Nghị luận xã hội: Chúng ta đứng thẳng khi cúi xuống giúp đỡ người té ngã

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thủy Tô, 30 Tháng tám 2023.

  1. Thủy Tô

    Bài viết:
    44
    Đề bài: Trình bày suy nghĩ về ý kiến: "Chúng ta đứng thẳng bằng cách cúi xuống giúp đỡ người té ngã. Chúng ta vươn cao bằng cách nâng đỡ người khác đứng lên."

    Hướng dẫn:

    Dàn ý:

    Mở bài: - Dẫn dắt vấn đề.

    - Giới thiệu câu nói và vấn đề cần bàn.

    Thân bài:

    Giải thích:

    - Cách nói "đứng thẳng bằng cách cúi xuống", "vươn cao bằng cách nâng đỡ" ngỡ như là những điều trái ngược nhau nhưng lại nói lên chân lí đời sống sâu sắc.

    - "Đứng thẳng" : Sống ngay thẳng, cao khiết, chính nghĩa, tự hào với tư cách sống của mình. => Ta sống xứng đáng, ý nghĩa và thanh cao khi biết sống vì người khác, biết giúp đỡ những người khó khăn, yếm thế, vấp ngã..

    - "Vươn cao bằng cách nâng đỡ người khác đứng lên" : Vươn lên tầm cao về tầm vóc tâm hồn khi biết đưa tay giúp đỡ người khác, biết đối xử công bằng, văn minh, nhân ái với người khác. Con người ta thực sự vươn lên không phải từ việc đạp đổ, xô ngã người khác mà nhờ vẻ đẹp nhân cách của mình.

    Ý kiến đề cập đến vấn đề: Người biết sống nhân ái với mọi người, biết giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn là con người "đúng nghĩa" (đứng thẳng), con người có tâm hồn cao cả.

    Chứng minh:

    - Lòng nhân ái, tương thân tương trợ là một nét hành xử đẹp, cho thấy phẩm tính cao cả ở con người, đó đồng thời là truyền thống tốt đẹp của dân tộc được gìn giữ bao đời. Vì vậy, đừng lo sợ khi dang tay giúp đỡ người khác.

    - Theo quy luật nhân quả thì "ác giả ác báo" còn "ân nghĩa đáp đền". Giúp đỡ người khác lúc khó khăn, cơ hàn, ta sẽ nhận lại những điều tốt đẹp xứng đáng, được người khác yêu mến, tôn trọng. Nhưng dù không được trả ơn, ta cũng có được niềm vui và sự mãn nguyện trong tâm hồn.

    - Giúp đỡ người khác, sống vì người khác, sống nhân nghĩa là cách ta hoàn thiện nhân cách, nâng cao tầm vóc tâm hồn.

    Mở rộng:

    - Trái với việc yêu thương, giúp đỡ là hành động ích kỉ, dửng dưng trước những khó khăn của người khác, chỉ "lo cho bộ da của mình", đạp đổ, mưu hại người khác để vươn lên. Những hành động ấy đáng bị lên án.

    - Sự giúp đỡ, hỗ trợ của ta phải làm cho người hướng thiện, hướng đến cái tốt đẹp hơn chứ không phải giúp để người khác trốn tránh lỗi lầm, lấp liếm những sai trái.

    - Giúp đỡ người là chưa đủ, ta phải biết giúp đỡ chính mình bởi con người thường sáng suốt việc người mà bối rối, lầm lỗi trong việc của mình. Biết gỡ rối những khó khăn của mình ta mới có thể thực sự giúp đỡ người khác.

    - Cần có tinh thần chủ động, độc lập, tự chịu trách nhiệm với mình chứ không phải cứ chờ sự giúp đỡ, cưu mang của người khác.

    Kết bài: - Tổng kết vấn đề

    - Suy nghĩ, cảm nhận mở rộng.

