Đọc hiểu Những người đi tới biển, Thanh Thảo: Chính mẹ đẻ anh hùng và truyền thuyết

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 21 Tháng năm 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề đọc hiểu: Những người đi tới biển - Thanh Thảo

    I. ĐỌC HIỂU

    Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

    chính mẹ đẻ anh hùng và truyền thuyết
    từ túp lều lợp lá lợp tranh
    cắt cuống nhau bằng lưỡi liềm
    bàn chân thô quanh năm bùn lấm chưa một lần ướm qua sử sách
    tập con bước vịn vào ca dao tục ngữ
    dù uống nước đâu lòng vẫn nhớ nguồn thương từ cái kiến con ong
    tím ruột bầm gan thù bọn ác.



    dân tộc tôi khi đứng dậy làm người
    là đứng theo dáng mẹ
    "đòn gánh tre chín dạn hai vai" mùa hạ gió Lào quăng quật
    mùa đông sắt se gió bấc
    dân tộc tôi khi đứng dậy làm người
    mồ hôi vã một trời sao trên đất
    trời sao lặn hóa thành muôn mạch nước
    chảy ầm ầm chảy dọc thời gian.


    (Trích Những người đi tới biển, Thanh Thảo, NXB Quân đội Nhân dân, 2004, tr. 53-54)

    Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích

    Câu 2. Chỉ ra những từ ngữ diễn tả đời sống nghèo khó, vất vả của người mẹ trong đoạn thơ:

    chính mẹ đẻ anh hùng và truyền thuyết từ túp lều lợp lá lợp tranh

    cắt cuống nhau bằng lưỡi liềm bàn chân thô quanh năm bùn lấm chưa một lần ướm qua sử sách

    Câu 3. Nêu nội dung của hai dòng thơ:

    tập con bước vịn vào ca dao tục ngữ dù uống nước đâu lòng vẫn nhớ nguồn

    Câu 4. Nhận xét về hình ảnh dân tộc Việt Nam được thể hiện trong đoạn trích.

    II. LÀM VĂN

    Câu 1. (2, 0 điểm) Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sức mạnh của tinh thần vượt khó trong cuộc sống.

    Câu 2. (5, 0 điểm)

    Cô Mị về làm dâu nhà Pá Tra đã mấy năm. Từ năm nào, cô không nhớ, cũng không ai nhớ. Những người nghèo ở Hồng Ngài thì vẫn còn kể lại câu chuyện Mị về làm người nhà quan thống lí. Ngày xưa, bố Mị lấy mẹ Mị không có đủ tiền cưới, phải đến vay nhà thống lí, bố của thống lí Pá Tra bây giờ. Mỗi năm đem nộp lãi cho chủ nợ một nương ngô. Đến tận khi hai vợ chồng về già rồi mà cũng chưa trả được nợ. Người vợ chết, cũng chưa trả hết nợ.

    Cho tới năm ấy Mị đã lớn, Mị là con gái đầu lòng. Thống lí Pá Tra đến bảo bố Mị:

    - Cho tao đứa con gái này về làm dâu thì tao xóa hết nợ cho.

    Ông lão nghĩ năm nào cũng phải trả một nương ngô cho người ta, thì tiếc ngô, nhưng cũng lại thương con quá. Ông chưa biết nói thế nào thì Mị bảo bố rằng:

    "Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu".

    Đến Tết năm ấy, Tết thì vui chơi, trai gái đánh pao, đánh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi chơi. Những nhà có con gái thì bố mẹ không thể ngủ được vì tiếng chó sủa. Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách. Trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị. Một đêm khuya, Mị nghe tiếng gõ vách. Tiếng gõ vách hò hẹn của người yêu. Mị hồi hộp lặng lẽ quơ tay lên thì gặp hai ngón tay lách vào khe gỗ, sờ một ngón thấy có đeo nhẫn. Người yêu của Mị thường đeo nhẫn ngón tay ấy. Mị bèn nhấc tấm vách gỗ. Một bàn tay dắt Mị bước ra. Mị vừa bước ra lập tức có mấy người choàng đến, nhét áo vào miệng Mị rồi bịt mắt, cõng Mị đi.

    [..] Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen khổ rồi. Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cách tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm, suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày.

    Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.

    (Trích "Vợ chồng A Phủ", Tô Hoài, SGK Ngữ Văn 12 tập 2, tr4-6, NXB Giáo Dục, 2017)

    Hãy phân tích đoạn trích trên. Từ đó nhận xét tư tưởng nhân đạo của Tô Hoài trong đoạn văn.

    Gợi ý làm bài

    I. ĐỌC HIỂU

    Câu 1: Thể thơ tự do

    Câu 2: Từ ngữ diễn tả đời sống nghèo khó của mẹ: Túp lều, lợp lá lợp tranh, lưỡi liềm, bàn chân thô, bùn lấm.

    Câu 3: Nội dung: Câu thơ như một lời nhắc nhở thế hệ sau phải biết giữ gìn truyền thống của dân tộc, biết ghi nhớ và biết ơn giá trị của dân tộc mình.

    Câu 4: Nhận xét hình ảnh dân tộc Việt Nam:

    - Con người Việt Nam phải sống trong muôn vàn khó khăn, vất vả.

    - Nhưng ở họ vẫn ngời sáng phẩm chất, tinh thần tốt đẹp: Lòng biết ơn, sự kiên cường, lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc.

    II. LÀM VĂN

    Câu 1: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sức mạnh của tinh thần vượt khó trong cuộc sống


    a) Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Học sinh có thể trình bày đoạn

    Văn theo cách diễn dịch, quy nạp, móc xích, song hành, tổng-phân-hợp.

    b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

    Về sức mạnh của tinh thần vượt khó trong cuộc sống.

    c) Triển khai vấn đề nghị luận: . Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách. Có thể theo hướng sau:

    - Giải thích: Tinh thần vượt khó có thể hiểu là thái độ sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách trong cuộc sống, không chùn bước khi gặp thất bại.

    - Ý nghĩa

    + Người có tinh thần vượt khó sẽ không dễ dàng buông xuôi khi gặp khó khăn. Họ sẽ tìm cách giải quyết vấn đề, biến nguy thành cơ, biến khó khăn thành động lực. Những người có tinh thần vượt khó luôn sẵn sàng đi tiếp, và điều đó sẽ mang lại những thành quả ngọt ngào sau bao nỗ lực và cố gắng.

    + Tinh thần vượt khó giúp con người tôi luyện các phẩm chất và những kỹ năng quan trọng như chăm chỉ, kiên nhẫn, lạc quan, sự tỉnh táo, khả năng tự lập và sự quyết đoán. Những kỹ năng này sẽ giúp chúng ta tự tin hơn khi đối mặt với những thử thách khó khăn trong cuộc sống.

    + Người có tinh thần vượt khó sẽ tạo được sự tin tưởng, là tấm gương sáng, truyền cảm hứng đến những người xung quanh.

    + Khi chúng ta có tinh thần tích cực, sẵn sàng chấp nhận những thử thách và không sợ thất bại, chúng ta sẽ có cơ hội để phát triển và trưởng thành hơn, giúp khám phá thêm những khả năng của bản thân.

    (dẫn chứng)

    - Phê phán, bác bỏ: Bên cạnh những người không ngừng nỗ lực, cố gắng khi gặp khó khăn thì vẫn còn nhiều người lười biếng, khi gặp khó khăn thì chùn bước, bỏ cuộc. Những người như vậy sẽ bỏ qua nhiều cơ hội tốt đẹp và sẽ thất bại.

    - Bài học nhận thức, hành động:

    + Cần nhận thức tinh thần vượt khó là một yếu tố quan trọng giúp con người trưởng thành, phát triển và đạt được mục tiêu của mình trong cuộc sống.

    + Cần rèn luyện cho bản thân một bản lĩnh can đảm để sẵn sàng đối diện với mọi khó khăn và thử thách của cuộc sống; cần có một mục tiêu rõ ràng và sự kiên trì để đạt được mục tiêu đó; cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết; cần có lòng quyết tâm và dũng cảm để đối mặt với những khó khăn và thử thách.

    d) Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, đặt câu.

    e) Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề

    Nghị luận.

