Review Truyện Hoạ Quốc - Đồ Bích - Tiểu Thuyết Đặc Sắc Của Tác Giả Thập Tứ Khuyết

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Hạ Quỳnh Lam, 29 Tháng mười 2023.

  1. Hạ Quỳnh Lam

    Bài viết:
    63
    Review truyện: Đồ Bích - Họa Quốc.

    (Truyện nằm trong hệ liệt Họa Quốc của tác giả Thập Tứ Khuyết. Họa Quốc đã xuất bản bên Trung với 4 tập truyện lần lượt là: Đồ Bích, Thức Yến, Quy Trình, Lại Nghi)

    Tác giả: Thập Tứ Khuyết

    Thể loại: Tiểu thuyết, ngôn tình, sử thi, cung đấu, cổ đại.

    Xuất xứ: Hệ liệt Họa Quốc, quyển 1.

    Người review: Hạ Quỳnh Lam.

    [​IMG]


    "Họa Quốc - Đồ Bích" - chuyện xưa như mộng.

    *Lời tựa:


    Bối cảnh câu chuyện diễn ra thời cổ đại xa xưa khi ấy tứ quốc Yên, Bích, Nghi, Trình tứ phân thiên hạ, mỗi nước làm chủ một phương.

    Ở Bích quốc thì tiểu nữ Trầm Ngư của hữu tướng nổi tiếng là nữ nhi nghi dung đoan trang, hiền thục ôn hòa, trong tim âm thầm đem lòng ngưỡng mộ công tử Cơ Anh của Cơ thị - một trong tứ đại thế gia của Bích quốc. Hai nhà Khương – Cơ chuẩn bị có mối liên hôn, nhưng lại bị quân vương Chiêu Doãn ngáng chân chặt đứt, một đạo thánh chỉ, ngày tốt nhập cung.

    Khương Trầm Ngư vì lợi ích của gia tộc, lãnh chỉ tiến cung.

    Nhưng nàng lại không cam tâm trở thành phi tử của đế vương, không cam lòng cứ như vậy chết già trong cung cấm, cho nên nàng đã tình nguyện thỉnh cầu được trở thành mưu sĩ của Chiêu Doãn.

    Chiêu Doãn phái nàng đi sứ Trình quốc, trên danh nghĩa là chúc thọ Trình vương, nhưng thực chất là đảm đương trọng trách làm tình báo. Không thể ngờ rằng bắt đầu từ đây chính Khương Trầm Ngư nàng đã viết ra những trang sử mới cho tứ quốc..

    Con tạo bắt đầu xoay vần: Từ một thiếu nữ đa tình ngây thơ thuần khiết trở thành hoàng hậu mẫu nghi thiên hạ; từ một nữ tử liễu yếu đào tơ chịu theo sự sắp đặt của người khác trở thành nữ vương một triều hô phong hoán vũ..

    Họa quốc khuynh thiên hạ là đây.

    Nhớ năm nào rạng rỡ vẻ vang

    Biết bao thanh niên tài đức

    Hào hoa tuyệt thế

    Đến cuối cùng

    Lại đều chỉ vì tác thành

    Tác thành quân vương trị vì thiên hạ

    Tác thành công huân vô song

    Tác thành truyền kỳ Phượng hoàng

    Niết bàn của ta.

    *Tóm tắt:

    Câu chuyện dài, là cuộc đời của một quý nữ thế gia. Khương Trầm Ngư, con gái của Hữu tướng Bích quốc, mười lăm tuổi dung nhan nghiêng thành, hiền thục đoan trang, thông minh lương thiện, tài sắc vang danh khắp đế đô. Nàng trong lòng âm thầm mến mộ Cơ Anh – một vị công tử tài mạo song toàn, cơ trí hơn người, ôn tồn lễ độ. Thiên hạ đều nói trai tài gái sắc, xứng thành một đôi. Mối liên hôn của hai đại gia tộc Khương – Cơ, vốn tưởng là lương duyên trời định, tâm đầu ý hợp. Ai ngờ một đạo thánh chỉ của hoàng đế: "Con gái thứ ba của hữu tướng phủ Khương Trọng, phúc thừa Hoa tộc, lễ vượt nữ sư, vẻ vang thiên hạ, phong làm Thục phi..", tơ duyên đứt đoạn giữa chừng, từ nay về sau, vĩnh viễn không cách nào lấy lại.

