Đề đọc hiểu: Tổ quốc - Nguyễn Thế Kỷ: Nếu có thể đo xương máu tiền nhân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 20 Tháng năm 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Trong đề thi, câu hỏi đọc hiểu thường chiếm 30% tổng điểm cả bài thi. Vậy làm thế nào để đạt điểm tối đa cho phần này. Ngoài việc nắm vững các kiến thức lí thuyết như: Phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ, thao tác lập luận, phép liên kết, các kiểu câu, thể thơ, cách trả lời các dạng câu hỏi từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng, vận dụng cao.. thì việc luyện đề, thường xuyên làm các bài tập đọc hiểu sẽ giúp các em học sinh nắm vững kiến thức, cách làm bài, cách phân chia thời gian hợp lý..

    Sau đây là một số đề luyện tập cho phần đọc hiểu văn bản:

    Đề đọc hiểu: Tổ quốc - Nguyễn Thế Kỷ

    ĐỀ SỐ 1

    Đọc bài thơ sau:


    Nếu có thể đo xương máu tiền nhân
    Trường Sơn ngút ngàn dễ gì so được
    Bao người mẹ, người vợ, người em – nước mắt
    Hồng Hà, Cửu Long đâu thể sánh cùng
    Bão trường chinh ào ạt mấy ngàn năm...
    Ào ạt mấy ngàn năm châu thổ
    Những bờ đê chắn lũ, ngăn thù
    Cùng bọc trứng trăm con đi muôn ngả
    Vẫn thắm lòng dưa hấu chốn biển xa
    Ào ạt mấy ngàn năm... Thánh Gióng
    Mới lên ba đã giáp sắt, tre ngà
    Câu thơ thần nhuộm đỏ sông Như Nguyệt
    Đỏ Bạch Đằng cuồn cuộn sóng bể xa
    Mấy ngàn năm... Vọng Phu xứ Bắc
    Phụ Tử bùi ngùi doi đất trời Nam
    Những cuộc chia ly, những vành khăn trắng
    Chẳng nguôi ngoai dù xác giặc chất chồng
    Chẳng thể dịu nỗi Rạch Gầm, Xoài Mút
    Hiền Lương, Khâm Thiên, Sơn Mỹ, Thổ Chu
    Máu Vị Xuyên, Gạc Ma bầm chát
    Vạn nghĩa trang hương khói nguyện cầu
    Ôi Tổ quốc, biên cương chưa yên giấc
    Đêm quặn lòng máu thịt Hoàng Sa
    Ngày đỏ mắt Trường Sa giông bão
    Lại bút, gươm giữ cõi, xây nhà.


    (Tổ quốc, Nguyễn Thế Kỷ)

    Trả lời các câu hỏi:

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ.

    Câu 2. Khái quát nội dung chính của bài thơ.

    Câu 3. Bài thơ hiện đại nhưng mang đậm chất dân gian. Theo em, yếu tố nào tạo nên chất dân gian cho bài thơ?

    Câu 4. Những câu thơ sau có ý nghĩa như thế nào đối với anh/chị?

    Ôi Tổ quốc, biên cương chưa yên giấc

    Đêm quặn lòng máu thịt Hoàng Sa

    Ngày đỏ mắt Trường Sa giông bão.


    Gợi ý đọc hiểu:

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của bài thơ: Phương thức biểu cảm

    Câu 2. Khái quát nội dung chính của bài thơ:

    - Bài thơ thể hiện cảm nhận của nhà thơ về biết bao những đau thương, hi sinh, mất mát của các thế hệ người dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến trường chinh của đất nước.

    - Từ đó, bài thơ thể hiện niềm tự hào về một đất nước kiên cường, bất khuất - cũng chính là tình yêu đất nước thiết tha, mãnh liệt.

    Câu 3. Bài thơ hiện đại nhưng mang đậm chất dân gian. Yếu tố tạo nên chất dân gian cho bài thơ chính là việc tác giả đã nhắc đến những câu chuyện cổ trong bài thơ này: Truyện Con Rồng, cháu Tiên (Cùng bọc trứng trăm con đi muôn ngả ) ; Truyện Sự tích quả dưa hấu (Vẫn thắm lòng dưa hấu chốn biển xa ) ; Truyền thuyết Thánh Gióng (Ào ạt mấy ngàn năm.. Thánh Gióng ) ; Sự tích Hòn vọng phu (Mấy ngàn năm.. Vọng Phu xứ Bắc ).

    Câu 4. Những câu thơ sau có ý nghĩa:

    Ôi Tổ quốc, biên cương chưa yên giấc

    Đêm quặn lòng máu thịt Hoàng Sa

    Ngày đỏ mắt Trường Sa giông bão.


    - Những câu thơ trên trước hết là nỗi niềm đau đáu của nhà thơ về chủ quyền đất nước: Chủ quyền đất nước vẫn luôn luôn bị đe dọa bởi các thế lực ngoại bang; Hoàng Sa, Trường Sa - nơi đầu sóng ngọn gió vẫn từng ngày, từng giờ phải gồng mình trước nguy cơ bị mất chủ quyền.

