Thị trường tuyển dụng đang trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Đây cũng là thời điểm các bạn sinh viên năm cuối đang rục rịch chuẩn bị hồ sơ xin việc, xin thực tập. Nếu bạn đang loay hoay với công cuộc viết CV để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, thì bài viết này dành cho bạn. Trước khi bắt đầu vào chủ đề chính, dưới đây là một số disclaimer bạn cần biết: Mình không phải nhà tuyển dụng, chỉ là một cô gái đã và đang viết CV ứng tuyển ở nhiều nơi. Những thông tin trong bài viết hoàn toàn dựa trên quan điểm cá nhân, được mình đúc rút từ trải nghiệm qua nhiều lần viết CV xin việc và học hỏi từ chị Thái Hà Nguyễn . Bài viết này dành cho những bạn đang là sinh viên hoặc những bạn mới ra trường – đại khái là các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế. Bài viết không phù hợp với những bạn làm việc trong ngành sáng tạo nghệ thuật như thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang.. Và sau đây là cách viết CV xin việc có thể trường học không dạy bạn: 1. Nghiên cứu JD Trước khi viết một chiếc CV thật "xịn xò", chúng ta cần phải nghiên cứu thật kỹ JD (mô tả công việc). Từ khóa là những gì bạn cần tìm kiếm trong JD. Hãy tìm ra những từ khóa có liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển. Ví dụ, bạn đang muốn ứng tuyển vị trí nhân viên SEO ở một công ty, và bản JD bao gồm những thông tin sau: Nghiên cứu kỹ JD trước khi viết CV ứng tuyển Theo đó, những từ khóa bạn cần chú ý là: "SEO", "lên kế hoạch", "quản lý", "báo cáo", "công cụ GA, GSC, Ahref..". Vì sao lại cần phải lọc từ khóa? Bởi chúng chính là những kỹ năng, kiến thức bạn cần có để đưa vào CV. Hay nói cách khác chúng là điều kiện cần để đưa bạn đến vòng phỏng vấn. 2. Chọn template Đây là bước tốn cũng kha khá thời gian bởi chúng ta ai cũng muốn có một chiếc CV thật đẹp. Tuy nhiên, nếu không làm trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, mình khuyên bạn hãy chọn template đơn giản. Mình theo trường phái old school và minimalism, vậy nên các bản CV của mình đều được viết theo format chuẩn ATS. Và đây là lý do tại sao: Bản CV đã giúp Jerry Lee có được 10 cuộc phỏng vấn với các công ty lớn như TikTok, Robinhood, và LinkedIn ATS là gì? ATS (Applicant Tracking System ) là hệ thống theo dõi ứng viên, thường được các công ty tuyển dụng chuyên nghiệp sử dụng để lọc CV. Cụ thể là, HR sẽ cài đặt các từ khóa trong JD vào hệ thống. ATS sẽ giúp họ sàng lọc những bản CV đạt và không đạt nhanh hơn. Vậy nên, hãy chắc chắn rằng CV của bạn chứa đúng từ khóa nhé! CV chuẩn ATS là gì? Như bạn thấy, một CV chuẩn ATS thường không có ảnh. Điều này là bởi ATS chỉ lọc từ khóa. Việc không thêm ảnh vào CV cũng khiến cho quy trình tuyển dụng được diễn ra công bằng và trung lập hơn. Thứ nhà tuyển dụng cần quan tâm là các kỹ năng và kinh nghiệm làm việc của bạn, chứ không phải là bạn trông như thế nào, xinh hay xấu, béo hay gầy.. Tuy nhiên, nếu JD yêu cầu có ảnh, bạn hãy thêm vào CV một bức ảnh chân dung của bản thân. Lưu ý không chọn những tấm ảnh selfie, ảnh quá tối hoặc quá sáng, ảnh toàn thân, ảnh có background lộn xộn, màu mè. Một bức ảnh phù hợp, rõ mặt, background màu trung tính sẽ thể thiện sự chuyên nghiệp và nghiêm túc của bạn. Nếu có thể, hãy đầu tư một buổi chụp hình tại studio nhé! Mẫu CV chuẩn ATS 3. Viết CV Sau khi đã chọn được template, xác định được các kỹ năng cần thiết cho công việc, giờ là lúc chúng ta bắt tay vào viết CV. Một bản CV hoàn chỉnh thường có 