Review Sách Khái Lược Văn Minh Luận - Fukuzawa Yukichi

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Nguyễn Ngọc Minh, 20 Tháng tám 2023.

  1. Nguyễn Ngọc Minh

    Bài viết:
    10
    Khái lược văn minh luận

    Tác giả: Fukuzawa Yukichi

    [​IMG]

    Đối với người dân Nhật Bản, Fukuzawa Yukichi (1835-1901) là một nhân vật vĩ đại, được mệnh danh là "khai quốc công thần" cho một nước Nhật Bản hiện đại và văn minh như ngày nay. Có thể nói, ông là một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của Nhật Bản cận đại. Ông được xem là người có công mở đầu phong trào canh tân nước Nhật, cổ động dân chúng trút bỏ tư duy lạc hậu thời cổ đại mà tiếp thu học thuật Tây phương để sánh bước với các nước Âu Mỹ. Fukuzawa Yukichi là nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà đấu tranh xã hội, nhà giáo dục tiên phong, nhà văn, nhà dịch thuật và là một võ sĩ.

    Thông qua những tác phẩm mang đầy tính nghị luận xã hội thực tế của mình, Fukuzawa đã mang đến cho người dân Nhật Bản góc nhìn đầy thực tế về nền văn minh phương Đông và phương Tây, đồng thời đưa ra những lời khuyên thiết thực để giúp cho xã hội nước có thể Nhật phát triển sánh ngang với các cường quốc phương Tây. Không chỉ trong phạm vi Nhật Bản, những tác phẩm của ông cũng có sức ảnh hưởng lớn đối với những nhà cách mạng Việt Nam, như Phan Bội Châu. Tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất đối với Phan Bội Châu, "Khuyến học" đã góp phần hình thành và thúc đẩy phong trào Đông Du. Bản thân Phan Bội Châu cực kỳ ngưỡng mộ Fukuzawa Yukichi, chỉ tiếc rằng Fukuzawa đã mất vào 1 năm trước khi Phan Bội Châu chính thức đến Nhật Bản.

    [​IMG]

    (Fukuzawa Yukichi (1835-1901)) ​

    Trong số những tác phẩm tiêu biểu khác của Fukuzawa Yukichi, "Văn minh luận chi khái lược" (Bunmeiron no gairyaku), với tên Việt dịch là "Khái lược văn minh luận" đã có tác động sâu sắc đến xã hội Nhật thời bấy giờ. Sách gồm 10 chương, được chia thành 6 quyển.

    Tại chương I quyển 1, là chương đầu tiên, tác giả đã thiết lập cơ sở lý luận đối với những sự việc mang tính hai mặt, đồng thời ông nêu rõ vai trò đúng đắn của việc luận bàn, tranh luận. Tranh luận, luận bàn chính là nhằm để tìm ra bản chất cốt lõi của sự vật, sự việc. Nếu những việc luận bàn, tranh luận không được diễn ra một cách đúng đắn, thì kết quả sẽ chỉ là sự mâu thuẫn. Fukuzawa rõ rằng, nội dung của các chương sau sẽ mang đến những ý kiến trái chiều cho phần lớn các học giả tại Nhật Bản thời bấy giờ, vì vậy đây là một sự bắt đầu rất thông minh và đúng đắn của tác giả.

    Trong hai chương còn lại của quyển 1 là chương II và III, tác giả giới thiệu những khái niệm cơ bản về văn minh cùng những yếu tố cấu thành của một con người văn minh, xã hội, quốc gia văn minh. Ông cũng nêu rõ về hình thức, bề ngoài của văn minh và phân biệt rõ với tinh thần văn minh. Theo tác giả, cái hình thức, bề ngoài của văn minh thì dễ thực hiện, dễ làm, còn tinh thần văn minh là cái mà con người ta khó có thể đạt được ngày một ngày hai. Nhưng để xây dựng được một quốc gia, xã hội văn minh, thì trước hết người dân trong quốc gia, xã hội đó cần phải học hỏi và đạt được cái cốt lõi bản chất là tinh thần văn minh trước, chỉ như vậy thì đất nước ấy mới đạt được văn minh chân chính.

    "Văn minh có nghĩa là đạt được cả những tiện nghi vật chất lẫn sự nâng cao tinh thần của con người. Nhưng cái tạo ra những tiện nghi vật chất và nâng cao tinh thần của con người là kiến thức và đạo đức, do đó bản chất của văn minh chính là quá trình phát triển kiến thức và đạo đức con người."

    Đồng thời, Fukuzawa nêu những khái niệm về quốc thể, chính thống, huyết thống của một quốc gia để giúp người đọc tự cảm nhận được vai trò của ba yếu tố trên cùng tầm quan trọng của từng yếu tố.

    Tới quyển 2, gồm chương IV và V, tác giả bàn sâu về tri thức và đạo đức của người dân một nước, mối tương quan tới môi trường của một nước, và mỗi cá nhân trong đất nước đó. Nếu ở trong một quốc văn minh, tiến bộ thì dù người dân có chút khiếm khuyết thiệt thòi về trí lực, trí tuệ vẫn có thể phát triển tối đa khả năng của mình và được hưởng lợi từ nền văn minh đó. Ngược lại, dù là một người có trí lực, đạo đức vẹn toàn nhưng lại sinh ra ở tại một nước chưa phát triển hay đang phát triển, thế nào cũng có những hạn chế nhất định trong việc bộc lộ hết khả năng của bản thân.