    * * *

    Bài làm:

    Mỗi con người chúng ta là một cá thể độc lập nhưng không hề cô độc. Chúng ta luôn có mối liên hệ mật thiết với những cá nhân khác trong cộng đồng. Chúng ta nhận được những sự cưu mang, giúp đỡ âm thầm từ không biết bao nhiêu người vô danh trong cuộc sống. Chúng ta thật ra không đứng một mình, mà đứng trên đôi chân của rất nhiều người. Để trả ơn cuộc đời, chúng ta không thể nào chỉ sống hưởng thụ, ích kỉ, sống cho riêng mình mà phải biết đưa tay giúp đỡ những người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn. Đó còn là một cách sống đẹp, cách sống nâng cao tầm vóc tâm hồn mình. Điều đó được phát biểu trong ý kiến: "Chúng ta đứng thẳng khi cúi xuống giúp đỡ người té ngã. Chúng ta vươn cao khi nâng đỡ người khác đứng lên."

    Câu nói sử dụng cặp hình ảnh "đứng thẳng bằng cách cúi xuống", "vươn cao bằng cách nâng đỡ" đã nói lên một cách sống nhân văn, một chân lí sống sâu sắc. "Đứng thẳng" nghĩa là được sống ngay thẳng, cao khiết, chính nghĩa và tự hào với tư cách sống của mình. Ta sống xứng đáng, ý nghĩa và thanh cao khi biết sống vì người khác, biết giúp đỡ những người khó khăn, yếm thế, vấp ngã.. "Cúi xuống" không chỉ là một động tác mà còn là cách hạ cái tôi ích kỉ của mình xuống để đồng cảm, sẻ chia và giúp đỡ người khác trong cảnh ngộ khó khăn. Ta vươn cao lên về tầm vóc tâm hồn khi biết nâng đỡ những số phận dập vùi, biết đối xử văn minh, công bằng, nhân ái với mọi người. Thành công thực sự của con người không phải là leo lên đỉnh cao bằng những thủ đoạn, bằng việc đạp đổ, xô ngã người khác mà phải bước lên từ tài năng thực thụ và từ nhân cách tốt đẹp của chính mình. Như vậy, ý kiến đã đề cập đến cách sống nhân ái, giúp đỡ người khác và rằng người biết sống đẹp như thế sẽ hoàn thiện nhân cách và tâm hồn mình, sẽ nhận được những giá trị xứng đáng trong cuộc sống.

    Tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ người trong cảnh ngộ khó khăn là một nét đẹp trong cách sống của con người, là truyền thống quý báu từ bao đời của dân tộc. Giúp đỡ, sẻ chia là một phần của hai chữ yêu thương. Trái tim con người cần có tình yêu thương để không trở nên giá băng, lạnh lẽo. Vậy nên, giúp đỡ, sẻ chia với người khác là ta sống với lòng nhân ái, ta nâng cao tình người, tính người trong bản thân mình. Là con người, ta phải biết xót đau trước những số phận bất hạnh, ta phải biết đưa tay ra mà giúp đỡ những người cơ hàn, vấp ngã, phải biết bao dung để nâng đỡ những tâm hồn mặc cảm vì tội lỗi.. Các vị thánh thần có thể đã ngủ quên, nhưng tình thương yêu của con người không bao giờ được nguội lạnh. Tình yêu thương giữa người với người dường như là vị thánh thần cuối cùng và duy nhất cứu rỗi những khổ đau của nhân loại. Người dân lao động ta từ xa xưa đã đề cao tinh thần nhân ái, giúp đỡ lẫn nhau trong mối quan hệ người với người qua những câu ca dao tha thiết: "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn" hay "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng". Nguồn mạch yêu thương đã được bảo tồn, lưu chuyển qua những vần thơ bình dị ấy, ngấm sâu vào lòng bao thế hệ người Việt. Trong cảnh thiên tai, dịch bệnh, nhân dân ta đã đồng lòng, giúp đỡ lẫn nhau để rồi vượt qua tất cả. Tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ người khác rõ ràng là một phần của nếp sống đẹp, là truyền thống đẹp của dân tộc. Thực hành sự quan tâm, giúp đỡ, ta sống trọn vẹn là người, ta lưu giữ và tiếp nối truyền thống nhân nghĩa của ông cha, như vậy là ta sống ý nghĩa, sống một đời sống đáng tự hào, nâng cao tầm vóc tâm hồn mình. "Cúi xuống giúp đỡ người té ngã" và "nâng đỡ người khác đứng lên" không làm ta thua thiệt, nhỏ bé, mà ngược lại, ta sống cao đẹp hơn, toàn vẹn hơn.

