Truyện Ngắn Hai Người Vui - Phạm Văn Tài

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Phạm Văn Tài, 11 Tháng mười hai 2023.

  1. Phạm Văn Tài

    Bài viết:
    1
    Hai Người Vui

    Tác giả: Phạm Văn Tài

    Thể loại: Truyện ngắn


    Tây Ninh nắng nung người, nhất là những buổi trưa hè như thế này: Hơi nóng từ trên trời hầm hập dội xuống các con đường làm nó hắt lên cái mùi nhựa hăng hăng khó chịu. Đường sá vì thế ít người giao thông, xe cộ cũng thưa thớt.

    - Ráng lên con! Tới nhà có mái che đó, mình xin nghỉ chân. – Mẹ động viên con.

    Người mẹ chừng dưới bốn mươi, đội nón lá cũ và mặc áo sơ mi sọc xanh đậm nhạt đan xen đã bạc màu nhưng vẫn còn lành lặn. Bên ngoài, chị khoác thêm chiếc áo dày đã cũ mèm màu xám đen còn cái quần thun có màu vàng vàng với nhiều hoa lá xanh đỏ li ti. Chị đi lại rất khó khăn: Chân phải bước tới, nhăn nhó chịu đựng, dùng hết sức nhấc một cách khó nhọc cái chân trái lên để bước tới. Rồi như thế, chị nhích từng bước, từng bước một.

    - Cậu làm ơn cho mẹ con tui trú nắng chút nghen!

    - Dạ được chị! – Chủ nhà trả lời.

    Phát vào nhà lấy mấy cái ghế nhựa mời hai mẹ con ngồi. Chị Quyên kéo chiếc nón lá xuống quạt phành phạch, đưa mắt đảo qua ngôi nhà một lượt rồi từ từ ngồi xuống ghế.

    - Nhà cậu chắc mới xây hả? Che mái ra vầy coi rộng và thoáng quá hén!

    - Dạ! Hai mẹ con đi đâu giữa trưa trời nắng như thế này? Còn cháu ngồi đi! – Phát đẩy chiếc ghế tới cho Linh.

    - Tui bán vé số.

    - Cái chưn chị sao vậy? Hình như sưng tướng lên kìa!

    Một ít nước mắt rịn ra trong khóe, làm cho đôi mắt chị trở nên lóng lánh dưới tia nắng len lỏi xuyên qua từ các khe hở của mái hiên.

    - Nhà tui ở Bàu Cỏ, sáng nào hai mẹ con cũng theo những quán nước, quán ăn ven đường mà bán cho tới đây.

    Phát lướt mắt nhìn qua cái chân trái của chị Quyên, bắp thịt phía trong gần bắp đùi no tròn hơn nhưng không đều. Phát định đến coi nhưng chị Quyên xua tay cản lại:

    - Cậu đừng đụng vào, đau lắm!

    - Chị bị sao vậy, có cần em giúp gì không?

    - Không, không sao! Mới hồi nảy nè, tui qua đường, tui đi chậm lắm. Tay này cầm vé số và cái giỏ còn tay bên đây nắm chặt con Linh, sợ nó chạy ẩu. Mẹ con từng bước mà đi.

    - Kỹ vậy mới an toàn.

    - Mình kỹ nhưng người ta đâu có kỹ, nhiều người chạy xe sao mà cẩu thả quá! Tui đi vô gần tới lề rồi vậy mà từ sau lưng có tiếng: "Ê.. ê..", rồi đùng một cái, tui té ngữa xuống vỉa hè. Thằng đó chừng ba chục, mặt mày coi xấu xí vậy mà cũng biết chuyện. Nó lật đật chống xe, nắm tay tui đỡ dậy, hỏi dồn dập coi bộ lo lắng lắm: Chị có sao không? Có đau đâu không? Xem kỹ lại coi.. Lúc đó điếng quá, tui có nghe đau đo gì đâu, tui lắc đầu tỏ cho nó biết không sao. Nó có vẻ hấp tấp, nhét vào túi tui năm chục ngàn đồng biểu tui mua dầu xức rồi nói có công chuyện gấp lắm, lên xe dông mất.

