Huệ. " Khi chúa nhỏ bị bỏ (tức con của Thị Huệ bị phế), thái phi liền sai người bắt Tuyên phi đến trước mặt mình, kể tội, rồi buộc Tuyên phi phải lạy tạ. Tuyên phi không chịu lạy. Thái phi bèn sai hai thị nữ đứng kèm hai bên, níu tóc Tuyên phi rập đầu xuống đất. Nhưng Tuyên phi vẫn nhất định không chịu lạy, mà cũng không nói nửa lời. Thái phi giận quá, đánh đập một hồi, nhổ nước bọt vào đầu vào mặt, rồi đem giam ở vườn sau. Tại đây, Tuyên phi bị làm tình làm tội cực kỳ khổ sở. " Tiếp đến là vợ con của Quận Huy. Chúa mới lúc ấy nghĩ đến tình anh em cô cậu, đã ban ơn cho được tha tội chết. Nhưng Ngọc Hoan lại ngầm sai người đến bắt họ uống thuốc độc mà chết. Vợ của Quận Huy còn bị Thái Phi làm cho cực khổ đủ đường đến nỗi vừa đau buồn vừa uất giận nên đã thành bệnh mà chết, chết trong đau đớn tủi nhục. Phải nói rằng, đàn bà một khi tham gia chính sự thì cũng" máu lạnh "vô cùng! Đó chính là thông điệp từ Hoàng Lê nhất thống chí. 3. Vai trò chính của nhân vật nữ trong tác phẩm Trong câu chuyện lịch sử này, những nhân vật nữ đóng vai trò là những con bài bị kẻ nham hiểm lợi dụng, là công cụ cho những canh bạc chính trị. Dẫn chứng thứ nhất là công chúa Lê Ngọc Hân của nhà Lê. Khi ấy nhà Lê suy yếu, thế lực của Nguyễn Huệ lại như chẻ tre. Nhìn thẳng ra, dù cho Nguyễn Huệ một lòng muốn phò tá nhà Lê, thì Nguyễn Huệ vẫn là địch của nhà Lê bấy giờ. Nhưng khi vua Lê sắp mất, Nguyễn Huệ hỏi công chúa về đức tính của các vị hoàng tử xem như thế nào, thì công chúa đều kể thật hết với Bình. Chi tiết này khiến tớ thấy công chúa Ngọc Hân" ngây thơ "như nàng Mỵ Châu ấy. Tình hình trong ngai vàng điện ngọc vốn phải được coi là bí mật quốc gia thì qua nàng công chúa Ngọc Hân, Nguyễn Huệ đã nắm được hết ngọn ngành. Cùng với công chúa Ngọc Hân, nhiều người đàn bà khác cũng bị sử dụng với mục đích" tay chân "," mật thám "như vậy. Thế tử cắt đặt xong thì bệnh của chúa cũng vừa khỏi, việc ấy bị tiết lộ. Hồi đó, có Nguyễn Huy Bá người ở Gia Lâm tính tình nham hiểm, giảo hoạt, thường vẫn quen thói tố giác kẻ khác để kiếm quan chức. Năm trước, chính vì Bá đã tố cáo âm mưu nổi loạn của Nguyễn Huy Cơ và Thuỵ quận công (người định giành ngôi chúa với Trịnh Sâm) mà y được làm chức tham nghị ở trấn Sơn Nam, dần dà, y ngoi lên chức tiến triều (những người không đỗ tiến sĩ mà được làm quan ở sáu bộ thì gọi là tiến triều), rồi lại thăng tới chức đốc đồng ở trấn Thái Nguyên. Lúc này vì có lỗi bị cách chức, y đang nóng lòng mong lại được ra làm quan. Y bèn sai con dâu cả vào làm đầy tớ cho Thị Huệ; rồi thường nhặt nhạnh những chuyện chơi bời đùa nghịch của Tông, xui con dâu kể lại cho Thị Huệ để nịnh nọt, lấy lòng. Ngày ấy có tin đồn quận Huy sắp làm phản. Chúa thường ngày ngày bí mật cùng cận thần bàn kế giết quận Huy, chuyện này chỉ có Thị Huệ biết được chúa bàn cái gì. Quận Huy biết thế, liền sai vợ mình ngày đêm ra vào trong phủ luồn lọt Thị Huệ; Thị Huệ mới đem việc kín nói cho vợ quận Huy nghe. Quận Huy lại biết hết, thế là tính được đường sống cho mình", từ việc sắp thành giặc lại trở thành vị quan thân cận với Chúa Trịnh. Đó, những người phụ nữ trong Hoàng Lê nhất thống chí chỉ thấy được bề mặt, họ không nhận ra được chiều sâu bên trong của những mưu mô, thủ đoạn chính trị của giới đàn ông quân tướng, để rồi trở thành công cụ của cánh đàn ông, gián tiếp gây ra bao tai họa chốn triều đình, cũng là tai họa cho xã hội, đất nước. 4. Ý nghĩa của nhân vật phụ nữ trong tác phẩm: Biểu hiện của thời loạn Những người đàn bà trong Hoàng Lê nhất thống chí gây ảnh hưởng ghê gớm đến chuyện quốc gia đại sự. Theo phân công xã hội của tư tưởng Nho giáo, đàn ông là người nắm giữ vai trò "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Còn đàn bà là người nội trợ, tam tòng. Có như vậy, gia đình, xã hội mới kỉ cương, nề nếp, ổn định, bền vững. Còn thời đó, lắm đàn bà tham gia chính sự, bàn việc nước, đó là biểu hiện rõ ràng của thời loạn. Ngay mở đầu Hoàng Lê nhất thống chí, Ngô gia văn phái đã bắt đầu bằng những chuyện của chúa Trịnh Sâm với đàn bà. "Phi tần thị nữ kén vào rất nhiều, mặc ý vui chơi thỏa thích" - đó đã là họa. Trịnh Sâm còn có một điểm yếu chết người nữa là rất mềm lòng, cả nể với đàn bà. Thế là từ chỗ, "là người cứng rắn, thông minh, quyết đoán sáng suốt, trí tuệ hơn người, có đủ tài về văn lẫn võ, đã xem khắp kinh sử, biết làm văn làm thơ", "lên nối ngôi chúa, từ kỷ cương trong triều đến chính trị trong nước, hết thảy đều được sửa đổi; bao nhiêu tướng giặc, đảng nghịch, đều lần lượt bị dẹp tan", Trịnh Sâm đã bị đàn bà làm cho thoái hóa. Xung quanh Trịnh Sâm toàn là đàn bà. Nhà chúa đã bị vướng vào mớ bòng bong đàn bà "đến nỗi họa sinh ra từ trong nhà", tề không nổi gia, trị không được quốc. Rất nhiều chuyện rối ren trọng đại khác trong cung cũng do một tay của người phụ nữ phụ họa thêm. Việc mâu thuẫn, bất hòa, dẫn đến giết hại nhau giữa cung vua với phủ chúa đều có căn do từ đàn bà. Trong Hoàng Lê nhất thống chí, Ngô gia văn phái đã kể đàn bà ở mọi cấp độ, địa vị tác động đến vận nước. Đến cả các cung nhân cũng nói chuyện quốc gia đại sự, trên mọi phương diện về tình thế hiểm nghèo của triều đình. Cuối cùng cung nhân còn đưa ra kế sách cho thái hậu, bảo thái hậu chạy sang đất Trung Hoa một chuyến. Chưa kể, kẻ làm vua như Lê Chiêu Thống còn chuyện trò tâm sự với các cung nữ. Với nhà vua, cung nữ là tri kỉ. Đó là bên vua, còn phía chúa? Trịnh Sâm cũng hễ có việc gì chúa cũng bàn với Thị Huệ. Vậy là cả vua lẫn chúa đều coi đàn bà là tâm phúc, coi đàn bà cao tay hơn mình, nghe lời đàn bà, làm theo đàn bà. Đó là nguyên nhân khiến vương triều suy loạn. Đó chính là quan điểm của Ngô gia văn phái. III. Nhận xét 1. Thông điệp chung của tác phẩm Hình ảnh phụ nữ xuất hiện không nhiều nhưng cũng góp phần thể hiện rõ thông điệp chung của tác phẩm. - Thứ nhất, tác phẩm phản ánh sự sụp đổ không cưỡng nổi của triều đại Lê - Trịnh và sự hỗn loạn của Đàng Ngoài cuối thế kỉ 18. Không ngẫu nhiên khi chi tiết Thị Huệ và Trịnh Sâm được đặt ở phần mở đầu của tác phẩm, như muốn nói nhà Chúa "dột từ nóc", từ trong cung cấm, từ chốn buồng the của Chúa. - Thứ hai, tác phẩm lên án sự thối nát của bộ máy chính quyền, nơi những người thuộc tầng lớp trên của xã hội phong kiến lại là hiện hữu của sự suy bại về cả nhân cách lẫn năng lực. - Phản ánh phần nào cuộc sống của nhân dân thời Lê mạt: Cuộc sống không có trật tự, không an toàn, không ấm no trước nạn binh hỏa và nạn đói 2. Lịch sử, xã hội được phản ánh