    Trong các chương VI và VII, tác giả giải thích về khái niệm trí tuệ và đạo đức theo cách hiểu của mình, hay được gọi chung là tri đức, tiếp theo Fukuzawa lý giải mối tương quan giữa việc phải phát triển đồng thời trí tuệ và đạo đức, là hai yếu tố không thể tách rời trong sự phát triển của một quốc gia và cá nhân, giải thích mối quan hệ phức tạp giữa chúng và cách chúng ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân và xã hội. Từ đó, ông cảnh báo về việc tách biệt tri thức và đạo đức, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hòa hợp chúng để đạt được sự cân đối và phát triển toàn diện.

    Trong chương VIII và IX, Fukuzawa khái quát nguồn gốc, nền tảng của nền văn minh phương Tây và nền văn minh Nhật Bản từ nguồn gốc đến hiện tại (thời điểm viết sách). Ông so sánh sự phát triển văn minh của phương Tây và Nhật Bản, từ đó nhận thấy sự khác biệt trong xu hướng phát triển tri thức của người Nhật và người phương Tây. Trong khi tri thức của người phương Tây tập trung vào việc ứng dụng thực tiễn, đồng thời hầu hết các tầng lớp trong xã hội đều có cơ hội tiếp cận và học hỏi những kiến thức cơ bản, thì trái lại, các tri thức của Nhật Bản mang nặng tính lý thuyết, khó đưa vào đời sống, và chỉ có các tầng lớp thượng lưu mới nhận được giáo dục bài bản. Các tầng lớp còn lại trong xã hội Nhật thì rất khó để có được cơ hội học tập những kiến thức lẽ ra rất căn bản.

    Tại chương X, chương cuối cùng, tác giả khép lại bằng việc bàn luận sự độc lập của người dân Nhật Bản. Trong bối cảnh các quốc gia phương Đông lân cận dần bị biến thành thuộc địa của các nước phương Tây, Nhật Bản cùng có nguy cơ cao bị xâm lược, Fukuzawa Yukichi đã chỉ ra rằng, nước Nhật cần phải thay đổi, trở nên văn minh và phát triển hơn thì mới có thể giữ được nền độc lập của mình.

    Đặc biệt, bản dịch "Khái lược văn minh luận" có kèm theo phụ lục gồm hai phần, là tác phẩm "Thoát Á Luận" và những lời dạy con thường ngày của Fukuzawa Yukichi. Với tác phẩm "Thoát Á luận" do Nguyễn Đức Hùng dịch từ năm 2005, cơ bản nêu lên sự khẳng định của Fukuzawa rằng con sóng văn minh phương Tây tràn đến khắp hang cùng ngõ hẻm của thế giới và Nhật Bản nên tiếp nhận cũng như lợi dụng điều này để phát triển. Từ quan điểm này, Fukuzawa chủ trương "Thoát Á". Sau khi nêu ra vị trí địa lý của Nhật Bản ở gần Trung Quốc, Triều Tiên, chịu ảnh hưởng của nền Nho học trì trệ, kém phát triển, dẫn tới việc Nhật Bản kẹp giữa hai nước láng giềng đó. Về cơ bản, ông nhận định nếu Nhật Bản không tìm cách vượt lên, sẽ cùng chung số phận cay đắng bị chia năm xẻ bảy như hai nước trên. Fukuzawa cho rằng tốt nhất Nhật Bản nên tách ra khỏi hàng ngũ các nước châu Á, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh phương Tây. Tại các quốc gia như Trung Quốc và Triều Tiên, "Thoát Á luận" thực sự gây tranh cãi bởi tác phẩm này được xem là đã thể hiện cho Chủ nghĩa quân phiệt trước thế chiến thứ 2.

    Phần phụ lục 2, những lời dạy con thường ngày của Fukuzawa Yukuchi gồm những quy tắc mà ông dành cho các con của mình thực hành trong đời sống, và những lời khuyên thân tình của người cha tới các con. Phần này tuy ngắn nhưng đã thể hiện rõ sự quan tâm của Fukuzawa đối với giáo dục tư duy đạo đức trong sáng, lành mạnh và tôn trọng sự đa dạng. Ông còn đặc biệt tôn trọng việc đọc sách, khuyến khích khả năng tự cường, tự học và khả năng tự lực, tự phát triển của con cái mình. Từ những lời dạy con, ta có thể thấy Fukuzawa Yukichi có tinh thần khiêm tốn và giản dị, với một trái tim trong trắng, yêu thương gia đình và mọi người, và đề cao những giá trị quý báu của gia đình. Dù suốt cuộc đời ông dành phần lớn thời gian để thúc đẩy sự phát triển văn minh theo hướng Tây phương cho Nhật Bản, Fukuzawa Yukichi vẫn giữ vững bản sắc Nhật, mang trong mình tấm lòng yêu nước dành cho quê hương và nhân dân, đồng thời tôn trọng và học hỏi từ văn minh thế giới.

    "Khái lược văn minh luận" tuy là một tác phẩm nghị luận xã hội, nhưng qua phong cách hành văn giản dị cùng các ví dụ sinh động, thực tiễn, Fukuzawa Yukichi giúp độc giả của mình dễ dàng hiểu được những khái niệm như văn minh là gì? Đạo đức và trí tuệ khác nhau ra sao.. Ngoài ra, trong những câu chuyện và ví dụ, ông cũng lồng ghép rất nhiều bài học cần thiết, mang tính thời sự. Như việc thay đổi thể chế chính trị ở các quốc gia phương Tây, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, cùng với sự thay đổi chóng mặt của chính xã hội Nhật thời bấy giờ. Ông cũng khuyến khích việc phát triển tự do ngôn luận, phát triển dư luận, điều hướng dư luận. Những lời khuyên của ông dù được đưa ra từ thế kỷ 19, nhưng lại mang đến giá trị to lớn trong thế kỷ 21, thời kỳ mà các nền tảng mạng xã hội bùng nổ và phát triển tới hiện tại.
     
    Minh Hikari, Thủy TôLieuDuong thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng tám 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...