Khẳng Định Chính Mình - Lưu Dung

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi fseatdn, 28 Tháng mười 2018.

  1. fseatdn

    Bài viết:
    79
    Chương 10: Khiến người khác trầm trồ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tháng 10 năm kia, khi trở về Đài Loan, vừa mới đến sân bay, ba đã thấy có một cái gì đó khác lạ. Ngay sau đó, ba trông thấy một cô gái trẻ, dáng người cao dong dỏng, bước vào phòng VIP trong sự bao vây của đám đông. Cô gái đó đeo kính mát sẫm màu, trông đầy vẻ bí ẩn. Hỏi ra mới biết cô ấy chính là ngôi sao màn bạc Brooke Shields.

    Ba biết đến cô gái xinh đẹp này ngay sau khi sang Mỹ không lâu qua phim ảnh và những buổi biểu diễn của cô. Ban đầu, ba chỉ hiểu Brooke Shields là một thần tượng của giới trẻ Mỹ; sau đó trở về Đài Loan, thậm chí sang Bắc Kinh, đâu đâu cũng thấy hình ảnh của cô trên các tờ báo, ba mới thấy kinh ngạc về sức hấp dẫn của cô.

    Nhưng lúc này đây, cô gái baby xinh đẹp trước mắt ba lại mặc một bộ quần áo rất giản dị, có bà mẹ đi cùng, cô ngoan ngoãn ngồi yên, thậm chí không cả ngẩng đầu lên, trông chẳng có dáng vẻ gì của một minh tinh, khiến ba có chút gì đó bán tín bán nghi. Mãi đến khi ở sân bay Đào Viên, trông thấy rất nhiều phóng viên bao vây xung quanh, ba mới biết cô gái đó chính là Brooke Shields.

    Buổi tối bật tivi xem, tình cờ xem được đúng bản tin về cuộc họp báo của cô gái, ba thật ngạc nhiên, cô gái xinh đẹp có đôi mắt to đen láy đó lại chính là cô gái rất bình thường ở sân bay đó sao? Ở sân bay, ba chỉ thấy cô bé đó vừa đi vừa lẩn tránh, không muốn lộ rõ mặt ra. Khi xuống đến sân bay, cô gái luôn tìm cách tránh trả lời tất cả các câu hỏi của phóng viên. Ấy vậy mà giờ đây cô như bỗng lột xác, trở thành một người hoàn toàn khác.

    Nghe kĩ nội dung của bản tin mới biết, buổi sáng cô đã tránh gặp đám kí giả và đi thẳng vào khách sạn để lấy lại tinh thần, mời chuyên gia sửa sang lại tóc, trang điểm.. sau đó mới tiến hành cuộc họp báo trong khách sạn. Cô xuất hiện hoàn toàn không còn vẻ mệt mỏi sau 20 giờ bay. Do có sự nghỉ ngơi và chuẩn bị kĩ càng, vì vậy cô đã tính trước được mình sẽ phải ứng xử ra sao.

    Quả là ngạc nhiên!

    "Khiến người khác trầm trồ ngạc nhiên!". Đó là một việc mà bất kể là ai, dù là nam hay nữ, dù xấu hay đẹp, cũng đều cần học tập. Điều đó cũng có nghĩa là không nên xuất hiện vào thời điểm bất lợi nhất, khiến người khác có ấn tượng xấu trong lần gặp đầu tiên, mà nên lựa chọn thời cơ thích hợp nhất để thể hiện cái đẹp của riêng mình.

    Ấn tượng tốt đẹp đầu tiên có thể sẽ dẫn đến thành công trong tương lai. Ngay đến cô nàng Lọ Lem trong truyện cổ tích, khi mặc bộ cánh đẹp, đi đôi giày pha lê nhỏ, ngồi trên chiếc xe kiệu do quả bí đỏ biến thành, nàng Lọ Lem đó cũng đủ khiến mọi người kinh ngạc trầm trồ!

    Nếu không phải vì sự ngạc nhiên trầm trồ đó thì liệu nàng Lọ Lem có lọt vào mắt xanh của hoàng tử hay không? Chắc chắn là không! Thực tế đã chứng minh, khi cởi bỏ bộ cánh đẹp và đôi giày pha lê ấy, quay trở lại với căn bếp của mình, nàng Lọ Lem đã khiến mọi người không thể nhận ra đó chính là cô gái xinh đẹp gây xôn xao hôm trước. May mà cô để lại chiếc giày pha lê, nên mới có thể tìm lại được cô.

    Điều kiện của mỗi người là tương đối giống nhau! Đặc biệt là trong thời đại ngày nay, giáo dục được phổ cập, đời sống sung túc, tài năng của mỗi người được phát huy tối đa. Dân số mỗi ngày một đông, cạnh tranh ngày một khốc liệt, muốn làm chú hạc giữa bầy gà, e là khó làm nổi, vì tất cả mọi người đếu là hạc cả rồi. Vì vậy, muốn nổi trội hẳn lên, chỉ có thể dựa vào cách: "Khiến người khác ngạc nhiên, ngưỡng mộ" mà thôi!

    Có thể con sẽ nói: "Con không xuất sắc! Làm sao khiến mọi người ngạc nhiên ngưỡng mộ?"

    Vậy thì ba phải nói cho con hay: Mỗi người đều có những điểm khác với người khác. Vào thời điểm thích hợp, hãy trổ hết sở trường đặc biệt của mình ra, khiến người khác phải kinh ngạc. Đó chính là sự ngưỡng mộ!

    "Sự ngạc nhiên, ngưỡng mộ" đó có thể được thể hiện trong một khoảnh khắc, nhưng lại khiến người khác khó có thể quên được. Nhà thơ hiện đại Đới Vọng Như đã viết bài thơ miêu tả cảnh một thiếu nữ lướt người xuất hiện trong một ngõ nhỏ dưới trời mưa, rồi lại hư ảo biến mất ở đầu ngõ đó. Cảnh tượng thật đẹp, thật nên thơ! Và bài thơ đó cũng dùng chính thủ pháp khiến mọi người kinh ngạc!

    Gây ngạc nhiên cũng có thể là một kế hoạch từ trước, sau đó nắm bắt thời điểm, nắm bắt cao trào để thể hiện. Ví dụ, một người dẫn chương trình giới thiệu một ca sĩ lên sân khấu như sau: "Bây giờ chúng ta hãy nồng nhiệt chào đón ca sĩ Sài Cầm, cô đã từng biểu diễn bài" Đêm cuối cùng "của Đại Kim Ban, chắc chắn ca khúc đó khiến mọi người khó quên".

    Một người dẫn chương trình khác nói: "Đêm cuối cùng" của Kim Đại Ban chắc mọi người đều đã xem qua, đặc biệt là chủ đề lại càng khiến mọi người khó quên. Bây giờ chúng ta hãy cùng nồng nhiệt chào đón người đã thể hiện ca khúc đó: Ca sĩ Sài Cầm! ".

    Nếu so sánh, ta thấy người dẫn chương trình thứ hai sẽ tạo được tiếng vỗ tay nồng nhiệt hơn. Rất đơn giản, đưa cao trào tập trung vào lời kết, dồn nén để thể hiện và dẫn dắt liền một mạch. Còn người dẫn chương trình đầu tiên đã phạm một khuyết điểm là đưa cao trào lên đầu tiên, khiến cho cao trào bị nguội dần!

    Chính vì vậy, các nhà diễn thuyết đều biết rằng, nếu như có đến hội trường sớm, thì cũng phải tạm thời hạn chế sự chú ý, nếu không cứ đi bắt tay hết người này người khác, chào hỏi khắp lượt, đến khi diễn thuyết, mọi người đều cảm thấy mệt mỏi rồi. Thà rằng đến thật đúng giờ, rồi lên bục phát biểu ngay, tạo không khí sôi nổi. Như vậy cũng sẽ gây được sự chú ý, sự bất ngờ!

    Tất nhiên còn có rất nhiều người có những biện pháp hữu hiệu khác, tạo nên hiệu quả rất phi thường. Nhà thơ lớn đời Đường là Trần Tử Ngang, khi mới đến kinh thành, không ai biết đến ông cả. Một hôm, có người ngồi bán cây đàn cổ ngay trên mặt phố, nói thách giá bạc vạn. Trần Tử Ngang không chút do dự, liền mua ngay. Mọi người xung quanh lấy làm lạ hỏi lý do vì sao ông quyết định mua cây đàn đó, Trần Tử Ngang đáp:" Vì chơi đàn cổ là sở trường của tôi ". Mọi người lại hỏi:" Có thể diễn tấu một bài cho chúng tôi nghe được không? ". Trần Tử Ngang nói:" Ngày mai nhé! ".

    Hôm sau, khi mọi người đã tập trung rất đông ở nơi đã hẹn, Trần Tử Ngang đã chuẩn bị rượu tiệc từ sớm, ông dâng cây đàn lên và nói với mọi người:" Trần Tử Ngang tôi đã viết hàng trăm bài thơ, nhưng chưa được mọi người biết đến. Cây đàn nhỏ bé này thì có ý nghĩa gì! ". Nói xong, ông đập nát cây đàn, rồi đem thơ của mình tặng mọi người. Ngay ngày hôm đó, ông đã nổi tiếng khắp kinh thành.

    Nghe xong những câu chuyện" kinh ngạc"đó, con có cảm giác như thế nào?

    Trong biển người mênh mông, con nên thể hiện mình như thế nào để khiến người khác phải ngạc nhiên thán phục?

    Con hãy nhớ, trước hết hãy ý thức được sở trường điểm mạnh của mình, không vội vàng! Cũng đừng hoang mang! Hãy chọn thời cơ và địa điểm thích hợp, thể hiện khả năng của mình một cách tinh tế nhất.

    Dù con có là cô bé Lọ Lem, thì cũng sẽ có một ngày con đứng dậy, nổi bật lên!
     
