Đến giờ đi ngủ là Thương Thương lại kêu la inh ỏi. Nếu bắt em ấy bỏ vào chuồng khi trời còn sáng thì càng thê thảm hơn. Em ấy sẽ thò đầu ra nhìn. Thấy mình đi thi thì lót tót chạy theo. Xong rồi lại kêu la, đòi được lên chuồng. Mấy ngày nay trời lâu tối. Thường thì phải đợi đến sáu giờ rưỡi mới đưa Thương Thương đi ngủ được. Hồi đó nghe Thương Thương la hét, xót lắm. Giờ quen rồi. Bé Thương Thương ngốc. Hôm nay bé ấy bám theo mình cả ngày. Lúc trưa, bé ấy sơ xuất nên đi lạc. Vậy là bé ấy bị hai con khác lớn hơn rượt chạy khắp nhà. Bây giờ Thương Thương còn nhỏ, mấy con khác còn bắt nạt được. Sau này Thương Thương lớn, Thương Thương sẽ tự kiếm chỗ ngủ, sẽ làm đại ca của mấy con kia. Lúc đó, lũ bắt nạt Thương Thương sẽ sợ mất mật.
Thương Thương bướng bỉnh. Không hiểu sao hôm nay em ấy không chịu đi ngủ đúng giờ. Phải ép tới lần thứ ba, em ấy mới chịu ngủ. Hi vọng ngày mai sẽ khác. Chứ ngày nào cũng như hôm nay chắc mình khóc quá. Càng lớn càng cứng đầu, lại thêm cái tài lanh, thích đeo bám như Thương Thương thì mình không nỡ bỏ rơi. Mẹ mình cũng từng nói, nếu có thể đạp thì cũng đạp Thương Thương nhẹp lép rồi. Thương Thương biết mang đến cảm giác vui vẻ cho người khác nên không ai nỡ giết em nó. Giống như hôm nay, khi cả nhà đi hết, Thương Thương không chạy đi đâu xa. Em ấy quanh quẩn bên mình, bay lên chân mình rồi mổ mổ nút Back của điện thoại như muốn nói "Bỏ cái đó ra chơi với em!" vậy. Thương Thương mổ riết rồi điện thoại tự thoát về màn hình chính luôn. Nó như vậy thì sao mình có thể bấm điện thoại hay làm lơ nó được. Bọn đầu to vẫn thích bắt nạt Thương Thương. Mỗi lần em ấy đi ra xa mình, chúng nó xúm lại, ỷ đông ăn hiếp yếu. Vậy là Thương Thương lại chạy đến chỗ mình, kêu chíp chíp nhỏ xíu rồi làm nũng. Thương Thương cứ nằm trên áo mình suốt, cho tới khi hết sợ thì lại nhảy xuống, mon men ra sân kiếm ăn. Nhóc ấy hiểu những gì mình nói, dù mình với nhóc ấy không cùng loài. Giống như lúc mới nãy, mình ôm ôm nhóc ấy, nói đến giờ ngủ rồi, chịu khó ngủ nhờ chỗ gà mái mẹ ít ngày nữa đi. Khi đủ lông đủ cánh, Thương Thương có thể tự tìm nơi khác để ngủ. Nhóc ấy chui vào cánh gà mái mẹ, kêu vài tiếng nhỏ xíu rồi im. Có lẽ xíu nữa mình sẽ lén ra thăm Thương Thương. Tự nhiên lại có cảm giác không an tâm. Chắc tại mình thương em nó quá.
