Đọc hiểu bài thơ: Mẹ - Nguyễn Ngọc Oánh - Cành bàng thả lá heo may

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 5 Tháng một 2024.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    Đọc văn bản sau:

    Mