Đọc hiểu Bảo kính cảnh giới 26 - Nguyễn Trãi - Văn 10 trắc nghiệm kết hợp tự luận

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 4 Tháng ba 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc hiểu: Bảo kính cảnh giới 26 - Nguyễn Trãi

    Đọc văn bản sau:
    Trong tạo hoá có cơ mầu,
    Hay đủ hay dừng, mới kẻo âu.
    Nước biếc non xanh, thuyền gối bãi,
    Đêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu.
    Chén châm rượu đục ngày ngày cạn,
    Túi quảy thơ nhàn chốn chốn thâu.
    Kham hạ Nghiêm Quang từ chẳng đến,
    Đồng Giang được nấn một đài câu.

    (Nguồn: WWW. nomfoundation.org)

    Chú thích:
    cơ mầu: ý trời (thiên cơ)
    hay đủ hay dừng: biết đủ, biết dừng
    kẻo âu: không phải lo âu
    châm rượu: rót rượu
    quảy thơ: gánh thơ
    thâu: thu lại, gom lại
    kham: có thể, hạ: cúi mình, "chịu, chịu làm phận dưới"
    Nghiêm Quang (Trung Quốc): được bạn hiền là vua Lưu Tú vời ra làm quan, nhưng vốn không ham danh lợi nên chọn ở núi Phú Xuân cày cấy câu cá.
    từ: từ chối
    Đồng Giang: tên sông, nơi ẩn sĩ Nghiêm Quang câu cá, trốn đời.
    nấn một đài câu: nấn ná ở lại quê nhà câu cá.

    Xem tiếp các bài đọc hiểu khác về thơ văn Nguyễn Trãi tại đây: Ôn Tập Đọc Hiểu Thơ Văn Nguyễn Trãi

    [​IMG]

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.

    Câu 2. Nêu bố cục và khái quát nội dung từng phần của bài thơ.

    Câu 3. Bức tranh thiên nhiên hiện lên trong hai câu thực là bức tranh như thế nào?

    Câu 4. Điển tích được nhắc đến trong bài thơ là điển tích nào? Nêu tác dụng của việc dẫn điển tích đó.

    Câu 5. Nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong bài thơ trên.

    Câu 6. Theo em ý nghĩa khuyên răn của bài thơ thể hiện như thế nào?

    Câu 7. Em có đồng tình với quan niệm "Hay đủ hay dừng" của Nguyễn Trãi thể hiện trong bài thơ trên không? Vì sao?

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. Thể thơ của văn bản: Thơ Nôm Đường luật thất ngôn xen lục ngôn

    Câu 2. Bố cục và khái quát nội dung từng phần của bài thơ:

    - Hai câu đề: Quan niệm sống "biết đủ biết dừng" của Nguyễn Trãi;

    - Hai câu thực: Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên quê nhà

    - Hai câu luận: Những thú vui thanh cao của Nguyễn Trãi

    - Hai câu kết: Ý nguyện học theo người xưa: Ở ẩn, lánh đục khơi trong.

    Câu 3. Bức tranh thiên nhiên hiện lên trong hai câu thực:

    Nước biếc non xanh, thuyền gối bãi,

    Đêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu.


    Là bức tranh thiên nhiên đẹp, thơ mộng: Có nước biếc, non xanh, con thuyền gối mũi lên bãi cát (bãi cỏ) ; đêm trong, trăng sáng..

    Câu 4. Điển tích được nhắc đến trong bài thơ là điển tích Nghiêm Quang - người Trung Quốc, được bạn hiền là vua Lưu Tú vời ra làm quan, nhưng vốn không ham danh lợi nên chọn ở núi Phú Xuân cày cấy câu cá.

    Tác dụng của việc dẫn điển tích:

    - Thể hiện Nguyễn Trãi là người học rộng, biết nhiều, đọc hiểu sách vở thánh hiền;

    - Nhấn mạnh lẽ sống mà Nguyễn Trãi lựa chọn: Học theo người xưa, tìm về với nơi điền viên thôn dã để di dưỡng tinh thần, tránh xa danh lợi.

    - Tạo độ hàm súc cho lời thơ.

    Câu 5. Nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong bài thơ:

    - Tâm hồn Nguyễn Trãi yêu thiên nhiên, gắn bó với cảnh sắc quê nhà;

    - Tâm hồn Nguyễn Trãi thanh cao, không màng danh lợi, biết đủ biết dừng, lánh đục khơi trong;

    - Tâm hồn Nguyễn Trãi bản lĩnh, cứng cỏi, sáng suốt trong sự lựa chọn lối sống.

    Câu 6. Theo em ý nghĩa khuyên răn của bài thơ trên là: Nguyễn Trãi khuyên mình, khuyên người sống biết đủ, biết dừng, không nên tham lam; sống gắn bó với thiên nhiên, chọn cho mình lối sống thanh đạm với những thú vui thanh cao, tao nhã.

    Câu 7. Em có đồng tình với quan niệm "Hay đủ hay dừng" của Nguyễn Trãi thể hiện trong bài thơ trên. Vì: Đó là lối sống mang lại sự bình yên, thanh thản cho tâm hồn; giúp con người biết dừng lại trước cám dỗ, không sinh lòng tham mà làm những điều trái với đạo lí, pháp lí; giúp con người không phải đối diện với hiểm nguy bởi những bon chen, sát phạt của những kẻ xấu..

    (Nếu không đồng tình có thể lí giải: Con người sống phải luôn luôn phấn đấu, không nên bằng lòng với những gì mình có, như vậy mới phát huy hết khả năng của bản thân. Dừng lại trong vùng an toàn sẽ kìm hãm con người phát triển).

    Xem thêm bên dưới: Phần trắc nghiệm
     
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tư 2023
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc văn bản sau:

    Trong tạo hóa có cơ mầu,

    Hay đủ hay dừng, mới kẻo âu.

    Nước biếc non xanh, thuyền gối bãi,

    Đêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu.

    Chén châm rượu đục ngày ngày cạn,

    Túi quảy thơ nhàn chốn chốn thâu.

    Kham hạ Nghiêm Quang từ chẳng đến,

    Đồng Giang được nấn một đài câu.


    (Nguồn: WWW . Nomfoundation.org)

    Chọn đáp án đúng:

    Câu 1. Văn bản trên cùng thể thơ với bài thơ nào sau đây?

    A. Gương báu khuyên răn 43 (Nguyễn Trãi)

    B. Tỏ lòng (Phạm Ngũ Lão)

    C. Đất nước (Nguyễn Đình Thi)

    D. Mùa hoa mận (Chu Thùy Liên)

    Câu 2. Đặc điểm gieo vần trong bài thơ trên là:

    A. Gieo vần bằng, độc vận, cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8

    B. Gieo vần trắc, độc vận, cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8

    C. Gieo vần chân cuối câu lục, vần lưng giữa câu thất

    D. Bài thơ gieo nhiều vần khác nhau, ở cuối các câu từ 1 - đến 8

    Câu 3. Phép đối xuất hiện trong những câu thơ nào?

    A. Hai câu đề

    B. Hai câu thực

    C. Hai câu thực và hai câu luận

    D. Hai câu thực và hai câu kết

    Câu 4. Những hình ảnh biểu đạt cuộc sống thôn quê thanh đạm, bình dị của Nguyễn Trãi là:

    A. Tạo hóa, cơ mầu, nước biếc, non xanh

    B. Ao quang, đất bụi, bè muống, mảnh mùng

    C. Nước biếc, non xanh, thuyền gối bãi, đêm thanh, nguyệt bạc

    D. Ao quang, đất bụi, Nghiêm Quang, Đồng Giang, đài câu

    Câu 5. Nội dung hai câu đề hiểu như nào cho đúng?

    A. Cơ nghiệp của con người là do trời cho, biết đủ, biết dừng mới hợp đạo

    B. Sống thuận đạo trời, biết đủ, biết dừng sẽ không phải lo lắng

    C. Sống phải biết khám phá cái mới, không nên lo lắng mà dừng giữa chừng

    D. Sống mà chỉ biết đủ, biết dừng thì sẽ chỉ chuốc lấy âu lo.

    Câu 6. Bức tranh thiên nhiên trong hai câu thực là bức tranh như thế nào?

    A. Bức tranh đậm màu sắc cổ điển, gợi buồn

    B. Bức tranh có những gam màu tương phản gay gắt

    C. Bức tranh thiên nhiên kì thú, đậm màu sắc phương xa xứ lạ

    D. Bức tranh thiên nhiên đẹp, thơ mộng, yên bình.

    Câu 7. Trong hai câu luận, Nguyễn Trãi hiện lên với những thú vui gì?

    A. Thú uống rượu

    B. Thú làm thơ

    C. Thú vẽ tranh, chơi cờ

    D. Thú uống rượu, làm thơ

    Câu 8. Thú vui của Nguyễn Trãi trong hai câu luận là thú vui như thế nào?

    A. Giản dị, thanh cao, tao nhã

    B. Thú vui cao quý của các bậc hiền quân

    C. Thú vui nhàn tản, giết thời gian

    D. Thú vui khó thực hiện, chỉ dành cho những người ở ẩn.

    Câu 9. Ý nghĩa của việc dẫn điển tích trong hai câu kết:

    A. Giúp cho bài thơ thêm sinh động

    B. Tạo độ hàm súc cho lời thơ, khẳng định lối sống ẩn dật mà Nguyễn Trãi học được từ tiền nhân

    C. Tạo sự cân xứng hài hòa cho lời thơ, ca ngợi lối sống ẩn dật của người xưa (Nghiêm Quang)

    D. Giúp người đọc hiểu thêm về Nghiêm Quang.

    Câu 10. Chủ đề của bài thơ là:

    A. Ngợi ca vẻ đẹp nhân cách của tiền bối Nghiêm Quang: Không ham danh lợi, ẩn dật chốn quê nhà câu cá làm thơ

    B. Ngợi ca vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Trãi: Giản dị thanh cao, yêu thiên nhiên, không màng danh lợi

    C. Ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên nơi điền viên thôn dã

    D. Ca ngợi những thú vui thanh nhàn của Nguyễn Trãi

    Gợi ý:

    Câu 1. A. Gương báu khuyên răn 43 (Nguyễn Trãi)

    Câu 2. A. Gieo vần bằng, độc vận, cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8

    Câu 3. C. Hai câu thực và hai câu luận

    Câu 4. C. Nước biếc, non xanh, thuyền gối bãi, đêm thanh, nguyệt bạc

    Câu 5. B. Sống thuận đạo trời, biết đủ, biết dừng sẽ không phải lo lắng

    Câu 6. D. Bức tranh thiên nhiên đẹp, thơ mộng, yên bình.

    Câu 7. D. Thú uống rượu, làm thơ

    Câu 8. A. Giản dị, thanh cao, tao nhã

    Câu 9. B. Tạo độ hàm súc cho lời thơ, khẳng định lối sống ẩn dật mà Nguyễn Trãi học được từ tiền nhân

    Câu 10. B. Ngợi ca vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Trãi: Giản dị thanh cao, yêu thiên nhiên, không màng danh lợi
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng tư 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...