như thế nào? Lịch sử và xã hội được phản ánh thông qua cái nhìn của những nhà Nho Giáo, bao gồm: - Vai trò và địa vị của đàn bà trong xã hội. Nó thường thể hiện sự chi phối của nam giới trong các vấn đề quyết định và chính trị, nhưng bên cạnh đó lại có thái độ phê phán, khinh thị đàn bà. - Vua chúa được coi là hiện hữu của sự suy bại. Có người nhu nhược, có người tự cho mình như cha mẹ nhân dân, có người lại bán nước, "cõng rắn cắn gà nhà". Dẫn chứng: Vua Cảnh Hưng cam chịu sống bạc nhược, Trịnh Tông trở thành con rối của đám kiêu binh; Lê Chiêu Thống bị nhân dân căm ghét vì bán nước và luồn cúi trước tướng Tôn Sĩ Nghị nhà Thanh. - Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn do Nguyễn Huệ đứng đầu. Những nhân vật phụ nào cũng có tác dụng làm nổi bật nhân vật chính. Ở đây câu chuyện bi hài của các nhân vật phụ cũng đóng vai trò là một phần dẫn đến sự kiện chính là Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn do Nguyễn Huệ đứng đầu. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, sức mạnh quật khởi của khởi nghĩa nông dân được miêu tả như một lực lượng có vai trò giải quyết những ung nhọt trong xã hội. Hoàng Lê nhất thống chí không chỉ phản ánh mâu thuẫn giữa các tập đoàn phong kiến lớn, mâu thuẫn giữa triều đình phong kiến và khởi nghĩa nông dân mà còn phản ánh mâu thuẫn dân tộc. 3. Nhận xét về nhóm tác giả - Là các nhà nghiên cứu lịch sử nghiêm túc và có kiến thức sâu rộng về lịch sử và xã hội thời bấy giờ. - Tôn trọng lịch sử, không viết sai lệch (điển hình là dù tác giả là bề tôi của Lê Chiêu Thống nhưng vẫn không tôn vinh ông một cách phô trương và quá đà mà viết đúng sự thật), thẳng thắn phơi bày khía cạnh lịch sử lẫn những mâu thuẫn, góc khuất trong xã hội ngày xưa. - Nhìn nhận đàn bà theo nhãn quan của nhà nho truyền thống. Đàn bà với họ hiện lên thật hư hỏng, méo mò, là thói thường, tham bạo, độc địa, đàn bà còn là nguyên nhân gây họa đảo điên rường cột, trông vào đàn bà là ra thời loạn. - Thể hiện thái độ phù hợp (phê phán những kẻ bán nước, xâm lược chủ quyền, các triều đại thối nát; nể trọng, ngợi ca những vị anh hùng) - Tài năng: Sở hữu lối kể chuyện "phi biên niên" đầu tiên và duy nhất của tiểu thuyết chương hồi Việt Nam. Xây dựng được những nhân vật điển hình đa dạng, vừa khái quát vừa sâu sắc. Nhân vật lịch sử có đời sống nội tâm phức tạp và số phận cụ thể trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Một mặt các tác giả Trung đại phải cân nhắc, chọn lọc những sự kiện lịch sử, mặt khác lại phải quan tâm chắt lọc, tham khảo những nguồn tư liệu phụ như dã sử, truyền thuyết dân gian.. để bổ sung cho cốt truyện, làm cho câu chuyện đậm đà hơi thở của cuộc sống. Sự thành công của tác giả Trung đại chính là việc làm cho chân thực lịch sử được thăng hoa thành chân thực nghệ thuật. 