    Biết cho đi tình yêu thương, sự giúp đỡ, sẻ chia, ta sẽ nhận lại những điều tốt đẹp xứng đáng. Theo quy luật nhân quả thì "ân đền nghĩa đáp" còn "ác giả ác báo", tức là con người làm điều tốt thì sẽ nhận lại điều tốt và ngược lại. Cuộc đời mỗi người không ai là không trải qua những thăng trầm dâu bể, không lúc này thì lúc khác. Giúp đỡ người đang trong lúc khó khăn giống như ta đang giao tiếp với họ bằng ngôn ngữ yêu thương và người cũng sẽ đáp lại bằng ngôn ngữ thương yêu, giao tiếp bao giờ cũng đồng điệu về tình cảm và thanh giọng. Nâng đỡ, dìu dắt người khác bước qua những vũng lầy cuộc đời, một ngày nào đó, ta cũng sẽ được những bàn tay khác dắt dìu, đỡ nâng. Lòng yêu mến, kính trọng của người khác dành cho ta một ngày nào đó sẽ đến như những bông hoa tri ân của đời. Sự quý trọng người khác dành cho ta cũng làm ta "đứng thẳng", "vươn cao" trong cuộc đời. Nhà giáo Chu Văn An đời Trần nổi tiếng là người thầy giỏi giang, đức độ. Ông không bao giờ bợ đỡ, nịnh nọt những học trò là con của các quan lại, thậm chí con vua, mà luôn đối xử bình đẳng và giúp đỡ những học trò khó khăn. Sự nâng đỡ, dìu dắt đúng đắn của người thầy Chu Văn An đã nhận lại được sự kính trọng lớn lao của bao thế hệ con người thời bấy giờ. Thế nhưng, người có lòng giúp đỡ chân thành thì không đòi hỏi được trả ơn. Bản thân hành động "cúi xuống giúp đỡ người té ngã", "nâng đỡ người khác đứng lên" đã đem lại niềm vui trong sáng và sự mãn nguyện, hạnh phúc từ sâu thẳm tâm hồn cho những ai biết sống yêu thương. Đó là niềm vui âm thầm mà cao cả của tâm hồn.