    Trầm Ngư vì lợi ích gia tộc, tiến cung làm phi tử. Nàng không chỉ phải làm vợ của một nam nhân mình không yêu, mà còn không cam lòng. Khương Trầm Ngư không muốn giống như những phi tần chốn thâm cung, lặng lẽ chôn vùi cuộc đời nơi đình các hoa lệ. Nàng tự mình tiến thân, xin làm trợ thủ cho hoàng đế, bước vào con đường tranh quyền đổ máu, xây đắp giang sơn vốn chỉ dành cho bậc cửu ngũ chí tôn trong thiên hạ.

    Phò tá hoàng đế, lập mưu hiến kế, trải qua bao thử thách, thăng trầm và biến cố. Những bí mật gia tộc, bí mật chốn thâm cung và cả những bí mật ái tình khiến nàng bao lần đổ lệ, đau đớn nhưng cũng trưởng thành.

    Trong cuộc tranh quyền ấy, một người con gái mười lăm tuổi, phải gánh vác trọng trách mà số phận xếp đặt, cùng sánh vai với những nam nhân quyền lực trong thiên hạ: Bích quốc hoàng đế Chiêu Doãn, Yên vương Chiêu Hoa, Nghi Vương Hách Dịch, Trình vương Di Phi.. Và cả những nam nhân khắc ghi vào vận mệnh của nàng: Cơ Anh, Tiết Thái.

    Thiếu nữ năm nào, cuối cùng đã trở thành vị nữ đế quyền khuynh thiên hạ.

    Thật may mắn đó là, sau bao trắc trở cùng mất mát, Khương Trầm Ngư đã tìm được nơi nương tựa cho chính mình, kết thúc một đời thăng trầm đau khổ. Dệt thành một giấc mộng hoa. Nàng cùng nghi vương Hách Dịch, từ bỏ ngôi vị chí tôn, rời đến vùng núi xa, an ổn mà hạnh phúc trải qua nửa đời còn lại.

    *Cảm nhận:

    Đây là một câu chuyện khá phức tạp, cảm nhận chung là vô cùng xúc động. Còn để nói chi tiết thì phải đi vào cuộc đời từng nhân vật, đầu tiên là nữ chính Khương Trầm Ngư.

    Khương Trầm Ngư, có thể nói nàng đã trải qua một cuộc đời như mộng, đầy biến cố cùng đau thương. Vận mệnh của nàng cũng như bao quý nữ thế gia, chú định phải hy sinh vì gia tộc. Nhưng nàng không cam lòng với số mệnh như thế, cho nên đã tự mình chọn một con đường khác, liều lĩnh, vất vả, lao lực, lắm thăng trầm cùng bi ai. Nửa đời trước của Khương Trầm Ngư, không thể nói đến chữ an nhàn. Biết bao bí mật động trời chốn thâm cung, những bí mật liên quan đến gia tộc, những người mà nàng hết mực thương yêu và tin tưởng, cùng biến cố trong ái tình và những cuộc binh biến thay đổi giang sơn, đã biến Khương Trầm Ngư từ một nữ tử ngây thơ thuần khiến, ngày một trưởng thành. Dẫu sự trưởng thành thực ra là sự đánh đổi bao nhiêu máu và nước mắt.

    Tình duyên của cuộc đời nàng, cũng bị số mệnh định sẵn phải trải qua bao biến cố. Nam nhân khắc ghi dấu ấn sâu đậm cùng bi thương nhất trong trái tim nàng, là Cơ Anh.

