Luyện tập viết bài văn phân tích cấu tứ và hình ảnh qua bài Cây tam cúc

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi vllananhh, 23 Tháng mười một 2023.

  1. vllananhh

    Bài viết:
    8
    Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích vẻ đẹp của cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Cây tam cúc của tác giả Hoàng Cầm.

    CÂY TAM CÚC

    Cỗ bài tam cúc mép cong cong

    Rút trộm rơm nhà đi trải ổ

    Chị gọi đôi cây!

    Trầu cay má đỏ

    Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em

    Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm

    Em đừng lớn nữa Chị đừng đi

    Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa

    Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì

    Đứa được

    chinh chuyền xủng xoẻng

    Đứa thua

    đáo gỡ ngoài thềm

    Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ

    Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em

    Năm sau giặc giã

    Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ

    Thả tịnh vàng cưới Chị

    võng mây trôi

    Em đứng nhìn theo Em gọi đôi

    (Nguồn: Hoàng Cầm, Mưa Thuận Thành, NXB Văn hóa, 1991)


    DÀN Ý THAM KHẢO

    1. Mở bài (Giới thiệu chung về bài thơ và xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận trong bài viết) :

    - Giới thiệu chung về bài thơ:

    + Hoàng Cầm là một nhà thơ Việt Nam xuất sắc. Ra đời và lớn lên trong tiếng hát quan họ, tại vùng Kinh Bắc xưa, cái nôi văn hóa của đồng bằng Bắc bộ, thơ Hoàng Cầm bắt nguồn từ nền văn hóa đậm chất dân gian đó.

    + Cây tam cúc là một bài thơ hay, tiêu biểu cho những thành công nghệ thuật của Hoàng Cầm. Từ một trò chơi dân gian khá phổ biến, tác giả đã sáng tạo nên một bức tranh trữ tình đặc sắc và phong phú. Bắt đầu với tình nam nữ, rồi đến tình chị em, tình người, tình dân tộc. Rộng ra nữa là tình yêu tuổi trẻ, quê hương, tình yêu cuộc sống trong mọi mặt, trong cảnh nhàn nhã lẫn lúc chênh vênh..

    - Xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận: Vẻ đẹp của bài thơ được gợi lên từ cấu tứ và hình ảnh thơ.

    2. Thân bài: Cần triển khai các ý:


    * Vẻ đẹp của cấu tứ thơ:

    - Cấu tứ bài thơ xoay quanh tâm tư của một chàng trai tuổi mới lớn với những rung động thuở ban đầu cùng những ước muốn đầy mộng mơ. Những nỗi niềm của chàng trai ấy không được bộc lộ trực tiếp mà ẩn nấp trong một trò chơi dân dã của trẻ xưa:

    + Từ câu chuyện về trò chơi tam cúc với người con gái hơn tuổi, nhà thơ dẫn sang câu chuyện của trái tim mình - câu chuyện yêu đương thầm kín, tha thiết chân thành mà chẳng dám nói ra.

    + Mượn những hình ảnh, những hành động của trò chơi, tác giả thổ lộ những mong muốn, những khát khao rất tế nhị, kín đáo.

    + Chuyện tình cũng không thành, chị cũng chẳng bao giờ biết, chỉ còn lại chàng trai với mối tình đơn phương với những khát khao trong vô vọng.

    - Sự khác biệt của bài thơ này so với các bài thơ khác trên phương diện xây dựng hệ thống hình ảnh và tạo sự kết nối giữa các bộ phận cấu tạo trong bài thơ: Đối sánh với bài thơ Mo Cau (Tác giả Trăng Khuyết) :


    Mo cau!

    Mo cau rụng ở sau nhà

    Anh làm phu kéo chiều tà ngẩn ngơ

    Lối mòn cát bụi mịt mờ

    Gập ghềnh sỏi đá bâng quơ tiếng cười

    Gió nghiêng gọi bước rong chơi

    Về đâu phu kéo - Em ơi em à!

    Em về.. - Lên tận đồi xa

    Ngắm chiều buông nắng, ngắm hoa tím màu

    Mo cau ngày ấy nay đâu?

    Để người phu kéo chở sầu vào tim

    Em xưa giờ biết sao tìm?

    Đành gom kỷ niệm bên thềm mà thương

    Nhìn mo cau rụng vấn vương

    Phải chi ngày đó con đường.. đừng xa!

    + Giống: Cùng là câu chuyện tình yêu của một thời trẻ dại, dù thầm kín mà thiết tha, chân thành và cuối cùng vẫn xa mờ, tan loãng chỉ còn lại chút kí ức hư vô.

