Cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi nhok luoi hd48, 1 Tháng mười 2021.

  1. nhok luoi hd48

    Bài viết:
    10
    2.2. 1. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật Biển, hoặc là UNCLOS 1982)

    Công ước Luật biển 1982 được 107 quốc gia trong đó có Việt Nam, kí tại Montego Bay, Jamaica, đánh dấu thành công của hội nghị Liên Hợp Quốc về Luật biển lần thứ 3, với sự tham gia của trên 150 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức quốc tế phi chính phủ, cùng xây dựng nên một công ước mới về Luật biển, được nhiều quốc gia, kể cả quốc gia không có biển cùng chấp thuận.

    Sau Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Luật biển 1982 được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, được nhiều quốc gia kí kết và tham gia. Công ước biển 1982 có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 (12 tháng kể từ ngày Guyana, nước thứ 60 phê chuẩn Công ước ngày 16/11/1993). Là một văn kiện pháp lý đa phương đồ sộ bao gồm 320 điều khoản và 9 phụ lục, với hơn 1000 quy phạm pháp luật, Công ước Luật biển 1982 đã đáp ứng nguyện vọng mà mong đợi của cộng đồng quốc tế về một trật tự pháp lý quốc tế mới đối với tất cả các vấn đề về biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.

    Công ước Luật biển 1982 đã trù định toàn bộ các quy định liên quan đến các vùng biển mà một quốc gia ven biển có quyền được hưởng cũng như những quy định liên quan đến việc sử dụng, khai thác biển và đại dương, cụ thể là: Quy chế pháp lý của tất cả các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia; Chế độ pháp lý đối với biển cả và vùng – di sản chung của loài người; Các quy định hàng hải và hàng không.. Trong đó, Công ước Luật biển 1982 quy định rõ về quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển cũng như là nghĩa vụ của các quốc gia khác đối với các vùng: Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các quốc gia ven biển.

    Nội thủy:


    Theo quy định của điều 8 Công ước Luật biển 1982, nội thủy là "các vùng nước ở phía bên trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải". Một quốc gia có thể có một hay nhiều vùng nước nội thủy với các chế độ pháp lý khác nhau như nội thủy thông thường và nội thủy trong đó quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền được tôn trọng.

    Nội thủy thông thường là các vùng nước nằm bên trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, giáp với bờ biển như vịnh, cửa sông, vũng đậu tàu.. các vùng nước nội thủy này được coi như đất liền và tại đó, quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền hoàn toàn tuyệt đối và đầy đủ. Ở đây, mọi sự ra vào của tàu thuyền hay phương tiện bay nước ngoài trên vùng trời nội thủy đều phải xin phép. Ngoài nội thủy thông thường, theo khoản 2 điều 8 Công ước Luật biển 1982, còn có nội thủy mà trong đó tồn tại quyền đi qua không gây hại cảu tàu thuyền nước ngoài. Đó là các vùng nước có các đường hàng hải quốc tế đi qua mà vốn trước đó chưa được gọi là nội thủy nhưng do việc vạch đường cơ sở thẳng, vùng này đã được gộp làm nội thủy. Quy chế về quyền đi qua không gây hại đối với vùng nước nội thủy này chính là một biểu hiện của sự dung hòa về lợi ích giữa các quốc gia. Quy định này vừa đảm bảo tính chủ quyền tuyệt đối của quốc gia ven biển, vừa đảm bảo quyền lợi cho các quốc gia khác khi cần lưu thông ven biển.

    Lãnh hải:


