Đọc hiểu: Cái bát bị nứt - Ở Nhật Bản, khi một cái bát bị nứt vỡ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 18 Tháng năm 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc hiểu văn bản: Cái bát bị nứt

    Đọc đoạn trích:

    Ở Nhật Bản, khi một cái bát bị nứt vỡ, họ dùng vàng gắn lại những mảnh vỡ để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật mới.

    Người Nhật tin rằng, khi một thứ gì đó từng bị tổn thương và mang trong mình một lịch sử, nó sẽ đẹp hơn. Vì thế, thay vì vứt một cái bát vỡ đi, họ sẽ gắn lại những mảnh vỡ bằng vàng. Thay vì tìm cách che dấu đi những vết nứt vỡ, họ dùng vàng để làm chúng nổi bật lên như một cách để ca tụng và biến chúng thành điểm nhấn của cả chiếc bát.

    Con người cũng vậy. Tất cả những khó khăn, thương tổn bạn đã hoặc đang phải trải qua không làm cho bạn xấu xí hơn. Bạn có quyền lựa chọn để sơn lên những thương tổn ấy của mình một lớp vàng. Bạn hoàn toàn có thể vực mình dậy và rút ra bài học từ những vấp váp ấy để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

    Bạn hoàn toàn có thể tự hào về những vết sẹo từ những tổn thương của mình và nói rằng: "Hãy nhìn những gì tôi đã trải qua. Nhờ chúng mà tôi trở thành tôi của ngày hôm nay. Giờ không có gì là tôi không thể vượt qua."

    Không ai có một cuộc đời hoàn hảo. Nhưng ai cũng có thể lựa chọn để sơn vàng lên những mảnh vỡ của cuộc đời mình.


    (Nguồn Internet)​

    [​IMG]

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2. Theo đoạn trích, khi một chiếc bát bị nứt vỡ, người Nhật đã làm điều gì? Mục đích của việc làm đó?

    Câu 3. Chiếc bát nứt vỡ tượng trưng cho điều gì trong cuộc sống con người?

    Câu 4. Em hiểu phiên bản tốt hơn của chính mình nghĩa là như thế nào?

    Câu 5. Theo em, ý nghĩa tích cực của những khó khăn, thương tổn mà con người trải qua là gì?

    Câu 6. Trình bày suy nghĩ của em về điều nên làm để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

    Gợi ý đáp án:

    Câu 1.

    - Phong cách ngôn ngữ: Chính luận;

    - Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận.

    Câu 2.

    - Theo đoạn trích, khi một chiếc bát bị nứt vỡ, người Nhật đã dùng vàng gắn lại những mảnh vỡ.

    - Mục đích của việc làm đó: tạo thành một tác phẩm nghệ thuật mới, để ca tụng và biến chúng thành điểm nhấn của cả chiếc bát.

    Câu 3. Chiếc bát nứt vỡ tượng trưng cho những tổn thương, đổ vỡ, thất bại.. của con người trong cuộc sống.

    Câu 4. Em hiểu phiên bản tốt hơn của chính mình nghĩa là: Bản thân mình càng ngày càng hoàn thiện hơn, tốt hơn theo thời gian và sự trải nghiệm.


    Câu 5. Theo em, ý nghĩa tích cực của những khó khăn, thương tổn mà con người trải qua là:

    - Giúp con người có thêm kinh nghiệm, rút ra được bài học cho chặng đường tiếp theo;

    - Giúp con người được tôi luyện trở nên bản lĩnh, vững vàng hơn, có đủ khả năng đối diện với bất cứ những khó khăn, thương tổn khác.

    - Giúp con người biết trân quý cuộc sống, trân quý những điều tốt đẹp..

    Câu 6. Viết đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về điều nên làm để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.


    Ai cũng muốn trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, nghĩa là trở thành con người tốt hơn, hoàn thiện hơn của ngày hôm qua, hôm kia.. Nhưng làm thế nào để có thể tạo nên phiên bản mơ ước ấy? Đó là một thử thách. Thử thách này không dễ dàng gì, nhưng có quyết tâm, thì không gì là không thể. Để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, chính chúng ta phải nhận thức được tầm quan trọng của sự thay đổi và có những hành động, việc làm cụ thể để thực sự thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực. Nhận diện điểm yếu, nhận diện thói quen xấu để khắc phục, uốn nắn chính mình là bước thứ nhất. Bạn đang lười biếng, vậy phải vượt lười. Bạn đang yếu ngoại ngữ, vậy phải học hành chăm chỉ. Bạn dễ nóng giận, phải kìm bớt dây cương cảm xúc lại.. Nhận diện điểm yếu phải đi cùng phương thức, hành động loại bỏ dần điểm yếu, phải có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng cho lộ trình làm mới bản thân. Tiếp đó là phải quyết tâm đạt được kế hoạch đó bằng nghị lực phi thường. Loại bỏ điểm yếu rất cần song hành cùng học tập, trải nghiệm những điều mới mẻ, hữu ích. Vượt qua nỗi sợ, dám dấn thân, dám mạo hiểm để làm những điều mà bạn muốn làm, không sớm thì muộn, bạn sẽ tạo nên kì tích. Nick Vujiic đã từng có thời gian khủng hoảng về thân hình của mình nhưng anh vẫn vượt lên những mặc cảm ấy để trở thành diễn giả truyền cảm hứng tích cực cho hàng triệu triệu người trên thế giới. Chúng ta cũng vậy, ai cũng đều có khả năng trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình ngày hôm qua. Vậy mỗi người hãy xác định phiên bản mà mình mong muốn và quyết tâm bằng mọi cách trở thành phiên bản ấy.
     
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng năm 2023
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...