Đọc Hiểu: Tiền tài như phấn thổ... - Nếu biết trăm năm là hữu hạn - Phạm Lữ Ân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Nangthuytinh1992, 17 Tháng tám 2023.

  1. Nangthuytinh1992

    Bài viết:
    7
    [​IMG]



    I. ĐỌC HIỂU

    Đọc đoạn trích:


    Tiền tài như phấn thổ

    Nghĩa trọng tợ thiên kim

    Con le le mấy thuở chết chìm

    Người tình bạc nghĩa kiếm tìm làm chi?

    Khi còn nhỏ, tôi thường nghe mẹ hát như vậy. Phấn thổ tức là bụi đất. Cứ theo câu "trọng nghĩa khinh tài" mà giải, tiền bạc quả thật đáng xem thường.

    Thời gian qua đi, tôi lớn lên và nhìn thấy cuộc đời dường như không giống câu ca dao mẹ hát. Chúng ta vẫn được dạy rằng đồng tiền dễ làm tha hóa con người, rằng hãy tránh xa những người xem đồng tiền là trọng. Nhưng tôi chưa từng thấy ai kiếm tiền bằng trí lực của mình một cách chính đáng mà không xem trọng đồng tiền, dù họ giàu hay nghèo. Người ta nói đồng tiền là nguồn gốc của tội lỗi, nhưng nếu đúng như vậy thì tại sao nhà thờ và nhà chùa vẫn tiếp nhận nó như một thứ lễ vật?

    [..] Phải chăng chúng ta nên trả lại cho tiền khuôn mặt giản dị của nó: Một công cụ dùng để trao đổi các giá trị tương xứng. Đừng khoác cho nó cái uy lực mà nó không có, cũng đừng gán cho nó tội lỗi mà nó không phạm. Cái làm con người sa ngã không phải là sức mạnh của đồng tiền, mà là những tham vọng không chính đáng của chính bản thân ta: Có được những thứ không phải của mình, sở hữu những thứ vượt quá công sức của mình, danh tiếng mà mình không xứng đáng, vật chất mà mình chưa đủ khả năng mua..

    [..] "Tiền tài như phấn thổ".

    Tôi hỏi mẹ sao cứ hát hoài câu đó, vì tôi không thể coi đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình như bụi đất được. Mẹ tôi trả lời rằng câu hát ấy không có ý nói tiền là thứ đáng coi khinh. Nó chỉ nhắc ta nhớ rằng: Đồng tiền có thể bị mất giá, nên những gì tiền mua được cũng có thể bị mất giá. Những tờ tiền có thể tan thành bụi đất, và những thứ mua được bằng tiền cũng vậy.

    (Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân, NXB Hội Nhà văn, 2018)

    Thực hiện các yêu cầu sau:

    Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

    Câu 2: Theo tác giả, "cái làm con người sa ngã" là gì?

    Câu 3: Anh/ chị hiểu như thế nào về câu: "Đừng khoác cho nó (đồng tiền) cái uy lực mà nó không có, cũng đừng gán cho nó tội lỗi mà nó không phạm" ?

    Câu 4: Anh/ chị có đồng tình với quan điểm: "đồng tiền có thể bị mất giá, nên những gì tiền mua được cũng có thể bị mất giá" không? Vì sao?

    II. VIẾT ĐOẠN NLXH 200 CHỮ

    Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về đồng tiền.


    GỢI Ý

    I. ĐỌC HIỂU

    Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

    Câu 2: Theo tác giả, "cái làm con người sa ngã" không phải là sức mạnh của đồng tiền, mà là những tham vọng không chính đáng của chính bản thân ta: Có được những thứ không phải của mình, sở hữu những thứ vượt quá công sức của mình, danh tiếng mà mình không xứng đáng, vật chất mà mình chưa đủ khả năng mua..

    Câu 3: Câu: "Đừng khoác cho nó (đồng tiền) cái uy lực mà nó không có, cũng đừng gán cho nó tội lỗi mà nó không phạm" như một lời "minh oan" cho đồng tiền. Nhiều người vẫn cho rằng, đồng tiền có một sức mạnh vô song, đổi trắng thay đen, tha hóa con người, là nguồn gốc của tội lỗi.. Tuy nhiên, theo tác giả, tiền bạc vốn chỉ là công cụ để trao đổi hàng hóa, quan trọng là chúng ta đã sử dụng nó như thế nào, vào mục đích tốt hay xấu.. Cái làm con người tha hóa không phải đồng tiền mà là do lòng tham, do những tham vọng không chính đáng của chính con người mà thôi.

    Câu 4:

    - Bày tỏ quan điểm đồng tình hay không đồng tình.

    - Lí giải chặt chẽ, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật

    Gợi ý:

    - Có đồng tình

    - Vì những gì có thể định giá bằng tiền, có thể mua được bằng tiền, dù là vật chất hay danh vọng, địa vị, mối quan hệ (đặc biệt những thứ không phải do mình nỗ lực tạo ra, những thứ mình không xứng đáng nhận được) đều có thể bị mất giá, thậm chí biến mất bất cứ lúc nào. Vì vậy, con người không nên quá tôn sùng, chạy theo đồng tiền cũng như những giá trị vật chất nói chung để rồi trở thành nô lệ của chúng và đánh mất mình..

    II. VIẾT ĐOẠN NLXH 200 CHỮ


    Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về đồng tiền

    Đoạn văn mẫu

    Đồng tiền là phương tiện dùng để trao đổi, mua bán hàng hóa, giúp con người duy trì cuộc sống. Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của đồng tiền trong cuộc sống. Đồng tiền giúp ta dễ dàng giải quyết những nhu cầu về vật chất lẫn tinh thần. Bạn muốn đi du lịch, muốn nghỉ ngơi thư giãn, muốn mua sắm, làm đẹp.. bạn cần có tiền. Đồng tiền giúp cuộc sống của chúng ta trở nên thoải mái, tiện nghi hơn. Không chỉ phục vụ cho các nhu cầu của bản thân, khi có tiền, ta có thể giúp đỡ người khác, đem lại những điều tốt đẹp cho những người xung quanh. Song bên cạnh những giá trị tích cực đó, đồng tiền cũng có những mặt trái của nó. Tiền từ vị trí là phương tiện duy trì cuộc sống dần dần lại có khả năng chi phối cuộc sống của con người. Vì lòng tham và những tham vọng không chính đáng, nhiều người đã coi tiền là phương tiện để thỏa mãn các mục đích xấu xa, dơ bẩn. Vì mâu thuẫn tiền bạc, con giết cha mẹ, anh em ruột thịt đánh cãi nhau. Bao quan lại tham ô, tham nhũng vì không chống cự được mê lực của đồng tiền.. Tuy nhiên, bản thân đồng tiền vốn không phải là xấu xa, bẩn thỉu. Tất cả những ảnh hưởng tiêu cực ấy suy cho cùng đều bắt nguồn từ sự tham lam, mưu lợi của con người. Sẽ chẳng có gì là xấu nếu con người kiếm tiền một cách chân chính và dùng nó để phục vụ cho các nhu cầu chính đáng của bản thân. Bất cứ điều gì cũng có hai mặt. Đồng tiền cũng vậy. Nó là tốt hay xấu do chính người sử dụng quyết định. Chính vì vậy, mỗi người cần kiên định, bản lĩnh để dùng đồng tiền một cách đúng đắn nhất.
     
    LieuDuong thích bài này.
    Last edited by a moderator: 29 Tháng mười 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...