  2. fseatdn

    Bài viết:
    79
    Chương 11: Căn bệnh thế kỉ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vừa sáng sớm, con đã gõ cửa phòng ba, nói rằng con chẳng tìm thấy dao cạo râu của con đâu cả, mà tối hôm đó con lại có một buổi vũ hội ở trường, con muốn mượn dao cạo của ba để dùng. "Không!" – Ba nói_ "Nguyên tắc của ba là không bao giờ dùng nhờ dao cạo râu của người khác, cũng không bao giờ cho người khác mượn dao cạo của mình". "Nhưng con là con đẻ của ba cơ mà, lẽ nào ba sợ con bị AIDS?" – Con la toáng lên như thế. "Ba tin là con không bị AIDS, nhưng làm sao con biết ba có bị AIDS hay không. Cả ba và con liệu có bị nhiễm HIV khi đi khám răng, khi truyền máu, khi phẫu thuật hay không. Cho dù là không đi chăng nữa, nhưng biết đâu mẹ con trong khi nhổ răng đã chẳng may nhiễm phải". Ba cũng xin hỏi thêm: "Con có thể mượn ba dao cạo thì con cũng có thể mượn bạn bè hoặc cho bạn bè mượn? Bạn bè con lẽ nào lại không thể bị nhiễm HIV từ những người thân yêu của họ. Họ có thể mượn dao cạo râu của con thì cũng có thể mượn của người khác. Tóm lại ba muốn nhấn mạnh một điều: Cứ như vậy suy ra, thì ai mới là người bảo đảm không bị AIDS?" "Chẳng có ai cả" – Con khẳng định. "Có đấy, bản thân mình là bảo đảm nhất. Tự mình giữ lấy những nguyên tắc đúng đắn của bản thân là bảo đảm nhất. Những nguyên tắc ấy sẽ giúp hạn chế thấp nhất mức độ rủi ro của bản thân". Ba lấy tiền trong túi đưa cho con và nói: "Đi mua một con dao mới mà dùng đi. Không nên tiết kiệm tiền trong trường hợp này, mạng sống là quan trọng nhất; đặc biệt, không nên chết vì thiếu hiểu biết, chết mà không biết nguyên nhân". Nhìn con đi ra cửa, ba thở phào một cái, thật may là đã có cơ hội này để nói với con cách phòng chống lây nhiễm AIDS. Nếu không, con có thể đi mượn bạn bè thật, bi kịch cũng có thể bắt đầu từ đây. Đừng cho rằng ba hù dọa con! Khi nào thấy được những con số thống kê trên báo, con sẽ hiểu. Những người bị mắc AIDS đang tăng lên theo cấp sô nhân. Người bệnh không chỉ nằm trong phạm vi những người có quan hệ tình dục bừa bãi mà cả những con người thật thà chất phác, những bác sỹ y tá tuân thủ nghiêm chỉnh những nguyên tắc trong nghề nghiệp, thậm chí là những đứa trẻ mới lọt lòng cũng có nguy cơ mắc nhiễm căn bệnh thế kỉ này. Chẳng phải đã có một câu chuyện về một nữ bác sĩ đã đâm đơn kiện bệnh viện vì cách xử lý chất thải y tế không đúng, dẫn đến việc bác sỹ nọ bị nhiễm HIV do bị đầu kim tiên của một bệnh nhân AIDS đâm phải đó sao? Vụ kiện này đã kéo dài nhiều năm rồi, nạn nhân cứ mỗi ngày một tiều tụy, cái chết đã gần kề. Cho dù nạn nhân có thắng kiện và được bồi thường hàng tỉ đồng thì liệu còn có nghĩa lý gì khi mà tính mạng mình không còn nữa. Tốt nghiệp Đại học Y, ở cái tuổi 30 tươi trẻ, cuộc đời còn đang rạng rỡ phía trước, vậy mà chỉ vì một cái kim tiêm nhỏ bé, cuộc đời đã sớm chấm dứt trong khổ đau như vậy đó. Ba nghĩ là con xem bản tin hôm nọ trên tivi: Cảnh sát New York đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm, nơi có các ổ tiêm chích ma túy trong thành phố để phát xi lanh, kim tiêm, rồi vào tận nhà tù để phát bao cao su. Nghe có vẻ nực cười làm sao! Biết chắc những người tiêm chích, những kẻ sinh tình dục bừa bãi là suy đồi, là loại băng hoại, nhưng lại không ngăn chặn; ngược lại còn ủng hộ một cách tiêu cực bằng cách phát không dụng cụ tiêm chích và bao cao su? Đó là lí lẽ gì vậy? Đó là lí lẽ của con người! Một mặt ngăn chặn, loại trừ, cấm đoán, song một mặt vẫn phải giúp đỡ. Xem hình ảnh những người bị mắc bệnh, thân hình chỉ còn da bọc xương, chúng ta không khỏi cảm thấy mủi lòng. Trong số họ, nào có ai muốn trở nên như thế? Nhưng khi họ dùng chung kim tiêm hay có những hành vi quan hệ tình dục bừa bãi, thì họ cũng rơi vào trường hợp vội vã như khi con đi mượn dao cạo râu vậy, trong đầu chỉ đơn giản nghĩ rằng: "Chắc chẳng sao đâu, không thể có xác suất như thế được, làm sao mà căn bệnh quái ác đó lại rơi vào mình được". Vấn đề là ở chỗ, mối quan hệ giữa con người với con người giống như một mạng lưới, không chỉ là sự tiếp xúc một chiều, vì thế cái gọi là"xác suất'kia rất dễ xảy ra. Giống như việc con lái xe không đâm vào người ta nhưng ai dám đảm bảo người ta không đâm vào con. Hơn nữa, hậu quả của căn bệnh AIDS là thứ tai nạn liên hoàn! Khi con cầm dao cạo râu mình rồi lại dùng chính con dao đó cạo cho người khác thì cái mầm giống của bệnh AIDS đã ở gần kề rồi. Trường hợp bác sĩ nha khoa lầm lây nhiễm HIV từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác cũng đã từng xảy ra, hay từ những trường hợp truyền máu không an toàn vô tình lây nhiễm AIDS thì cũng đã có quá nhiều. Tất cả những trường hợp đó đều khó tránh khỏi, khi bị mắc rồi thì chẳng còn gì để nói, nhưng những gì có thể tránh được thì sao không cố gắng hết sức để tránh? Do vậy ba không đồng ý để con đếm tiệm cắt tóc nghệ thuật – nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm căn bệnh thế kỉ – cho dù họ có cắt đẹp, mốt đến mức nào. Đó cũng là lý do tại sao ba cũng không bằng lòng để con dùng chung dao cạo râu với ba, mà sẵn sàng cho con tiền đi mua dao cạo mới. Thậm chí nếu một ngày nào đó, khi con đã trưởng thành, đã hiểu biết, đã là người đàn ông thực thụ, nếu ba phát hiện thấy trong túi con có bao cao su, chắc hẳn ba cũng sẽ không tức giận đâu. Trái lại, ba còn cảm thấy yên tâm rằng con đã ý thức được những điều ba nói. Nếu con muốn trở thành một con người hiện đại - Điều đó là hoàn toàn có thể chứ! Muốn vậy, con cũng cần có những suy nghĩ mới, những quan niệm, tác phong và những nguyên tắc mới. Con hãy kiên trì đến cùng nguyên tắc :Hãy bảo vệ chính mình!
     
