Trong lịch sử Việt Nam, nữ tướng đánh giặc theo truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu không hiếm nhưng làm hoàng hậu mà cầm quân đánh giặc có lẽ chỉ có vợ Mai Hắc Đế là duy nhất. Bà là Phạm Thị Uyển, vốn quê ở quận Nam Xương. Năm Phạm Thị Uyển 18 tuổi lấy Mai Thúc Loan. Khi Mai Thúc Loan khởi nghĩa chống nhà Đường thắng lợi lên ngôi hoàng đế, Phạm Thị Uyển trở thành hoàng hậu. Quân Đường thua trận nhưng không chịu bỏ mộng xâm lăng. Bởi vậy nhà Đường sai Dương Tư Húc mang 10 vạn quân sang đánh. Thế giặc mạnh làm cho đội quân nông dân khởi nghĩa phải lui dần rồi bị tan vỡ. Trong trận quyết chiến ở phủ thành Tống Bình, hoàng hậu Phạm Thị Uyển cũng dẫn đầu một cánh quân thủy giao chiến ác liệt với quân địch trên dòng Tô Lịch. Bấy giờ sông Tô còn là một nhánh của sông Hồng và là mặt án ngữ phía tây của thành Đại La. Thế giặc mạnh, quân ta bị đuối dần. Thế cùng lực kiệt nhưng quyết không để rơi vào tay giặc, hoàng hậu Phạm Thị Uyển đã nhảy xuống sông Tô Lịch tự vẫn. Xác bà trôi dạt đến địa phận trang Nhân Mục (nay là làng Hòa Mục) thì được nhân dân lén vớt lên chôn cất rồi lập đền thờ. Đó chính là đền Dục Anh ngày nay nằm trên đường Nguyễn Ngọc Vũ, quay mặt ra sông Tô Lịch ở đoạn gần cầu Trung Hòa. 7 thế kỷ sau, vào thời nghĩa quân Lam Sơn tiến lên tổng công kích quân Minh, một lần Lê Lợi nghỉ đêm ở miếu Dục Anh được thần báo mộng sẽ âm phù cho quân khởi nghĩa diệt giặc. Vậy là mối thù hơn 7 thế kỷ trước của bà đã có dịp trả khi bà phù giúp Bình Định Vương Lê Lợi đánh tan giặc phương Bắc. Cũng nhờ đó, sau này khi lên ngôi vua, Lê Lợi đã sắc phong cho bà là Khiêm Sung đại vương.