    Câu 2: Phân tích đoạn trích trên. Từ đó nhận xét tư tưởng nhân đạo của Tô Hoài trong đoạn văn trên.

    a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

    Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

    b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

    Cuộc sống làm dâu dạt nợ của Mị ở nhà thống lý Pá Tra và nhận xét tư tưởng nhân đạo của Tô Hoài trong đoạn văn trên.

    b. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

    Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng ; đảm bảo các yêu cầu sau:

    * Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm và đoạn trích

    - Tô Hoài là một nhà văn lớn của văn học VN hiện đại, có vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng khác nhau của đất nước. Sáng tác của ông thiên về diễn tả sự thật đời thường; lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động của người từng trải, vốn từ vựng giàu có.

    - Vợ chồng A Phủ (1952) là kết quả của chuyến đi cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc. Đó là câu chuyện về cuộc sống cực nhục, tăm tối và qua trình những người dân lao động vùng cao Tây Bắc vùng lên tự giải phóng khỏi áp bức

    * Phân tích về đoạn văn

    - Nội dung

    + Cuộc sống của Mị trước khi làm dâu gạt nợ: Cô gái xinh đẹp, trẻ trung, có tài "Trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị"; Hiếu thảo, chăm chỉ, có lòng tự trọng, ý thức về quyền sống, nhân phẩm "con làm nương ngô giả nợ thay bố, bố đừng bán con cho nhà giàu" .

    + Nguyên nhân thành dâu gạt nợ: Cảnh ngộ gia đình, món nợ truyền kiếp Mị bị bắt về làm vợ ASử, trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí. Đó là nỗi oái oăm, đau đớn, cực nhục nhất của số phận Mị.

    + Cuộc sống làm dâu gạt nợ của Mị ở nhà thống lý Pá Tra: Bị bóc lột sức lao động, chiếm đoạt tuổi xuân, bị biến thành công cụ lao động với hàng loạt công việc "Mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Hái thuốc, giặt đay xe đay, đi nương bẻ ngô, hái củi.. bung ngô, quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, cõng nước..", Con ngựa con trâu làm còn có lúc nghỉ, đêm nó được đứng giã chân nhai cỏ, đàn bà con gái nhà nỳ thìvùi vào việc cả đêm, cả ngày. Bị chà đạp về tinh thần Căn buồng của Mị kín mít, chỉ có một chiếc cửa sổ nhỏ bằng bàn tay, lúc nào trông ra cũng thấy trăng trắng, không biết sương hay nắng gơi không gian chật hẹp, ngột ngạt, tù túng, Nó cách li tâm hồn Mị với thế giới bên ngoài, với cuộc đời, với khát vọng yêu. Bị tê liệt ý thức sống, chai sạn trước đau khổ, cam chịu kiếp ngựa trâu "Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi", mất dần những dấu hiệu sống của một con người: Không giao tiếp không cảm xúc và suy nghĩ mất luôn ý thức về sự tồn tại của chính mình, không hi vọng đổi thay. Mị tưởng mình cũng là trâu, là ngựa; Mỗi ngày Mị càng không nói, lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa" " " ngồi trong cái lỗ vuông ấy trông ra đến bao giờ chết thì thôi".

    - Nghệ thuật: Giọng điệu trần thuật linh hoạt (khách quan kể lại sự việc, thâm nhập vào dòng nội tâm nhân vật) ; nhiều biện pháp tu từ sử dụng hiệu quả; vài nét chân dung gây ám ảnh, những hành động liên tiếp lặp đi lặp lại cùng dòng tâm tư nhân vật, Tô Hoài đã khắc họa nổi bật cuộc đời làm dâu gạt nợ buồn đau tủi nhục, đắng cay của Mị.

    * Nhận xét về giá trị nhân đạo được nhà văn Tô Hoài gửi gắm qua đoạn trích.

    - Thấu hiều, đồng cảm với nỗi khổ đau mà con người phải gánh chịu (đồng cảm với thân phận làm dâu gạt nợ của Mị

    - Tố cáo hiện thực tăm tối, tàn bạo bất công của xã hội phong kiến miền núi.

    d. Chính tả, ngữ pháp

    Đảm bảo chuẩn ngữ pháp, chính tả tiếng Việt

    e. Sáng tạo

    Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ
     
    Tiên Nhi, Dana Lêchiqudoll thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng sáu 2024
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...