REVIEW SÁCH MA NỮ CỦA LAPLACE -Mẫn San- Higashino Keigo, sinh năm 1958 tại Osaka, được mệnh danh là nhà văn trinh thám hàng đầu hiện nay tại Nhật Bản. Xuất thân là một kỹ sư ngành điện, những tác phẩm của Higashino thường mang yếu tố khoa học công nghệ, tính lôgic và lắt léo, lôi cuốn người đọc qua từng tình tiết tưởng chừng chẳng thể có lời giải đáp. Với khả năng nghệ thuật và khối óc đầy sáng tạo, ông giằng xé tâm can độc giả bằng những nhân vật với những cuộc đời không trọn vẹn, những mảnh đời ấy trộn lẫn trong những tình tiết đầy rối ren và mơ hồ, những chuỗi sự việc phức tạp chồng chéo lên nhau cứ cuốn lấy từng nhịp thở của độc giả. Để rồi sau chuyến hành trình hồi hộp và li kì đó, đọng lại trong lòng mỗi người sẽ là hỗn độn những băn khoăn về nhân sinh, về mục đích tồn tại của con người. Vị tác giả tài hoa này chắc hẳn không còn xa lạ gì với những độc giả đam mê dòng tiểu thuyết trinh thám đầy lôi cuốn với những bí ẩn rắc rối và những cú lật không ngờ. Có lẽ những độc giả mới của dòng tiểu thuyết này sẽ rất vui lòng được thưởng thức những tác phẩm xuất sắc nổi bật khác của nhà văn, trong đó, phải kể đến tác phẩm Bí mật của Naoko, Phía sau nghi can X, Bạch dạ hành.. hay như sắp được giới thiệu dưới đây: Ma nữ của Laplace . (Ma nữ của Laplace do Vương Hải Yên dịch, nhà xuất bản Hội Nhà Văn) Câu chuyện được kể theo trình tự phi tuyến tính. Ở đó, độc giả lần lượt trải nghiệm câu chuyện từ nhiều góc độ khác nhau tạo nên những tò mò và hồi hộp đầy kích thích khi những sự thật kinh hoàng trong quá khứ dần được hé mở.. Hai vụ ngộ độc khí sulfur hydro đã liên tiếp xảy ra tại hai khu suối nước nóng cách xa nhau. Nạn nhân đều là người làm việc trong giới phim ảnh. Anh cảnh sát trẻ đầy nhiệt huyết Nakaoka rồi sau đó là cả giáo sư Aoe cũng dần bị cuốn vào tình tiết của hai vụ chết người. Càng đào sâu, họ càng tìm được những mối liên quan đến một tấn bi kịch trong quá khứ, khi từng có một gia đình của người đạo diễn tài hoa nọ cũng bị ngộ độc sulfur hydro. Cùng với những diễn biến nghẹt thở của cuộc điều ra, Uhara Madoka - một cô gái có năng lực dị thường xuất hiện, vừa điều tra nhưng cũng đồng thời ngăn giáo sư Aoe khám phá ra sự thật. Theo sát cô là một tổ chức nghiên cứu của chính phủ với một bí mật động trời chứa đựng cả tương lai của nhân loại - "Dự án Laplace". Rốt cuộc, tất cả chỉ là tai nạn ngẫu nhiên hay một sự sắp đặt tinh vi dưới bàn tay của con người? Ai cũng nghĩ tình yêu thương của con người là một món quà thiêng liêng của Thượng đế, nhưng rốt cuộc đó chỉ là bản năng - một chương trình được lập trình sẵn không hơn không kém. Nếu một người khiếm khuyết bản năng đó, chuyện gì sẽ xảy ra với anh ta? Tấn bi kịch đã khơi nguồn tất cả cũng bắt đầu từ một thiếu sót bẩm sinh như vậy. Tình cảm gia đình không có, đạo đức cũng không. Chỉ còn lại một lí tưởng điên rồ theo đuổi sự hoàn hảo chết người. Để khi sự hoàn mĩ đó xuất hiện lỗ hổng, có một người sẵn sàng vứt bỏ mạng sống của những người thân yêu để xây dựng mọi thứ lại từ đầu. Tham vọng và hận thù đối đầu với nhau, một tài năng phi thường và một bộ não siêu việt, một người cha điên cuồng vì nghệ thuật với đứa con trai căm hận thấu trời. Mọi bi kịch diễn ra cuối cùng đều không mang lại kết quả gì, vẫn là không có ai được hạnh phúc. Giáo sư Aoe, người ngoài cuộc duy nhất hiểu thấu mọi chuyện, đến chính ông cũng cảm thấy bi thương. Con người có thể điên cuồng thế nào không ai biết được, chính chúng ta đây là một mắt xích dẫn đến kết cục của loài người. Chỉ là, như Madoka đã nói, "Chuyện đó, không nên biết sẽ hạnh phúc hơn". Xin được trích lời của một nhân vật tên Amakasu Kento đã nói với cha của mình thế này: "Tuy ông đã phạm rất nhiều sai lầm, nhưng tôi sẽ nói cho ông biết sai lầm lớn nhất là gì. Đại đa số những kẻ phàm tục đều biến mất mà không để lại sự thật gì, dù họ có được sinh ra hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì