Kinh Thi (詩經) được viết trong khoảng thời gian hơn 500 năm, tập hợp những tập thi ca được sáng tác trong dân gian từ thời Tây Chu (TK XI TCN) đến giữa thời Xuân Thu (TK VI TCN) còn tồn tại đến ngày nay. Ban đầu nó chỉ được coi như là bộ sách khởi đầu cho văn học Trung Quốc, sau này được Nho Giáo nâng lên hàng kinh điển, có giá trị trên nhiều phương diện như lịch sử, văn hóa, chính trị, giáo dục, xã hội.. đặc biệt là văn học. Kinh Thi ban đầu có tên là "Thi", đến năm 206 TCN các nhà Nho đặt nó ngang hàng với Thư, Lễ, Nhạc thời Xuân Thu nên mới gọi là Kinh Thi . Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh vấn đề nguồn gốc của Kinh Thi, có thể kể đến những lập luận đáng tin cậy như sau: Một số học giả thời Hán cho rằng nhà Chu có một nơi chuyên trách trong việc sưu tập thơ ca được sáng tác trong dân gian, để dựa vào đó mà khảo sát, tìm hiểu sự thịnh suy về mặt chính trị, phong tục, tập quán, cuộc sống sinh hoạt trong nhân dân, nhằm đưa ra những phương pháp chính sách cai trị, phát triển kinh tế sao cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Đời nhà Thanh lại có ý kiến khác cho rằng: Nhà Chu tuy đã có việc sưu tập thơ ca được sáng tác trong dân gian nhưng đó là do các nhạc sư thực hiện nhằm cải thiện, làm phong phú thêm vốn từ, lời ca tiếng hát thêm hấp dẫn, sinh động để dâng lên cho Thiên Tử thưởng thức. Các ý kiến tuy khác nhau về hình thức cũng như mục đích thực hiện, nhưng nhìn chung đều tồn tại việc sưu tập thơ ca dân gian trên diện rộng vào thời nhà Chu. Công trình sưu tập này trải qua nhiều thời kì khác nhau, được tập hợp từ nhiều nơi ở Trung Quốc, trải qua quá trình gia công, chỉnh sửa, chọn lọc công phu đã biên soạn thành Kinh Thi. Kinh Thi hiện nay có hình thức cơ bản là thơ 4 chữ, hệ thống vần và quy luật dụng vần nhìn chung đều thống nhất với nhau. Trong cuốn"Sử ký Tư Mã Thiên", Tư Mã Thiên trong thiên viết về Khổng tử thế gia có cho biết: Kinh Thi ban đầu có trên 3000 bài, được Khổng Tử chọn lọc rút gọn lại thành 305 bài xếp thành một tập gọi là Thi . Khổng Tử rất coi trọng việc biên soạn quyển sách này nên đã bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức, chỉnh lý nội dung sao cho khớp với cổ nhạc, đồng thời phù hợp với mục đích giáo dục. Thời Chiến Quốc, Kinh thi được xem là "sách giáo khoa" của xã hội, bộ phận quan trọng trong các nghi thức điển lễ, dùng để giải trí, hay trình bày những quan niệm của mình đối với những vấn đề chính trị xã hội. Sau này, Kinh Thi phổ biến ở khắp mọi nơi, trở thành tài liệu học tập văn hóa quý giá được nhà nhà người người coi trọng, áp dụng vào việc giáo dục giới quý tộc. Nhưng đến thời Tần Thủy Hoàng (259-210 TCN), không coi trọng Nho giáo, mà thiên về pháp trị (dùng pháp luật để cai trị đất nước), nên ra lệnh thiêu hủy mọi điển tịch của Nho Gia. Tuy nhiên do tính chất dễ nhớ, dễ thuộc mà được giới nhân sĩ đương thời ghi nhớ, đến thời nhà Hán được sưu tập lại và truyền dạy chính thức cho các đệ tử Nho Gia. Ở giai đoạn đầu nhà Hán nổi bật có 4 nhà truyền dạy Kinh Thi với những dị bản bao gồm: Viên Cố (轅固) người nước Tề, Thân Bồi (申培) người nước Lỗ, Hàn Anh (韓嬰) nước Yên, cuối cùng là Mao Trường (毛萇) nước Triệu, với các bản ghi lần lượt là: Tề Thi, Lỗ Thi, Hàn Thi, Mao Thi . Thời Đông Hán bản Mao Thi của Mao Trường được sử dụng phổ biến, được triều đình tin dùng, thừa nhận, do đó được lưu truyền đến ngày nay, 3 bản còn lại đến hiện nay đã bị thất truyền.