Nam Hoa Kinh Tác giả: Trang Tử Biên dịch và giới thiệu: Nguyễn Hiến Lê Thể loại: Truyện ngụ ngôn Nhà xuất bản: Văn Hóa Người review: Ngọc Xuân Nam Hoa Kinh của Trang Tử ra đời trong thời Chiến quốc hỗn loạn. Thời đó thể loại truyện ngụ ngôn phát triển mạnh mẽ nhằm mục đích đấu tranh giai cấp là chủ yếu. Trang Tử sáng tác Nam Hoa Kinh tại núi Nam Hoa của nước Tống khi ông đang ở ẩn, lánh xa thế tục. Ông sử dụng lối ngụ ngôn để thực hiện, nhận định, phê phán, đả kích giai cấp thống trị một cách sắc bén và sâu cay. Trong đời sống hàng ngày, ông dùng cách nói bóng gió, giàu hình tượng để đối đáp qua lại. Thông qua những câu chuyện ngụ ngôn nhỏ, giàu sức tưởng tượng độc đáo, Trang Tử đã gián tiếp nói lên quan niệm, thái độ trước thế lực lớn mạnh, cái ác, cái xấu đang tung hoành ngang dọc, danh lợi đang thu hút, mê hoặc làm biến đổi đời sống tâm hồn của con người. Sinh - lão - bệnh - Tử trở thành vấn đề quan trọng, cấp bách, nan giải đối với mọi người. Chính vì ông sống và chứng kiến cảnh chiến loại, liên miên, kéo dài, đời sống nhân dân khó khăn, khốn khổ trăm bề, vua chúa chỉ biết vị lợi, tư tâm, tư dục, ông tỏ ra bi quan, chán nản, bất bình, căm phẫn nên tìm đến cách sống ẩn dật. Và cũng chính trong thời gian đó, ông cho ra đời quyển sách Nam Hoa Kinh. Bên cạnh những truyện ngụ ngôn do chính ông sáng tác thì có nhiều mảng truyện ngụ ngôn do người đời sau sưu tập, sáng tác thêm vào. Họ thuộc nhiều học phái khác nhau. Nếu thuộc học phái Đạo gia thì ca ngợi, đề cao, khẳng định học thuyết của Trang tử; còn thuộc học phái Nho gia thì chê bai, phủ định học thuyết của Trang Tử. Truyện có 3 phần gồm: Nội Thiên, Ngoại Thiên và Tạp Thiên. Nội thiên là phần chứa đựng tư tưởng, triết lý cốt lõi của Trang Tử. Phần này do Trang Tử viết nên thể hiện được tầm tư tưởng lớn rộng, tính triết lý sâu xa. Hầu hết những câu chuyện trong phần Nội Thiên đều là ngụ ngôn như: Tiêu dao du, Tề vật luận, Dưỡng sinh chủ, Nhân gian thế, Đức sung phù, Đại tôn sư và Ứng đế vương. Ngoại thiên là phần được xem không phải do chính tay Trang Tử viết, chủ yếu do học phái Khổng, Lão, Trang viết. Các thiên như: Đạt sinh, Sơn mộc, Trí bắc du, Thu thủy, Tắc Dương.. đều do học phái Trang viết. Tạp thiên là phần phức tạp, có sự pha tạp, đan xen giữa nhiều học phái, không sao phân định được học phái nào viết. Tạp thiên gồm 11 thiên: Canh Tang Sở, Từ Vô Quỉ, Tắc Dương, Ngoại vật, Ngụ ngôn, Nhượng vương, Đạo chích, Thuyết kiếm, Ngư phủ, Liệt Ngự Khấu, Thiên hạ. Nam Hoa Kinh thể hiện tính triết lý, quan niệm, thái độ của tác giả trước cuộc sống thiên hình vạn trạng, biến đổi khôn lường. Thời xưa, truyện ngụ ngôn trong sách Trang Tử rất có giá trị, ý nghĩa. Nó như là liều thuốc tinh thần giải tỏa nỗi lo lắng, áp lực, căng thẳng của người dân khi bị giai cấp thống trị áp bức, bóc lột; giúp họ sống thoải mái, vui vẻ hơn, không còn mong cầu, chạy theo những giá trị vật chất nhất thời. Nam Hoa Kinh ra đời trong tình hình, hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cấp bách và hết sức cần thiết cho con người. Với cuộc sống ngày nay, giá trị, ý nghĩa truyện ngụ ngôn trong sách Trang Tử có phần giảm đi so với trước đây, bởi giá trị vật chất ngày càng trở thành nhu cầu quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Con người luôn hối hả, tất bật chạy đua với nhịp sống, thời gian không ngừng nghỉ, quan tâm và chú ý nhiều đến giá trị vật chất nên có đôi lúc giá trị tinh thần bị xao lãng, bỏ quên. Nhưng rồi đến một lúc nào đó quá mệt mỏi, con người lại tìm đến Nam Hoa Kinh để ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm về tính triết lý, bài học ý nghĩa của Trang Tử để thấy cuộc sống an yên, nhẹ nhàng, bớt mệt mỏi, áp lực hơn khi không quá đặt nặng, xem trọng nhiều vấn đề về danh lợi, thị phi, phải quấy, tốt xấu. Tiếp cận những câu chuyện ngụ ngôn trong sách Trang Tử, con người sẽ biết hài lòng, chấp nhận thực tại, bớt sống ảo tưởng, mơ mộng về danh phận, nếu lỡ gặp thất bại trong cuộc sống thì cũng không lấy đó làm buồn, đau khổ, bi lụy. Nam Hoa Kinh là tác phẩm được nhiều nước trên Thế giới đón nhận và nó thật sự có giá trị, ý nghĩa rất cao không chỉ về mặt tinh thần mà còn về mặt nhận thức, đời sống tâm hồn.