  3. fseatdn

    Bài viết:
    79
    Chương 12: Cảm giác bị hụt hẫng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Việc bài vở bộn bề của cả một năm học cuối cùng đã kết thúc vào sáng nay. Nghỉ hè! Ấy vậy mà đến mãi 2 giờ chiều vẫn không thấy bóng dáng con đâu, ngay cả cái âm thanh chói tai của loại nhạc cụ mà con hay mở cũng im hơi lặng tiếng. Ba lên gác xem thế nào thì thấy con đang nằm đờ trên giường, khuôn mặt lộ vẻ chán chường. Tình cảnh đó khiến ba nghĩ đến hình ảnh sau một cuộc biểu diễn, người diễn rút về cánh gà, trước sự tán thưởng nồng nhiệt của khán giả, các diễn viên lại một lần nữa bước ra sân khấu cùng nắm tay nhau cúi chào cung kính rồi nhìn tấm rèm từ từ kéo xuống. Tiếp đó là những tiếng ghế gấp đập vào nhau, những tiếng nói cười ồn ã, những tiếng bước chân dần xa, và rồi còn lại chỉ là sự im ắng như đông lại. Lúc này, rèm sân khấu lại được cuốn lên để người ta thu dọn phông màn và quét tước. Những diễn viên lại bước lên sân khấu, họ tụ lại thành nhóm, cười nói với nhau, hít thở thật sâu, dường như muốn nói: "Thế là xong". Một câu nói thể hiện sự vui mừng, song lại vừa như một câu ca thán. Khi thở phào nhẹ nhõm, người ta nên vui mừng mới phải, tại sao lại ca thán? Đây quả là một sự mâu thuẫn, nhưng lại hoàn toàn chính xác và chân thực. Ba đã từng chứng kiến trường hợp một đứa trẻ chỉ cách bánh trước xe ô tô có gang tấc thì người tài xế phanh kịp. Người mẹ với mẻ mặt thất sắc, khi nhận thấy con mình may mắn thoát chết, không bị thương tổn gì đã thẳng tay giáng xuống mặt đứa con thơ một cái tát nẩy đom đóm mắt. Những người xung quanh trách móc: "Nó không việc gì thì cô phải vui mừng mới phải chứ". Người mẹ chẳng nói năng gì, đột nhiên ngồi bệt xuống đất, khóc không thành tiếng. Cô ấy khóc chẳng phải vì cô ấy đang thở phào nhẹ nhõm đấy ư? Khi lao về phía cái ô tô, cô ấy đã không thể dễ dàng khóc được như thế, chỉ khi các dây thần kinh đã chùng lại, thần kinh trấn tĩnh lại được, tất cả mới vỡ òa ra như thế. Cuối tuần trước, các bạn sinh viên đến từ phía Bắc New York nhờ ba kí vào hóa đơn thu tiền học phí, nói là công ty của họ sẽ thanh toán tiền. Nguyên nhân là do công ty phát hiện thấy những nhân viên sau khi về hưu thường có tuổi thọ không cao, thế là với những lời khuyên của bác sĩ, họ động viên những người sắp về hưu học một vài môn thể dục để thư giãn hoặc giới thiệu cho họ một số những trò tiêu khiển khác. Quả nhiên, sau khi áp dụng biện pháp này, những nhân viên nghỉ hưu đã có tuổi thọ cao hơn hẳn. Sự thư giãn sau khi cực độ căng thẳng hay cực độ hưng phấn không hoàn toàn là điều đáng mừng đâu. Sự thư giãn ấy chỉ duy trì trong một khoảnh khắc ngắn ngủi thôi, còn sau đó là sự hụt hẫng và mệt mỏi. Còn nhớ hồi ở tuổi con, mỗi lần thi hết kì, ba đều đến rạp xem phim. Khi màn ảnh khép lại thường là lúc ba cảm thấy buồn nhất bởi vì lúc đó ba phải đối diện với hiện thực: "Hai ngày nữa là biết kết quả thi, liệu bài thi lần đó có đạt không?". "Những bài tập nợ lại để chuẩn bị cho bài thi liệu còn phải hoãn lại trong bao lâu?" Nhưng những lo lắng đó chẳng kéo dài bao lâu vì cuối cùng kết quả bài thi cũng được biết, những bài tập rồi cũng làm xong và nộp đi, lại có những bài tập và bài thi khác. Đó chính là cái cảm giác bị hụt hẫng sau khi vừa được thư giãn giây lát, bởi vì cái mục tiêu cũ đã đạt được, còn mục tiêu mới lại chưa được hình thành một chút nào. Đã có người đặt câu hỏi đối với một số người giành giải đặc biệt cuộc thi âm nhạc của Trung Quốc: "Tương lai, anh sẽ dự định làm gì và sắp xếp cuộc sống mình ra sao?" bởi vì với 10 triệu đô la tiền thưởng, họ có thể tiêu xài cả mấy đời không hết. Nhưng con biết câu trả lời thường gặp là gì không? Đó là: "Chúng tôi sẽ trả hết tiền vay cho việc mua nhà, mua hai chiếc xe hơi mới, biếu bố mẹ một ít, đi Florida nghỉ ngơi, rồi sau đó lái chiếc xe mới trở về nhà, tiếp tục đến nhiệm sở". Đúng vậy, họ không lái chiếc xe mới mua của mình đi du ngoạn khắp nơi mà sẽ trở về với công việc cơ quan thường ngày của mình. Trong số họ có một người trả lời rằng: "Công việc – đó là một phần của cuộc sống, nếu chỉ ăn trắng mặc trơn và chơi bời không thôi thì cuộc sống còn ý nghĩa gì nữa". Một người khác lại trả lời còn hay hơn nữa: "Có một khoản tiền lớn mà vẫn tiếp tục chịu khó làm việc thì càng làm cho người khác tôn trọng hơn. Bởi vì bây giờ anh làm việc không phải vì kiếm miếng ăn mà đơn giản chỉ vì anh thực sự yêu công việc của mình, yêu thích được làm việc". Anh ta nhấn mạnh: "Loài sinh vật nào cũng làm việc để có miếng ăn, chỉ riêng loài người phải khác với những sinh vật khác. Con người làm việc là vì công việc". Nghe đến đây chắc con cũng hiểu tại sao công việc bài vở đã hoàn thành, giờ là thời gian để nghỉ ngơi thư giãn, con lại có một cảm giác uể oải rất khó tả rồi chứ? Sự buồn chán này có phương thuốc gì điều trị hay không? Câu trả lời thật đơn giản: "Hãy trở về với thực tại, xây dựng một kế hoạch mới, mục tiêu mới và nghênh đón những thử thách mới".
     
  4. fseatdn

    Bài viết:
    79
    Chương 13: Sự hoài niệm thường bắt đầu khi đã chia xa

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hôm nay ba đến tham quan triễn lãm, hơn 8 giờ tối mới về nhà, vừa bước vào cửa, bà nội con đã chạy ngay ra kể lể: "Thằng cháu nội nó giận dỗi tôi, đến giờ này vẫn không thèm ra ăn cơm". Quay người tiến về phía phòng con, ba còn nghe tiếng bà nội con dặn với theo: "Đừng mắng nó, nó đang sợ đấy!" Quả nhiên con đang ngồi trên ghế, nhìn chằm chằm vào bức tranh, thở hổn hển. Không đợi ba hỏi, con đã kêu toáng lên trước: "Ba xem thế này có tức không chứ, hôm nay mưa tuyết to quá, mẹ đã hứa đến ga xe điện ngầm đón con rồi, thế mà con đợi nửa tiếng vẫn chẳng thấy bóng dáng mẹ đâu. Con gọi điện đến cơ quan mẹ, người ta nói mẹ đã đi rất lâu rồi. Con lại gọi đến chỗ ba, cũng chẳng có ai nghe điện thoại. Con không biết hôm nay ba đi tham quan triển lãm, nên gọi điện về nhà. Điện thoại reo mười mấy hồi cũng chẳng có ai nghe cả. Nửa tiếng sau gọi lại vẫn thế. Con hỏi ba như thế sao con lại không lo lắng cơ chứ? Con ngồi chết cóng ở bến đợi, đành phải đi xe buýt về nhà. Con sốt ruột quá, vừa đi vừa đoán già đoán non:" Hay là bà nội ốm phải đưa vào bệnh viện nên cả nhà theo vào đấy luôn. Hay mẹ lái xe đường trơn quá nên xảy ra chuyện gì rồi? Liệu vết thương có nặng không mà bà nội cũng phải theo vào đấy. Con nghĩ nhiều lắm, thậm chí con còn nghĩ đến những tình huống kinh khủng hơn thế nữa cơ! "Con nói vẻ ấm ức rồi chỉ tay ra phía cửa, bà nội đang đứng ngấp nghé ở đó trộm cười:" Thế mà bà còn cười. Vừa xuống xe, con vội lao vào nhà xem đã xảy ra chuyện gì, vừa thở hổn hển, tim tưởng nhảy ra khỏi lồng ngực, thế mà bà nội lại đang ngồi xem tivi, thấy con còn cười, hỏi con có đói không. Con lo sợ muốn chết đi được, còn biết đói làm sao được cơ chứ "." Cháu thừa biết tai bà nghễnh ngãng, tiếng tivi lại to, làm sao bà nghe thấy tiếng chuông điện thoại ". Bà nội bước vào vười cười vừa nói:" Xe ô tô của mẹ cháu lại hỏng giữa đường, may mà có chú công an giúp mới về được đến nhà, cháu còn trách ai nữa đây?" "Vâng, cháu chẳng trách ai được hết. Chỉ trách cháu hay sợ bóng sợ gió, hay hoảng hốt, thế đã được chưa ạ?". Mặc dù lời ăn tiếng nói của con không được lễ phép cho lắm, nhưng ba không mắng con, ba kéo bà nội ra ngoài rồi nói với bà: "Giỏi lắm, thằng bé được một phen hú vía rồi!" Thật là tuyệt! Ba tin rằng đây là một kinh nghiệm mà có lẽ cả đời con không bao giờ quên. Nếu là ba, ba cũng sẽ tức giận như thế. Nhưng con làm sao có thể phủ nhận được rằng khi nhìn thấy bà nội bình an ngồi xem tivi, sau đó lại thấy mẹ con về đến nhà an toàn, con lại chẳng thấy trào dâng một niềm vui sướng vô hạn như vừa tỉnh dậy từ một cơn ác mộng vậy sao? Ba hoàn toàn hiểu được tâm trạng ấy của con bởi vì những tình huống như thế, chắc hẳn ba đã gặp nhiều hơn con. Hồi nhỏ, có một buổi chiều, ba đang chơi ngoài cổng thì thấy bà nội con mặt cắt không còn giọt máu bước xuống từ xe ba gác. Lúc ấy ba mới là một đứa trẻ chín tuổi, nhưng bằng linh cảm, ba đã lờ mờ nhận thấy một điều gì đó rất đáng sợ. Sự linh cảm ấy không sai chút nào: Ông nội con qua đời. Từ một cậu quí tử, ba trở thành một đứa trẻ mồ côi cha. Một buổi tối, khi ba mười ba tuổi, ông trẻ của con sai ba đi lấy bộ tú lơ khơ, còn ông ngồi xổm trên đất rót dầu hỏa vào lò sưởi. Bỗng có vài tiếng nổ, ba chạy ra sân từ một đám lửa rực hồng, khi quay đầu nhìn lại thì thấy ngọn lửa liếm đến tận nóc nhà. Thoắt chốc từ vai trò ông chủ một ngôi nhà to đẹp, ba trở thành một đứa trẻ vô gia cư. Đại gia đình phút chốc tan đàn sẻ nghé, chỉ còn lại ba và bà nội con đơn độc sống trong một ngôi nhà dựng tạm sơ sài. Vận xui cái này tiếp cái kia ập tới. Cho đến bây giờ, mỗi lần về nhà, nhìn thấy ngôi nhà thân yêu của mình từ xa, trong lòng ba vẫn không khỏi vui mừng thầm nghĩ rằng: Ngôi nhà vẫn còn kia! Ba cũng hay nghĩ đến một câu chuyện mà cậu bạn đồng nghiệp kể: Trong một ngày đẹp trời, chúng tôi đột nhiên phải đi chạy nạn, quân địch đã đánh vào tận ngoại thành rồi, bà nội kéo tay tôi chạy suốt đêm bằng đôi chân bó nhỏ của mình. Chạy được chừng mười mấy dặm thì bắt gặp một đám người đang múc nước từ cái vũng nhỏ rồi đưa lên miệng uống, trong đó có một đôi vợ chồng đứng ngay bên cạnh hai bà cháu tôi. Khi anh chồng uống nước xong ngẩng đầu lên thì bỗng nhiên đổ gục xuống, tiếp đó là tiếng thét hãi hùng của người vợ, rồi cô ta cười man dại và phát điên. Hóa ra mảnh vỏ đạn từ xa bay đến đã lột mất một bên má của người chồng. Ba thường hình dung ra cái cảnh tượng mà cậu bạn ấy kể, nghĩ đến hình ảnh người vợ phát điên kia, rồi thì hình ảnh người phụ nữ bị bó chân vẫn kéo tay đứa cháu chạy trong đêm suốt mấy dặm đường.. Đó chính là cuộc sống! Có thứ hạnh phúc nào mà vĩnh hằng đâu, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, cái được và cái mất cũng không ai dám bảo đảm. Có điều, những người sống trong hạnh phúc thường không biết rằng thế giới còn có cả những điều bất hạnh nữa; chỉ đến khi họ thực sự mất đi hạnh phúc của mình, họ mới cảm nhận được. Có một bài hát mang tên "Hoài niệm thường bắt đầu khi đã chia xa". Ba thấy đó chính là sự thực. Khi còn đang bên nhau thì không biết quí trọng nâng niu, để đến khi xa nhau rồi mới thấy luyến tiếc, hoài niệm, ân hận, nhớ nhung. Thật đáng mừng biết bao vì hôm nay lại có cơ hội để con nếm trải cái cảm giác hoảng sợ của sự mất mát. Cái cảm giác hoảng sợ ấy sẽ giúp ích cho con nhiều lắm, để con có ý thức về sự hoạn nạn khốn khó, để con biết trân trọng hạnh phúc, biết cảm ơn, để con càng yêu quí gia đình hơn và để con biết nâng niu tất cả những gì tốt đẹp mà con đang có. Rèn luyện ý chí phấn đấu ngay từ khi còn niên thiếu!
     