Cô bé nhắn tin cho tôi. Em ấy nói rằng muốn tự sát. Thế giới này có quá nhiều nỗi buồn, quá nhiều bất công còn em ấy thì quá yếu đuối để đối mặt. Giữa tôi và em ấy chỉ là những người xa lạ. Thế nhưng, em ấy chọn cách tâm sự với tôi vì ít nhất, em ấy biết rằng tôi sẽ im lặng lắng nghe thay vì buông lời miệt thị, rủa xả hoặc lên mặt dạy đời như những người quen khác. Tôi không khuyên em ấy cố gắng lên hay thế này thế nọ. Tất cả những gì tôi làm được là khơi gợi, giúp em ấy nói ra hết những suy nghĩ trong đầu. Sau cuộc trò chuyện, em ấy cảm ơn tôi cùng với một biểu tượng cảm xúc hình mặt cười rất gượng gạo. Cô bé từng trò chuyện cùng tôi đã tự sát. Mới hôm qua thôi. Không một lời từ biệt. Khi ai đó đã quyết định ra đi, mọi nỗ lực níu kéo của người khác đều trở nên vô nghĩa. Ở một phương diện ngược với cái gọi là "đạo đức của số đông", cái chết là sự giải thoát đúng đắn sau cùng cho những con người tồn tại nhầm xã hội. Tôi vẫn còn nhớ như in những lí do để em ấy rời bỏ cuộc đời. Thất nghiệp vì dịch Covid, em ấy phải ở nhà với mẹ ruột trong thời gian chờ đợi cuộc gọi từ các công ty khác. Mẹ của em ấy, vì một vài lý do nào đó mà hoài nghi con của bà, ngay cả khi lỗi lầm không phải do nó gây ra. Hội chứng suy giảm trí nhớ ở người già cùng bản tính hoài nghi vốn có khiến bà hết lần này đến lần khác buông lời miệt thị con ruột. Lần đầu tiên, bị mất tiền vô cớ, bà nói bóng gió, đánh giá thấp nhân phẩm đạo đức của con gái bà. Đối với bà, những tiếng khóc vì oan ức là những âm thanh gây điếc đầu, những lời thanh minh là lời cãi của một đứa mất dạy. Bà tin vào những suy đoán vô căn cứ của bà, tin vào cái trí nhớ không thể khác thay vì tin đứa con bà đã đứt ruột đẻ ra. Lần thứ hai bị xúc phạm chỉ vì một chùm chìa khóa mà chính em còn không biết mẹ đã cất nó ở đâu, em chỉ biết im lặng bỏ ra ngoài. Cơn đau đầu nhạy cảm với âm thanh khiến em mệt mỏi. Đi một bước cũng thấy đau như bị dùi đâm vào. Còn với mấy lời nặng nhẹ kia, càng nghe nhiều càng thêm khó chịu. Cãi cọ vô ích. Khi đã mang hoài nghi trong lòng, một ngàn lời giải thích cũng là lời giả dối. Em chịu đựng hết mọi oan ức, muốn khóc mà không khóc được. Cuối cùng, em chọn cách trò chuyện với tôi. Nhiều người sẽ nói mới có hai lần đã tự tử. Tôi không bình luận thêm về vấn đề này. Nếu biết đặt mình vào vị trí của người khác, nếu được một lần sống cuộc sống của người khác, bạn sẽ nghĩ khác đi. Đáng tiếc, điều này không xảy ra. Những tay giáo sư môn Đạo đức, mượn danh đại diện cho chuẩn mực đạo đức xã hội mà chỉ trích một người đã chết để chứng tỏ ta đây trưởng thành, suy nghĩ chín chắn. Họ không đáng trách. Cái đáng trách là bộ môn cùi bắp họ đã học và cái tư tưởng hủ lậu đã ăn sâu vào đầu óc họ. Muốn bỏ mấy thứ đó cũng khó lắm. Cô em xa lạ đã mất rồi. Tôi không biết em ấy ra đi như thế nào. Tôi chỉ thấy những dòng chữ chúc em an nghỉ do bạn bè em viết. Tôi thầm mong những oan ức em ấy chịu đựng sớm được tỏ bày. Hi vọng những điều tồi tệ sẽ kết thúc từ khi em ấy không còn. Chúc em ngủ ngon. Mọi chuyện kết thúc rồi.