    Chị Quyên kéo cái giỏ xách lại gần, lấy chai nước uống nghe ừng ực, ưỡn người qua lại, gương mặt nhăn nhó.

    - Thằng đó đi rồi mới thấm đau, cơ thể tui nhức tứ tung hết cậu ơi! Nhưng mà tui coi hết trơn rồi, không có chảy máu, chắc bị bong gân thôi. Tui ráng đến tiệm tạp hóa mua chai dầu nè.

    - Bây giờ bớt đau chưa?

    Chị nắn nắn, xoa xoa rồi vuốt vuốt cái chân, rên rỉ:

    - Ui.. đau quá.. đau nhất là cọc vé số bị ai lấy mất tiêu. Tui tìm kiếm khắp nơi nhưng chẳng thấy đâu.

    - Trời đất ơi, ai đâu mà bất nhân dữ vậy? Hay thằng đó..

    - Tui không dám chắc, cũng không dám nói nó lấy, sợ đổ oan cho người ta, mình mắc tội - Nước mắt chị chảy dài: - Sau khi phát hiện mất vé số thì tui chỉ biết ngồi bệt ở góc đường, chân tay bủn rủn hết, đầu óc thất thần, bây giờ làm sao có tiền mà trả cho đại lý đây! Thật khổ cho thân tui, đã nghèo còn gặp cái eo!

    Chị Quyên bật khóc thành tiếng, nước mắt nước mũi ràng rụa. Chị đưa cái tay dính đầy bụi bẩn lên chùi, quẹt đến đâu vệt xâm xẩm dính theo đến đó. Trán và hai bên má lấm lem làm nổi rõ đôi mắt xếch lên đuôi chân mày, phía trong thì châu xuống sống mũi. Mắt chị nhỏ, tròng trắng nhiều hơn tròng đen nên có cảm giác hai con ngươi như treo lơ lửng.

    - Chị mất bao nhiêu vé?

    - Hai trăm. Tui mới bán được có mấy vé.

    Nhìn chị Quyên, Phát chỉ biết thầm tội nghiệp chị, nghĩ trên đời này sao lại có người tham như vậy? Tham với người đang gặp hoạn nạn là tội ác. Thấy người khó khăn, mình không giúp đỡ họ được thì thôi nỡ lòng nào lấy vé số người ta. Thời nay có biết bao người sống có lòng nhân, sẵn sàng làm việc thiện nguyện giúp đỡ người nghèo, mặc dù họ chẳng giàu có gì. Mình rất cảm kích họ và ước gì ai ai đều biết tương thân tương ái nhau thì xã hội này mới hạnh phúc đúng với "độc lập - tự do - hạnh phúc". Hai trăm tờ vé số chừng hai triệu đồng, chả là bao, nhưng đó là mồ hôi, là nước mắt, là vốn liếng của người nghèo như chị Quyên.

    - Chị cũng nên đi khám coi có bị gì hôn?

    Giọng chị trầm hẳn xuống pha lẫn chút chua chát:

    - Trong túi tui chỉ có mấy chục. Con Linh đòi ăn nãy giờ.

    - Để em vào lấy cơm cho cháu ăn.

    - Thôi được cậu, tụi tui đi liền! Tại nó hay đòi ăn vậy đó, chứ hồi sáng ăn cơm ở nhà no lắm rồi.

    Bây giờ Phát mới nhìn kỹ Linh: Đó là cô bé chừng sáu bảy tuổi, dáng gầy, nước da bánh ít rất có duyên. Miệng chúm chím nho nhỏ, răng cửa sún hết mấy cái. Tóc ngắn chừng tới ót, khô khốc, đuôi tóc vàng cháy. Nó đội cái nón vải hẹp vành, khi đè mạnh xuống thì tóc vảnh ra che nắng cho hai má và sau gáy. Con nhỏ có vẻ lầm lì, ít nói. Mỗi khi chị Quyên khóc là nó nắm cánh tay mẹ giật giật. Nó dỗ mẹ hay đòi đi không biết mà gương mặt nhăn nhăn trông ngộ nghĩnh và đáng yêu.