  5. fseatdn

    Bài viết:
    79
    Chương 14: Đừng mắc sai lầm ngay từ khi khởi đầu

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chiều nay ba nhờ con bọc hộ mấy cuốn sách, con khệ nệ bê sách từ tầng trệt lên tầng hai, mở điều hòa, tivi lên xem, sau đó vừa ngồi xổm bọc sách vừa theo dõi chương trình ca nhạc rất sôi động. Khi thấy ba tỏ ý trách con sao phải khổ sở bê sách từ tầng trệt lên tầng hai rồi phải ngồi bọc sách với tư thế không thoải mái như thế, con đã trả lời: "Ba không biết là bọc xong mấy chục quyển rồi con mới tìm ra cách bọc hiệu quả này à, mà con cũng chẳng để ý đến việc phải bê vác đâu, con có sức khỏe mà". Về chuyện con xem tivi, ba không định nói nhiều, nhưng ba cần nghiêm chỉnh nhắc nhở con thế này: "Khi làm việc gì đó, nếu không tính toán trước mà đã bắt tay ngay vào, rồi nghĩ rằng sẽ mò mẫm rút kinh nghiệm trong khi làm, đó là cách nghĩ của 30 năm về trước, nhưng cho đến ngày nay mà áp dụng như thế thì là sai rồi. Con có thể nói lại rằng:" Học hỏi từ những sai lầm thì có gì không đúng? "Thế thì ba hỏi con:" Tại sao lại không thể làm đúng ngay từ lúc khởi đầu? "Trong một đám người cạnh tranh nhau, người như thế nào sẽ giành thắng lợi? Đương nhiên đó sẽ là người làm sai ít nhất. Giống như việc lái xe đi tìm nhà vậy, những lúc không vội vàng gì, con có thể nói, cứ từ từ mà tìm, đi quá rồi thì quay lại. Nhưng thiết nghĩ, tại sao con lại không xem trên bản đồ, vạch ra lộ trình, tránh phải" từ từ tìm "hay" sai thì quay lại ". Như vậy con đã tiết kiệm được bao nhiêu thời gian để làm việc khác." Thời gian ", đó mới chính là vấn đề quan trọng. Ba mươi năm trước xe cộ còn ít, con có thể dễ dàng quay đầu xe, nhưng ngày nay đâu đâu cũng là đường một chiều, chỉ e một khi con đã chạy qua rồi thì phải mất rất nhiều thời gian, con mới có thể tìm thấy chỗ để quay đầu xe. Vậy tại sao lại phải vội vàng hành động như thế? Hôm nay, con đã phạm phải khuyết điểm. Đó là sự vội vàng xuất phát. Ở cái thời đại cần sự hiệu quả này, người nào không có kế hoạch trước mà đã vội vàng hành động thì ắt hẳn người đó sẽ thất bại ngay từ khi công việc chưa bắt đầu. Không hiểu rõ đối thủ của mình đã vội vàng xuất binh thì đã nắm chắc phần thất bại ngay từ khi chưa cần nổ phát súng nào, mà sự thất bại trong chiến trận rất có thể phải trả giá bằng máu. Ba đã từng đọc trên báo về cái chết li kì ngay trên ghế lái của một người tài xế. Đầu anh ta thò ra ngoài cửa xe nên bị thân xe và cột điện ép đến nát thịt. Kết quả điều tra cho thấy, nạn nhân quay đầu xe trong đêm tối, thò đầu ra ngoài để quan sát phía sau cho rõ, nhưng đường thì chưa kịp nhìn rõ mà đã quay đầu xe, và tài xế thiệt mạng. Đây không phải là một hậu quả đau xót của việc không suy nghĩ kĩ mà vội vàng hành động hay sao? Nên nhớ thời đại ngày nay so với 30 năm về trước hoàn toàn khác rồi. Thời đại Nông nghiệp dựa vào tri thức truyền thụ bằng miệng và kĩ thuật đạt được do dày công khổ luyện; nhưng ngày nay khoa học kĩ thuật và viễn thông phát triển, đối với một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ, con người cũng có thể có đầy đủ thông tin, cho dù con không có chút kĩ thuật nào thì con vẫn có đầy đủ những máy móc cơ giới phù hợp để sử dụng. Thế nên, con hoàn toàn có thể đạt được thành công. Nói một cách khác, những người chờ đợi rút ra kinh nghiệm nhờ những sai lầm mắc phải chắc chắn sẽ bị lạc hậu và gặp phải thất bại. Xin đừng nói bây giờ con còn nhỏ nên cần phải học hỏi người lớn dần dần, bởi vì 18 tuổi đâu còn nhỏ nữa. Ngày nay trên thế giới có rất nhiều người trẻ tuổi, chưa đến 20 đã thành danh, chẳng hề thua kém những người được gọi là trưởng thành, họ rất có phong cách, rất hấp dẫn, rất có kinh nghiệm, rất quyết đoán. Những kinh nghiệm ấy ở đâu ra vậy? Trên sách vở, trên máy tính và trong cuộc sống. Khoa học kĩ thuật ngày nay có thể dùng máy tính để thử những vụ nổ hạt nhân, có thể ngồi trong nhà để tạo ra sóng gió bão bùng, có thể đào tạo những phi hành gia bằng những mô hình của tên lửa, có thể biểu diễn hòa nhạc trên máy vi tính.. Những người trẻ tuổi đó biết sử dụng sự hỗ trợ của khoa học kĩ thuật cộng với việc không có sự bó buộc khuôn giáo của công việc trước kia nên họ mặc sức mà phát huy sức tưởng tượng, chính vì thế họ có thể tạo ra những thành công đáng ngạc nhiên." Anh hùng ngay từ lúc còn thiếu niên ", câu nói này đã có từ mấy nghìn năm nay, nhưng ngày nay nó đúng hơn bất kì lúc nào khác. Thậm chí, chúng ta có thể nói: Thiếu niên không thành anh hùng thì con đường phía trước sẽ gặp nhiều khó khăn. Như việc một đám người thi chạy, nếu ngay từ lúc đầu anh không thể vượt lên trên người khác thì chỉ e phía trước có quá nhiều người thì sau đó có chạy nhanh hơn cũng khó lòng phát huy được. Lại trở về câu chuyện ban đầu. Con có biết một công nhân ở Thư cục Đài Bắc một ngày có thể bọc được bao nhiêu quyển sách như thế này không? - 400 quyển! Còn con, có 7 quyển mà cặm cụi bọc trong cả nửa tiếng đồng hồ! Tại sao lại có sự chênh lệch đáng kể như vậy? Bởi vì họ biết lợi dụng mặt bàn và tường nhà để chặn lấy mép giấy, không cho nó di chuyển, rồi cẩn thận dán hồ lên một cách chính xác. Trước khi làm việc, họ đã nghiên cứu phương pháp nên hiệu quả công việc mới cao như vậy." Mò mẫm rút kinh nghiệm từ những sai lầm ", câu này đã lỗi thời rồi. Hôm nay chúng ta phải nói:" Hãy nghĩ ra phương pháp khoa học nhất để không thắc mắc sai lầm ngay từ lúc khởi đầu!"
     
  6. fseatdn

    Bài viết:
    79
    Chương 15: Lựa chọn hi sinh

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trước đây Đài Loan có chiếu một bộ phim có tên "Tha hương", chuyển thể từ tiểu thuyết của Bách Dương. Cuốn tiểu thuyết này ba đã đọc từ hồi đầu năm cấp 3, chi tiết thế nào quên cả rồi, chỉ nhớ hình ảnh một cái đầu người bị treo trên một cây sào. Hình ảnh này vẫn còn in đậm trong trí óc của ba.

