Khái quát Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Quy Lãng, 8 Tháng sáu 2023.

  1. Quy Lãng

    Bài viết:
    198
    Khái quát Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh

    1. Lịch sử hình thành

    Theo Gia Định thành thông chí, Sài Gòn xưa là vùng Thủy Chân Lạp của vương quốc Chân Lạp. Năm 1658, vua Chân Lạp là Nặc Ong Chân vì khâm phục oai đức của triều đình đã dâng vùng đất này cho chúa Nguyễn. Sau này, chúa Nguyễn thấy vùng đất này màu mỡ nhưng chưa được khai phá mới cho một nhóm người đến đây khai hoang định cư. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào nam kinh lược vùng đất này. Nguyễn Hữu Cảnh lấy khu vực Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn biên, lập xứ Sài Côn (Sài Gòn) làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Sau đó, ông sắp đặt các quan chức cai quản nơi này, chiêu mộ lưu dân phiêu tán vào đây sinh sống, đất đai mở rộng ngàn dặm, dân số hơn 40.000 hộ. Từ đó, vùng đất Gia Định, Đồng Nai ngày càng thịnh vượng, Sài Gòn Gia Định trở thành thủ phủ của Nam bộ sau này. Đến năm 1808, Gia Định trấn được đổi thành Gia Định thành.

    [​IMG]

    Hình 1.1. Bản đồ tỉnh Gia Định năm 1815 do Trần Văn Học vẽ

    Nguồn: Website Chuyện Xưa

    Vào năm 1859, người Pháp vào Đông Dương, chiếm được thành Gia Định. Để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã lên thiết kế quy hoạch lại thành Gia Định, thành lập nên thành phố Sài Gòn, khiến nơi đây nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 1864, người Pháp thấy thành phố quá rộng, không đảm bảo được an ninh, nên đã ra quyết định tách Chợ Lớn khỏi Sài Gòn, lập nên "thành phố Chợ Lớn" và "thành phố Sài Gòn" (Cổng thông tin TP HCM, 2011).

    Năm 1931, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh hợp nhất "thành phố Sài Gòn" và "thành phố Chợ Lớn" thành một đơn vị hành chính mới là Khu Sài Gòn – Chợ Lớn.

    Năm 1951, "Khu Sài Gòn – Chợ Lớn" được đổi thành "Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn". Đến năm 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm lại đổi "Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn" thành "Đô thành Sài Gòn".

    Sau khi đất nước thống nhất, đô thành Sài Gòn, tỉnh Gia Định và 2 quận Củ Chi, Phú Hòa được hợp nhất thành 1 đơn vị hành chính, gọi là thành phố Sài Gòn – Gia Định. Ngày
    02/07/1976, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất quyết định đổi tên Sài Gòn – Gia Định thành "Thành phố Hồ Chí Minh" (Cổng thông tin TP HCM, 2011).



    2. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

    Vị trí địa lý:

    Lãnh thổ TP HCM trải dài theo hướng tây bắc – đông nam và nằm trong khoảng từ 10022'13' đến 11022'17' vĩ độ Bắc và từ 106001'2' đến 10701'10' kinh độ Đông. Điểm cực bắc của thành phố là xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi), điểm cực nam ở xã Long Hòa (huyện Cần Giờ), điểm cực tây tại xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) và điểm cực đông là xã Thanh An (huyện Cần Giờ).

    TP HCM tiếp giáp 6 tỉnh. Phía bắc giáp tỉnh Bình Dương, tây bắc giáp tỉnh Tây Ninh, đông và đông bắc giáp tỉnh Đồng Nai, đông nam giáp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tây và tây nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang. Còn phía nam, thành phố tiếp giáp với biển Đông, mà trực tiếp là vịnh Đồng Tranh và vịnh Gành Rái. Diện tích tự nhiên của thành phố là 2.095, 01 km2, chiếm hơn 6, 36% diện tích cả nước, trong đó gồm 442, 13 km2 nội thành và 1.652, 88 km2 ngoại thành (Tổng cục thống kê, 2003, tr. 17).

    Điều kiện tự nhiên:

    Trong quá trình phát triển và hội nhập, TP HCM luôn là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước; là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong ba vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất nước.

    TP HCM nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Ðông sang Tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á. Đây là đầu mối giao thông vào loại lớn
    nhất nước ta với sự có mặt của các tuyến giao thông huyết mạch như đường ô tô, đường sắt, đường biển, đường sông và đường hàng không. Do đó, việc giao lưu với các vung trong nước và các nước trong khu vực cũng như trên thế giới rất thuận lợi.

    Như vậy, vị trí địa lý của TP HCM là một thế mạnh, góp phần mở rộng giao lưu liên kết ở trong và ngoài nước, giúp kinh tế của thanh phố nhanh chóng hội nhập vào thị trường khu vực và thế giới (Tổng cục thống kê, 2003, tr. 17).

    Địa hình:

    TP HCM nằm ở đồng bằng hạ lưu sông Đồng Nai – Sài Gòn, giữa khu vực chuyển tiếp giữa miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Chính yếu tố đó đã tạo cho thành phố địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Vùng cao của thành phố nằm ở phía bắc – đông bắc và một phần của phía tây bắc, cao trung bình 10 đến 25m. Nằm xen kẽ với vùng địa hình cao này có một số gò đồi, cao nhất lên tới 32m như: Đồi Long Bình ở Thủ Đức.. Còn vùng trũng của thành phố nằm ở phía tây nam và đông nam, có độ cao trung bình khoảng 1m, nơi thấp nhất có thể là 0.5m. Các khu vực trung tâm, một phần thành phố Thủ Đức, toàn bộ huyện Hóc Môn và Quận 12 có độ cao trung bình khoảng 5m đến 10m. Tuy một số nơi có địa hình đất cao, nhưng nhìn chung địa hình của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là đồng bằng thấp. Mặc dù có một phần tương đối lớn lãnh thổ là vùng trũng, nhưng do tác động của chế độ bán nhật triều nên khả năng thoát nước nhanh, ít gây ngập úng kéo dài, thuận lợi cho việc xây dựng các công trình dân dụng và phát triển các ngành kinh tế. Nhìn chung, địa hình TP HCM không phức tạp, song cũng khá đa dạng, có điều kiện để phát triển nhiều mặt.

    Khí hậu:

    Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, thành phố Hồ Chí Minh có hai mùa rõ
    rệt đó là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11 với lượng mưa bình quân hàng năm là 1.979 mm và mùa khô diễn ra từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau với nhiệt độ trung bình hàng năm là 27, 55℃. Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở khu vực ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió bão. Nhìn chung, khí hậu của thành phố tương đối ôn hòa, không có những ngày đông tháng giá cũng như không có những tháng nóng gắt, ít bão lụt. Đây là điều kiện thuận lợi đối với việc phát triển các ngành kinh tế cũng như đối với đời sống của người dân. Tuy nhiên, việc phân hóa gay gắt giữa mùa mưa và mùa khô đặt ra vấn đề cần giải quyết nguồn nước ngọt vào mùa khô.

    Hành chính:

    TP HCM được chia thành 22 quận huyện, trong đó có 1 thành phố, 16 quận, 5 huyện. Thành phố Thủ Đức là thành phố đầu tiên và cũng là thành phố duy nhất thuộc đơn vị hành chính thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích là 2.095 km2, thì diện tích của 5 huyện ngoại thành đã chiếm hơn 3/4 (1.601 km2) tổng diện tích rồi. Từ đó có thể thấy được thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố phát triển cực mạnh, luôn là nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

    Dân cư:

    Theo tài liệu của Tổng cục Thống kê, dân số TP HCM năm 2019 là 9.038.600 người. Mật độ dân cư phân bố không đều, theo thống kê năm 2019, một số quận như 4, 5, 10 và 11 có mật độ lên tới 40.000 người/ km2, thì huyện ngoại thành như Cần Giờ chỉ có 102 người/ km2.

    Dân cư TP HCM có khoảng 89, 91% là người Việt; 9, 8% là người Hoa; 0, 09% là người Chăm; 0, 07% là người Khmer; 0, 13% là các tộc người khác (gồm người Tày: 0, 02%, người Mường: 0, 01%.). Trong số các thành phần tộc người cư trú trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, bốn tộc người: Việt, Hoa, Chăm, Khmer vẫn duy trì được những khu vực cư trú tộc người (có tính cộng đồng) của mình; số còn lại thường là những gia đình, nhóm gia đình hoặc những thành viên có tính cá nhân. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh về hiện trạng phân bổ cư trú tộc người tại thành phố này, chúng ta thấy: Người Việt phân bố cư trú rộng khắp các địa bàn trên toàn thành phố. Người Hoa phân bố cư trú trên địa bàn các quận: 11, 6, 5, 10, 1, Tân Bình; 8. Người Chăm phân bố cư trú thành 16 khu vực thuộc địa bàn các quận: 8, 11, 4, 3, 5, 6, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Thủ Đức. Người Khmer phân bố cư trú rải rác trên địa bàn các quận 3, 5, 6, Tân Bình và huyện Bình Chánh, trong đó tập trung tương đối đông đúc tại hai khu vực: Miếu Candaransi (thuộc quận 3) và miếu Bodhi Vong (thuộc quận Tân Bình). Số còn lại phân bố cư trú tản mạn trên khắp các quận huyện. Ở đây, người ta dễ nhận ra sự quần cư rộng khắp của người Việt theo sự phân bố của hàng trăm ngôi miếu và hàng trăm ngôi đình; dễ nhận ra khu vực Chợ Lớn là địa bàn tập trung đông người Hoa với sự hiện diện của hàng chục ngôi miếu Hoa; dễ nhận ra những điểm tụ cư của người Chăm – nơi có thánh đường
    (masjid) hoặc tiểu thánh đường (surao) ; và dễ nhận ra những điểm tụ cư của người Khmer theo những ngôi miếu Phật giáo tiểu thừa (như Candaransi, Bodhi Vong).. Giữa đô thị rộng lớn, những khu vực cư trú có tính cộng đồng của mỗi tộc người như vậy, đã là điều kiện tốt để tạo những môi trường đặc biệt thuận lợi cho sinh hoạt cộng đồng và giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người (Cổng thông tin TP HCM, 2011).

    Kinh tế:

    Nền kinh tế của TP HCM được xếp vào loại lớn nhất so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Thành phố chiếm 0, 6% diện tích và 8, 34% dân số của Việt Nam nhưng chiếm tới 20, 5% tổng sản phẩm GDP, 27, 9% giá trị sản xuất công nghiệp và 37, 9% dự án nước ngoài. Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đã đạt mức 1.298.791 tỉ đồng (tương ứng 56, 47 tỉ USD). GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 142, 6 triệu đồng (tương đương 6.173 USD).

    Nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh đa dạng về lĩnh vực, từ khai thác mỏ, thủy sản, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xây dựng đến du lịch, tài chính.. Cơ cấu kinh tế của thành phố, khu vực nhà nước chiếm 33, 3%, ngoài quốc doanh chiếm 44, 6%, phần còn lại là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Về các ngành kinh tế, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất: 51, 1%. Phần còn lại, công nghiệp và xây dựng chiếm 47, 7%, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 1, 2%.


    [​IMG]

    Hình 1.2. Bản đồ TP HCM 2022

    Nguồn: Bản đồ Việt Nam
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...