Học thuyết âm dương ngũ hành là gì? Khi nói về phương Đông cổ đại không thể không nhắc đến một trong những học thuyết ưu tú nhất là học thuyết âm dương ngũ hành. 1. Âm dương ngũ hành là gì? Người ta thường nhắc đến âm dương ngũ hành như là một trong những kiến thức cốt lõi của của nhiều bộ môn như tử vi, phong thuỷ, tướng số, y học, dược học, võ học, lịch pháp, chiêm tinh, bói toán.. Đó là một học thuyết triết học phương Đông về vũ trụ có nguồn gốc từ mô hình tối cổ về các con số gọi là Hà Đồ. Đi đôi nhiều ứng dụng trong nhiều bộ môn, với sự biến thiên vi diệu, sự phát triển bậc cao, diễn giải âm dương ngũ hành một cách sâu sắc là Kinh Dịch. Kinh dịch vốn nổi tiếng được xem như một trước tác vĩ đại kết hợp với triết học cổ đại, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, xưa nay được tôn xưng là bách khoa toàn thư văn hóa Á Đông. Học thuyết âm dương ngũ hành với điển hình là Kinh Dịch là một học thuyết có từ lâu đời và dến nay những giá trị của nó vẫn chưa được khai thác hết. Học thuyết âm dương thể hiện sự cân bằng của hai mặt đối lập nhưng thống nhất của vạn vật trong vũ trụ. Còn học thuyết ngũ hành thể hiện sự tương sinh tương khắc của vạn vật trong vũ trụ. Học thuyết này thường được sử dụng trong nhiều mặt trong đời sống và y học, cả trong từng câu nói ví von như: "Nhà này âm thịnh dương suy" (nhà này nhiều con gái hơn con trai). Đối với y học, đặc biệt là y học cổ truyền học thuyết này áp dụng để chữa những chứng bệnh về mất quân bình âm dương. 2. Thế nào là âm dương và học thuyết âm dương: A) Thế nào là âm dương: Âm dương là hai khái niệm để chỉ hai thực thể đối lập ban đầu tạo nên vũ trụ. Âm và dương vừa là hai mặt đối lập, mâu thuẫn thống nhất, trong âm có dương, trong dương có âm. Ví dụ: Trời ở trên là dương, đất ở dưới là âm. Phương pháp phân định thuộc tính âm dương: Dương thuộc tính mạnh: Trên, ngoài, sáng, nhẹ, mùa xuân hạ.. Âm thuộc tính yếu: Dưới, trong, tối, nặng, mùa thu đông.. B) Thuyết âm dương trong âm dương ngũ hành: Nguồn gốc ra đời: Thuyết âm dương là một quan niệm triết học bắt nguồn từ Trung Quốc cổ xưa, khởi đầu từ thời Hoàng Đế (2879-253 trước công nguyên). Mặc dù ngày nay có nhiều trường phái triết học khác nhau, nhưng thuyết âm dương vẫn được nhiều người nghiên cứu và ứng dụng trong dự đoán học hoặc là trong y học. Nội dung: Qui luật biến hóa của thuyết này nằm ở sự không ngừng nghỉ của sự vật và được phát hiện qua việc thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái. (Lưỡng nghi là âm và dương. Tứ tượng là thái âm, thái dương, thiếu âm, thiếu dương. Bát quái là càn khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài). Cơ cấu của sự biến hóa này là sự ức chế, giúp đỡ, nương tựa và thúc đẩy lẫn nhau. Có nghĩa là vừa trái ngược nhưng lại bổ trợ cho nhau trong đối lập. Âm dương vốn là thuộc tính của mọi sự vật, hiện tượng trong toàn vũ trụ. Thuyết âm dương biểu hiện mọi sự biến thể, sinh diệt, sống chết đều do vận động của hai khí âm và dương. Biểu tượng âm dương thường xuất hiện và ứng dụng trong y học cổ truyền (biểu trưng cho thầy thuốc ngày xưa) hoặc trong lĩnh vực mang tính chất tâm linh như thầy pháp. 3. Thế nào là ngũ hành và học thuyết ngũ hành: A) Thế nào là ngũ hành: Tất cả mọi vật chất trong thế giới này được tạo nên bởi năm yếu tố ban đầu là nước, lửa, đất, cây cỏ và kim loại. Tức năm hành thuỷ, hỏa, thổ, mộc, kim. Trong đó, hành thuỷ tượng trưng cho nước, hành hỏa tượng trưng cho lửa, hành thổ tương trưng cho đất, hành mộc tượng trưng cho cây cỏ và hành kim tương trưng cho kim loại. Khái niệm ngũ hành trong YHCT là