    Ba chưa đi xem bộ phim "Tha hương" nhưng ba mua cuốn tiểu thuyết về, mỗi tối trước khi đi ngủ lại đọc vài trang. Lần nào bỏ sách xuống để lên đầu giường, ba đều có cảm giác hai bàn tay thật nặng nề, còn trong lòng thì cảm thấy có một nỗi thương xót rất lạ lùng. Thế nhưng ba vẫn đọc hết nó, thậm chí đọc xong rồi thỉnh thoảng ba vẫn giở lại những trang đã đọc, lật đến trang nào thì đọc trang đó. Có điều rất lạ là mỗi lần như thế, ba đều có cảm giác không giống nhau.

    Cuốn sách miêu tả sự thực lịch sử đau thương ở vùng biên giới. Chiến tranh làm người ta phải đối mặt với sinh mạng, với cái sống và cái chết, càng phải đối diện với sự giằng co sinh tử:

    Đầu hàng hay là chiến đấu cho đến chết?

    Tồn tại hay hi sinh?

    Trong cuốn "Tha hương", tác giả cũng đề cập đến vấn đề ấy. Ba còn nhớ tình tiết rõ nhất là anh thương binh anh dũng chiến đấu, rồi trở về từ cõi chết, song anh ta không có chỗ nương thân, còn các vị quan chức được thoát li hồi chiến tranh bom đạn thì xây nhà lầu. Điều làm người ta cảm động, nhân vật chính trong câu chuyện đáng ra có thể nghỉ ngơi, hưởng thụ vinh hoa rồi, nhưng vẫn muốn tiếp tục tha hương nơi đất khách. Câu chuyện làm ba nghĩ đến một câu nói nổi tiếng ca ngợi phẩm chất đạo đức: "Tôi đã dám sống với thế giới này thì những hạnh phúc khổ đau của trần gian tôi đều gánh vác".

    Sáng nay, nhận được thư của mẹ con, trong đó có một đoạn, thật giống với những cảm xúc của ba khi đọc cuốn "Tha hương" : "Khi anh muốn hi sinh cho một lí tưởng nào đấy, anh không nên chỉ chăm chăm vào cái lí tưởng ấy mà cần phải đặt nó lên bàn cân, đong đếm một chút, cân nhắc xem cái người mà anh định hi sinh kia có xứng đáng để anh làm thế không. Họ có đền đáp anh xứng đáng không, hay họ chỉ muốn lợi dụng bầu nhiệt huyết của anh thôi". Cuối thư mẹ con còn nhấn mạnh: "Cơ hội để hi sinh vì lí tưởng thì có quá nhiều, nhưng sinh mạng con người thì chỉ có một, nên anh cần phải lựa chọn".

    Chẳng phải thế sao, cuộc đời chúng ta có quá nhiều cơ hội để hi sinh. Từ những điều nhỏ thôi, như hi sinh giấc ngủ, hi sinh những vui thú, lợi nhuận..

    Thế nhưng nhìn từ góc độ những điều to tát hơn, hi sinh cũng có thể là "hi sinh tự do", "hi sinh gia đình", "hi sinh tính mạng".

    Nghe nói hồi chiến tranh thế giới thứ II, những phi công của đội Thần Phong Nhật Bản chuyên lái "phi cơ cảm tử" trước lúc xuất phát phải đi chôn quần áo của mình, sau đó mới bước lên những chiếc máy bay chở đầy bom ra mặt trận. Họ đã hi sinh, hi sinh đến độ cả thi thể và xương cốt của mình cũng không tồn tại nữa.

    Ngày trước, ba có xem một bộ phim kiếm hiệp có tên "Mộng lưu hương", trong đó có một tình tiết khó lòng mà quên được: Bang chủ bị thương, phải trốn trong hầm trú ẩn của người hầu cận. Người hầu cận đã điều khiển chiếc xe ngựa của bang chủ rồi lao xuống vực tự sát khiến cho kẻ thù tưởng rằng bang chủ đã thiệt mạng. Nhưng bi thương nhất là chi tiết trước khi người hầu cận kia chết, anh ta còn hạ độc, không phải hạ độc mình mà là hạ độc chính người vợ và hai đứa con nhỏ của mình vì sợ người nhà có thể làm bại lộ hành tung của bang chủ.

    Nghĩ đến cảnh người vợ cùng hai đứa con nhỏ đã thiệt mạng, cảnh những phi công ở đội bay cảm tử đến thắp hương trước phần mộ của chính mình, ba cứ tự hỏi rằng: Sự hi sinh của họ có đáng không? Ba biết rằng ít nhất trong lòng những con người muốn hi sinh kia nghĩ rằng: "Xứng đáng"!

    Vấn đề là ở chỗ nếu bình tĩnh mà suy xét thì có rất nhiều sự hi sinh không hẳn đã có giá trị. Hồi trung học, khi ba giành được vị trí quán quân trong cuộc thi hùng biện ở Đài Bắc, có một hôm nhà trường yêu cầu ba tham dự một cuộc thi đột xuất. Lúc đó bà nội con nói với ba: "Con đã có những thành tích vinh dự như thế rồi thì cố mà giữ lấy, không cần phải tham dự miễn cưỡng".

    Nhưng nghe nhà trường nói đã hoãn lại rất lâu rồi, chỉ vì không tìm được người nào thích hợp cả nên họ nhất định phải mời ba, đành nhờ ba xuất hiện miễn cưỡng một lần vậy.

    Thế là ba đồng ý. Kết quả là: "Thất bại thảm hại trở về!"

    Lúc ép ba tham dự, họ tâng ba lên đến tận mây xanh: "Cậu là thiên tài, chắc không có vấn đề gì đâu". Nhưng sau khi thất bại, vị chủ nhiệm và tổ trưởng kia phản ứng như thế nào? Họ chỉ nhún vai cười cười rồi nói: "Thật không ngờ, thật không ngờ!" Họ thực sự không ngờ, sự thất bại đó đối với ba là một tổn thương tinh thần ghê gớm.

    Báo chí đã đăng về trường hợp một cô nữ sinh trung học vì quá yêu cậu bạn trai của mình mà xung đột với cha mẹ, bỏ nhà ra đi, bỏ cả sự nghiệp học hành, cả gia đình, hi vọng sẽ tạo dựng được một gia đình khác mỹ mãn và hạnh phúc hơn, nhưng không ngờ cậu bạn trai kia là một tay cờ bạc rượu chè, cuối cùng đến cả người yêu, cậu ta cũng bán luôn.

    Đây là một hiện tượng khá phổ biến, cứ đến quận Phong Hóa là có thể nghe thấy một lô những chuyện vì người yêu mà "hi sinh" kiểu này.

    Ba chưa đến quận Phong Hóa, nhưng có nghe một tay anh chị trong giới xã hội đen ở đó nói: "Gặp những địch thủ lão làng cũng chẳng có gì đáng sợ, nhưng gặp thằng choai choai thì cứ phải dè chừng, bởi vì bọn trẻ này chưa trưởng thành, có giết người thì cùng lắm cũng chỉ bị đưa đi cảm hóa. Do vậy, chúng thường bị bọn đàn anh già dặn lợi dụng làm những tay sát thủ. Bọn trẻ hăng máu chỉ cần tâng bốc nó lên một chút hay kích nó vài câu là nó sẵn sàng ra tay ngay, thậm chí bị đánh nhừ tử mà vẫn tưởng mình là anh hùng!"

    Con chẳng đã từng kể hay sao?

    Những thành phần bất hảo học lớp lớn hơn trong trường trung học thường dụ dỗ lôi kéo những học sinh ở lớp bé hơn sa vào con đường nghiện ngập hút chích sau đó còn tổ chức ban thưởng "để động viên anh em". Những cậu học sinh nhỏ thì lấy làm vinh dự lắm, rất đắc ý làm bậy, đến lúc bị bắt rồi vẫn cho rằng sự hi sinh của mình có thể nâng cao vị thế của bản thân trong "giới giang hồ". Câu chuyện về cô gái ngây thơ nọ, những thanh niên choai choai bị lợi dụng làm sát thủ hay những cậu học sinh bị dụ dỗ kích động đến nghiện ngập rồi buôn bán ma túy kia không phải là sự ngu xuẩn đến nực cười hay sao? Bọn họ cũng hi sinh đấy chứ nhưng đấy đó là sự hi sinh cho những người không xứng đáng. Đến một ngày có thể hi sinh cho tổ quốc, cho dân tộc, cho những lí tưởng cao đẹp thì họ lại chẳng còn cơ hội nữa.

    Người tự tử được cứu sống, những ngày sau đó sẽ tìm thấy những niềm vui trong cuộc sống, thấy trời đất rạng rỡ tươi sáng hơn, lúc này ngẫm nghĩ lại hành động tự vẫn của mình lúc trước sao mà điên rồ, sao mà đáng xấu hổ. Nhưng cũng may là họ còn được cứu sống để mà hối hận. Nếu lúc trước, họ không được cứu thì liệu còn có cơ hội hay không?

    Nếu có một ngày con đứng trước sự lựa chọn: Hi sinh hay không? Ba hi vọng con hãy suy nghĩ cho thật kĩ những điều này: Đối tượng để con hi sinh có xứng đáng không?

    Khi hi sinh hết rồi, liệu con còn có thể tiếp tục hi sinh nữa hay không? Hay là con đã hi sinh đến tận cùng mà không đòi hỏi một cái giá nào cả?
     
