Hôm nay bán gì á cô Tác giả: Cỏ Orient Thể loại: Tản văn Trước cửa nhà chú tôi, có một quán ăn, không biển hiệu, chỉ vài bàn con con, nhưng mỗi ngày bán một món. Thứ hai bún bò, thứ ba phở, thứ tư bánh canh, thứ năm hủ tiếu bò kho, thứ sáu bún măng vịt. Cứ xoay vòng như vậy, nhưng sáng nào khách cũng đông. Quán này thực ra là một tiệm tạp hóa thu nhỏ. Ngoài việc bán những đồ gia dụng cần thiết cho gia đình thì các cô còn bán nước. Ban sáng bán đồ ăn, chiều tối bán nước. Mở cửa từ 3 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Thậm chí có khi 11 giờ, thật ra khi nào không còn khách hàng nào đến thì cô mới đóng cửa. Khách đến tùy nhu cầu, muốn gì cũng có. Nước gì cũng có, không bán mỗi ngày một món, nhưng khách hàng vẫn rất thích mua nước ở đây. Vì thế mà, khách hàng đến quán không cần phải đi đâu xa, bởi mỗi ngày đều được tận hưởng hương vị khác nhau. Đây có lẽ là điểm đặc biệt, thu hút khách mà ba cô này đã khéo léo làm vị khách hài lòng. Buổi sáng, tôi không phải lo ngán món bún bò quá mà qua quán khác ăn hủ tiếu. Tất cả ngày trong tuần tôi đều ăn ở quán ba cô này. Cứ câu hỏi quen thuộc, "hôm nay bán gì á cô". Xong rồi chạy vào nhà, nghểnh cổ chờ đợi cô mang tô bún hay phở vào thưởng thức. Có hôm tôi thích thì ngồi ở trong nhà, muốn ngắm nắng mai thì ra ngồi trên ghế. Ngồi nghe tiếng xe cộ chạy, hít ít bụi cũng thú vị lắm. Buổi tối, nhiều vị khách cũng hay tới quán uống nước ngọt, trà tắc nói chuyện công việc, chuyện cuộc sống cơm áo gạo tiền. Nhiều người buồn chán vô đây ngồi uống vài ngụm nước mát, nghe cô này hỏi chuyện rồi vội vã đi. Cũng không nhiều ghế để ngồi, và vì thế nếu thấy kín chỗ thì khách tự hiểu phải mang đồ về nhà. Ở đâu, tôi cũng thấy cuộc sống mưu sinh bắt đầu từ rất sớm. Nếu ở quê nhà, ba tôi sẽ dậy mỗi lần bắt tôm, cua bán thì ở đây, cuộc sống đã bắt đầu từ 3 giờ rồi. Khi đồng hồ điểm 3 giờ, bên ngoài cửa, tiếng xúc đá rẹt rẹt.. của cô bán nước và người nói chuyện vồn vã, giòn tan vang lên. Có hôm đã từ rất sớm, tôi đã nghe tiếng chuyện trò của nhiều anh, chị cô chú vào ăn sáng rôm rả. Có một dạo, tôi cũng ở nhà chú. Thực ra từ 2 giờ, chú tôi đã dậy nấu cháo chuẩn bị đẩy xe ra bán rồi. Tiếng xúc gạo, tiếng xắc hành lá của thím trộn lẫn tiếng đẩy xe của chú. Âm thanh quen thuộc mà thấy yên lòng lắm, vì tôi biết, cuộc sống mưu sinh đã bắt đầu rồi. Thanh âm của cuộc sống lao động khiến người ta bỗng chạnh lòng nhưng cũng đầy hứng khởi. Người ở đâu, cũng đều kiếm miếng ăn, lo cho bản thân, gia đình tốt hơn. Việc lao động mưu sinh vốn dĩ chẳng vui vẻ gì, thế nhưng, âm thanh ấy khiến tôi thấy ấm áp vì tin rằng cuộc sống vẫn đang vận động, quay theo cách mà nó vốn dĩ. Và bản thân mình, chỉ cần bước vào guồng ấy một cách nhẹ nhàng, đừng vội vàng xáo trộn là được. Ừ thì biết vậy, nhưng tôi vốn là người siêu lười biếng. Bạn bè tôi hay bảo tôi là thánh ngủ, thánh lười biếng, nên việc cảm nhận guồng quay xung quanh mình, chợt làm đánh thức sự lười biếng vốn dĩ kia hổ thẹn đôi chút, để thôi nằm dài trên giường nướng tới trưa, mà đi ra mua cái gì đó ăn, làm một cái gì đó cho bữa trưa hay viết một cái xàm xí mà bản thân nghĩ ra. Dù chẳng biết nó sẽ có tới đâu, nhưng ít ra làm việc, vận động vẫn tốt hơn nằm yên bất động, phải không? Quay lại chuyện cô bán tạp hóa trước nhà, có lẽ điều tôi cảm thấy quý nhất là sự tận tình, có tâm của các cô dành cho từng khách hàng. Có một số khách đặt ở xa, phải mang tô bún đến tận nơi, đi bộ đường cũng không ngắn, vậy mà các cô vẫn hoan hỉ. Điều tôi cảm động nhất, vẫn là câu nói, "dắt xe được không con, đây để cô dắt phụ cho". Sự quan tâm hỏi han, với một người ưa tình cảm như tôi, lại càng như sợi dây buộc chặt tôi cứ tiếp tục là khách hàng thân thiết của cô mãi thôi. Buồn thật. (Hết)