Em và Trịnh là một bộ phim Việt Nam mới ra mắt, kể về cuộc đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên nhiều nhân vật ngoài đời đang tố phim làm sai sự thật. Ở đây mình cũng chỉ bàn về bộ phim với giá trị điện ảnh của nó thôi nhé! Thời lượng phim: 2 tiếng 16 phút. Đạo diễn: Phan Gia Nhật Linh. Ban đầu phim dự kiến ra mắt vào Giáng Sinh năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngày phát hành của bộ phim được lùi lại sang năm 2022, và phim đã chính thức ra rạp vào tháng 6 năm 2022. Mạch điện ảnh của phim được xây dựng theo phong cách hiện thực và quá khứ đan xen. Bộ phim kéo dài trong nhiều giai đoạn thời gian, từ năm 1960 đến năm 1990. Giai đoạn hiện tại trong phim là khi Trịnh Công Sơn đang ở tuổi trung niên. Các cuộc gặp gỡ và giao tiếp với cô sinh viên Nhật Bản Michiko đã gợi lên ký ức tình yêu suốt đời của Trịnh Công Sơn, từ đó chuyển cảnh về quá khứ: Chàng trai Trịnh Công Sơn khi trẻ và những người bạn tâm giao. Từng câu chuyện tình yêu dần được tái hiện trên màn ảnh, đầy mộng mơ và hoài niệm, từ mê đắm đến giận hờn chia ly, ở mọi cung bậc của tình yêu. Thực ra, chẳng có gì khác lạ trong nội dung của Em và Trịnh . Phim nhẹ nhàng, êm đềm như dòng sông ký ức chảy trong tâm trí con người. Sự duyên dáng của bộ phim là cách kể chuyện bằng hình ảnh và âm nhạc. Du hành thời gian được dẫn dắt bởi âm nhạc lãng mạn và đầy chiêm nghiệm của Trịnh Công Sơn. Từng câu hát được lồng ghép hợp lý vào các tình tiết như lời tự sự, bộc lộ suy nghĩ của nhân vật. Giai điệu của Diễm xưa, Nắng thủy tinh, Mưa hồng, Ướt mi, Nhìn những mùa thu đi.. đưa khán giả vào một không gian bay bổng, say đắm lòng người. Bước vào thời kỳ đầy biến động của thời đại, những bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong giai đoạn đó như Đại bác ru đêm, Ta đã thấy gì trong đêm nay.. cũng đã được tái hiện và mang đến cho khán giả nhiều xúc cảm. Do đó, nội dung phản chiến cũng trở nên xúc động hơn. Âm nhạc được xử lý bởi nhạc sĩ Đức Trí và nhạc sĩ Tuấn Bách đã tạo nên một cái hồn rất riêng cho Em và Trịnh . Bộ phim cũng rất đầu tư cho hình ảnh. Để tạo cảm giác hoài cổ, đạo diễn đã chọn màu vàng ấm làm chủ đạo. Không khó hiểu vì sao kinh phí của bộ phim này có thể lên tới 50 tỷ. Bởi lẽ, trường quay được thiết kế với quy mô lớn, kéo dài từ Huế đến Sài Gòn và Lâm Đồng. Đoàn phim đã lột tả những đại cảnh làm toát lên phong cảnh, kiến trúc đặc trưng của thời đại. Mỗi khung hình đều được chăm chút và dàn dựng ý nghĩa. Trong phim, khán giả được thấy hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ và trung niên. Với sự thể hiện của Avin Lu và nghệ sĩ ưu tú Trần Lực, mỗi "bản Trịnh" đều có sự đặc sắc riêng. Với nhân vật Trịnh Công Sơn khi còn trẻ, Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã mất gần một năm lùng sục khắp cả nước để tìm diễn viên. Sau khi xem nam diễn viên Avin Lu (Lương Anh Vũ) vừa hát vừa chơi guitar, đạo diễn đã chọn Avin Lu vào vai này. Để nhập vai, Avin phải tập nói giọng Huế, viết chữ và ký giống Trịnh Công Sơn. Vai Trịnh Công Sơn trung niên là vai diễn điện ảnh đầu tiên của nghệ sĩ ưu tú Trần Lực kể từ sau năm 2010. Nghệ sĩ Trần Lực đã giảm 10kg, để tóc dài, học nói giọng Huế và tiếng Pháp để trở thành cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong phim. Đặc biệt, Bùi Lan Hương (nhân vật Khánh Ly) và Hoàng Hà (nhân vật Dao Ánh) là hai trong số những diễn viên nổi bật nhất trong bộ phim này. Cách diễn xuất giản dị và giàu cảm xúc của hai nữ nghệ sĩ thực sự hiếm có trong làng điện ảnh Việt, dù Bùi Lan Hương vốn là một ca sĩ, trước đó chưa từng đóng phim. Nhân vật Ngô Vũ Dao Ánh là cô gái được Trịnh Công Sơn dành nhiều tình cảm, gửi gắm 300 bức thư tình, là nguồn cảm hứng cho nhiều ca khúc nhạc Trịnh nổi tiếng như Ru em từng ngón xuân nồng, Còn tuổi nào cho em, Mưa hồng . Hoàng Hà đã được chọn vào vai này sau 5 vòng casting khi đạo diễn muốn tìm một cô gái có nét nghịch ngợm nổi loạn ngầm. Nhân vật Ngô Vũ Bích Diễm (chị gái của Dao Ánh) là nguồn cảm hứng cho ca khúc Diễm xưa và nữ diễn viên Phạm Nguyễn Lan Thy đã vào vai rất ấn tượng với mái tóc đen dài mang nét Á Đông và vẻ đẹp thanh tú. Ngoài Bùi Lan Hương, còn 1 ca sĩ khác cũng khiến mình khá bất ngờ khi xuất hiện trong phim này - đó là Phạm Quỳnh Anh, vào vai Dao Ánh thời trung niên. Mình đã xem MV của Phạm Quỳnh Anh từ hồi xưa đến giờ, phải công nhận cô ấy diễn nhập tâm nhưng đôi chỗ còn cứng và biểu cảm trên mặt thì hơi bị đơ, hic.. Và cô ấy đóng phim thì cũng y vậy luôn :( Nói chung hầu hết các diễn viên trong phim Em và Trịnh đều tròn vai. Đây có thể được xem là một bộ phim chỉn chu, nhưng không thể nói là tuyệt vời. Do quá ôm đồm hệ thống nhân vật và ý thức truyền bá câu chuyện thời đại, nên phim đã không tạo nên những khoảnh khắc đáng giá, ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm trí khán giả. Cảm xúc đến rồi đi vì không có đủ thời gian để bồi đắp cho từng tuyến nhân vật. Ngoài ra, có một số cảnh tình cảm không được dàn dựng tốt, tạo cho người xem cảm giác gượng gạo. Vì vậy, cả bộ phim chỉ dừng lại ở mức gợi mở mà không tạo được xúc cảm sâu sắc. Với mình, quay đi quay lại, âm nhạc của bộ phim vẫn ấn tượng nhất! Hãy cùng thưởng thức nhé: [Lyrics] Ướt Mi - Phạm Nhật Linh - OST Em Và Trịnh [Lyrics] Nhìn Những Mùa Thu Đi - Bùi Lan Hương - OST Em Và Trịnh [Lyrics] Còn Tuổi Nào Cho Em - Bùi Lan Hương - OST Em Và Trịnh