  7. fseatdn

    Bài viết:
    79
    Chương 16: Những thiếu niên bướng bỉnh

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đầu năm nay, ba nhận lời mời đến diễn giảng ở một trường trung học tại Đài Bắc. Trước khi đi, một thầy giáo ở trường đã nói với ba rằng: "Đừng có coi thường bọn choai choai, bọn học sinh nam ngày nay không giống như ngày trước, bọn chúng cứ tự cho mình tài giỏi lắm, chẳng coi ai ra gì cả. Đặc biệt đáng sợ là ở chỗ, chúng không phân biệt được trắng đen, chẳng hạn khi tổ chức thi hợp xướng trong toàn trường, rõ ràng là biểu diễn rất xuất sắc, nhưng bọn chúng lại chê bai này nọ; thế nhưng những chương trình dở ẹc lại được bọn chúng vỗ tay nhiệt liệt.." Khi ba lên khán đài, không khí quả thật đang hỗn loạn: Phía trước thầy hiệu trưởng phát biểu, ba chẳng nghe được mấy câu. Đến lượt ba nói thì không khí có vẻ yên tĩnh đi nhiều nhưng vẫn có cảm giác như tiếng ong kêu. Điều làm người ta không hiểu là mặc dù có rất nhiều học sinh đang nói chuyện riêng ở bên dưới, nhưng hễ ba kể đến đoạn nào buồn cười là lập tức có phản ứng ngay. Thỉnh thoảng, ba đặt câu hỏi yêu cầu trả lời thì thậm chí những học sinh ngồi tít dưới cùng cũng có thể trả lời chính xác câu hỏi. Điều này làm ba thực sự không hiểu: Lẽ nào những cậu học sinh nam 16, 17 tuổi kia lại có thể phân tâm hay sao, vừa có thể nói chuyện vừa có thể nghe giảng được hay sao? Ba có ngay được câu trả lời. Rất nhiều học sinh viết thư cho ba, đồng thời hẹn gặp ba ở xưởng vẽ. "Chú có biết bọn cháu nghe chú nói thấy khổ sở đến mức nào không?" - Một cậu học sinh nói với ba khi gặp mặt trực tiếp – "Bọn cháu vừa nói chuyện với nhau, vừa tận dụng khả năng nghe mẫn cảm nhất để nắm bắt lấy từng lời chú nói". "Thế tại sao các cháu không im lặng mà nghe, hoặc nhắc nhở những bạn đang nói chuyện?" – Ba hỏi. "Sao mà như thế được ạ, nếu thế thì bạn bè sẽ cho là tinh vi là thích thể hiện, là bị coi thường ngay. Thế nên bạn nào cũng muốn giữ im lặng để lắng nghe, song lại phải cố gắng giả bộ bất cần". Ba chẳng trách các bạn ấy, vì ba thấy thời cấp 3 của mình trong bản thân họ. Hồi học cấp 3, ba và các bạn làm báo tường, được nhà trường xếp riêng cho một phòng nhỏ ở chân cầu thang để sử dụng, thế là ba và các bạn biến nó thành mảnh đất riêng của mình. Trong phòng, ngoài bàn ghế ra mọi người còn trải thảm dưới nền nhà nữa, cũng có khi trốn học chui vào đây ngủ ngon lành. Các bạn khác bảo nhóm của ba ngông cuồng to gan, còn bọn ba tự cho mình là những anh hùng. Thậm chí còn có cậu cố ý trốn vào đó hút thuốc. Cậu tổ trưởng môn Đạo đức bước vào, phát hiện ra, nhưng ngại không nói, chỉ cười mà hỏi: "Hình như có mùi gì là lạ?", thì các bạn lại đắc ý vỗ vai cậu tổ trưởng, nói: "Tổ trưởng của chúng ta nên sống tốt hơn đi cho!" Đặc biệt, điều không thể tha thứ được là lúc bấy giờ có một số học sinh dám ngang nhiên bịa chuyện "Thầy X đánh học sinh", "thầy chủ nhiệm nọ tham ô.." mà tin đồn khi đã lan ra thì sẽ được truyền khẩu từ người này sang người khác, miệng lưỡi thế gian, mặc dù chẳng có bất kỳ ai có chứng cớ xác thực, nhưng cứ một đồn mười, mười lại đồn trăm! Ai dám đứng ra thanh minh? Dám đấu tranh, dám chỉ ra những sai trái của kẻ có thế lực, có uy quyền là một hành động vô cùng dũng cảm! Hành động anh dũng này phải đán g được ca ngợi, chẳng phải thế sao? Vấn đề là ở chỗ, kể cả ba cũng vậy, sao mọi người lại không nghĩ rằng, dám lội ngược dòng, bác bỏ ý kiến sai của số đông, giống như việc Tư Mã Thiên bênh vực Lý Lăng, Hàn Dũ can gián nghênh phật cốt, bị giáng chức, đó chẳng phải là biểu hiện của lòng dũng cảm hay sao? Hơn nữa, đó là một hành động đầy quả cảm, quyết liệt! Hành động đó không phải là hành động tát nước theo mưa, mà nó xuất phát từ tiếng nói của lương tri và chính nghĩa! Thực ra, không chỉ những cậu choai choai mười sáu mười bảy tuổi mới có những hành động anh dũng mù quáng theo cách như vậy, mà ngay cả sinh viên đại học cũng thế. Ba còn nhớ trong một khóa học mà ba dạy, có một cậu học sinh nam không những đã ngang nhiên đi muộn về sớm mà còn thường xuyên cãi lại thầy. Ba biết rằng, cậu ta làm như vậy là nhằm thu hút sự chú ý của các bạn học sinh nữ, do đó ba cũng chẳng để ý làm gì. Mãi cho đến một hôm, có rất nhiều các bạn nữ sinh không chịu được nữa, phải thốt lên: "Bạn có muốn nghe giảng nữa không? Nếu không thì hãy cút ra ngoài!" Ban đầu, cậu ta lộ vẻ ngạc nhiên, sau đó đứng dậy và cắp sách vở ra ngoài thật. Ai cũng tưởng rằng cậu ta sẽ không bao giờ xuất hiện nữa. Nhưng cậu ta đã xuất hiện. Trước khi mọi người vào lớp học, cậu ta đã ngồi ở góc lớp. Từ đó, cậu trở thành một con người hoàn toàn khác. Hết giờ học, cậu còn nán lại giúp ba một số công việc. Kết quả học tập cuối kỳ, cậu ta đạt loại A! Đó là điều mà cậu xứng đáng nhận được, bởi vì cho dù cậu thích cãi lại thầy, thì mỗi lần kiểm tra, cậu đều trả lời rất tốt. Một mặt cậu thích tỏ ra bướng bỉnh, nhưng mặt khác vẫn nỗ lực học tập. Càng ngày, ba càng quý mến cậu học trò này. Ba biết những cậu học sinh có tính bướng bỉnh, thường tập trung hết sức mình để phát huy hết khả năng trong học tập, trong sự nghiệp và đều đạt được những thành công mỹ mãn trong tương lai. Điều quan trọng nhất là cậu ấy "biết sai để sửa", dám dũng cảm sửa sai trước bạn bè. Nếu không phải là người có dũng khí lớn, thì làm sao làm được như vậy? Con cũng có tính bướng bỉnh phải không? Điều đó không có gì là xấu cả. Nhưng con phải biết rằng, lúc nào là thời khắc cần phải có đại dũng!
     