    Khương Trầm Ngư yêu chàng tha thiết, là tình yêu đầu đời, thứ tình trong trẻo ngây thơ mà mãnh liệt vô cùng. Lần đầu tiên gặp mặt, dáng vẻ ôn hòa lễ độ, tài trí hơn người của công tử đã chấn động trái tim của Khương Trầm Ngư. Nàng đối với Cơ Anh là rung động, si mê, là yêu thương, mong mỏi, ôm ấp tất thảy hi vọng vào hôn sự hai nhà Khương – Cơ. Nhưng hóa ra, công tử của nàng, vĩnh viễn là trăng trên trời mà nàng không cách nào với tới, đời này không thể thuộc về. Không chỉ vì Chiêu Doãn chia cách hai người, cũng không chỉ vì lợi ích gia tộc ép buộc, mà là vì một lý do đơn giản nhưng quyết định hơn cả: Công tử không yêu nàng. Người mà chàng yêu là Hy Hòa, không phải Trầm Ngư. Là nàng đến chậm một bước, nên mối tình này chú định là bi kịch và tiếc nuối.

    Nam nhân thứ hai trong cuộc đời nàng, là Chiêu Doãn. Hoàng đế Bích quốc, một nam tử thâm trầm, trí tuệ nhưng vô tình. Khương Trầm Ngư hận Chiêu Doãn, vì hắn chia cách nàng và Cơ Anh. Chiêu Doãn thậm chí còn lợi dụng nàng, tàn nhẫn với công tử. Khương Trầm Ngư đã trả thù Chiêu Doãn, hắn cuối cùng vẫn phải chết, nhưng người ra tay dứt khoát giết hắn đi lại không phải nàng. Bởi dù hận, nhưng vẫn còn thương cảm. Khương Trầm Ngư đối với Chiêu Doãn, vẫn còn thương cảm rất nhiều. Bởi cuộc đời của một vị đế vương nhưng cũng chồng chất bao nhiêu bất hạnh. Khổ đau của cuộc đời hắn, so với nàng chỉ hơn chứ không hề kém. Cuối cùng thì hắn cũng không hoàn toàn có thể vô tình. Chiêu Doãn với nàng, là hoàng đế, phu quân, chủ tử, cũng là một kẻ mệnh khổ trong bao kiếp người chốn cung đình.

    Một người không thể không nhắc đến, cũng khắc ghi dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời Trầm Ngư, là Tiết Thái. Tiết Thái – tiểu công tử Tiết gia, được xưng tụng là thần đồng Bích quốc, tuổi còn nhỏ nhưng mưu trí hơn người, thiên hạ thán phục. Tiết Thái nhỏ hơn Trầm Ngư tám tuổi, nhưng so với nàng lại trưởng thành hơn rất nhiều. Một đứa trẻ cơ trí, có chút lạnh lùng, cứng cỏi và kiêu ngạo, đối với nàng luôn là thái độ trịch thượng nhưng sâu thẳm vẫn lo lắng quan tâm. Cuộc đời hắn cũng không khá hơn ai, cũng biến cố và khổ đau như thế. Tám tuổi, gia tộc hiển hách, hoàng đế coi trọng, thiên hạ kính ngưỡng, hắn chính là nhân trung chi long, đứng trên đỉnh cao bỗng rơi vào vực thẳm: Tiết thị diệt tộc, bị biếm làm nô lệ. Nhưng hắn sinh ra là để cho người khác phải thán phục, dẫu ở bùn lầy vẫn từng bước đi lên, dùng năng lực của mình trợ giúp Khương Trầm Ngư lên ngôi, trở thành thừa tướng cao quý của Bích quốc. Tiết Thái đối với Trầm Ngư, là trợ thủ đắc lực, cũng là người để nàng ỷ lại. Hắn che chở nàng, thay nàng sắp đặt mọi mưu kế, giúp nàng làm những việc tàn nhẫn và dơ bẩn mà nàng không dám chạm vào. Tiết Thái yêu nàng. Đến lúc hắn chết, Trầm Ngư mới biết điều đó. Bề ngoài lạnh lùng nhưng lại âm thầm che chở, là hắn đẩy nàng về phía Hách Dịch, khuyên nàng yêu Hách Dịch nhưng lại không cam lòng. Bởi vì hắn sinh ra quá muộn. Bởi vì khoảng cách giữa họ là 8 năm, nếu không năm nàng 16 tuổi, khắp tứ quốc người xứng với nàng nhất không phải là Cơ Anh, mà phải là Tiết Thái. Khương Trầm Ngư thực đau lòng Tiết Thái vô cùng, nàng đối với hắn là coi trọng cùng ỷ lại, thứ tình cảm ấy không thể giải thích được, nhưng nhất định vô cùng sâu sắc.