4. Giá trị của tác phẩm trong sự phát triển của nền văn học Việt Nam Văn học Việt Nam từ thế kỉ 18 đến thế kỉ 19 có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử văn học dân tộc. Đây là giai đoạn "kết tinh thành tựu tám thế kỷ của văn học Việt Nam trung đại", được mệnh danh là "giai đoạn văn học cổ điển" và mở ra một thời kỳ phát triển mới, hết sức thịnh vượng trong đời sống văn hóa và văn học. Chưa bao giờ các thể loại văn học lại cùng một lúc đạt đến đỉnh cao như bây giờ. Các thể loại văn học hình thành từ giai đoạn trước như thơ chữ Hán, thơ Nôm Đường luật, truyện ký chữ Hán, diễn ca lịch sử.. đều đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Các thể loại mà giai đoạn trước chưa kịp ra đời hoặc mới có mầm mống thì nay đã xuất hiện và cũng đạt đến đỉnh cao của sự phát triển như ngâm khúc, truyện thơ, hát nói.. Giai đoạn này cũng là thời kỳ huy hoàng của văn học chữ Nôm với những sáng tác của thơ Nôm Đường luật, phú Nôm, truyện thơ Nôm với đỉnh cao là kiệt tác "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du. Bên cạnh văn học chữ Nôm, văn học chữ Hán cũng có những thành tựu rực rỡ và là bước tiến lớn với thành tựu xuất sắc là tiểu thuyết chương hồi, truyện ký, truyện truyền kỳ, văn khảo cứu.. Như vậy thế kỷ XVIII – nửa đầu XIX đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho nền văn học nước nhà, đặc biệt có sự xuất hiện của các nhà văn nhà thơ lớn của dân tộc với những tác phẩm vĩ đại. Tiểu thuyết chương hồi Việt Nam chính là kết tinh tuyệt vời của văn xuôi tự sự thời trung đại, chính thức cho thấy văn xuôi cũng có vị trí quan trọng chứ không đơn thuần là văn vần như trước. Không nằm ngoài dòng chảy thời đại, Hoàng Lê nhất thống chí cũng là một gương mặt tiêu biểu. 5. Kế thừa và sáng tạo a. Tính kế thừa từ văn học Trung Quốc: - Sử dụng thể chí. Chính thuật ngữ này đã được các nhà chép sử Trung Quốc sử dụng mà tiêu biểu là Trần Thọ với cuốn sử "Tam Quốc Chí". Sau này chính La Quán Trung đã dùng thuật ngữ này để gọi tác phẩm của mình và ở những bản in đầu tiên mang tên "Tam Quốc chí thông tục diễn nghĩa", sau này mới văn tắt thành "Tam quốc chí" hay "Tam quốc diễn nghĩa" mà các bạn biết. - Có lối viết kiểu tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc. Tiểu thuyết chương hồi là một thể thuộc loại tác phẩm tự sự dài hơi của Trung Quốc, thịnh hành vào đời Minh, Thanh và sau này là ở Việt Nam. Tiểu thuyết chương hồi thoát thai từ thoại bản, một loại tiểu thuyết bạch thoại từ đời nhà Tống. Thoại bản giảng sử thường là trường thiên. Câu chuyện lịch sử dài, phải chia làm nhiều đoạn, kể làm nhiều lần (hồi). Để phân biệt, người ta đặt tiêu đề cho mỗi hồi gọi là hồi mục, và để hấp dẫn, người ta ngắt ở những đoạn có tình tiết quan trọng, và kết bằng câu "muốn biết sự việc ra sao, xin xem hồi sau phân giải". Mỗi hồi phải dừng lại khi câu chuyện lên đến cao trào cũng là cách đánh vào sự hiếu kỳ của người nghe, người đọc buộc phải theo dõi tiếp câu chuyện. - Nghệ thuật xây dựng tình huống lớp lang, bất ngờ: + Tạo nên sự phức tạp và đa chiều cho nhân vật. Những nhân vật nữ không chỉ đơn thuần là có nhan sắc, mà còn có nội tâm phức tạp, đầy mê hoặc, toan tính, khó lường, thông minh và có thủ đoạn chính trị. + Lựa chọn những sự kiện lịch sử căng thẳng, cuốn hút, bất ngờ xen lẫn hài hước. Ví dụ một màn trò hài mà đậm chất bi là sự gặp gỡ đầy nghịch cảnh của ba người Thị Huệ, Thánh Mẫu và Trịnh Sâm. Hai người đàn bà đóng trò diễn kịch còn Trịnh Sâm là nạn nhân đáng thương. Hai người, một người là mẹ, một người là vợ đóng trò trước người con, người chồng sắp chết. Họ đều tỏ ra thương Chúa sắp băng hà nhưng thực chất