đến thế giới này.. Lúc nãy, ông đã nói thế đúng không? Nhưng ông sai rồi. Thế giới không được vận hành bởi một bộ phận các thiên tài hay những kẻ điên rồ như ông. Chính những người bình thường, tưởng như vô giá trị ấy mới là yếu tố quan trọng tạo nên thế giới. Con người là nguyên tử. Ngay cả khi từng cá nhân đơn lẻ tồn tại một cách vô thức, thì lúc hình thành một chỉnh thể, quy tắc vật lí sẽ được vận hành. Trên thế giới này, không cá thể nào tồn tại một cách vô nghĩa cả. Không một cá thể nào cả." Khép lại 364 trang sách trong "Ma nữ của Laplace", tất cả những gì đọng lại trong lòng độc giả hẳn sẽ vô cùng hỗn độn. Đó là cảm giác kinh tởm nhưng đồng thời cũng là niềm xót thương cho một kẻ không thể cảm nhận hơi ấm gia đình. Đó là sự ray rứt cho một người con trai vô tội bị chính cha mình đẩy vào hoàn cảnh đơn độc và hận thù. Đó còn là một tình yêu đơn thuần nhưng không được đáp lại của cô gái trẻ Madoka - một tình yêu sâu sắc, vị tha nhưng cũng đầy xót xa. Có lẽ sẽ có lúc tác phẩm khiến ta tự hỏi: "Liệu giá trị của tình yêu thương có phải chỉ là để duy trì nòi giống hay không?". Những cá nhân xuất sắc thậm chí vĩ đại đều có những tham vọng và lối tư duy khác biệt, nhưng trong tác phẩm này, sự xuất sắc ấy chỉ mang lại đau thương, mất mát và cô độc vĩnh viễn mà thôi. Hi vọng bạn đọc đến đây đã có những suy tư của riêng mình về tác phẩm. Các bạn hãy đọc "Ma nữ của Laplace" không chỉ để có những khoảnh khắc hồi hộp và bất ngờ với những tình tiết hấp dẫn, mà hãy chú tâm cảm nhận để rồi có cho mình những chiêm nghiệm riêng về gia đình và tình cảm giữa người thân ruột thịt. Hi vọng các bạn sẽ có những phút giây đáng nhớ và đáng suy ngẫm. Thân chào!
Mình cũng là fan ruột của bác Keigo và mình thích nhất cuốn Bạch Dạ Hành. Mình chưa đọc Ma nữ của Laplace, nhưng chắc chắn sẽ tìm mua nó trong tương lai
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài viết! Thật ra "Ma nữ của Laplace" là quyển đầu tiên của tác giả mà mình đọc, sau đó đến "Bí mật của Naoko" rồi "Phía sau nghi can X". Với mình thì bút pháp của bác Hirashino Keigo rất đúng gu, văn phong ngắn gọn mà không khô khan, cộng thêm các tình tiết xây dựng tạo sự tò mò cực khéo nữa. Mình đang định đọc quyển "Bạch dạ hành" đây! Rất mừng vì bạn thích bài viết
Văn phong của bác Keigo thật sự là không có gì để chê luôn á. Tình tiết cũng xây dựng rất tốt luôn. Mình đọc cứ phải ngồi nghiền ngẫm từng tí một, sợ bỏ sót chi tiết hay ho nào mà bác cài cắm trong đó. Nên đến bây giờ lâu lâu mình vẫn phải lôi ra đọc lại một lần. Nhiều lần mình cũng muốn viết review cơ mà lại k biết bắt đầu từ đâu, thấy viết kiểu gì cũng k hay. Nay đọc được bài review của b thấy ưng dã man. Cảm ơn b đã review một cuốn sách hay đến thế nhé!
Thật sự thì mình chia sẻ bài viết lên diễn đàn trước là để mọi người biết đến một tác phẩm hay, sau là tìm được những người đồng điệu. Thật sự thì nhận xét của bạn, một độc giả yêu thích bác Higashino Keigo như mình, đã khích lệ mình rất nhiều đó, cảm giác giống như có một người bạn cùng ngồi đọc và bàn luận về một tác phẩm yêu thích vậy. Trong tương lai mình sẽ tìm đọc và chia sẻ những tác phẩm khác nữa, mong là sẽ có ích cho bạn. Cảm ơn sự ủng hộ của bạn nhiều nhé
Sách của Keigo mình mới đọc ba cuốn, ấn tượng mạnh nhất với cuốn đầu tiên "Phía sau nghi can X". Cuốn Ma nữ này mình chưa đọc, mình đang hướng đến cuốn tiếp theo của tác này là "Phương trình hạ chí" hoặc "Ác ý". Mình bị ấn tượng mạnh với nghi can X nhưng hai cuốn đọc phía sau là "Bạch dạ hành với" "Thánh giá rỗng" thì mình lại không thích lắm nên đọc được ba cuốn thì ngưng, không có ý định tập hợp đủ sách của Keigo đọc cho bằng hết nữa. Sách của Keigo viết luôn đan cài mấy vấn đề hiện thực rối rắm, mình đọc xong cảm xúc dễ bị tụt dốc khó chịu. Sách hay nhưng khả năng kháng áp lực của tui kém, đã vậy còn dễ bị đồng điệu cảm xúc nên trước khi đọc phải chuẩn bị tinh thần. Oài!