  8. fseatdn

    Bài viết:
    79
    Chương 17: Đừng để bản thân càng thêm cô độc

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chiều tối, khi đang đứng trước cửa tòa nhà văn phòng, ba tình cờ nhìn thấy một chiếc xe buýt chạy ngang qua, có một người da đen ngồi hàng ghế phía sau đang hướng mắt ra ngoài cửa sổ. Hình ảnh ấy bất chợt làm ba nhói đau khi nhớ lại một câu chuyện trên một chuyến xe buýt nhiều năm trước tại New York: Một phụ nữ da đen dắt đứa con nhỏ chừng 4-5 tuổi lên xe, đứa nhỏ không phải mua vé chạy tót lên hàng ghế trên ngồi, còn người mẹ thì rút tiền ra trả. Xe vừa đi được một đoạn ngắn, chị bị tài xế gọi giật lại: - "Ê chị trả thiếu tiền này". Người mẹ quay lại, cúi đầu, đếm thật cẩn thận, lẩm bẩm, nói: "Có thiếu đâu nhỉ?" - "Thế à?" – Tài xế đưa mắt nhìn lại một lần nữa rồi xua tay nói: "Không thiếu, chị đi đi". Nhưng điều làm mọi người kinh ngạc đã xảy ra, người mẹ tiến về phía đứa bé, rồi đột nhiên giơ tay tát thẳng vào mặt nó một cái nảy đom đóm mắt. Đứa bé đờ ra một lúc, đưa bàn tay bé xíu ôm lấy một bên má rát bỏng của mình, ánh mắt lộ vẻ kinh hãi. Rồi cuối cùng, nó òa khóc. - "Cút ngay ra đằng sau ngồi, mày quên mày là một đứa da đen à, da đen chỉ xứng đáng ngồi hàng ghế sau thôi" - Người mẹ quát to. Tất cả mọi người trong xe im lặng, ai cũng như ai, đặc biệt là những người da trắng đều cảm thấy cái tát bỏng rát kia như thể giáng xuống mặt mình vậy. Tối đó, ba kể chuyện này cho mẹ con nghe, mẹ con đã kể một câu chuyện khác cũng thương tâm như thế: Một học sinh da đen đã viết vào đơn xin nhập học thế này: "Trong kí ức thời niên thiếu của tôi, cái hiện về rõ nét nhất đó là hình ảnh của lần đầu tiên tìm đến các bạn da trắng chơi đùa. Tôi mỉm cười đứng giữa những người bạn da trắng, nhưng các bạn ấy chẳng đếm xỉa gì đến tôi, như thể không có sự hiện diện của tôi vậy. Tôi tủi thân đứng khóc, một người bạn khác cũng da đen như tôi đi đến, nhưng cậu ta không an ủi tôi mà còn nhìn tôi chế giễu:" Mày không thử nhìn xem da mày màu gì à? "Tôi về nhà, lấy xà phòng tắm mãi, thậm chí còn dùng cả bàn chải để cọ nữa, hi vọng có thể làm mình trắng ra, nhưng cái trôi đi không phải là màu đen của da mà là màu đỏ, là máu!" Những dòng chữ khiến người ta quặn lòng! Ba cảm thấy cơ hồ như dòng máu đỏ tươi ấy đang chảy trước mắt mình vậy, nó cũng làm ba nhớ đến một bộ phim: Một đứa bé da đen bị thương, một đứa bé da trắng đã kinh ngạc thốt lên rằng: "Trời ơi, máu của nó cũng màu đỏ này!" Đây không phải là một câu chuyện gì mới mẻ, bởi vì chúng ta cũng thường gây ra những chuyện tương tự như thế. Chúng ta đã tự chia con người thành những đẳng cấp khác nhau một cách tự nhiên, lừa rối lương tâm, tự cho mình cao hơn người khác một bậc, cố tình bỏ qua cái chữ "con người" mà ai cũng như ai. Có một người bạn của ba gần đây tìm được một căn nhà như từ lâu chú ấy vẫn thường mơ ước, trước mặt là một thảm cây xanh mượt, sau lưng là dốc núi, xa hơn nữa có thể nhìn thấy biển và núi. Nhưng trước hôm kí kết hợp đồng một ngày bỗng dưng chú ấy thay đổi quyết định, nguyên nhân là chú ấy được biết cách khu nhà ấy không xa là một khu nhà ở với giá rẻ. Chú ấy nói: "Cậu chịu được cái cảnh sau này con cái mình chơi bời giao lưu với lũ trẻ của khu nhà ở rẻ tiền đó không? Bỏ ngần ấy tiền ra mua nhà thì cũng phải có những người hàng xóm đáng giá ngần ấy tiền chứ?" Câu chuyện này cũng làm ba nhớ lại mấy năm trước khi ba cùng một người bạn đi tham quan núi A Li. Ba đi tàu hỏa đến Gia Nghĩa rồi thuê ô tô lên núi. Xe chỉ có bốn chỗ ngồi nên ba phải ngồi cùng một đôi vợ chồng không quen biết. Trên đường đi, họ đã bắt chuyện với ba. Họ kể cho ba nghe về công việc nặng nhọc của họ tại nhà máy sản xuất giầy thế nào, ba kể về những ngày sống ở New York ra sao.. Khi xuống xe, người bạn kia của ba tỏ ra rất không vui, nói rằng: "Việc gì cậu phải nói chuyện với bọn thợ thuyền này làm gì, mất hết cả tư cách!" Thực ra khi nói câu này thì chính chú ấy đã làm mất đi tư cách. Bởi vì không biết tôn trọng người khác - điều đó chứng tỏ sự kém hiểu biết của bản thân, thậm chí chính sự tự ti đã sinh ra tự cao tự đại. Ba từng gặp trường hợp một họa sĩ mang tranh đi triển lãm ở Mĩ, được người xem hết sức tán thưởng và hoan nghênh nhiệt liệt. Khi được hỏi: "Mối quan hệ giữa hội họa Trung Quốc và hội họa Nhật Bản?" Câu trả lời của họa sĩ đó là: "Hội họa Nhật Bản học từ Trung Quốc, tuy có cốt mà không có hồn, không hàm súc, không đáng xem". Chưa nói hết câu, người xem đã lục tục tỏ ra thất vọng, ra về. Ông ta không biết rằng: Đề cao mình không cứ phải phủ nhận người khác. Anh có thể không tán đồng nhưng không được hoàn toàn phủ nhận! Những người phủ nhận người khác thường là những người không có mối giao tế thật tốt với những người xung quanh, bởi vì trong lòng họ có một hàng rào ngăn trở người khác – và đó đồng thời cũng là điều ngăn trở chính mình. Cô giáo dạy tiểu học của con đã từng nói với ba rằng: "Khi anh phát hiện ra đứa trẻ học lớp dưới có thái độ phân biệt chủng tộc thì không cần phải tìm phụ huynh nó nói chuyện làm gì, vì suy cho cùng, sự miệt thị chủng tộc của chúng phần lớn học được từ bố mẹ. Chỉ có điều tôi lo lắng là những đứa trẻ như thế khi lớn lên sẽ trở nên cô độc trong xã hội mà thôi". Cô giáo nói những điều này là vì con bị bọn trẻ da trắng miệt thị, chúng gọi con là "Tên nô lệ nước Thánh". Con còn nhớ khi về nhà ba đã an ủi con thế nào không? Ba nói rằng: "Nếu con oán trách xã hội này không công bằng thì chi bằng con hãy tự mình nỗ lực tạo ra một xã hội công bằng hơn có hơn không. Khi thấy người da trắng miệt thị người da vàng, con càng cần phải nỗ lực hơn nữa để chứng minh rằng người da vàng không thua kém gì người da trắng cả. Con cũng càng cần phải tôn trọng người thuộc chủng tộc khác. Nếu con cũng miệt thị người da đen, thì con dựa vào cái gì mà đòi những người da trắng không được miệt thị con?" Chính vì thế ba đã nói với hai người bạn của mình, một người cùng đi núi A Li, và người kia là người định mua ngôi biệt thự rằng: "Chúng ta may mắn được sống trong một quốc gia không có sự phân biệt về sắc tộc, hà tất phải tự mình phân biệt đẳng cấp? Hòn đảo Đài Loan vốn đã nhỏ bé, nằm một mình giữa biển mênh mông chẳng đã đủ cô độc rồi sao, có cần phải khiến mình càng thêm cô độc nữa hay không?" Trước khi con tốt nghiệp, chuẩn bị bước vào đời, ba viết bức thư này cho con, hi vọng con sẽ có một trái tim vị tha và rộng lượng!
     
  9. fseatdn

    Bài viết:
    79
    Chương 18: Tín hiệu yêu thương

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chiều nay, vừa bước vào phòng đọc sách, cha liền nhìn ngay thấy bốn con sâu to đang ở trên bàn viết. Chúng bất động, trông giống như những con quái vật trong bộ phim "Chiến tranh giữa các vì sao". Lại gần nhìn kĩ thì hóa ra là vỏ của bốn con ve vừa lột xác. "Ai lại để mấy thứ bẩn thỉu này lên bàn làm việc thế nhỉ?" Ba nghĩ thầm, định nói to lên nhưng ghìm lại được. Đây không thể là trò đùa của mẹ con hay của con được, bởi vì con và mẹ không có thời gian mà đùa mấy trò này, tất nhiên càng không phải là em gái con, vì em nó không bạo như thế. Ba định quát lên nhưng rồi chuyển giọng: "Ôi, mấy cái vỏ này tuyệt thật". Đang nói vậy thì bà nội con vui vẻ đi vào: "Ừ, ngày trước thấy trong tủ có một con, biết là con sưu tập nên khi thấy mấy cái này trong vườn, mẹ vội nhặt vào cho con đấy". Bà cụ 84 tuổi cười hồn nhiên như đứa trẻ vậy. Cụ đâu biết rằng, cái vỏ này chỉ lạ lẫm khi còn ở Đài Bắc mà thôi, còn như ở trong vườn này, chỉ cần trèo lên cành cây khô trên cao kia là có thể nhặt được cả đống. Con có thể thắc mắc tại sao ba không nói rõ điều ấy cho bà nội nghe, nhưng con thử nghĩ xem, bốn cái vỏ sâu bình thường ấy là bao nhiêu tình cảm của bà. Khi nghe ba tán dương, bà đã vui thế nào! Còn nhớ ngày trước trong phòng vẽ của ba lúc nào cũng treo mấy bức tranh vẽ bôi xóa, sửa chữa của trẻ con hay không? Tại sao ba lại treo mấy bức ấy? Bởi vì đó là những bức tranh do cô con gái nhỏ của một cậu bạn của ba vẽ tặng. Mỗi lần người bạn học đó đến chơi, thấy tranh của con gái mình được trang trọng treo ở nơi bắt mắt nhất thì vui biết chừng nào. Sau đó vài tuần, cậu bạn ấy mang đến một bức tranh khác, nói: "Bây giờ cháu nó tiến bộ hơn rồi, đổi bức mới này tặng thầy giáo!" Có thể con cười ba là giả tạo! Nhưng thế nào là giả tạo, thế nào là thật? Ba thấy trên thế giới này điều chân thật nhất chính là sự quan tâm. Ba làm như vậy để biểu thị sự quý trọng của ba đối với tình cảm của đứa trẻ, cũng để ca ngợi tình yêu thương của cậu bạn đó, lúc nào ba cũng được đón nhận tình cảm mới, ba khơi dậy niềm đam mê hội họa của đứa trẻ. Điều này không phải là đã thật hơn bất kì thứ nào khác ư? Ba tin rằng chắc chắn con còn nhớ, khi em gái con còn chập chững biết đi, có lần nó đã hái trong vườn tặng con một bông hoa bồ công anh, con nhận xong rồi ừ hữ vất đi. Em con lại cần mẫn hái từng bông một tặng mẹ con. Mẹ con vui vẻ reo lên: "Những bông hoa vàng nhỏ xíu đẹp quá, cảm ơn con gái, cảm ơn!", rồi mẹ cài những bông hoa đó lên tóc. Thử hỏi, từ đó trở đi, em gái còn hái hoa tặng con nữa không? Còn mẹ con thì luôn luôn có những bông hoa bồ công anh nhỏ xíu ở bên mình. Trên thế giới này, bất luận là người già hay đứa trẻ đang tập đi đều tràn đầy trong mình tình yêu, đều cảm thấy thật hạnh phúc khi tình yêu của mình được người khác ghi nhận. Có thể nói, con người ta lúc nào cũng muốn đón nhận và truyền đi những tín hiệu yêu thương cho người khác, có những điều tưởng như rất đỗi bình thường, những hành động như không hề có chút ý nghĩa gì nhưng thực ra lại bao hàm rất nhiều ý nghĩa sâu xa. Hồi học đại học, có một lần cả lớp đi picnic, một cậu bạn học đã trèo lên vách núi hái xuống một bó cỏ dại tặng các bạn gái cùng lớp. Mấy tháng sau, cậu ấy nói với ba rằng: "Mình phát hiện ra mình có thể yêu được rồi, không phải mình chủ động đi yêu người ta mà là cô ấy làm mình không thể không yêu". Thấy ba có vẻ không hiểu lắm, cậu ấy giải thích thêm: "Hôm trước kỉ niệm ngày thành lập trường, khu kí túc của nữ cũng mở cửa và mọi người được phép tham quan, cậu biết mình nhìn thấy gì không, trên giường của cô bạn gái cùng lớp ấy có một cái hộp bằng thủy tinh, bên trong đựng một cọng cỏ khô đã úa, mầu sẫm đen lại. Lúc đầu mình cảm thấy rất kì lạ, chú ý hơn một chút, mình phát hiện ra rằng đó chính là cọng cỏ mà mình đã tặng cô ấy rất lâu trước đây.." Sau đó họ yêu nhau thực sự! Con thử nói xem, cọng cỏ khô kia chẳng phải là tín hiệu tình yêu đó sao. Cái làm người ta dễ cảm động nhất là ở chỗ những biểu hiện rất bình thường của mình lại được người khác để ý đến. Bởi vì nếu không có tấm lòng, không có tình yêu thì ai chú ý đến những hành vi cử chỉ nhỏ của người khác làm gì. Có một cô thư kí rất nổi tiếng trong giới chính trị, mặc dù trình độ không cao, ngoại ngữ cũng bình thường, nhưng cô lại là đối tượng trọng dụng của rất nhiều người. Bởi vì một lẽ, cô ấy làm việc cho ai thì người ấy cũng rất thành đạt, thăng tiến trên chính trường. Nghe có vẻ mê tín, nhưng con biết điểm mạnh nhất của cô ấy là gì không? Cô ấy nói với ba rằng: "Những người làm chính trị thường lo nghĩ những chuyện lớn, ít để ý đến những việc nhỏ nhặt của người khác. Công việc của tôi là trước mỗi buổi tiếp khách của sếp, tôi thường phải tìm hiểu rồi nhắc sếp xem hôm đó ông phải gặp những người nào, việc công và việc tư của người đó ra sao, gần đây cuộc sống của họ có xảy ra chuyện gì hay không. Thậm chí tôi còn viết hẳn ra giấy, lúc trên xe đọc lại cho sếp nghe thêm một lần nữa. Thế là kể cả những người bạn lâu ngày không gặp, sếp của tôi vẫn có thể nói chuyện một cách thân mật và nắm rõ tình hình gần đây của bạn. Ví dụ:" Con trai mới sinh của anh thế nào, có khỏe không? "," Con trai anh sắp kết hôn rồi đấy nhỉ? "," Nghe nói chị nhà vừa đi du lịch châu Âu về? "," Bài phát biểu trên báo của anh thật là hay! " Thế là mọi người đều có cảm giác được đối phương quan tâm. Họ ngạc nhiên vì sự nhạy bén trong thông tin, về trí nhớ tuyệt vời của sếp. Thế nên đương nhiên ông được mọi người hoan nghênh và ủng hộ, công việc cũng vì thế mà trở nên thuận lợi hơn". Nghe những chuyện như thế, con cho là họ giả dối sao? Thực ra hoàn toàn không phải thế. Chỉ cần con để ý đến, ghi nhớ lấy và biểu hiện ra thì sẽ không là giả dối đâu". Đó chính là sự quan tâm! Mà sự quan tâm sẽ giành được sự báo đáp xứng đáng!
     