5 mục chính: Thông tin cá nhân Học vấn Kinh nghiệm làm việc Kỹ năng Chứng chỉ/ Hoạt động ngoại khóa Thông tin cá nhân Đây là mục mà mọi bản CV đều phải có. Thông tin cá nhân bao gồm họ tên đầy đủ, địa chỉ, phương thức liên lạc. Lưu ý: Địa chỉ: Đừng "khai" địa chỉ nhà bạn vào trong CV nhé. Bạn chỉ cần tên quận và thành phố đang sinh sống là đủ rồi. Phương thức liên lạc bao gồm số điện thoại, địa chỉ email và profile LinkedIn. Nếu chưa có, hãy tạo một tài khoản LinkedIn nhé. Nó sẽ giúp hồ sơ xin việc của bạn chuyên nghiệp hơn trong mắt nhà tuyển dụng đấy. Học vấn Đây là mục quan trọng đối với những bạn ứng tuyển đúng ngành và cũng không quan trọng lắm nếu bạn là dân trái ngành. Nếu ứng tuyển vị trí mang tính đặc thù như kỹ sư, bác sĩ, hoặc đơn giản là bạn làm việc đúng ngành, mục học vấn sẽ được sắp xếp ngay sau phần thông tin cá nhân. Còn nếu bạn là dân trái ngành, hãy chuyển mục này xuống sau phần kinh nghiệm làm việc và kỹ năng. Ở phần này, hãy chỉ liệt kê học vấn từ bậc cử nhân trở lên nhé. Nếu bạn có điểm GPA từ 3.2 trở lên, hãy thêm vào CV để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Lưu ý, nếu bạn học lên cao học, hãy sắp xếp học vấn theo thứ tự từ hiện tại đến quá khứ. Kinh nghiệm làm việc Đây là phần quan trọng nhất trong mọi bản CV xin việc. Bởi nó cho nhà tuyển dụng biết được phần nào năng lực của bạn. Nếu viết đúng cách, bạn sẽ có một tấm vé vào vòng phỏng vấn. Vậy phải trình bày kinh nghiệm làm việc trong CV như nào cho đúng? Đây là bài toán rất nhiều người trong số chúng ta chưa giải được. Cách viết sai: Phần lớn những bản CV mình từng đọc qua đều liệt kê các đầu mục công việc vào phần kinh nghiệm. Điều này hoàn toàn phản tác dụng bởi đó là công việc của nhà tuyển dụng. Không nhà tuyển dụng nào muốn đọc lại những gì họ viết trong JD. Các đầu mục công việc không giúp bạn thể hiện được chuyên môn, kỹ năng làm việc và vì thế, khả năng CV của bạn bị loại là rất cao. Nhiều bạn mới viết CV thường liệt kê kinh nghiệm làm việc từ quá khứ đến hiện tại. Cách viết này không sai, nhưng chưa hợp lý bởi nhà tuyển dụng sẽ không có nhiều thời gian để đọc kỹ từng CV. Chủ yếu họ sẽ lướt qua rất nhanh, và nếu ngay phần đầu kinh nghiệm làm việc, bạn không thể hiện được những kỹ năng, kiến thức mình có ở thời điểm hiện tại, thì bạn đã để tuột mất tấm vé vào vòng phỏng vấn rồi. Một lỗi thường gặp nữa ở những bạn mới viết CV là liệt kê hết mọi công việc đã làm, từ nhân viên quán cafe, cho đến nhân viên nhà hàng, tiệm quần áo.. Hãy nhớ, không quan trọng bạn đã làm bao nhiêu công việc. Điều nhà tuyển dụng quan tâm là từ những công việc đã làm, bạn đã học được những kỹ năng nào hữu ích cho vị trí mà bạn đang ứng tuyển hay không. Cách viết kinh nghiệm làm việc trong CV sai Cách viết đúng: Thay vì liệt kê các đầu mục công việc, hãy cho nhà tuyển dụng biết những gì bạn đã đạt được. Bạn có thể áp dụng công thức "X – Y – Z". Trong đó X là thành tựu bạn đạt được, Y là trong thời gian bao lâu và Z là cách bạn đã thực hiện. Ví dụ, thay vì viết "Nghiên cứu từ khóa, viết bài chuẩn SEO để tăng thứ hạng website", bạn hãy viết "Tăng thứ hạng website tới 10% trong vòng 6 tháng thông qua việc nghiên cứu từ khóa, viết bài chuẩn SEO và tối ưu hóa nội dung website". Như vậy, nhà tuyển dụng có thể đánh giá được năng lực của bạn. Sắp xếp kinh nghiệm làm việc từ gần đến xa . Như đã đề cập ở trên, hầu hết các nhà tuyển dụng sẽ chỉ đọc lướt qua CV của các ứng viên. Bởi vậy, để gây ấn tượng và giữ được sự