Đọc hiểu bài thơ: Con cò lặn lội bờ sông Lam lũ nuôi chồng, nuôi cả đàn con Tháng năm thân mẹ hao mòn Sớm khuya vất vả, héo hon khô gầy. Cho con cuộc sống hàng ngày Dạy con khôn lớn dựng xây cuộc đời Lẽ thường nước mắt chảy xuôi.. Vu lan nhớ mẹ, con ngồi lệ tuôn. Biển khơi, nhờ có nước nguồn Phận con chưa kịp đền ơn cao dầy Tâm nhang, thấu tận trời mây Cầu hương linh mẹ, tháng ngày thảnh thơi. Cửu tuyền, mẹ hãy ngậm cười Cha sinh, mẹ dưỡng, một đời tri ân. (Mẹ tôi - Phạm Văn Ngoạn) Xác định thể thơ của bài thơ trên: Thể thơ lục bát. Phương thức biểu đạt trong bài thơ: Biểu cảm, tự sự, miêu tả. Nhân vật chính trong bài thơ là ai? Nhân vật chính trong bài thơ là mẹ. Xác định biện pháp tu từ trong bài thơ trên và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó: Biện pháp ẩn dụ giúp thể hiện hình ảnh, hình tượng một cách sinh động hơn. Hình ảnh ẩn dụ chỉ người mẹ: Hình ảnh con cò là ẩn dụ của người mẹ. Hình ảnh "Con cò lặn lội bờ sông" nói lên điều gì? Hình ảnh "Con cò lặn lội bờ sông" thể hiện những khó khăn, nhọc nhằn, vất vả của người mẹ tuy nhỏ bé, yếu đuối nhưng vẫn cố hết sức trên con đường mưu sinh, nuôi nấng con nên người. Các từ láy trong bài thơ: Lặn lội, lam lũ, vất vả, héo hon, thảnh thơi. Tác dụng của yếu tố tự sự trong bài thơ trên: Những câu thơ tự sự vừa kể ra những công ơn của mẹ đối với con, vừa chứa đựng cả sự biết ơn của con đối với mẹ, thể hiện sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Các từ ngữ: "Hao mòn", "héo hon", "khô gầy" trong bài thơ có tác dụng gì? Những từ ngữ gợi tả, nêu lên sự vất vả của mẹ, vất vả cả về thể xác, sức khoẻ, cả về tinh thần, lo toan cho con, hy sinh những năm tháng tuổi trẻ có sức khoẻ nhất, giá trị nhất của cuộc đời để nuôi nấng, chăm lo cho con. Nêu nội dung chính của bài thơ: Bài thơ nói về người mẹ vất vả, đã hy sinh tất cả vì con, là nỗi niềm của tác giả khi nói về nỗi nhọc nhằn, gian lao của người mẹ kính yêu đã nuôi dưỡng mình. Từ nội dung bài thơ, em có cách ứng xử thế nào với cha mẹ mình? Cha mẹ là người đã sinh thành ra chúng ta, vì vậy bản thân chúng ta phải biết yêu thương, hiếu thảo với cha mẹ. Con lớn lên phải biết báo đáp công lao, tình cảm của cha mẹ dành cho mình. Theo em, con cái cần phải làm gì để thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ? Con cái cần lễ phép với cha mẹ, biết phụ giúp cha mẹ, khi còn nhỏ cần học hành thật chăm chỉ, lớn lên có thể chăm sóc tốt cho cha mẹ. Theo em, thông điệp tác giả muốn gửi gắm qua bài thơ là gì? Thông điệp ý nghĩa nhất chính là: Cha mẹ luôn luôn muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Vì con mà cha mẹ không ngại khó, ngại khổ, hy sinh rất nhiều. Người làm con phải biết yêu thương cha mẹ, cố gắng báo đáp, dành cho cha mẹ những gì tốt đẹp nhất, giống như cha mẹ đã dành cho chúng ta. Đó là tình cảm gia đình thiêng liêng, không gì có thể sánh được. * * * - Nâng cao: Cảm nhận về bài thơ Mẹ tôi của Phạm Văn Ngoạn - Liên hệ: Thơ lục bát về mẹ - Dẫn chứng mở rộng: Thơ về mẹ của tác giả nổi tiếng
Cảm nhận về bài thơ Mẹ tôi của Phạm Văn Ngoạn Trong cuộc sống, có lẽ tình mẹ là thiêng liêng nhất, vĩ đại nhất trong tim mỗi người con. Lời thơ xúc động, chân thành của Phạm Văn Ngoạn trong "Mẹ tôi" đã khơi gợi lên trong tâm thức mỗi người con một hình bóng mẹ dấu yêu. Mẹ đã cả đời hi sinh vì con. Mẹ đã nuôi con lớn bằng chính dòng sữa ngọt ngào của tình mẹ. Mẹ đã lam lũ, vất vả, héo hon, cả đời tần tảo vì con vì chồng. Mẹ thức khuya dậy sớm, mẹ tảo tần với vườn rau, đàn gà. Mẹ sắm quần áo mới cho con một năm đến vài lần nhưng mẹ thì năm này qua năm khác vẫn chiếc áo bạc màu, sờn vai. Mẹ chăm con từ miếng ăn đến giấc ngủ. Mẹ dạy con từ kiến thức trường học đến kỹ năng trường đời. Con khôn lớn, dựng xây cuộc đời, hạnh phúc ấm êm là nhờ công mẹ nuôi lớn dạy khôn. Mỗi mùa Vu Lan, con càng nhớ đến mẹ nhiều hơn, hình ảnh mẹ với áo nâu sờn vai trong suốt những tháng năm tuổi nhỏ. Dù mẹ đã khuất xa nhưng trong sâu thẳm trái tim người con vẫn khắc sâu hình bóng mẹ. Một đời tri ân công cha sinh, mẹ dưỡng bao nhiêu cho đủ! Bài thơ ca ngợi công sinh thành, dưỡng dục của mẹ với con, nhắc nhở mỗi người về đạo làm con, hãy luôn khắc ghi công ơn trời biển của cha mẹ, hãy luôn sống trọn chữ hiếu với bậc sinh thành. Bài thơ cũng là lời nhắn nhủ đến những ai còn có cha mẹ: Hãy ở bên cạnh cha mẹ, trân trọng tình cảm gia đình, nâng niu tổ ấm đang có.