Hôm nay thấy cảnh Thương Thương ra khỏi ổ, nằm một mình trên viên gạch, kêu mình. Trời thì tối với lạnh, bé nó không có ai ấp thì sao chịu nổi. Mình tự hỏi, không biết mấy tuần trước, Thương Thương có ngủ một mình như vậy không? Lúc Thương Thương còn là con gà non bé xíu, mình chỉ cần đưa em nó vào cánh gà mẹ là em nó ngủ ngon lành. Giờ em nó lớn, biết hết rồi nên không làm vậy được nữa. Chắc ít bữa nữa phải lót riêng một chỗ cho Thương Thương. Tự nhiên lại nghe thấy tiếng em ấy. Bất an quá. Mà bây giờ đi ra chuồng gà thì làm động cả một bầy gà rồi náo loạn luôn giấc ngủ của cả nhà. Mong là Thương Thương ổn. Cố gắng lên Thương Thương. Chị sẽ không để Thương Thương chịu cảnh ngủ nhờ nữa. Em cưng sẽ được ngủ riêng, sẽ không bị bọn gà kia bắt nạt nữa. Cố gắng lên em.
Mưa thế này làm mình nhớ đến những ngày còn là sinh viên. Ở Đà Lạt, mỗi khi mưa, trời rất lạnh. Mình cầm dù, đi một mình. Thấy dòng người vội vã lướt qua rồi đường phố vắng hắn. Mưa. Rồi mình vào May hoặc Tỏi Đen, kêu một li cà phê sữa đá. Ngồi ở bàn gần sát cửa kính, nơi tầng hai, nhìn nước mưa tạt vào ô kính, trượt dài xuống rồi để lại một vệt nhòe rất dài. Tỏi Đen lên đèn. Bóng đèn tròn tròn, tỏa ánh sáng vàng nhàn nhạt. Đường phố khi mưa không người. Chỉ có dòng xe qua lại. Trong quán, bao nhiêu người ngồi ngắm đường phố lúc mưa. Họ có bạn bè. Họ vui vẻ nói cười. Còn mình chẳng có ai. Mình ngồi im, nghe tiếng mưa, nghe mấy bản nhạc thất tình ra rả phát ra từ loa của quán mà tự hỏi có khi nào mình nhảy xuống. Nhớ lắm cái cảm giác nửa muốn ở, nửa muốn buông tay. Nhớ những tháng ngày ngồi ngậm từng viên nước đá, cảm nhận cái lạnh tái tê tan ra, ngấm vào lưỡi. Đà Lạt khi mưa xuống rất buồn. Lòng mình còn buồn hơn vậy. Vài li nước đắng, đôi bản nhạc buồn. Thêm một con người với dòng tâm trạng lửng lơ. Ngày đó, mình là ai? Bây giờ, ai là mình khi đó? Hôm nay mưa. Thương Thương có vẻ ngoan. Nhưng mà mình vẫn không yên tâm. Bắt em nó ngủ sớm như vậy, chắc em nó sẽ không quen. Mình vẫn còn lo là nếu sau này, mình đi làm từ sáng tới tối thì ai sẽ lo cho Thương Thương? Ngôn ngữ của con gà ngốc đó, chỉ có mình mình hiểu. Mấy hôm trước, mình mệt, trốn đi ngủ trưa một lúc, khi thức dậy thì bụng Thương Thương đã xẹp lép. Không ai cho nó ăn uống gì. Nó thấy mình, nó vừa chạy vừa bay đến. Thương Thương ngốc quá. Nó cũng nhát nữa. Sau mấy lần tách khỏi mình và bị mấy con gà khác bắt nạt, nó bắt đầu sợ và không dám làm quen với đồng loại nữa. Xíu nữa mình ra ngoài kiểm tra xem em nó ngủ chưa. Em nó làm mình lo đủ thứ.