chú ý của họ, hãy thể hiện rằng bạn đang có những gì họ cần. Các kinh nghiệm làm việc gần nhất sẽ cho thấy bạn có phù hợp với vị trí mà họ đang tìm kiếm hay không. Không liệt kê hết tất cả các công việc bạn đã làm. Đây là một trong những lý do vì sao chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ JD. Hãy dựa vào những yêu cầu trong JD để chọn ra kinh nghiệm làm việc phù hợp. Tránh viết dông viết dài, không đúng trọng tâm, bởi rất có thể CV của bạn sẽ bị loại ngay đấy. Cách viết kinh nghiệm làm việc trong CV đúng Kỹ năng Bên cạnh kinh nghiệm làm việc, nhà tuyển dụng cũng quan tâm đến các kỹ năng của bạn. Bởi chúng sẽ cho biết bạn có phải là một ứng viên tiềm năng hay không. Theo đó, bạn cần xác định được các kỹ năng phù hợp cho vị trí ứng tuyển và sắp xếp chúng thành 2 cột bằng các bullet point . Tương tự như kinh nghiệm làm việc, các kỹ năng đều phải được đo lường bằng con số cụ thể. Tránh viết những cụm từ vô nghĩa như: Khả năng lãnh đạo, thuyết trình trước đám đông.. Thay vào đó, bạn có thể viết "dẫn dắt đội nhóm gồm X người đạt được thành quả Y trong vòng Z tháng". Thông thường, bạn hoàn toàn có thể trình bày các kỹ năng mềm trong phần kinh nghiệm làm việc. Một lỗi nhiều bạn sinh viên mắc phải khi trình bày kỹ năng là các thêm ký hiệu như biểu đồ, ngôi sao. Nếu gặp phải nhà tuyển dụng khó tính, CV của bạn sẽ bị trừ điểm tức thì. Bởi những ký hiệu đó không thể hiện được mức độ thành thạo của bạn trong kỹ năng đó. Các con số sẽ nói rõ hơn. Ví dụ, với kỹ năng tiếng Anh, điểm số trong các bài thi chuẩn hóa như IELTS, TOEIC, TOEFL sẽ giúp định vị khả năng của bạn tốt hơn là "Tiếng Anh cơ bản/nâng cao". Cách trình bày kỹ năng khiến CV của bạn bị loại Chứng chỉ/ Hoạt động ngoại khóa Để tăng cơ hội được mời phỏng vấn, hãy thêm vào các chứng chỉ mà bạn có hoặc các hoạt động ngoại khóa bạn đã từng tham gia khi còn là sinh viên vào phần cuối cùng của CV. Các chứng chỉ, hoạt động ngoại khóa cũng phần nào giúp thể hiện các kỹ năng của bạn. Đối với chứng chỉ, hãy ghi rõ tên chứng chỉ, ngày được cấp và nếu có bản pdf, bạn hãy gắn link vào để nhà tuyển dụng có thể kiểm chứng. Đối với hoạt động ngoại khóa, hãy viết ngắn gọn những thông tin như: Chức vụ, tên hoạt động, thời gian tham gia. Nếu bạn đang là sinh viên sắp ra trường, hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, đây là mục sẽ giúp CV của bạn trở nên ấn tượng hơn. Bởi vậy, hãy tham gia một khóa học, một chương trình, câu lạc bộ nào đó để cải thiện cho phần kinh nghiệm làm việc còn hạn chế nhé! Các loại chứng chỉ phổ biến gồm: Tin học văn phòng (MOS, IC3, ICDL) Ngoại ngữ (IELTS, TOEIC, Topik, JLPT, HSK) 4. Các lưu ý khác Ngoài những thông tin trên, khi viết CV bạn cần lưu ý những điều sau: CV xin việc nên gói gọn trong 1 trang A4 Trình bày khoảng cách giữa các mục phải cân đối Viết đúng chính tả, đúng cú pháp (đặt dấu câu liền với từ đứng trước nó, sau đó cách ra và viết tiếp) Chọn font chữ cổ điển, dễ đọc, dễ nhìn (Times New Roman, Arial, Calibri, Garamond ) Lưu CV dưới dạng pdf và đặt tên theo cú pháp CV_Vị trí ứng tuyển_Họ và tên Cập nhật CV thường xuyên (6 tháng/lần) Và đó là tất cả những gì mình đúc rút được sau nhiều lần viết CV xin việc. Đây là một task không hề dễ dàng và mình hoàn toàn hiểu những khó khăn bạn đang mắc phải. Vậy nên, để có được một bản CV ấn tượng, hãy kiên trì và đầu tư thời gian cho nó bởi hard work pays off mà! Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn. Chúc bạn thành công!