Thơ về mẹ của tác giả nổi tiếng (sử dụng để liên hệ, làm dẫn chứng mở rộng) : Mẹ Ốm Tác giả: Trần Đăng Khoa Mọi hôm mẹ thích vui chơi Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu Lá trầu khô giữa cơi trầu Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay Cánh màn khép lỏng cả ngày Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa Nắng mưa từ những ngày xưa Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan Khắp người đau buốt, nóng ran Mẹ ơi ! Cô bác xóm làng đến thăm Người cho trứng, người cho cam Và anh y sĩ đã mang thuốc vào Sáng nay trời đổ mưa rào Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương Cả đời đi gió đi sương Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi Mẹ vui, con có quản gì Ngâm thơ kể chuyện rồi thì múa ca Rồi con diễn kịch giữa nhà Một mình con sắm cả ba vai chèo Vì con, mẹ khổ đủ điều Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn Con mong mẹ khỏe dần dần Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say Rồi ra đọc sách, cấy cày Mẹ là đất nước, tháng ngày của con. Bầm Ơi! Tác giả: Tố Hữu Ai về thăm mẹ quê ta Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm... Bầm ơi có rét không bầm! Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn Bầm ra ruộng cấy bầm run Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non Mạ non bầm cấy mấy đon Ruột gan bầm lại thương con mấy lần. Mưa phùn ướt áo tứ thân Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu! Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe! Con đi trăm núi ngàn khe Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm Con đi đánh giặc mười năm Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi. Con ra tiền tuyến xa xôi Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền. Nhớ thương con bầm yên tâm nhé Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân. Con đi xa cũng như gần Anh em đồng chí quây quần là con. Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí Bầm quý con, bầm quý anh em. Bầm ơi, liền khúc ruột mềm Có con có mẹ, còn thêm đồng bào Con đi mỗi bước gian lao Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm! Bao bà cụ từ tâm như mẹ Yêu quý con như đẻ con ra. Cho con nào áo nào quà Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi. Con đi, con lớn lên rồi Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con! Nhớ con, bầm nhé đừng buồn Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm. Mẹ già tóc bạc hoa râm Chiều nay chắc cụng nghe thầm tiếng con... Mẹ Tôi Tác giả: Nguyễn Trọng Tạo Mẹ tôi dòng dõi nhà quê Trầu cau thừ thuở chưa về làm dâu Áo sồi nâu, mấn bùn nâu Trắng trong dải yếm bắc cầu nên duyên Cha tôi chẳng đỗ trạng nguyên Ông đồ hay chữ thường quên việc nhà Mẹ tôi chẳng tiếng kêu ca Hai tay đồng áng lợn gà nồi niêu Chồng con duyên phận phải chiều Ca dao ru lúa câu Kiều ru con Gái trai bảy đứa vuông tròn Chiến tranh mình mẹ ngóng con, thờ chồng Bây giờ phố chật người đông Đứa nam đứa bắc nâu sồng mẹ thăm Tuổi già đi lại khó khăn Thương con nhớ cháu đêm nằm chẳng yên Mẹ tôi tóc bạc răng đen Nhớ thương xanh thắm một miền nhà quê. Con Cò Tác giả: Chế Lan Viên Con còn bế trên tay Con chưa biết con cò Nhưng trong lời mẹ hát Có cánh cò đang bay: "Con cò bay la Con cò bay lả Con cò Cổng Phủ Con cò Đồng Đăng..." Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ "Con cò ăn đêm Con cò xa tổ Cò gặp cành mềm Cò sợ xáo măng..." Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân Con chưa biết con cò con vạc Con chưa biết những cành mềm mẹ hát Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên Cho cò trắng đến làm quen Cò đứng ở quanh nôi Rồi cò vào trong tổ Con ngủ yên thì cò cũng ngủ Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi Mai khôn lớn, con theo cò đi học Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân Lớn lên, lớn lên, lớn lên... Con làm gì? Con làm thi sĩ Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ Trước hiên nhà Và trong hơi mát câu văn Dù ở gần con Dù ở xa con Lên rừng xuống bể Cò sẽ tìm con Cò mãi yêu con Con dù lớn vẫn là con của mẹ Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con À ơi! Một con cò thôi Con cò mẹ hát Cũng là cuộc đời Vỗ cánh qua nôi Ngủ đi, ngủ đi! Cho cánh cò, cánh vạc Cho cả sắc trời Đến hát Quanh nôi.