HÌNH HÀI CỦA NỖI BUỒN Tác giả: Nguyễn Hiên Chiều rơi nghiêng theo tia nắng giấu mình trong lá cỏ. Tôi ngồi lặng lẽ nơi góc nhà với cuốn sách trên tay. Nơi ấy có cửa sổ nhìn ra bao la núi đồi nhưng tôi chẳng nhìn ra ngoài kia dù chỉ một lần, cũng chẳng chú tâm vào trang sách đang lật dở. Trong góc tối, tôi miên man trong vô vàn suy nghĩ rồi tự hỏi mình: Hình hài của nỗi buồn ra sao? Người ta thường gắn nỗi buồn với hình hài của những giọt nước mắt trong veo, mặn chát. Khi mọi thứ đã quá sức chịu đựng, nỗi buồn như giọt nước tràn ly, cõi lòng vỡ, nước mắt rơi xuống như những mảnh vụn của nỗi buồn, chỉ có trái tim ở lại, câm lặng và tái tê. Gánh trên vai quá nặng, bất cứ một tác nhân nhỏ nào cũng có thể như chiếc áo, bất thần rơi xuống, khẽ thôi nhưng có thể quật ngã được một con lừa. Nào phải "thân lừa ưa nặng", chỉ là mọi thứ không thể nào khác được, là như thế, bắt buộc phải là như thế. Cuộc đời như một con đường, có những nơi dù sớm dù muộn, dù nhanh dù chậm ta vẫn phải đi qua, cũng như có những điều ta đã biết trước sẽ xảy ra nhưng đến khi nó đến, ta vẫn nghẹn ngào rơi nước mắt. Nỗi buồn có lúc mang hình hài của khuôn mặt lặng như thinh không, đằng sau đó là sâu thẳm những nỗi niềm. Thật ra, niềm vui khó giấu, còn nỗi buồn, dù muốn dù không vẫn phải giấu. Nơi nước lặng là nơi biển sâu nhất. Con người càng mang nhiều tâm tư càng trầm tĩnh và ít nói, lặng lẽ cất kín đi mọi thứ, thậm chí họ giấu những điều đó đằng sau nụ cười. Đâu phải tất cả nụ cười ta có đều là dáng vẻ của niềm vui? Để hiểu thấu một người, đọc niềm vui đã khó, nhạy cảm với nỗi buồn của họ càng khó hơn bội phần. Dù thế nào, sống trên đời vẫn cần lắm sự sẻ chia, niềm vui nhân lên, nỗi buồn bớt lại, hình hài của nỗi buồn vì thế trong khoảnh khắc nào đó chìm vào quên lãng, trái tim dịu lại, khuôn mặt người vơi đi những vô hồn. Nỗi buồn đôi khi mang dáng hình của vầng trăng nơi sân nhà trong một đêm tháng mười chớm đông, chớm mùa mưa gió. Vầng trăng khi ấy, nhìn vào thật trong trẻo, tinh khiết nhưng lành lạnh, cái cô quạnh của trăng trên bầu trời mênh mông đã thấm vào hồn người hay nỗi buồn của người đã in hằn lên cái nhìn trăng khuyết mà bất giác tôi khẽ run lên khi cơn gió nào đi lạc qua sân nhà tôi rồi nghịch ngợm trêu đùa? Tôi đã không ngắm trăng khi trăng mang màu ấm áp của mùa hè, tròn đầy của mùa thu, để giờ đây, nhìn trăng lòng tôi đầy tiếc nuối, giây trước mắt tôi còn ngập ánh trăng, giây sau chỉ còn là đám mây đen đang chầm chậm nuốt chửng trăng vào lòng. Nỗi buồn trong tôi vì thế, vẫn đang ngập tràn chẳng thể nguôi ngoai. Trong đêm tối, cái cây lớn trước nhà vẫn đang cố vẽ lên nền trời một dáng hình khẳng khiu, vững chãi. Rồi một ngày, tôi thấy nỗi buồn mang