Không hẹn hò, kết hôn là tội à? Luật nào quy định trai lớn phải cưới vợ, gái lớn phải lấy chồng? Thế kỉ 21 rồi, người ta có quyền tự do, sống độc thân hay kết hôn là quyền của người ta, miễn không phạm luật là được nhé. Thử nghĩ xem, mấy bé mới mười tám, hai mươi vừa bước vào đời, chập chững yêu đương thì gặp phải bọn bạc tình. Mới đầu, bọn đàn ông đó dụ là yêu đi, anh nuôi em trọn đời. Đợi lấy được cái cần lấy, nó quất ngựa truy phong, chạy mất dép. Còn lại cô gái nhỏ ôm trái tim đau với cái bụng bầu. Như vậy còn gì đời con gái người ta? Thật sự, khi đã mang bầu thì có bao nhiêu người đủ dũng khí nói với ba mẹ? Cái tư tưởng "thương cho roi cho vọt" khiến cha mẹ và con cái xa cách nhau về mặt tâm hồn. Lỡ nói ra, các em lại phải ăn đòn. Lúc đó, tim đau mà xác cũng đau. Cứ cho là cha mẹ thời nay có vài người suy nghĩ thoáng, bao dung hơn, cho con cái nghỉ ngang, sinh con thì sao? Sau đó em nó có trở lại trường, có tiếp tục con đường dang dở được không? Không cần phải nói đâu xa, con P - bạn học cũ thời Đại học của mình - lỡ có thai với bạn trai. Gia đình hai bên chấp nhận cho hai đứa nó cưới nhau. Sau đám cưới, chồng nó vẫn đi học, nó ở nhà nuôi con. Mấy tháng sau, nó bán hàng online, rồi xin đi làm ở trung tâm điện máy, xoắn xuýt kiếm tiền bỉm sữa cho con. Chồng nó vẫn tung tăng đi học, đi chơi với bọn bạn. Ờ, chỉ có phận đàn bà là thiệt thòi. Chuyện tình cảm yêu đương thật sự không cần thiết, nhất là sau khi tổn thương. Có người nói khi cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác mở ra. Đúng là có cánh cửa khác thật. Mà nó không hợp với mình. Trừ khi còn là một con bé luôn nhìn đời toàn màu hồng, chứ không thì.. Mà mình không phải nhân vật luôn lạc quan, yêu đời như vậy. Mình chia tay mối tình đầu từ năm thứ hai của bậc Đại học. Lí do gì cũng quên rồi. Mình chỉ nhớ cú sốc đó hủy hoại mọi thứ mình có. Đến tận bây giờ, nhắc về chuyện yêu đương, mình chỉ nhún vai rồi thở dài. Vì mình nghĩ, mình không còn gì để mất rồi. Có chăng thì cũng là cái mạng này. Yêu đương hại thân. Còn về chuyện kết hôn, mình có thành kiến cực xấu. Trước hết là tốn thời gian sau là tốn tiền, cuối cùng là tốn sức khỏe. Tự dưng đang yên đang lành không chịu, đi đâm đầu cưới thằng nào đó rồi về gọi người khác chưa từng nuôi dưỡng mình một ngày nào là cha, là mẹ. Lại còn phải cung phụng, hầu hạ họ. Chưa kể việc họ luôn soi mói mình, đốc thúc mình phải sinh con. Toang hết cả dáng. Không viết nữa. Càng viết càng thấy cuộc đời này đầy màu đen. Có thể do mình sống quá lệch lạc. Mà mình chấp nhận tư tưởng như vậy. Mình mất lòng tin với thế giới này từ lâu rồi.
Đúng lúc cần thì không thấy một cây ngải cứu nào trong sân. Nhớ mùa trước, nhà mình có mấy cây hơi gầy nhưng xanh tốt lắm. Vậy mà chớp mắt cái đã không thấy đâu. Dùng ngải cứu tuy hơi rát nhưng vết thương mau lành. Hồi đó mình hay nghịch dao, bị đứt tay sâu nhưng không bị sẹo là nhờ mấy cái lá thuốc đó. Có lẽ số mệnh của Thương Thương là phải nằm trong nhà ít ngày, đợi cho thương tích kéo da thì mới ra ngoài tung tăng được. Hôm nay, mới vừa quay đi thi thì Thương Thương đã bị đá. Con gà mái lông vàng mổ đứt một chùm lông tơ ngay đùi của Thương Thương, làm da em ấy rách một mảng. Em nó hoảng hồn chạy lại chỗ mình, nằm một lúc rồi chạy vào nhà, nằm bẹp trên đống nùi giẻ ở gần bàn. Chắc em nó đau lắm. Đau đến không đi theo mình nổi. Buổi chiều đầu tiên không có em ấy xuống bếp cùng mình thật trống trải. Mong Thương Thương mau khỏe lại để chơi với mình.