là "thương" cái ngôi chúa. Hay việc Đặng Thị Huệ liên kết với Huy Quận, gạt đi thế lực của người con trai trưởng là Trịnh Khải nhằm giành lấy ngôi vị Thế tử cho con trai mình, đã gây ra Nạn kiêu binh và sụp đổ chính quyền Lê – Trịnh. - Tuy số lượng không nhiều nhưng các nhân vật nữ trong Hoàng Lê nhất thống chí trở thành những điểm nhấn quan trọng, góp phần bổ sung hoàn chỉnh đặc điểm, diễn biến của lịch sử xã hội Việt Nam. Các tác giả rõ ràng đã có thái độ khinh thị đàn bà, xem đàn bà là họa, trông vào đàn bà để thấy thời loạn. Khi các biến cố xảy ra, lại có một người phụ nữ bị đưa ra như là nguyên nhân chính gây ra cũng như chịu trách nhiệm thay cho nam giới. Họ là những Đát Kỉ, những Dương Quý Phi, những Bao Tự, Tây Thi.. Điều này hẳn có sự kế thừa sự đánh giá theo truyền thống của cả lịch sử Trung Quốc lẫn Đại Việt. b. Tính sáng tạo riêng của văn học Việt Nam: - Cái hay, cái độc đáo, vượt trội của HLNTC so với những tiểu thuyết cùng kiểu ở Trung Quốc hay Triều Tiên chính là ở chỗ tác giả của Ngô Thì đã xây dựng được 1 cuốn tiểu thuyết về những sự kiện chính trị, lịch sử của ngay thời đại họ đang sống. Đây là điều rất hiếm thấy, điều này cho thấy cảm quan lịch sử cũng như ngòi bút sáng tạo nghệ thuật rất tinh nhạy của các nhà văn họ Ngô Thì. So sánh với những tác phẩm khác, chúng ta thấy La Quán Trung viết "Tam quốc chí" khoảng 1000 năm sau thời Tam Quốc. "Tống chí truyện" có nội dung nói về nhà Tống thì được viết vào thời Minh. "Chiến tranh và hòa bình" của Lev Tolstoy với rất nhiều trường đoạn miêu tả chiến tranh chỉ ra đời sau khi những sự kiện đó qua đi hơn nửa thế kỉ. Còn HLNTC ra đời ngay trong thời đại mà tác phẩm miêu tả. - Kết cấu cốt truyện có sức khái quát cao về diện mạo và số phận con người nước Việt đủ mọi tầng lớp những năm cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Với kết cấu cốt truyện xâu chuỗi "nhân quả", Ngô gia đã khái quát về bản chất "Trong phúc có họa, trong họa có phúc" của mọi thời đại bất ổn loạn lạc thay vì chỉ đơn giản dừng lại kể câu chuyện về thời đại họ sống. - Bên cạnh nhân vật phụ nữ được tác giả khắc họa rõ nét, nhóm nhân vật "thứ nhân" - nhóm mà hầu như không hiện diện trong các bộ chính sử cũng xuất hiện nhiều và là một đóng góp nghệ thuật mang tính "tiểu thuyết" cho HLNTC. Xây dựng một thế giới nhân vật đa dạng binh lính và thường dân; trí thức và nha lại; dân binh Bắc Hà và lính tráng Nam Hà; người quốc dân và kẻ ngoại quốc, tỳ nữ, cung nhân, cho đến những người "thiên hạ" vô danh.. HLNTC mang lại cho câu chuyện lịch sử màu sắc đời thường chúng dân ở một mức độ nhất định. Và dù là yếu nhân lịch sử hay thứ nhân, Ngô gia đều chú trọng khắc họa bản sắc nhân vật thông qua ngôn ngữ đối thoại đặt trong những tình huống xung đột kịch tính. Đáng chú ý là tác phẩm xây dựng được nhiều lời thoại ngắn diễn tả một cách sinh động và để lại ấn tượng sâu sắc về tâm lý/tính cách riêng của nhân vật; khác với kiểu lời thoại dài "nói hộ nhân vật" mang nhạt tính bản sắc thường gặp trong các bộ tiểu thuyết lịch sử như Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Việt long hưng chí, Việt Lam xuân thu.. Để xem các nhân vật đối đáp nhau thế nào thì các bạn hãy thử tìm đọc nhé. - Giọng điệu