hình hài của một đóa hồng mới nở còn đẫm giọt sương đêm. Sương long lanh trên những cánh hoa mềm e ấp. Tôi ghé lại, hít hà mùi thơm dịu ngọt, bất giác nỗi buồn quyện lấy hương hoa mà nhẹ nhàng khép lại, từng chút, từng chút một. Phía chân trời, bình minh đã dậy, ráng đỏ sau bóng núi đang từ từ tỏa ra, giọt sương rơi, tôi khẽ dợm chân bước vào ngôi nhà nhỏ. Nơi ấy các con tôi đang say ngủ, gương mặt trẻ thơ an tĩnh, bé bỏng chẳng có hình hài, dấu vết của nỗi buồn. Đấy là nguồn sống của tôi, là cái neo tôi đang bám vào và thắp lên trong tôi niềm hi vọng. Suy cho cùng, con cái vẫn là nơi cha mẹ tựa vào, là ánh sáng cho những ngày đầy giông bão. Nguồn sống của một người bắt đầu bằng sơ tâm đơn thuần, không toan tính, không vụ lợi, bon chen, một nụ cười có thể cứu vớt được cả một cuộc đời đang ngả nghiêng chống đỡ với đủ mọi mưa quăng gió giật, có thể chực ngã bất cứ lúc nào. Chỉ chút nữa thôi, ngôi nhà của tôi sẽ lại rộn rã tiếng cười nói của các con, tôi lại tất bật với những hối hả đời thường như bao ngày qua vẫn vậy, bởi vì tôi là mẹ. Tôi đã bao lần muốn vẽ lại dáng vẻ của nỗi buồn. Đó có thể là đôi mắt đang long lanh ngấn lệ, là khuôn mặt thiếu vắng nụ cười thật sự, là vầng trăng khuyết hao gầy trên bầu trời vắng vẻ, là bông hoa đẫm sương như tôi nói ở trên.. Tôi muốn vẽ để tìm cách xóa đi, vì nếu nỗi buồn có một hình hài cụ thể, tôi có thể xua đuổi được nỗi buồn, nhưng nếu không có dáng vẻ, mông lung và mơ hồ, nỗi buồn sẽ còn mãi ở đó, trở đi trở lại như một niềm ám ảnh dù cho ta có cố gắng xua đuổi như thế nào đi chăng nữa. Tôi muốn lòng tôi không còn buồn, chỉ còn lại toàn niềm vui, hi vọng. Nhưng tôi nhận ra, mong muốn của tôi là không thể, nỗi buồn có thể chẳng là gì cũng có thể là tất cả những gì tôi đã gặp, mỗi lần hóa thân lại là một dáng vẻ khác nhau, nó có thể đến tìm tôi khi bình minh vừa hé, cũng có khi đến vào một buổi chiều mà bóng tối đang dần lấn át ánh sáng, ôm trọn mọi thứ vào lòng nó, giấu đi những bí mật thẳm sâu. Tôi muốn xóa bỏ nỗi buồn khác nào muốn đôi mắt không biết khóc, vầng trăng chỉ toàn tròn trịa, ấm áp, đóa hoa chỉ nở mà chẳng tàn, một năm chỉ còn lại ba mùa.. Tất cả đều là những chuyện vô nghĩa lí và trái với quy luật của tự nhiên. Vậy thì, sao tôi lại phải giằng co với nỗi buồn. Tôi nhận ra, mình phải đối đãi với nỗi buồn như mình đã đối đãi với niềm vui: Ân cần, dịu dàng, không chối bỏ. Tôi biết mình cần tận hưởng nỗi buồn, mỗi lần nó đến, hãy để nó xâm chiếm hồn tôi, yên lặng cùng nó đi hết đoạn hành trình. Nhất định, đến một lúc nào đó, nỗi buồn sẽ rời tôi mà đi để còn sống tiếp trong một hình hài khác. Còn tôi, lại an nhiên sống, tiếp tục chờ đợi, chờ đợi ngày nỗi buồn quay trở lại, tìm tôi..