Đọc hiểu: Thuyền và biển - Xuân Quỳnh, Ngữ văn 11 Tri thức Ngữ văn Tác giả Xuân Quỳnh - Xuân Quỳnh (1942 - 1988), tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, que ở quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. - Sáng tác của bà bao gồm cả thơ và văn xuôi, viết về nhiều đề tài khác nhau, trong đó tình yêu, hạnh phúc gia đình và trẻ em là các đề tài chiếm vị trí nổi bật. - Thơ Xuân Quỳnh giàu yếu tố tự thuật. Bên cạnh việc bộc lộ niềm khao khát được yêu thương, chia sẽ và ý thức chắt chiu, gìn giữ hạnh phúc đang có, thơ bà còn chứa đựng những dự cảm đầy lo âu về cái mong manh của đời sống, của tình yêu. - Xuân Quỳnh được nhìn nhận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ Việt Nam hiện đại nửa sau thế kỉ XX. Tác phẩm chính của bà: Gió Lào, cát trắng (thơ, 1974), Lời ru trên mặt đất (thơ, 1978), Sân ga chiều em đi (thơ, 1984), Tự hát (thơ 1984), Hoa cỏ may (thơ 1989), Bầu trời trong quả trứng (thơ thiếu nhi, 1982), Bến tàu trong thành phố (truyện thiếu nhi, 1984).. Những nhận định về Xuân Quỳnh "Ở mỗi tập thơ của Xuân Quỳnh, những bài viết của tình yêu thường để lại nhiều ấn tượng hơn cả. Với giọng điệu hết sức thơ hết sức tự nhiên, bài" Sóng "thể hiện một tình yêu sâu sắc, bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc mơ. Dù có những gian truân cách trở, nhưng tình yêu bao giờ cũng đẹp, cũng đến được tận cùng hạnh phúc, như con sóng nhỏ đến với bờ" (Nhà thơ Việt Nam hiện đại, GS Phong Lê chủ biên, Viện Văn học, Nxb KHXH, 1984) "Thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi dông bão của cuộc đời.. Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh không ngừng giữa khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hóa khôn cùng của chúng. Ở đó trái tim thơ Xuân Quỳnh là cánh chuồn chuồn báo bão cứ chao đi chao về, mệt nhoài giữa biến động và yên định, bão tố và bình yên, chiến tranh và hòa bình, thác lũ và êm trôi, tình yêu và cách trở, ra đi và trở lại, chảy trôi phiêu bạt và trụ vững kiên gan, tổ ấm và dòng đời, sóng và bờ, thuyền và biển, nhà ga và con tàu, trời xanh và bom đạn, gió Lào và cát trắng, cỏ dại và nắng lửa, thủy chung và trắc trở, xuân sắc và tàn phai, ngọn lửa cô đơn và đại ngàn tối sẫm.." (Chu Văn Sơn) "Điều đáng quý nhất ở Xuân Quỳnh và thơ Xuân Quỳnh là sự thành thật rất thành thật, thành thật trong quan hệ bạn bè, với xã hội và cả tình yêu. Chị không quanh co không giấu diếm một điều gì. Mỗi dòng thơ, mỗi trang thơ đều phơi bày một tình cảm, một suy nghĩ của chị. Chỉ cần qua thơ ta biết khá kĩ đời tư của chị. Thành thật, đây là cốt lõi thơ Xuân Quỳnh" (Võ Văn Trực) Những ca khúc phổ thơ Xuân Quỳnh Thơ Xuân Quỳnh sâu lắng, giàu cảm xúc, giàu nhạc tính, nên không ít bài thơ của bà đã được phổ nhạc, trở thành những ca khúc đi cùng năm tháng. Trong số đó phải kể đến: Sóng, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Mẹ của anh.. Đọc hiểu bài thơ: Thuyền và biển ĐỀ 1 Đọc bài thơ sau: Em sẽ kể anh nghe Chuyện con thuyền và biển: "Từ ngày nào chẳng biết Thuyền nghe lời biển khơi Cánh hải âu, sóng biếc Đưa thuyền đi muôn nơi Lòng thuyền nhiều khát vọng Và tình biển bao la Thuyền đi hoài không mỏi Biển vẫn xa... còn xa Những đêm trăng hiền từ Biển như cô gái nhỏ Thầm thì gửi tâm tư Quanh mạn thuyền sóng vỗ Cũng có khi vô cớ Biển ào ạt xô thuyền (Vì tình yêu muôn thuở Có bao giờ đứng yên?) Chỉ có thuyền mới hiểu Biển mênh mông nhường nào Chỉ có biển mới biết Thuyền đi đâu, về đâu Những ngày không gặp nhau Biển bạc đầu thương nhớ Những ngày không gặp nhau Lòng thuyền đau - rạn vỡ Nếu từ giã thuyền rồi Biển chỉ còn sóng gió" Nếu phải cách xa anh Em chỉ còn bão tố 4-1963, Nguồn: Xuân Quỳnh, Chồi biếc, NXB Văn học, 1963 Thực hiện các yêu cầu: Câu 1. Xác định thể thơ, phương thức biểu đạt chính của văn bản. Câu 2. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai? Câu 3. Những dấu hiệu hình thức nào chứng tỏ có một câu chuyện được kể trong bài thơ? Câu 4. Xác định thành phần chêm xen trong bài thơ, nêu tác dụng. Câu 5. Trong khổ thơ sau, nhân vật trữ tình đã rút ra nhận thức gì từ câu chuyện về thuyền và biển: Chỉ có thuyền mới hiểu Biển mênh mông nhường nào Chỉ có biển mới biết Thuyền đi đâu, về đâu Câu 6. Phân tích tác dụng của biện pháp tư từ điệp cấu trúc trong khổ thơ trên (khổ thơ dẫn ở câu 5). Câu 7. Trong câu chuyện thuyền và biển, hai đối tượng này được đặt trong tương quan nào? Những cung bậc tình cảm gì đã được "người kể" soi rọi, khám phá? Câu 8. Từ câu chuyện thuyền và biển, em suy nghĩ như thế nào về vấn đề "hiểu", "biết" và "gặp" trong tình yêu đôi lứa? Gợi ý đọc hiểu: Câu 1. - Thể thơ: Ngũ ngôn (5 chữ) ; - Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm Câu 2. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là người phụ nữ, xưng "em". Câu 3. Những dấu hiệu hình thức chứng tỏ có một câu chuyện được kể trong bài thơ: - Lời mở đầu bài thơ: Em sẽ kể anh nghe Chuyện con thuyền và biển: - Có người kể chuyện: Em, người nghe: Amh - Các nhân vật xuất hiện trong câu chuyện: Thuyền và biển - Câu chuyện có hình thức mở đầu, diễn biến, kết thúc gợi nhiều suy ngẫm. Câu 4. Thành phần chêm xen trong bài thơ được đặt trong ngoặc đơn: (Vì tình yêu muôn thuở Có bao giờ đứng yên) Tác dụng: Thành phần chêm xen giúp người đọc hiểu rõ hơn về bản chất của tình yêu: Tình yêu đích thực vốn dĩ không ằng lòng với những gì bằng phẳng, nhạt nhẽo, tầm thường mà luôn cồn cào những khát khao mãnh liệt, say đắm. Câu 5. Trong khổ thơ: Chỉ có thuyền mới hiểu Biển mênh mông nhường nào Chỉ có biển mới biết Thuyền đi đâu, về đâu Nhân vật trữ tình đã rút ra nhận thức từ câu chuyện về thuyền và biển: Trong quan hệ tình yêu, thuyền và biển có sự thấu hiểu lẫn nhau. Giống như tình yêu của con người vậy, đôi lứa yêu nhau sẽ có sự thấu hiểu về tình cảm, cảm xúc, nếp sống, nếp nghĩ, thói quen, sở thích.. của đối tượng mình yêu. Sự thấu hiểu này xuất phát từ tình yêu chân thành, sâu sắc. Câu 6. - Biện pháp tư từ điệp cấu trúc trong khổ thơ trên: Cấu trúc: Chỉ có.. mới được lặp lại hai lần. - Tác dụng: + Nhấn mạnh sự thấu tỏ về nhau của thuyền, biển, cũng là của đôi lứa trong tình yêu. + Thể hiện tình yêu chân thành, đắm say, mãnh liệt của đôi lứa yêu nhau. + Giúp lời thơ thêm sinh động, hấp dẫn, tăng tính nhạc. Câu 7. - Trong câu chuyện thuyền và biển, hai đối tượng này chính là một cặp tình nhân được đặt trong tương quan gắn bó, khăng khít. - Những cung bậc tình cảm đã được "người kể" soi rọi, khám phá: Niềm đam mê không giới hạn (Thuyền nghe lời biển khơi; Thuyền đi hoài không mỏi ), sự êm ả lắng sâu (Thầm thì gửi tâm tư; Quanh mạn thuyền sóng vỗ ), sự cồn cào, mãnh liệt (Cũng có khi vô cớ/Biển ào ạt xô thuyền ), sự nhớ thương khắc khoải (Những ngày không gặp nhau/Biển bạc đầu thương nhớ ), những nhớ thương giày vò (Những ngày không gặp nhau / Lòng thuyền đau - rạn vỡ, Biển chỉ còn sóng gió ).. Câu 8. Suy ngẫm về vấn đề "hiểu", "biết" và "gặp" trong tình yêu đôi lứa: - "Hiểu" và "biết" ở đây chỉ sự thấu hiểu, tỏ tường về nhau qua một quá trình không ngừng chia sẻ, tương tác. Còn "gặp" chính là sự sum vầy, quấn quýt, đối lập với sự cách xa, xa xôi, lạnh nhạt. - Sự tương tác, chia sẻ với nhau là vô cùng quan trọng để đôi lứa trong tình yêu có thể thấu hiểu nhau, từ đó có cách ứng xử phù hợp trong tình yêu. Nếu không có sự tương tác, chia sẻ, đôi lứa không thể có sự kết nối bền vững với đối phương, tình yêu không bền. Trong tình yêu, "gặp" để sum vầy, đoàn tụ là cần thiết, nhưng cũng có lúc, con người cần tạo khoảng cách trong tình yêu, đứng xa để nhìn nhận lại mối quan hệ, để hiểu hơn về giá trị của tình yêu khi xa cách và điều chỉnh để có những ứng xử đẹp hơn, nhân văn hơn. Xem tiếp bên dưới: Đề 2