    - Cháu đi học chưa chị?

    - Chưa! Tui bán vé số vầy chỉ lo cái ăn cái ở, đôi lúc còn thiếu. Như hôm nay kể như tiêu luôn cả vốn, ở đó mà cho nó đi học.

    - Sao chị không để bé ở nhà, dắt đi như vầy, nắng nôi tội nghiệp cháu?

    - Cậu hỏi thì tui mới nói cho cậu nghe, tui có thuê nhà ở Tân Hưng, đó là ngôi nhà nhỏ của anh sáu Khỏa ở thành phố Tây Ninh. Anh ấy thấy đất người ta bán rẻ nên mua để đó. Đất rộng lắm, cả mẫu lận, anh sáu cho người ta mướn. Còn cái nhà này được chủ cũ xây ở một góc, sát đường cái, dùng để chứa phân tro. Ảnh không làm gì mới cho tui thuê. Nhà tuy nhỏ nhưng rộng hơn nhà trọ nhiều, mẹ con tui sống rất thoải mái.

    - Tiền nhà có mắc không chị?

    - Chỉ 500 ngàn một tháng.

    - Rẻ đó!

    - Ờ thì rẻ, tui hên mới gặp được chỗ như vậy. Anh ấy giàu mà rộng rải lắm cậu! Người giàu có khác, họ không tiếc từng đồng từng cắc như mình, năm trăm đối với mình là lớn, tui bán vé số mấy ngày mới được. Nhưng điều làm tui ái náy nhất là lần nào trả tiền nhà, ảnh cũng đều lấy hết nhưng sau đó lại cho bé Linh. Cứ như thế hoài nên tui ngại lắm! Mình được ở trong ngôi nhà như vậy với số tiền như thế đó là đã chịu ơn người ta rồi. Nghèo tiền nghèo bạc cũng phải có thể diện, đúng không cậu?

    - Ờ.. ờ.. cũng đúng.

    - Cho nên tui cấm bé Linh không được lấy tiền nữa. Anh ta cáu gắt với tui: "Tiền nhà của chị, tôi đã lấy, tiền này của tôi, tôi cho con bé, chị đừng cấm cản. Tôi thấy cháu ốm nhom nên tôi thương."

    - Tốt bụng và thương trẻ! Em hoan nghênh tấm lòng của ông ta.

    - Anh sáu Khỏa là người cao to, mập mạp chỉ có hơi đen. Giọng nói thanh tao dễ mến lắm.

    - Đừng nói với em, chị thích ông ta rồi nghen!

    - Tôi thích đó! Bởi anh ta rất ư lịch sự và rộng rải, nhưng thích đây là thích cái nghĩa, cái tấm lòng anh ấy dành cho con mình còn cái tình thì tui không hề có à nghen! Với lại người ta đã có vợ đẹp, con ngoan, gia đình êm ấm lắm.

    - Mọi người phụ nữ đều có suy nghĩ như chị hết thì xã hội này đâu có chuyện đánh ghen.

    - Cậu biết không? Chính vì có chỗ ở đàng hoàng mà chỉ cách nhà ngoại con Linh chừng non năm mươi thước thôi nên tui chịu khó dậy sớm nấu cơm nước để lại cho nó, rồi nhờ bà ngó chừng dùm. Tui đi bán một mình cho mau lẹ chừng ba, bốn giờ chiều là về. - Chị Quyên vuốt vuốt mái tóc bé Linh - Nó giỏi lắm nhen cậu! Nhưng con nít đâu chịu ngồi yên. Ở nhà một mình, nó thoải mái lân la sang chòm xóm, cặp bạn với tụi nhỏ cùng lứa. Chúng nó đùa nghịch chán rồi rủ nhau đi lượm chai nhựa, lon bia, sắt vụn.. Hôm đó, tui thấy bao phế liệu khá to bên hông nhà, tui khen: "Con gái mẹ giỏi lắm, biết phụ mẹ kiếm tiền rồi".