    Theo quy định chung của Công ước Luật biển 1982, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ với vùng lãnh hải của nước mình. Chủ quyền này không phải là hoàn toàn và tuyệt đối như đối với vùng nội thủy của các quốc gia ven biển, do việc cộng đồng quốc tế đã thừa nhận quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong vùng lãnh hải. Quyền này đã được ghi nhận tại điều 17 Công ước Luật biển 1982 – là một quy chế pháp lý điển hình đối với vùng lãnh hải của quốc gia ven biển: "Với điều kiện phải chấp hành công ước, tàu thuyền của tất cả các quốc gia, có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải". Sự tồn tại của quyền đi qua không gây hại trên lãnh hải của tàu thuyền đã thể hiện tính "hải" xuất phát từ nguyên tắc tự do biển cả. Đồng thời, tại lãnh hải, các quốc gia chỉ có quyền hạn chế, thể hiện tính "lãnh" Công ước Luật biển 1982 đã ghi nhận quyền đi qua không gây hại này dựa trên cơ sở tập quán quốc tế đã có từ lâu đời về sự thỏa thuận giữa các quốc gia, nhằm dung hòa lợi ích phát triển kinh tế chung của quốc gia ven biển và các quốc gia khác.

    Vùng tiếp giáp lãnh hải:


    Là vùng biển nằm ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, tại đó quốc gia ven biển thực hiện các quyền có tính riêng biệt và hạn chế đối với tàu thuyền nước ngoài. Khoản 2 điều 33 Công ước Luật biển 1982 quy định: "Vùng tiếp giáp không thể mở rộng quá 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải". Công ước Luật biển 1982 đã cho phép các quốc gia ven biển "có thể thi hành sự kiểm soát cần thiết" nhằm ngăn ngừa và trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định hải quan, thuế khóa, y tế hay nhập cư trên lãnh thổ hay lãnh hải của mình. Các quốc gia ven biển được phép thực hiện quyền kiểm soát của mình nhưng không thể ngăn các quốc gia khác thực hiện quyền tự do hàng hải, tự do hàng không và tự do đặt dây cáp, ống dẫn ngầm tại đây. Đồng thời, các quốc gia khác và tàu thuyền nước ngoài khi thực hiện các quyền này phải tuyệt đối tuân thủ đặc quyền kiểm soát của quốc gia ven biển, tôn trọng "quyền chủ quyền" của quốc gia ven biển đối với vùng tiếp giáp.

    Vùng đặc quyền kinh tế:

    + Điều 55 Công ước Luật biển 1982 quy định: "Vùng đặc quyền về kinh tế là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, đặt dưới chế độ pháp lý riêng quy định trong phần này, theo đó, các quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển và các quyền và các quyền tự do của các quốc gia khác đều do các quy định thích hợp của Công ước điều chỉnh". Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng biển kế cận với bờ biển của một quốc gia ven biển và không được mở rộng quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

    + Quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển: Các quyền thuộc chủ quyền thăm dò về khai thác bảo tồn quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về các hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Đồng thời các quốc gia ven biển cũng có quyền tài phán, nhưng chỉ giới hạn trong lĩnh vực thực thi các quyền chủ quyền của nước này trong vùng đặc quyền kinh tế.

    Thềm lục địa:


    Thềm lục địa của một quốc gia ven biển được xác định bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài và tiếp liền với lãnh hải của quốc gia ven biển, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa hoặc đến các đường cơ sở một khoảng hải lý khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn.

    Đối với thềm lục địa, Công ước Luật biển 1982 quy định một số đặc quyền của các quốc gia ven biển: "Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình" (Khoản 1 điều 77).

    Sau khi Công ước Luật biển 1982 được thông qua ngày 30/4/1982, Việt Nam là một trong 107 quốc gia tham gia ký Công ước tại Montego Bay. Ngày 23/6/1994, Quốc hội nước ta đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn văn kiện pháp lý quan trọng này. Điểm 1 trong Nghị quyết nêu rõ: "Bằng việc phê chuẩn Công ước của LHQ về Luật biển 1982, nước CH XHCN Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển". Quốc hội khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng nội thủy, lãnh hải. Quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng ĐQKT và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam. Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời cũng tuyên bố rõ lập trường của Nhà nước ta là giải quyết hòa bình các bất đồng liên quan đến Biển Ðông trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển Ðông đối với vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; Trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan cần duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

    Tham gia Công ước Luật biển 1982, Việt Nam, quốc gia ven biển, được thừa nhận có vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng ĐQKT rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý và có thể mở rộng tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà nước ta được hưởng theo quy định của Công ước, khoảng gần một triệu Km2, rộng gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền.

