1. Gen z là gì? Gen z (Generation Z) là từ dùng để chỉ một thế hệ, cụ thể là những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012 (có một vài thông tin là tử năm 1996 đến năm 2010). Những bạn trẻ thuộc gen z được sinh ra trong xã hội hiện đại, thời đại bùng nổ Internet và được tiếp cận với công nghệ từ nhỏ. Gần đây, sự nổi bật của thế hệ gen z đã khiến không ít người thắc mắc, rốt cuộc thì gen z có gì đặc biệt so với các thế hệ trước đó mà lại khiến nhiều người thích thú và đặt để hy vọng đến vậy. 2. Những đặc điểm nổi bật của gen z. Thế hệ nào thì cũng có những đặc điểm riêng để tạo nên sự đặc trưng của thế hệ đó, và gen z cũng vậy. Các bạn trẻ gen z luôn sẵn sàng và tự tin tạo nên xu hướng, biết cách biến bản thân trở thành tâm điểm và sự nổi bật, biến tấu những sự quen thuộc trở nên thú vị và thu hút hơn, nhạy bén trong sáng tạo và cập nhật thông tin, biết bản thân muốn gì và cần gì, năng động, cá tính và luôn muốn khai phá những điều mới mẻ, khả năng quản lý tài chính cao, có tính cách thực dụng. 2.1. Điểm mạnh gen z. Tài năng đương nhiên là điều cần thiết giúp con người trở nên thành công. Nhưng cần phải khai thác đúng tài năng, sở trường và cần có sự tự tin, năng động thì tài năng đó mới có thể phát huy hết khả năng. Gen z có sự tự tin, năng động đó. Nhờ vậy, không những giúp các bạn nắm bắt cơ hội mà còn biết cách tự tạo cơ hội cho chính bản thân. Không những vậy, nhờ được sinh ra trong thời buổi công nghệ, sự nhạy bén và linh hoạt luôn là những điểm nổi trội, có thể giúp các bạn thành công trong cuộc sống. Có một đặc điểm của gen z khiến các nhà tuyển dụng hoặc các doanh nghiệp rất thích thú, đó là sự đa nhiệm. Bản thân có thể vừa là một streamer, vừa có thể là người soạn kịch bản, vừa là editor, cameraman, dịch thuật, viết content.. Biết cách khai thác hết khả năng mình đang có. Từ chơi game, livesteam, sáng tạo nội dung.. Tất cả đều có thể kiếm ra tiền. Có kỹ năng giải quyết vấn đề một cách độc lập, nhưng cũng biết áp dụng công nghệ để dễ dàng kết nối và hội nhập với nhiều người. Gen z là một thế hệ cò trách nhiệm xã hội và nhận thức cộng đồng rất cao. Cuộc sống của các bạn không chỉ vây quanh "cơm áo, gạo tiền" hay bạn bè, gia đình mà các bạn còn có những quan điểm rất rõ ràng về những vấn đề trong cuộc sống như biến đổi khí hậu, nạn đói, bạo lực gia đình, bình đẳng giới, phổ cập giáo dục và y tế cho những đối tượng yếu thế.. Tư duy logic, kỹ năng giao tiếp, khả năng phản biện, tinh thần chủ động của gen z cũng vô cùng phát triển và trở thành một thế mạnh trong công việc và cuộc sống. Gen z rất biết cách quản lý tài chính, những khoản thu chi. Kiếm tiền giỏi thì cũng chi tiêu khéo, hầu hết gen z luôn là những người tiêu dùng thông minh. 2.2. Điểm yếu của gen z. Tiếp cận với mạng xã hội cũng đồng nghĩa với việc các bạn phải tiếp cận với một lượng thông tin rất lớn, xấu có, tốt có, khiến khả năng tập trung của gen z không cao. Chưa kể đến việc, ngày nay trên mạng xã hội càng ngày càng có nhiều những "drama", khiến không ít bạn trẻ bị sao nhãng vấn đề chính như học tập và làm việc. Gen z đôi lúc rất bướng bỉnh, thích thể hiện bản thân để nổi bật giữa đám đông. Điều này khiến không những hành động xốc nổi, chơi dại.. lại được các bạn trẻ ưa chuộng và bắt chước. Lạm dụng công nghệ để rồi "chuyện nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã tường", đôi khi các bạn dành quá nhiều thời gian cho việc chơi game, nghe nhạc, chat "chít", lướt mạng xã hội.. Không còn thời gian cho những người thân, vốn đang ở rất gần ta. Dễ kích động, mâu thuẫn.. do những tác động của xã hội hiện đại. Một hành động hay lời nói không hợp ý, cũng dễ khiến các bạn trở nên cáu gắt và dẫn đến những hành động không đáng có. Quá đa nhiệm rồi lại tự tạo căng thẳng và áp lực cho bản thân. Đó cũng là lý do, tỷ lệ mắc các căn bệnh như trầm cảm ở giới trẻ cao hơn so với người lớn tuổi. 3. Mỗi thế hệ đều có những ưu và nhược điểm. Không có thế hệ nào là hoàn hảo cả, mỗi người đều cần phải học hỏi mỗi ngày để hoàn thiện bản thân mình hơn. Gen z có thể cá tính nhưng đừng vì thế lại quá buông thả và thiếu tôn trọng người khác. Các bậc cha mẹ cũng cần thấu hiểu và quan tâm thay vì chỉ chăm chăm vào ý kiến của bản thân, rồi vô tình khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên xa cách.