    Giúp đỡ người khác, sống vì người khác, sống nhân nghĩa là cách ta hoàn thiện nhân cách, nâng cao tầm vóc tâm hồn. Mỗi hành động thiện lành ta thực hiện là một lần ta tưới tắm những hạt giống thiện lành trong con người ta. Biết sống tử tế với những người có hoàn cảnh khó khăn, ta cũng đã học được cách sống tử tế với mọi người, với chính mình. Hành động tốt đẹp, đầy yêu thương của ta sẽ lan tỏa đến mọi người, làm nên một cộng đồng, xã hội tương thân tương ái. Tâm hồn mỗi con người đều có những góc khuất tối, những vết sứt sẹo hay chưa hoàn thiện. Bằng việc giúp đỡ người khác, nâng đỡ và chữa lành những tổn thương cho người khác, ta cũng đang chữa lành dần, hoàn thiện dần con người mình. Tâm hồn ta trong sáng, thanh cao hơn khi ta biết cúi xuống giúp đỡ người khác, nhịn nhường và yêu thương những số phận bất hạnh hơn mình. Trong hành trình mười năm ròng rã cúi xuống cõng người bạn Tất Minh đến trường, cậu học trò Minh Hiếu có lẽ vẫn luôn "đứng thẳng" và được "vươn cao" trong một tình bạn đẹp, chân thành, yêu thương.. Trong bộ môn kiếm gỗ của Nhật Bản, khi mãn cuộc, người thắng không mừng cho chiến thắng của mình mà đưa tay đỡ người thua cuộc rồi hai địch thủ chào nhau đầy tôn trọng. Hành động đó thể hiện tinh thần thượng võ của các kiếm sĩ Nhật Bản, đồng thời đã nêu lên một chân lí: "Chúng ta đứng thẳng khi cúi xuống giúp đỡ người té ngã, chúng ta vươn cao khi nâng đỡ người khác đứng lên".

    Trái với việc yêu thương, giúp đỡ là hành động ích kỉ, dửng dưng trước những khó khăn của người khác, chỉ "lo cho bộ da của mình", đạp đổ, mưu hại người khác để vươn lên. Đó là hành động đi ngược lại đạo đức làm người, đáng bị chê trách. Có người từng nói rằng, nếu ta đi lên bằng việc mưu hại, khinh thường người khác thì ta sẽ sớm đi xuống với bộ dạng thê thảm và gặp lại những người đó trên con đường của mình. Cái cao cả của con người luôn được xây dựng từ tâm đức, từ lòng nhân ái, bao dung. Vạn vật có thể đổi dời, công danh có thể sụp đổ nhưng tượng đài của tâm hồn sẽ vững bền. Vì vậy, đừng bao giờ vì lợi ích cá nhân mà ngoảnh mặt với những khó khăn của người khác.

    Sự giúp đỡ, hỗ trợ của ta phải làm cho người hướng thiện, hướng đến cái tốt đẹp hơn chứ không phải giúp để người khác trốn tránh lỗi lầm, lấp liếm những sai trái. Ta cần sáng suốt nhận ra cái gì là đúng, là sai, là tốt, là xấu để rồi hành động theo đúng lương tâm lương tri của mình.

    Muốn giúp đỡ người khác, ta phải biết giúp đỡ chính mình, có tinh thần chủ động, trách nhiệm trong cuộc sống của mình. Có một nghịch lí rằng, con người thường sáng suốt trong việc giải quyết vấn đề của người khác nhưng lại dễ lầm lỗi, bối rối trong khó khăn của chính mình. Ta cũng cần quay trở về, nhìn nhận thấu suốt và giúp đỡ, dìu dắt mình vượt qua những thử thách, khó khăn bằng lòng yêu thương với mình. Ta có thể giúp đỡ người khác, nhưng chớ mong cầu một ai đó sẽ đến và nâng đỡ mình. Dù nghiệt ngã nhưng ta phải chấp nhận để sống mạnh mẽ, kiên cường hơn. Sau cùng, hành trình cuộc đời mình chỉ có mình là thấu hiểu, là gần gũi với mình nhất.

    Như vậy, ý kiến: "Chúng ta đứng thẳng bằng cách cúi xuống giúp đỡ người té ngã. Chúng ta vươn cao bằng cách nâng đỡ người khác đứng lên" đã dạy ta về một lẽ sống đẹp ở đời. Triết gia Immanuel Kant từng nói: "Ý nghĩa của cuộc sống là mang đến cho cuộc sống một ý nghĩa." Nếu đang loay hoay về lẽ sống, không biết đâu là ý nghĩa của đời mình, ta hãy cứ giúp đỡ và yêu thương người khác. Như thế, ta đang sống là người trọn vẹn, ta vươn cao về tầm vóc tâm hồn mình.

    (Thủy Tô)


     
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...