Trong thời đại bùng nổ công nghệ như bây giờ thì nhiều lúc con người dễ lên cơn hen suyễn vì facebook, yahoo, zalo và tùm lum những thứ mạng xã hội khác đang bủa vây xung quanh mình. Nếu xét về trước đây, thì sau khi chia tay chỉ cần thay sim, đổi số, ai về nhà nấy, bẵng đi hai ba tháng hoặc vài ba năm thì sẽ quên. Quên ở đây là quên đi tình cảm chứ không phải là quên luôn cả con người, bởi vì họ đã từng gắn bó với mình một thời gian dài như vậy, từng cùng chung chí hướng, cùng vui buồn, cùng mình vượt qua khó khăn, từng là cả thế giới của nhau, từng định nghĩa rằng "Trái đất quay quanh người yêu" chứ không phải là "trái đất quay quanh mặt trời" Bởi thế cho nên, quên đi tình cảm đã là rất cố gắng rồi, còn nếu muốn quên đi, muốn xóa hết để trở về như hai người xa lạ thì chỉ có một cách là đập đầu vào tường cho bị chấn thương thì may ra Thời đại bùng nổ công nghệ, người ta yêu nhau vì vài ba câu nói qua tin nhắn, qua vài tấm hình "sống ảo", qua những dòng bình luận, những dòng trạng thái thở than hay vui vẻ.. Thật ra, không ai biết được sau những dòng chữ đó là con người như thế nào. Có người vui nhưng lại cố tình tỏ ra buồn bã để tranh thủ sự thương hại của đồng loại, có người buồn nhưng cố tình tỏ ra hạnh phúc để thiên hạ ghen ăn tức ở.. Tóm lại, những gì được đăng trên mạng xã hội không hoàn toàn phản ánh đúng và đủ cuộc sống thực sự của một người. Khi mình nhớ họ, mình vào facebook của họ để xem cái này, nhìn ngó cái kia, xem xong, ngó đủ rồi lại buồn. Hoặc giả như họ buồn thì lắm khi mình lại vui (cái này ác lắm à ). Facebook giống như thứ gì đó quyết định cảm xúc của một người. Cho nên, nếu đã quyết tâm thì đừng nên yếu lòng. Còn nếu không chặn (hoặc không nỡ chặn) thì phải suy nghĩ kĩ trước khi hành động, bởi lẽ, những gì mình sắp làm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của mình, chưa kể là tốn thời gian và dung lượng data của mình nữa. Đừng cố quan tâm khi đã quyết định rời xa. Ai cũng có cuộc sống riêng, và ai cũng là một đạo diễn tài giỏi trên mạng xã hội. Nếu muốn biết họ thực sự sống ra sao thì cứ tìm đến tận nơi, hoặc gom hết dũng khí ra mà nhắn, mà gọi chứ đừng tự huyễn hoặc bản thân bởi những điều được đăng trên dòng thời gian của facebook. Chẳng có lợi ích gì đâu. Thời gian sẽ cuốn đi tất cả. Sẽ nhanh thôi, nhanh đến mức không hay không biết. Hoặc sẽ từ từ, chậm rãi mà nhẹ nhàng đến mức bình yên. Thay vì mỗi ngày, mỗi tuần hay mỗi tháng lén lút vào dòng thời gian của ai đó mà xem, mà nhìn ngó để rồi buồn, rồi vui, rồi oán trách, rồi tức tưởi khi nhìn thấy người ta thế này thế nọ.. Sao không thể làm ngơ để lựa chọn cuộc sống của riêng mình? Đừng tự lừa dối bản thân là sẽ dõi theo từng bước chân của người đó. Nếu lòng còn thương thì hãy quay về, còn nếu hết thương thì đừng níu kéo. Cố chấp chỉ làm mình thêm thương tổn mà thôi.