đại biểu cho 5 thuộc tính công năng, lấy quan điểm cấu tạo hệ thống để quan sát cơ thể con người, miêu tả đơn giản quan hệ hữu cơ giữa các bộ phận trong cơ thể, từ đó rút ra kinh nghiệm chữa bệnh. B) Thuyết âm dương trong âm dương ngũ hành: Nguồn gốc ra đời: Thuyết ngũ hành ra đời sau thuyết âm dương vào thời Trung quốc cổ đại. Thuyết ngũ hành ra đời nhằm giải thích qui luật tương sinh tương khắc của ngũ hành và nghiên cứu quan hệ giữa các bộ phận cơ thể trong YHCT. Nội dung của học thuyết ngũ hành: Phân loại thuộc tính sự vật: Mộc: Chỉ cây (gỗ) và hình thái sinh trưởng của chúng, đặc tính hướng lên trên và ra ngoài. Sự vật thuộc mộc có tính sinh trưởng, thăng phát và thông thoát. Ví dụ như Can thuộc Mộc có tính thăng phát và thông thoát. Hỏa: Chỉ lửa và sức nóng của nó, đặc tính đưa lên trên. Sự vật thuộc Hỏa có tác dụng bốc lên trên và ôn nhiệt. Ví dụ như Tâm thuộc Hỏa ưa bốc lên trên và trong Đông y thường có chứng Tâm Hỏa Vượng. Thổ: Chỉ đất. Sự vật thuộc Thổ có tác dụng hóa sinh, truyền tải, thu nạp. Ví dụ như Tỳ thuộc Thổ có tác dụng thu nạp, truyền tải. Kim: Là kim loại. Sự vật thuộc Kim có tác dụng thanh khiết, thu liễm, đưa xuống dưới. Ví dụ như Phế thuộc Kim có tác dụng thanh khiết, thu liễm. Thuỷ: Là nước, có đặc tính hướng xuống dưới. Sự vật thuộc Thuỷ có tính hàn lương, tư nhuận. Ví dụ như Thận thuộc Thuỷ có tính hàn lương, tư nhuận. Qui loại thuộc tính trong ngũ hành: Qui luật của ngũ hành: Qui luật sinh khắc: Qui luật tương sinh: Mỗi hành đều có quan hệ mẹ con: Mộc sinh Hỏa thì Mộc là mẹ, Hỏa là con. Quan hệ này còn gọi là quan hệ phụ tử. Ngũ hành tương sinh là: Kim sinh Thuỷ: Kim loại nếu bị nung chảy ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra dung dịch ở thể lỏng nên gọi là kim loại sinh ra nước Thuỷ sinh Mộc: Nước duy trì sự sống của cây nên gọi là nước sản sinh ra cây Mộc sinh Hỏa: Cây khô đốt cháy sinh ra lửa nên nói cây sinh ra lửa Hỏa sinh Thổ: Lửa đốt cháy mọi thứ thành tro bụi rồi thành đất, nên gọi là lửa sinh ra đất. Thổ sinh Kim: Kim loại, quặng hình thành từ đất nên gọi là đất sinh ra kim loại Qui luật tương khắc: Là sự áp chế, sát phạt, cản trở sinh trưởng phát triển của nhau. Nó có tác dụng cân bằng hệ vật chất nhưng thái quá sẽ dẫn đến suy vong, huỷ diệt. Ngũ hành tương khắc: Thuỷ khắc Hỏa: Nước sẽ dập tắt lửa nên nước và lửa luôn ở trạng thái khắc nhau. Hỏa khắc Kim: Lửa mạnh sẽ nung chảy kim loại nên lửa và kim loại luôn ở trạng thái đối lập. Kim khắc Mộc: Kim loại được rèn thành dao, rựa để chặt đổ cây, nên kim loại luôn ở trạng thái khắc với cây. Mộc khắc Thổ: Cây hút chất dinh dưỡng thì đất trở nên khô cằn nên cây khắc với đất. Thổ khắc Thuỷ: Đất hút nước, có thể ngăn dòng chảy của nước nên đất khắc với nước. Qui luật vũ-thừa: Khi quan hệ sinh – khắc bị phá vỡ thì sinh ra qui luật vũ thừa Qui luật tương thừa: Tức là tương khắc, áp chế quá mạnh, vượt ra khỏi sự khắc chế bình thường Qui luật tương thừa có 2 tình huống: Ví dụ 1: Mộc nhân lúc thổ hư mà khắc (lúc này vượt quá sự ức chế bình thường) làm mất đi trạng thái cân bằng làm cho thổ càng lúc càng hư nhược. Ví dụ 2: Mộc quá mạnh làm mất đi trạng thái chế ước bình thường vốn có, sinh ra hiện tượng Mộc cang thừa Thổ. Qui luật tương vũ: Là hiện tượng 1 hành nào đó quá mạnh làm cho hành khắc nó không thể khắc chế được, mà ngược lại nó lại quay lại khắc chế gọi là phản khắc. Qui luật tương vũ có 2 hiện tượng: Hiện tượng 1: Ví dụ: Khi thuỷ quá suy yếu không thể khắc hỏa, hỏa nhân khi thuỷ hư mà khắc chế lại. Hiện tượng 2: Ví dụ: Khi thuỷ quá mạnh, thổ không khắc chế mà bị thuỷ khắc lại.