Chào mọi người, mình là Diệp Âm. Chuyện là mình đang kèm học cho đứa em trai yêu dấu của người yêu. Đứa em này của người yêu mình là út trong nhà nên khá được cha mẹ cùng anh chị chiều. Em nó năm nay lớp 8 nhưng kiến thức bị hổng khá nhiều, ở một mức độ nào đó có thể đánh giá là kém. Được cái là em ấy khá biết thân biết phận, biết rõ bản thân khó có thể trốn thoát khả năng học cùng lớp với các em lớp 8 năm sau, cũng biết phải thật sự nỗ lực rất nhiều mới có thể trốn được cái "định mệnh" đó. Cơ mà biết là một chuyện, còn làm lại là chuyện khác. Sau một khoảng thời gian truyền kì sống chung với sự lười biếng thì hiện tại em ấy đang đối diện với tình trạng không tài nào hết lười được. Dù ngày mai thi nhưng hôm nay vẫn cùng chúng bạn đi chơi tung tăng vui vẻ, tối về thì cùng điện thoại chơi đùa trong tâm thế lo anh ách với bài thi hai môn Anh Văn và Sinh Học ngày mai. Mình vừa kiểm tra sách vở của em ấy và phát hiện ra hai quả trứng ngỗng môn Hóa. Tình trạng hiện tại là cực kì nguy nan (nguy cấp và gian nan) nhưng em ấy vẫn yêu say đắm nàng lười. Mình rất muốn gồng đứt lưng quần luôn để dạy em ấy nhưng tình hình này mình cũng chẳng biết phải làm sao. Mình phải làm thế nào để em ấy bớt lười mà tập trung học hơn đây?
Chào bạn! Mình thấy chúng ta đồng cảnh ngộ nè. Để mình chia sẻ một chút. Mình có đứa em trai ruột năm nay học lớp 8 và cũng đã từng ở trong tình trạng như em của người yêu bạn. Qua lời kể sơ bộ của bạn, mình thấy "đối tượng nhiễm bệnh" còn không có "nặng" như em mình. Thằng em mình vừa lười mà còn vì đang dậy thì nên có thêm cái tính bướng bỉnh, nói không chịu nghe, rất khó bảo. Từ đầu năm học thì gia đình có chút việc, bỏ bê em nó, thế là thằng bé cứ vùi đầu vào game, bỏ bê bài vở, bài tập chẳng bao giờ đủ, rồi còn tìm cách lấp liếm những điểm kém ở trường, rồi còn có cả người yêu. Đến khi có điểm thi giữa kì và đồng nghiệp trao đổi với bố mẹ mình thì mới phát hiện ra. Ban đầu bố mẹ mình sốc lắm, vì cứ ngỡ thằng bé ôm máy tính để học, nhưng nó chỉ ngồi chơi hết game này sang game khác. Mình còn nhớ hồi trả điểm học kỳ, thằng em mình bị mắng 1 trận te tua. Nhưng nó vẫn không chịu đổi tính. Đến khi mẹ mình lên ngồi kè kè mỗi khi nó học thì cứ hết nghịch cái này ông tướng lại nghịch cái khác, nói chung là chẳng bao giờ tập trung được. Và cứ như thế, mẹ mình càng mắng thì nó càng ngỗ nghịch. Sau một chuỗi ngày như thế thì bố mẹ mình đã rút ra được những bài học đắt giá. Hiện tại năm lớp 8 là đã bắt đầu quá trình dậy thì, vậy nên việc thay đổi trong tư duy, nhận thức là không thể nào tránh khỏi, vậy nên điều đầu tiên và quan trọng nhất là không được áp đặt lối suy nghĩ của chính mình nên con cái, thay vào đó, phải ngồi tỉ tê nói chuyện, để tự con cái bộc lộ ra vì sao không thích hoặc không muốn học. Một chiêu mà mình rất khâm phục ở mẹ mình, đó là vừa đấm vừa xoa. Mẹ mình nghiêm khắc quản lí thời gian thằng em mình dùng máy tính, học thì được mang lên, có mẹ ngồi cùng, hết giờ học thì mẹ mang máy tính đi cất. Mẹ mình đặt ra giới hạn thời gian, trong 2 giờ, phải hoàn thành đủ ngần đó bài, nếu như không đủ thời gian thì phải tự tìm cách mà làm nốt, còn nếu như làm đủ hoặc sớm hơn thời gian, thì thời gian còn lại của 2 tiếng đó, em sẽ được thưởng để xem phim hoặc chơi game. Thực ra ban đầu mẹ mình đã cấm tiệt thằng bé chơi game, nhưng bạn biết rồi đấy, càng cấm thì em nó càng muốn chơi. Thế nên thay vì biết việc chơi game trở thành phe địch, mẹ mình lợi dụng nó, biến nó trở thành điều kiện, thành phần thưởng, không chỉ thúc đẩy năng suất và sự tập trung cho em mình mà còn tạo một cái mục tiêu để em mình không bị nhàm chán với việc học. Mình thấy rằng trong năm lớp 8, em nó chưa thực sự nhận thức được cái gì gọi là "chuẩn bị cho tương lai", mọi người cứ dọa là "học đi không là không đỗ cấp 3" nhưng sự thật rằng những điều đó đều phản tác dụng cả. Sau một thời gian, mình thấy kết quả của em mình cũng khá tiến bộ, không hẳn là từ trung bình khá thành giỏi nhưng cũng đủ để thấy sự cố gắng của em ấy trong đoạn thời gian này. Chia sẻ với bạn kinh nghiệm thực tế của gia đình mình, đúc kết lại chỉ bằng 1 câu thôi: Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng. Bạn phải hiểu em bạn thích gì, ghét gì, lí do thích/ ghét để mà thúc đẩy sở thích, hạn chế sở ghét và hãy nhớ là phải luôn luôn lắng nghe. Không phải cô giáo/ thầy giáo mà với tư cách là một người bạn. Dù gì thì "học thầy không tày học bạn", bạn phải làm cho em ấy cảm thấy bạn là người đồng hành chứ không phải là "thầy". Mong rằng cách làm của bố mẹ mình sẽ hữu hiệu với bạn. Chúc bạn một ngày tốt lành!