* Vì sao trống đồng là biểu tượng của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc? - Trống đồng là biểu tượng của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc bởi nó là một minh chứng tiêu biểu cho sự phát triển rực rỡ của nền văn minh lúc bấy giờ với kĩ thuật chế tác đồng điêu luyện cùng với những nét nghệ thuật thẩm mĩ cao được chắt lọc tinh tế từ yếu tố văn hóa, xã hội phát triển đến đỉnh cao của thời bấy giờ. Trống đồng là một "nhân chứng" lịch sử nói lên tài năng, kỹ thuật tuyệt vời của chủ nhân đã sáng tạo ra chúng. Tất cả đã được hội tụ lên trên những chiếc trống đồng góp phần thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của cư dân Văn Lang- Âu Lạc. ⇒Những chiếc trống đồng Đông Sơn có mối quan hệ chặt chẽ với những cư dân của nền văn minh Văn Lang- Âu Lạc. Trong suốt quá trình nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc hình thành và phát triển, chiếc trống đồng đã là văn vật tượng trưng cho tinh hoa văn hóa cũng như ý chí quật cường của dân tộc ta. - Theo nghiên cứu của các nhà sử học. Trống đồng giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong sinh hoạt đa dạng của cư dân xã hội Văn Lang- Âu Lạc. Về cơ bản thì trống là một nhạc khí dùng trong những lễ tiết lớn của cả cộng đồng. Trống đồng còn được dùng trong lễ mai táng chôn theo người chết, trong lễ hội cầu mùa và là biểu tượng quyền lực của tầng lớp thống trị thời kỳ Hùng Vương dựng nước. - Trống còn được dùng trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, khi người thủ lĩnh bộ lạc kêu gọi mọi người từ khắp nơi tụ về để cùng chiến đấu. Trống thường thuộc về những người thủ lĩnh và là biểu tượng của quyền lực. Người thủ lĩnh có quyền lực càng lớn thì trống càng to và đẹp. Trống đồng cũng được coi là một tài sản quí, và được làm đồ tuỳ táng khi người thủ lĩnh qua đời. Đôi khi, trống đồng còn là phần thưởng của các vị vua dành cho tù trưởng người dân tộc thiểu số, thể hiện uy quyền của nhà nước trước những vùng tự trị, tự do tương đối. ⇒Có thể thấy chiếc trống đồng không chỉ là vật linh mà trống đồng còn làm nên biểu tượng tập trung nhất về đời sống tinh thần và quyền lực được xác lập trong xã hội Văn Lang - Âu Lạc. Cho thấy văn hóa "trống đồng" giữ vai trò quan trọng cũng như đã đi sâu vào nhiều khía cạnh của đời sống cư dân Việt cổ lúc bấy giờ. - Trống đồng và những hình ảnh khắc họa trên trống đã phản ánh về cuộc sống của người Việt cổ. Trống đồng Đông Sơn là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp phát triển. Việc phát hiện ra những lưỡi cày đồng và những hình bò được khắc trên thân trống chứng tỏ thời kỳ này đã biết sử dụng sức kéo động vật vào canh tác nông nghiệp. Hoa văn trên cả mặt trống thể hiện rất sinh động đời sống lao động và chiến đấu, kể cả đời sống vật chất và tinh thần của cư dân thời bấy giờ. Bên cạnh đó có thể thấy rằng, một nền nông nghiệp ổn định đã đưa đến sự ổn định về mặt tâm lý của toàn xã hội. Điều này đã để lại dấu ấn phản ánh qua những cảnh hội mùa đầy hạnh phúc. ⇒Trống đồng gắn bó mật thiết với đời sống của cư dân Việt cổ, là vật thể hiện trình độ chế tác đồng điêu luyện, là nơi lưu giữ những hình ảnh về nét sinh hoạt của cư dân Văn Lang- Âu Lạc từ đó thể hiện rõ bản sắc dân tộc đặc trưng của cư dân Việt cổ. - Trống đồng còn là biểu tượng văn hóa tâm linh của cư dân Văn Lang - Âu Lạc với những tín ngưỡng bản địa đặc trưng. Đó là tín ngưỡng phồn thực, thờ mặt trời mà biểu hiện duy nhất sinh động hiện còn biết được là các hoa văn, họa tiết trên trống đồng Đông Sơn. Hình mặt trời giữa mặt trống được cố định thông qua chất liệu đồng thau. Những hoạt động xã hội cũng được tái hiện hết sức sống động trên mặt trống đồng. ⇒ Qua đó, có thể thấy trống đồng quả thật là một biểu tượng tiêu biểu của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc bởi nó gắn liền với mọi khía cạnh trong đời sống xã hội của cư dân Văn Lang- Âu Lạc. Từ là sản phẩm nghệ thuật của một nền văn minh đang trong giai đoạn phát triển cho đến là một nhạc khí hay hơn nữa là vật biểu trưng cho quyền lực, tín ngưỡng, vật dùng trong lễ tế, lễ hội, và quan trọng nhất trống đồng còn có thể xem là một hiện vật vô cùng quý báu lưu dấu những hình ảnh về nền văn minh cổ của người Việt - một trong những niềm tự hào sâu sắc của văn hóa Việt Nam.