    - Nó còn nhỏ mà biết thương mẹ vậy còn gì bằng. Cứ như em nè, hơn hai mươi tuổi rồi mà chỉ biết đi học, chẳng làm ra được một xu nào phụ hợ cha mẹ hết.

    - Cậu đang học đại học hả? Tương lai cậu quá tốt! Sau này học xong ra trường, cậu đi làm, có tiền, báo hiếu cho hai bác lo gì? - Chị Quyên lấy khăn lau mồ hôi cho Linh, nhìn con âu yếm: - Nó được khen nên khoái lắm, mặt mày hớn hở vô cùng. Chính vì vậy thành ra tui hại nó..

    - Hại nó à?

    - Con nít khi được khen thì tích cực lắm! Muốn được mẹ khen nữa nên nó lặn lội khắp nơi, bất kể mưa nắng, ở gần kiếm không có thì nó đi xa, chỗ xa hết rồi lại men theo con suối mà tìm. Phải nói, lòng suối là kho phế thải. Bao nhiêu vật dụng không xài được bị người ta vứt vô tội vạ xuống đây, tha hồ mà lượm. Linh cũng khôn chỉ theo gần bờ suối mà nhặt. Rồi nó trông thấy một bọc to, trôi lững lờ ở giữa lòng suối. Nó nói với tui, đại khái là vớt được bọc này bằng cả ngày đi lượm từng cái. Thế là Linh quyết tâm lấy cho bằng được, một tay nó nắm chặt gốc cây tre, tay kia cầm cây trúc dài mà khều. Khổ nỗi cái bọc không chịu vào mà cứ trôi qua dạt lại! Lâu quá bị mỏi, nó tuột tay rơi tùm xuống suối.

    - Trời ơi, chết con nhỏ rồi! – Phát thốt lên.

    Chị Quyên mặt tỉnh bơ, chỉ con Linh đang ngồi.

    - Nếu chết thì bây giờ nó đâu ngồi đây.

    - Nó biết bơi à?

    - Không.

    - Vậy làm sao thoát nạn?

    - Nhờ mấy chú làm rẫy mì gần đó nhìn thấy, họ chạy tới nắm nó lôi lên.

    - May quá!

    - Từ đó đến nay, tui đâu dám bỏ nó ở nhà một mình nữa. Nhà ngoại gần thiệt nhưng con cháu lũ khũ, bà đã già mắt bị mờ nữa nên không thể nào quán xuyến nổi. Thế là tui đâu nó đó, vậy mà chưa chắc ăn! Hồi nảy xe xém tông trúng nó may mà trúng tui.

    - Trúng chị là may hả? Mà thiệt hén trong cái rủi cũng có cái may thật đấy! Còn anh nhà đâu mà không giúp gì cho chị hết vậy?

    Chị ta lại khóc, cái khóc sao dễ dàng quá! Khóc hết nước mắt rồi, thế mà vẫn cố rớm ra vài giọt đặc sệt lăn tròn trên đôi má rồi trôi xuống miệng.

    - Tui kết hôn được hai năm thì sinh bé Linh. Chồng tui là người rất khỏe mạnh và siêng năng. Hằng ngày ổng đi làm hồ, lãnh tiền là đem về đưa cho vợ hết. Mái ấm gia đình hạnh phúc, đầy tiếng cười. Thời gian đó là hạnh phúc nhất trong cuộc đời tui. Phải chi ổng đừng mê gà..

    - Gà móng đỏ à?