    - Từ đó, những câu thơ trên nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam phải nhận thức được vận mệnh đất nước, phải có ý thức giữ gìn, bảo về chủ quyền đất nước.

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng năm 2022
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ SỐ 2

    Đọc bài thơ sau:


    Nếu có thể đo xương máu tiền nhân
    Trường Sơn ngút ngàn dễ gì so được
    Bao người mẹ, người vợ, người em – nước mắt
    Hồng Hà, Cửu Long đâu thể sánh cùng
    Bão trường chinh ào ạt mấy ngàn năm...
    Ào ạt mấy ngàn năm châu thổ
    Những bờ đê chắn lũ, ngăn thù
    Cùng bọc trứng trăm con đi muôn ngả
    Vẫn thắm lòng dưa hấu chốn biển xa
    Ào ạt mấy ngàn năm... Thánh Gióng
    Mới lên ba đã giáp sắt, tre ngà
    Câu thơ thần nhuộm đỏ sông Như Nguyệt
    Đỏ Bạch Đằng cuồn cuộn sóng bể xa
    Mấy ngàn năm... Vọng Phu xứ Bắc
    Phụ Tử bùi ngùi doi đất trời Nam
    Những cuộc chia ly, những vành khăn trắng
    Chẳng nguôi ngoai dù xác giặc chất chồng
    Chẳng thể dịu nỗi Rạch Gầm, Xoài Mút
    Hiền Lương, Khâm Thiên, Sơn Mỹ, Thổ Chu
    Máu Vị Xuyên, Gạc Ma bầm chát
    Vạn nghĩa trang hương khói nguyện cầu
    Ôi Tổ quốc, biên cương chưa yên giấc
    Đêm quặn lòng máu thịt Hoàng Sa
    Ngày đỏ mắt Trường Sa giông bão
    Lại bút, gươm giữ cõi, xây nhà.


    (Tổ quốc, Nguyễn Thế Kỷ)

    Trả lời các câu hỏi:

    Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của bài thơ.

    Câu 2. Anh/chị hiểu câu Bão trường chinh ào ạt mấy ngàn năm.. như thế nào?

    Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong những câu thơ:

    Nếu có thể đo xương máu tiền nhân

    Trường Sơn ngút ngàn dễ gì so được

    Bao người mẹ, người vợ, người em – nước mắt

    Hồng Hà, Cửu Long đâu thể sánh cùng


    Câu 4. Từ bài thơ ở phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước?

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1.
    Phong cách ngôn ngữ: Nghệ thuật.

    Câu 2. Câu Bão trường chinh ào ạt mấy ngàn năm.. hiểu là đất nước qua mấy ngàn năm lịch sử thường xuyên phải đối mặt với những cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực ngoại bang.

    Từ đó, cho ta hiểu sự kiên cường, bất khuất của đất nước và niềm tự hào, tình yêu của tác giả đối với đất nước.

    Câu 3.

    Biện pháp nghệ thuật so sánh: Xương máu tiền nhân - Trường Sơn (không dễ gì so được) ; Nước mắt của bao người mẹ, người vợ - Hồng Hà, Cửu Long (không thể sánh). Đây là kiểu so sánh hơn;

    Tác dụng:

    - Nhấn mạnh những mất mát, hi sinh, những nỗi đau của nhân dân trong chiến tranh vệ quốc;

    - Thể hiện niềm tự hào, lòng biết ơn về sự hi sinh của những con người anh hùng, bất khuất của đất nước;

    - Làm cho lời thơ giàu hình ảnh, biểu cảm.

    Câu 4. Đoạn văn khoảng 200 chữ về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước:

    Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương đất nước.

    Thân đoạn:

    Giải thích: Trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước: Trách nhiệm giữ gìn nền độc lập, tích cực xây dựng nước nhà ngày càng vững mạnh,

    Phân tích:

    Tuổi trẻ cần có trách nhiệm với đất nước vì: Chúng ta được sống trong một đất nước hòa bình, tốt đẹp thì phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ đất nước;

    Chúng ta cần phải cống hiến tài năng, sức lực nhiều hơn để phát triển nước nhà vững mạnh, có thể chống lại mọi kẻ thù.

    Mỗi người khi học tập, lao động, tạo lập cho mình một cuộc sống tốt đẹp cũng chính là cống hiến cho tổ quốc.

    Yêu thương, giúp đỡ đồng bào, đoàn kết không chỉ giúp cho chúng ta được yêu thương, trân trọng trong mắt mọi người mà nó còn thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

    Liên hệ bản thân: Là một học sinh trước hết chúng ta cần học tập thật tốt, rèn luyện tư chất, trở thành người tốt, có ích. Có nhận thức đúng đắn về việc giữ gìn và bảo vệ tổ quốc. Luôn biết yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh..

    Phản biện: Tuy nhiên vẫn còn có nhiều bạn chưa có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước, chỉ biết đến bản thân mình, coi việc chung là việc của người khác.. những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án.

    Kết đoạn: Khái quát lại vấn đề nghị luận: Trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương đất nước.
     
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng năm 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...