  10. fseatdn

    Bài viết:
    79
    Chương 19: Rời khỏi chiếu bạc

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Buổi sáng, tiện thể có bác làm vườn đến cắt cỏ, nhà mình nhờ bác ấy nâng cái gôn bóng rổ lên cao khoảng 10 cm nữa, rồi thử ném vài cú xem sao.

    Xong xuôi, ba vào phòng làm việc vẫn thấy con đứng ngoài đó ném bóng, xem ra việc ném vào lưới quá khó khăn với con. Ba gọi con liền mấy câu nhưng con chỉ vâng dạ cho qua rồi vẫn tiếp tục ném bóng. Cho đến khi ba phải quát lên: "Tiếng con chơi bóng ảnh hưởng đến công việc của ba". Khi đó mới miễn cưỡng dừng lại. Lúc quay vào nhà, con còn cố ném thêm vài lần nữa. "Bây giờ là sáng sớm, ném vài quả là đủ rồi, con nên tranh thủ lúc tinh thần thư thái minh mẫn nhất để nghĩ những việc cần thiết hơn, chiều rồi mới chơi bóng chứ!", "Mà quan trọng hơn là con phải biết học cách kiềm chế bản thân, cần dừng lại, phải dừng lại được!" – Ba nói với con thế. "Đương nhiên khi cần dừng lại, con đã dừng lại được, thu bóng lại chẳng là đã dừng lại đấy thôi, điều này có gì là lạ đâu" – Con ương bướng trả lời.

    Vậy ba hỏi con, một khi con bạc đã ngồi vào chiếu bạc thì liệu dí súng vào mạng sườn mà bảo anh ta đừng chơi nữa liệu có được hay không, chứ đừng nói đến việc cần dừng lại là dừng lại được. Bao nhiêu con bạc nghĩ rằng: "Thêm một ván nữa, một ván nữa thôi, thắng một cái là về". Nhưng kết quả là hết ván này đến ván khác, thua đến tán gia bại sản!

    Những gì mà con bạc đó nghĩ chẳng giống khi con nghĩ rằng: "Ném thêm một lần nữa, một lần nữa, vào một cái là thôi ư?" Vì vậy con không nên nghĩ "thêm một lần nữa". Thế giới này có bao nhiêu người chỉ vì trì hoãn, khất lần mà thất bại đó thôi. Nhớ lúc còn nhỏ, ba rất thích ăn sôcôla, mỗi lần ông nội mua sôcôla về đều nói với ba rằng: "Sôcôla đắt lắm. Con phải chia ra ăn từ từ, đừng ăn hết một lúc nhé". Khổ nỗi sôcôla lúc đó không giống như những thanh sôcôla chia thành từng ô, từng ô như bây giờ. Ba đành phải cắn vào những chỗ lồi ra, ăn trước những chỗ có góc nhọn. Nhưng cắn đi cắn lại vẫn có những chỗ lồi ra lõm vào không đều, ba vẫn tiếp tục cắn, dù biết rằng đã ăn không ít, nhưng vì cứ nghĩ rằng: "Ăn nốt miếng này rồi thôi" nên cứ tiếp tục. Cuối cùng mặt mũi dính đầy sôcôla, trên tay chỉ còn lại một mẩu bé tí như cục đường, ba tặc lưỡi ăn nốt miếng còn lại. Nếu không phải là thanh sôcôla mà là tiền thì có phải ba đã thực sự không biết kiềm chế rồi không, từng bước thỏa hiệp với bản thân, cuối cùng trở thành kẻ trắng tay, tán gia bại sản. Từ đó có thể thấy, "tự mình thỏa hiệp" thực ra là thiên tính của loài người. Tuy nhiên, con cũng nên biết, nếu không thể chiến thắng thiên tính, con người ta thật khó đạt được những thành tích hơn người.

    Ba thường nói: "Một người đàn ông không biết lúc nào cần phải dứt ra khỏi người phụ nữ. Một người phụ nữ không biết lúc nào phải dứt ra khỏi con cái. Họ sẽ không bao giờ thành đạt!" Vấn đề là: Yêu người khác giới, yêu thương con cái không phải là thiên tính của con người hay sao? Lẽ nào muốn thành công thì phải quay lưng lại với những thiên tính ấy?

    Hãy để ba nói tiếp: Con còn nhớ ngày trước bên ngoài cửa sổ phòng ngủ của ba thường đặt một cái máng đựng thức ăn cho chim không? Mỗi lần xuân về, ba thường nấp vào cửa sổ, lén quan sát lũ chim mẹ mớm mồi cho chim con. Chim sẻ thường rất nhiều con, xếp hàng bốn năm con chim non, lông vũ sổ tung, đứng chen chúc nhau. Mỗi lần chim mẹ tha mồi về là lũ chim con cứ khua khua đôi cánh, miệng há to phát ra những tiếng kêu chiêm chiếp. Lúc đầu, chim mẹ bao giờ cũng đến bên máng thức ăn, ăn tiểu mạch rồi xà xuống đất, sau đó mới bay đến bên lũ chim non. Nhưng rồi dần dần số lần chim mẹ mớm mồi cho con thưa dần, một số con tiến gần đến chim bố mẹ, chim bố mẹ mới miễn cưỡng mớm cho chim con mà thôi.

    Nhưng qua thêm một thời gian thì tình hình không giống thế nữa, chim bố mẹ không những không mớm mồi nữa mà còn trốn lũ chim con, thậm chí chúng còn tấn công để không cho lũ chim con tiến gần lại mình. Ba tự hỏi, phải chăng dứt lũ con ra khỏi bản thân mình cũng là một thiên tính, bởi vì nếu không làm như vậy thì bố mẹ không thể thành công mà con cái cũng khó lòng độc lập được. Nói đi nói lại, đến loài chim còn biết kiềm chế bản thân, dừng lại đúng lúc cần thiết để có được những cái lớn hơn. Vậy chúng ta là con người, lẽ nào lại không thể làm được như thế? Hãy nhớ, ném thêm một quả bóng, ăn thêm một miếng, chơi thêm một ván bài, ngủ thêm một phút thoạt nghe tưởng như đó là những việc nhỏ nhặt, nhưng những con "vi trùng" trong cái thói "tự thỏa hiệp" đó có thể xâm nhập vào tận xương tủy, khiến con suốt đời không đứng được thẳng.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...