    Nam nhân cuối cùng, cũng là người mang đến cho Khương Trầm Ngư nửa đời còn lại an yên cùng hạnh phúc, chính là Hách Dịch. Nghi vương Hách Dịch, một kẻ tham tài háo sắc, có chút cà lơ phất phơ, không hề ra dáng quân tử. Nhưng đối với Trầm Ngư lại có thể dành cho nàng sự thấu hiểu, sẻ chia, yêu thương và trân trọng. Hắn không phải nam nhân đầu tiên mà nàng yêu, nhưng là bến đỗ bình yên cuối cùng của cuộc đời nàng. Hai người, nam hoàng nữ đế, từ bỏ hoàng vị, rời khỏi kinh thành, cùng nhau sống cuộc đời bình dị và ấm áp. Cũng coi là một kết thúc vẹn toàn.

    Đây là một câu chuyện cực kỳ đặc sắc. Yếu tố đầu tiên là bởi câu chuyện này không thể xác định rõ nam chính là ai, hoặc là nói ai là nam chính hoàn toàn là do người đọc tự quyết định. Nếu nói nam chính là Cơ Anh, vì chàng là người mà Trầm Ngư yêu tha thiết nhất, cũng là người xuất hiện nhiều nhất trong cuộc đời và cả hồi ức của nàng. Nhưng lại không thể, vì Cơ Anh không yêu nàng, người chàng yêu là Hy Hòa. Nam chính lại yêu nữ phụ thì thật khó giải thích với người đọc. Còn có thể coi nam chính là Hách Dịch, dù nhân vật này xuất hiện rất muộn và rất ít, nhưng lại cùng kết đôi với nữ chính và đi đến kết cục cuối cùng.

    Nhưng với riêng Khương Trầm Ngư mà nói, từng nam nhân ấy xuất hiện trong cuộc đời nàng đều quan trọng không kém gì nhau. Cơ Anh là yêu mà không có được, Chiêu Doãn là vừa hận mà cũng vừa thương, Tiết Thái là coi trọng cùng đau lòng, Hách Dịch thì có yêu dù rất muộn.

    Kết cục của họ, hầu hết là bi kịch chưa trọn vẹn. Cơ Anh chết rất thảm, bị chính Khương Trọng tính kế đẩy vào đường cùng, ôm mối tình dang dở với người con gái của chàng mà chết đi. Chiêu Doãn chết vì sự trả thù của Khương Trầm Ngư và Hy Hòa, Tiết Thái chết vì bệnh. Chỉ có Hách Dịch là viên mãn.

    Bên cạnh cuộc đời của Khương Trầm Ngư thì câu chuyện vẫn còn rất nhiều số phận và mối tình khác đầy bi thương và nuối tiếc: Mối tình đau đớn của Cơ Anh và Hy Hòa, số phận bất hạnh của hoàng hậu Tiết Minh, Khương Họa Nguyệt, Đỗ Quyên, Di Thù công chúa..