Kết thúc chuỗi ngày bận rộn vì xây nhà, hôm nay mới có chút thời gian để thở. Mấy ngày đó, hôm nào cũng phải thức dậy sớm, đi chợ, nấu cơm. Mọi thứ cứ nối tiếp nhau xoay vòng vòng khiến mình muốn tắt thở. Những ngày đó, tội nghiệp nhất vẫn là Thương Thương. Suốt thời gian xây nhà, Thương Thương luôn phải tự lo và sống trong cảnh thiếu tình thương. Bữa đầu tiên, mình phải đi dự lễ cưới từ sáng đến tận trưa. Về đến nơi phải phụ bưng bê, dọn dẹp. Thương Thương lúc đó chưa quen, nó nằm một mình trên bàn, bụng xẹp lép, nhìn người khác đi qua đi lại mà không dám chạy đi đòi ăn. Phải tới khi thấy mình, nó mừng rỡ bay đến, ăn như chưa từng được ăn. Vài ngày sau, Thương Thương quen với cảnh bị bỏ rơi. Sáng ra, nó nuốt vài hạt gạo vào bụng, chạy theo mình, ăn thêm chút cá rồi ra sau nhà bới đất, cào cát đến hết ngày. Tối, nó đeo chân mình, bắt muỗi rồi đi ngủ. Mấy hôm cưa gạch, bụi bay đầy nhà, mình không giặt khăn được nên Thương Thương phải ngủ khăn dơ. Nó chỉ biểu tình một lúc rồi nằm im. Giờ hết làm nhà rồi. Mình có nhiều thời gian quan tâm Thương Thương hơn. Giờ mình mới để ý em nó đến tuổi tự lập rồi. Đàn gà nở cùng thì với Thương Thương đã bị mẹ gà bỏ. Ngày nào chúng nó cũng nháo nhác chạy đi tìm mẹ, rồi tự tìm chỗ ngủ. Còn Thương Thương, ít nhất, em nó vẫn còn có mình và không phải lo chuyện chỗ ngủ hay mưa gió buổi đêm. Thương Thương không được khỏe. Nó lười ăn gạo nhưng cũng còn ăn được mấy món khác. Mai mình mua thêm thuốc và men tiêu hóa cho Thương Thương. Đợi em nó khỏe hơn thì cho em nó tự lập. Dù sao thì mình cũng không thể bao bọc nó mãi được.
3/8/2020 Ảnh hưởng của bão số 2 khiến chỗ mình ở mưa từ sáng đến trưa. Đến tận 3h chiều mới có chút nắng. Hi vọng ngày mai nắng đẹp. Hôm nay mưa gió, trời trở lạnh đôi chút. Thương Thương có chút không khỏe. Em nó uống nhiều nước và kén ăn hơn thường ngày. Mà cũng may là em nó vẫn còn nuốt được tôm cá. Dịch bệnh vẫn hoành hành. Đà Nẵng trở thành tâm dịch. Con em Ly Bii không biết thế nào. Thời gian gần đây, mình ít lên FB để cập nhật nên không nắm rõ tình hình ở đó. Cái FB cũ của mình bị dọa xóa đến ba lần. Có lẽ do mình không quen cảm giác bị người khác theo dõi lại còn công khai ấn thích túi bụi. Mình bây giờ cũng không đăng gì ở đó. Facebook đó chỉ dành để đọc lại những kỉ niệm suốt bảy năm qua. Quá nhiều vui buồn nên mình cũng không nỡ xóa. Trời lại âm u. Dễ có khi chiều tối lại có mưa nữa. Khăn lót chỗ ngủ của Thương Thương bị ướt rồi. Lúc sáng mình đem ra phơi, rồi đi chợ. Loay hoay mần cá nấu cơm một hồi thì mưa. Mình không kịp lấy cái khăn đó vào. Hi vọng mai có nắng. Mong là đất nước mau hết dịch. Chán ở nhà lắm rồi.