    - Không, gà cựa! Ổng nuôi được một con gà nòi và vài chú gà che. Ổng hay khoe với bạn: "Con gà này là dòng gà chọi Cao Lãnh đá hay lắm mà lì đòn nữa". Bởi nghĩ gà tốt nên ổng chăm gà kỹ hết biết, cưng gà hơn cả vợ con. Ngày nào ổng cũng mua thịt bò thật tươi băm nhuyễn cho gà ăn. Ổng đút chúng ăn từng chút một mà còn vuốt vuốt cái bầu diều cho gà đừng bị nghẹn. Gà ăn xong ổng đem tắm bằng nước nóng hẳn hoi: Phun nước lên đầu cổ, mình mẩy chúng rồi lấy khăn sạch lau nhẹ nhàng sợ gà đau, vuốt ve, mơn trớn trông thấy ghét! Sau đó ổng đem gà ra tắm nắng chừng mươi mười lăm phút gì đó mới đem vô chỗ mát nhốt lại, rồi đi làm.

    - Thú vui tao nhã mà chị!

    - Đó là trước kia, đá gà được xem là một thú vui giải trí của nhiều người sau những ngày lao động mệt nhọc, còn bây giờ nó biến tướng sang cờ bạc hết rồi cậu ơi! Ổng mê gà, lo cho gà, tiền bạc đưa cho tui ngày càng ít dần, càng về sau thì bặt luôn. Tui có hỏi thì nói chủ chưa trả, hẹn lần hẹn lữa cho qua. Thời may lúc đó tui làm được nên không đến nỗi túng ngặt. Hôm đó, cách nay ba năm rồi, ổng không đi làm, cứ quanh quẫn tới lui, nét mặt rầu rầu trông thảm lắm. Tui mới hỏi ổng: Anh có việc gì phải không? Ổng chỉ lắc đầu. Đến bữa cơm, ổng chống đũa coi bộ nghĩ ngợi gì dữ lắm. Bất ngờ ổng ôm tui khóc: "Em cứu anh với!". Rồi ổng kể đá gà thua nhiều lần, vay tín dụng đen để trả. Giờ thì lãi mẹ lãi con lên đến hơn trăm triệu đồng. Họ hăm dọa hẹn hôm nay mà không trả, chúng đến xử cả nhà. Trời ơi, nghe ổng nói, tui như sét đánh ngang tai! Nhưng nhìn ổng như kẻ mất hồn tui cũng thấy tội lắm! Ổng là chồng bỏ sao được mà cứu một lần thôi cũng đủ trắng tay, tiền của dành dụm bao nhiêu năm trời tiêu tan hết!

    - Khổ thân chị!

    - Sau vụ đó tui buồn rầu mấy tháng trời, mất ăn mất ngủ. Ổng biết lỗi nên chăm làm lắm! Lúc rảnh việc chỉ quanh quẫn ở nhà với vợ con, nhờ vậy tui được an ủi phần nào. - Rồi đột nhiên giọng chị hạ thấp xuống, thút thít: - Khi con Linh được năm tuổi, cái ngày định mệnh đã đến: Ba nó đang xây trên lầu cao bị gãy giàn giáo, rơi xuống đống gạch đá, chấn thương nặng, qua đời.

    - Tội nghiệp ảnh quá! Sao nhiều chuyện dồn dập xảy ra với chị quá vậy?

    - Chưa đâu cậu! Tháng sau, một nhóm người trông hung dữ lắm đến nhà. Họ đưa cho tui coi giấy nợ ba trăm triệu do chồng tui ký và cả giấy đất nữa mà ổng thế chấp cho họ. Trời ơi, tôi sụp đổ hoàn toàn, ngồi như trời trồng! Nước mắt không còn để mà khóc. Thế đấy mẹ con tui phải ra khỏi nhà và cũng nhờ anh sáu Khỏa mới có chỗ ở đến nay.