    Đến cuối câu chuyện vẫn để lại nhiều tiếc nuối và bi thương sâu đậm cho người đọc, vì cái chết của Cơ Anh, của Tiết Thái, của Chiêu Doãn, Hy Hòa và Khương Họa Nguyệt. Nhưng dù sao nữ chính có được hạnh phúc cuối cùng bên nam nhân của nàng cũng coi như bù đắp lại những đau khổ đã qua.

    Nói chung là chuyện có xen lẫn cả vui và buồn, nhưng buồn vẫn nhiều hơn cả. Khi đọc truyện có cảm giác rất chân thực, giống như được chứng kiến những cuộc đời có thật chứ không phải hư cấu bằng câu chữ. Đặc biệt có những khoảnh khắc khiến người đọc phải xúc động và ám ảnh. Yếu tố cảm xúc rất nhiều, truyện rất hay nhưng cần kiên nhẫn khi đọc vì hơi dài một xíu.

    *Trích dẫn:

    "Kỳ Úc hầu Cơ Anh.

    Là em ruột của Cơ quý tần, thế tập nhất đẳng hầu, nghệ tinh lục học, tài đủ chín nghề, thiếu niên vang danh, tiên đế ngợi khen, ban cho phong hiệu" Kỳ Úc ". Mà người đời đều cho rằng, hai chữ này vô cùng phù hợp với công tử.

    Khương Trầm Ngư đã từng nhìn chàng từ xa trong buổi tiệc mừng thọ của phụ thân, từ đó về sau, khó mà quên được. ()

    Không có ngôn ngữ nào có thể miêu tả được phong thái say đắm lòng người của chàng dù chỉ một phần vạn, không có từ ngữ nào có thể hình dung được khí độ siêu phàm của chàng dù chỉ một mảy may..

    ()

    Đơn giản như thế, thanh nhã như thế, nhưng lại kinh động tâm hồn như thế."

    "Anh quân tử hoa, triêu bạch ngọ hồng mộ tử, tận phương hoa diệc bất quá quán tuyệt nhất tịch.

    Ngu mỹ nhân thảo, xuân thanh hạ lục thu hoàng, sổ trung trinh tốt nan đắc duyên kết tam quý."

    "Công tử ơi.. công tử..

    Chàng liệu có biết tin hoàng thượng muốn nàng tiến cung không? Chàng liệu có biết, nàng không muốn nhập cung, không muốn làm phi tử của đế vương không? Chàng liệu có biết, nàng đã ái mộ chàng, trông mong chàng, ngưỡng vọng chàng bao năm rồi không? Chàng liệu có biết, lúc này nàng hoảng loạn thế nào, bất lực thế nào, khổ sở thế nào, đau đớn mà không nói nổi điều gì không?"

    "Nếu như ta ra đời sớm tám năm, vào ngày mùng 1 tháng 1 năm Đồ Bích thứ tư, khi nàng đến tuổi cập kê, trong bốn nước, người xứng với nàng nhất kỳ thực không phải là Cơ Anh, mà nên là ta, chẳng phải sao?"

    "Năm Tân Bình thứ nhất, có nữ tử lấy bức tranh Hy Hòa trên Long Phượng lâu xuống, tự xưng dung nhan mình còn đẹp hơn nàng ta. Nghi vương gặp xong, quả nhiên cả mừng, bèn cưới nàng, giấu trong thâm cung không ai được gặp.

    Năm Tân Bình thứ hai, Nghi vương truyền ngôi cho người cháu, tức Hiền vương mà người Nghi quốc gọi thân mật là" tiểu công tử "Dạ Thượng.

    Nghi vương cùng vợ thoái vị ẩn cư, làm ăn trong bốn bể, vô cùng thích ý."

    (Cảm ơn vì đã ghé qua)
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...