châm biếm Cũng từ góc độ "tiểu thuyết", giọng điệu châm biếm là một độc đáo hơn hẳn của NTC so với các bộ tiểu thuyết lịch sử thời trung đại, Tác phẩm có sự kết hợp tài hoa giữa lối bao biếm của bút pháp Xuân Thu với truyền thống trào phúng của văn học dân gian Việt Nam và cái nhìn sắc sảo của người hiểu biết rộng. - Thay đổi điểm nhìn trần thuật Cùng với giọng điệu châm biếm, điểm nhìn "người kể chuyện biết tuốt" có sự thay đổi đã tạo nên giá trị tư tưởng tiến bộ của HLNTC. Việc thay đổi từ "điểm nhìn giai cấp" (hồi 1 – hồi 10) sang "điểm nhìn dân tộc" (hồi 13, 14, 15) đã đánh dấu thành công cả trong việc tái tạo sử liệu khách quan cũng như trong năng lực hư cấu nghệ thuật đầy chủ quan của tác giả. Mười hồi đầu chủ yếu tái hiện quá trình thống nhất bờ cõi qua từng chặng nội chiến cam go giữa các tập đoàn phe nhóm lớn nhỏ từ Bắc Hà vào tới kinh đô của nhà Tây Sơn. Điểm nhìn trần thuật ở đây chủ yếu là "điểm nhìn giai cấp" – mỗi nhân vật thuộc về một lựa chọn chính trị mang tính đối nghịch chính thống – phi chính thống. Nhưng, với ba hồi gần cuối (13, 14, 15), "điểm nhìn dân tộc" đã xây dựng nhân vật Quang Trung hoàng đế thành một biểu tượng phổ quát, vượt lên mọi ngăn cách giai cấp/phe nhóm. Những cặp hình tượng tương phản, tình huống và nhân vật tương phản trở nên rõ nét hơn, quyết liệt hơn: Tương phản giữa quân Thanh – quân đội Tây Sơn – vua tôi Chiêu Thống. Tinh thần dân tộc sâu sắc khiến Ngô gia một lần nữa chiến thắng thiên kiến giai cấp, sáng tạo nên bộ tiểu thuyết lịch sử đầu tiên và duy nhất thời trung đại ghi giữ một cách chân thực và sinh động hình tượng hoàng đế Quang Trung - người anh hùng làm rạng danh thêm truyền thống chống ngoại xâm phương Bắc của nước Việt. Có thể nói, bằng việc khắc họa thành công thế giới nhân vật cực kỳ đông đảo, đa dạng, HLNTC đã mang lại cái nhìn về bản chất con người trong một xã hội khủng hoảng chính trị, đạo đức. Hầu hết con người trong xã hội ấy dù thuộc tầng lớp nào cũng đều có điểm chung là sở hữu dục vọng, tham vọng quá ngưỡng. Từ việc triều đại phong kiến trong buổi suy tàn, xã hội phân hóa, triều đình và vua chúa bất lực, kiêu binh nổi loạn, nhân tài và trí thức lúng túng trong cách hành xử với đời, đi tìm chủ mới, vua chúa tham quyền sẵn sàng bán nước cho ngoại bang. Bên cạnh đó là sự lớn mạnh của phong trào nông dân khởi nghĩa với cuộc nổi dậy của anh em nhà Nguyễn Huệ và cuộc chiến tranh thần thánh quét sạch thù trong, giặc ngoài, làm nên bản anh hùng ca của dân tộc trong lịch sử đấu tranh giữ nước. Tất cả được xây dựng trong một bố cục tác phẩm hợp lý, chặt chẽ, có tính toán theo ý đồ nghệ thuật của nhà văn, chứ không đơn thuần là liệt kê những sự kiện có sẵn. Về điểm này, Hoàng Lê nhất thống chí đã đạt đến trình độ điển hình cho nghệ thuật kể chuyện lịch sử của tiểu thuyết trong văn học Việt Nam trung đại. Tác phẩm đã đem đến một bức tranh rộng lớn về một thời đại đầy biến động, vừa đau thương vừa hào hùng trong lịch sử dân tộc. Với những nội dung hiện thực kết hợp với bút pháp nghệ thuật sinh động, hấp dẫn, Hoàng Lê nhất thống chí xứng đáng được coi là một bộ tiểu thuyết độc đáo, có giá trị cả về mặt lịch sử và văn học, vì thế cuốn sách luôn được người đọc đón nhận, nghiên cứu.