    Phát lặng thinh mà tâm trí vẫn vơ: Cuộc đời chị Quyên sao lắm truân chuyên dữ vậy. Chị có được một tấm chồng ngỡ cuộc đời đã được yên ấm, xây dựng tương lai. Đâu ngờ trong con người hiền lành mà chị gọi là chồng ấy lại trổi dậy đam mê đá gà ăn tiền, một tệ nạn cờ bạc. Ai mà vướng vào chơi đá gà rồi thì rất khó để dứt ra. Nếu thắng thì cảm xúc hưng phấn được nhân lên gấp bội, do kiếm được tiền quá dễ dàng nên muốn kiếm tiếp. Ngược lại khi thua thì tỏ ra buồn, tiếc khoản tiền đã mất nên quyết tâm chơi tiếp để gỡ lại và cái vòng luẩn quẩn đấy mãi không dứt ra được. Chính cái đam mê ấy của chồng chị Quyên đã đánh gục một người phụ nữ một cách tàn nhẫn và phá nát mái gia đình nhỏ mới vừa gầy dựng, đẩy trẻ thơ trôi nổi theo những con đường bôn ba đầy nắng gió. Làm người chúng ta hãy sống có lý trí và tình thương yêu gia đình để cho những mảnh đời như chị Quyên bớt đau khổ! Đứng trước một con người đáng thương này, Phát xót xa, thương cảm, muốn giúp chị Quyên thật nhiều nhưng Phát đành bất lực bởi Phát là một thanh niên nghèo, chưa có việc làm, đang đi học còn ngửa tay xin tiền cha mẹ. Phát ước ao có tiền để mua chiếc máy tính xách tay cho việc học thôi, cũng là cả một quãng thời gian dài Phát phấn đấu, chắt chiu, dành dụm. Nhưng lúc này đây, Phát không thể làm ngơ trước một con người bất hạnh này.

    - Chị cầm lấy ít tiền này lo chạy chữa cái chân và trả bớt tiền vốn cho đại lý để còn lãnh vé số khác mà bán.

    Mắt chị Quyên có vẻ sáng lên, tay với tới định lấy nhưng chợt chị dằn lại, hơi ngượng nghịu, chị ngập ngừng:

    - Cậu có lòng.. tui cám ơn nhưng.. tiền đâu cậu có?

    - Em để dành chưa xài tới. Chị cứ yên tâm lấy đi mà lo bệnh trước đã, hết đau chị mới đi bán kiếm tiền được chứ.

    - Nhưng.. hai triệu lận, không phải ít đâu!

    Thấy chị Quyên có vẻ đắn đo, Phát liền ấn vào tay chị bốn tờ giấy bạc rồi nói cho chị an tâm:

    - Chị cứ lấy đi! Nếu ngại thì khi nào làm có dư chị trả em cũng được.

    Chị Quyên mừng quýnh, vội lấy tiền cất vào túi, rối rít:

    - Ôi, được vậy có gì bằng! Tui muôn vàn đội ơn cậu!

    Giã từ Phát, hai mẹ con chị Quyên đi từng bước xa dần. Phát có hơi tiêng tiếc số tiền dành dụm của mình nhưng lòng cảm thấy vui vui, cuộc đời đáng yêu làm sao khi ta làm được việc tử tế!

    Xxx

    Hai mẹ con chị Quyên đi đến ngã tư rồi quẹo trái, đến bóng râm của cây me già ven đường. Một người đàn ông trung niên ngồi trên chiếc xe SH còn mới, hỏi:

    - Được nhiêu?

    - Hai triệu.

    - Lên xe nhanh!

    - Để tui tháo cái cục cây bó trong bắp chân cái đã. Nó cấn đau chịu hết nổi rồi!

    - Nhờ vậy bà mới diễn như thiệt được.

    Hết

    Ghi chú: Bàu Cỏ thuộc xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, Tây Ninh.
     
    LieuDuong, Ôn An NaDương2301 thích bài này.
    Last edited by a moderator: 11 Tháng mười hai 2023
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...