    Theo như phần trên đã khái quát quần đảo Hoàng Sa nơi gần nhất cách đảo Lý Sơn (Việt Nam) khoảng 120 hải lý, cách cảng Đà Nẵng khoảng 170 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 156 hải lý vì vậy vị trí của quần đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế nước ta, thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam; Đảo gần bờ nhất là đảo Trường Sa cách Hòn Hải (thuộc quần đảo Phú Quý) khoảng 210 hải lý, cách vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 250 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) trên 520 hải lý, vị trí trên cho thấy quần đảo Trường Sa nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.

    Công ước Luật biển 1982 đã trở thành cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc, quan trọng, được thừa nhận và luôn được đưa ra trong cuộc đấu tranh, phức tạp để bảo vệ các vùng biển và thềm lục địa và các quyền và lợi ích chính đáng của nước ta trên biển. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bên cạnh những những chứng cứ lịch sử, pháp lý chứng minh chủquyền của Việt Nam đã được xác lập liên tục, hòa bình từ lâu đời đối với hai quần đảo. Công ước Luật biển 1982 là hàng rào pháp lý vững chắc để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

    2.1. 2 Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)

    Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là một văn kiện được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết ngày 4 tháng 11 năm 2002 tại Phnom Penh (Campuchia) nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và là bước đột phá trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc rất có lợi cho việc giải quyết tranh chấp, ngăn chặn xung đột, bảo đảm hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

    Trong nội dung Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, các bên khẳng định cam kết đối với mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Ðông - Nam Á, 5 nguyên tắc tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của pháp luật quốc tế . Các bên cam kết giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp về quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua trao đổi ý kiến và thương lượng hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982. Các bên cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Tuyên bố đặc biệt nhấn mạnh việc kiềm chế không đưa người lên các đảo, bãi hiện nay không có người ở.

    ÀThông qua những nội dung tuyên bố về ứng xử ở biển Đông giữa TQ với các nước ASEAN, chứng tỏ về mặt pháp lý TQ đã công nhận những luật pháp quy định trên vùng biển Đông đối với các nước ASEAN như những quy định của luật biển quốc tế 1982 trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

    2.1. 3 Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)

    Năm 2002, Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký kết với nhau tuyên bộ ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC). Tuyên bố 10 điểm của DOC, trong đó điểm thứ 10 có nêu rõ: Các bên liên quan khẳng định rằng việc tiếp thu một bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn hòa bình và ổn định trong khu vực và nhất trí làm việc trên căn bản đồng thuận để tiến tới hoàn thành mục tiêu này.

    Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN 16 tại thành phố Hà Nội (tháng 4/2010) đã coi DOC năm 2002 là một trong số các công cụ và cơ chế quan trọng hiện nay của ASEAN, đặt DOC bên cạnh các văn kiện pháp lý như Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Ðông - Nam Á (TAC).. Chính giới và dư luận quốc tế cũng đánh giá cao vai trò của DOC và sự cần thiết thực hiện đầy đủ các cam kết trong văn kiện này. Tuyên bố của Chủ tịch ARF 17 tại thành phố Hà Nội (tháng 7/2010) nêu rõ các bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của DOC như là một văn kiện lịch sử giữa ASEAN và Trung Quốc, thể hiện cam kết tập thể nhằm đảm bảo các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trong khu vực. Các bộ trưởng nhấn mạnh hiệu quả của DOC trong việc xây dựng sự tin cậy lẫn nhau và sẽ giúp cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực

    Tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 44 tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a (tháng 7/2011), ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thông qua bản Quy tắc hướng dẫn Tuyên bố DOC. Đây được coi là một bước tiến quan trọng, thể hiện nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong xây dựng DOC thành văn kiện nền tảng góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, giải quyết tranh chấp bằng đối thoại.

    Thông qua bộ quy tắc ứng xử COC lại một lần nữa nhấn mạnh việc thực hiện các nguyên tắc ứng xử của DOC giữa ASEAN và Trung Quốc để đảm bảo hòa bình cho các tranh chấp trong khu vực, duy trì hòa bình và ổn định trong ở khu vực.
     
    Last edited by a moderator: 31 Tháng ba 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...