    + Khác:

    ++ Cây tam cúc chọn trò tam cúc với những hình ảnh ẩn ý để thể hiện một con tim ngây ngô trong một tình yêu vụng kín đến cả đối phương cũng không hay, thậm chí yêu dại khờ tới mức mang theo cả niềm tin vụng dại về những con bài tam cúc.

    + Bài Mo cau lại gợi lên câu chuyện tình yêu song phương, tình yêu ấy bắt đầu từ những kỉ niệm bên nhau với trò chơi mo cau thuở bé, tuy vậy tất cả rồi cũng thành kỉ niệm mờ xa.


    * Vẻ đẹp của hình ảnh thơ: Hai lớp hình ảnh đan cài trong bài thơ

    - Những hình ảnh của trò chơi tam cúc:

    Cỗ bài tam cúc mép cong cong, đôi cây, xe hồng, cây bài, tướng sĩ đỏ đen, được, thua, giặc giã, Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ, tịnh vàng, gọi đôi

    - Những hình ảnh của tình yêu:

    Trầu cay má đỏ, đưa Chị đến quê Em, hơi tóc ấm, Em đừng lớn nữa Chị đừng đi, Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì, cưới, gọi đôi

    => Hai lớp hình ảnh đan cài, xen lẫn khiến câu chuyện tình yêu ẩn nấp kín đáo trong câu chuyện trò chơi bài tam cúc

    - Một số hình ảnh mang tính biểu tượng độc đáo trong bài thơ:

    + Xe hồng, đôi cây bài tam cúc đã trở thành biểu tượng cho ước vọng lứa đôi hạnh phúc.

    + Việc điệp lại hình ảnh thơ xe hồng đưa Chị đến quê Em:

    ++ Đây vốn là những bước chơi trong trò tam cúc.

    ++ Đây cũng là những hình ảnh đậm màu sắc tượng trưng: Gợi về câu chuyện yêu đương, đôi lứa với cái kết đẹp đẽ bên nhau.

    => Nhấn mạnh ước mong nên đôi, kết lứa thầm kín mà tha thiết của người trai mới lớn với người con gái hơn tuổi.

    + Hình ảnh thơ được điệp lại nhưng tác giả lại thay từ kết thành từ đổi như nhấn mạnh một tình yêu ngây thơ với niềm tin vụng dại: Dù thế nào chàng trai cũng vẫn chọn một lối chơi đem xe hồng đón chị vì tin rằng có thể điều đó sẽ trở thành sự thực.

    + Những hình ảnh cuối bài thơ:

    Năm sau giặc giã

    Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ

    Thả tịnh vàng cưới Chị

    võng mây trôi

    Em đứng nhìn theo Em gọi đôi:

    + + Vẫn là những hình ảnh có trong bộ bài tam cúc.

    ++ Nhưng chúng cũng ứng với câu chuyện thật ngoài đời: Chị đi lấy chồng và chàng trai mãi ôm mối tương tư.

    - Bài thơ có những điểm khác lạ trong cách sử dụng ngôn ngữ:

    + Những câu thơ 7 chữ, 8 chữ, dài ngắn, so le, với nhịp điệu thường xuyên thay đổi, bắt đầu bằng nhịp cổ điển, sau đó tiết điệu biến đổi, khi dìu dặt, khi rắn rỏi, lúc khoan thai, nhẹ thoảng, khi nén đúc, khi trải rộng, co duỗi nhịp nhàng mô phỏng nhịp điệu cất bài lên, hạ bài xuống rộn ràng, náo nức, bí hiểm bất ngờ, gợi tả tài tình không khí của cuộc chơi và tâm trạng người trong cuộc => Cây tam cúc là một bài thơ ngắn dồi dào nhịp điệu vào hàng đầu trong thơ Việt.

    + Hoàng Cầm luyến láy những nguyên âm, phụ âm rất tài tình.


    - Sự gợi mở về cách nhìn mới đối với thế giới và con người được đề xuất từ mạch ngầm văn bản bài thơ:

    => Lấy cây tam cúc và cuộc chơi bài tam cúc làm ẩn dụ, nhà thơ gửi gắm khát vọng yêu đương kín đáo và sự nuối tiếc của một tình yêu đơn phương không tới bến bờ hạnh phúc, gợi lên trong ta niềm trắc ẩn trước những éo le, uẩn khúc của lòng người..

    3. Kết bài: Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa của nó đối với việc đem lại cách nhìn, cách đọc mới cho độc giả.
     
    LieuDuong thích bài này.
    Last edited by a moderator: 2 Tháng một 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...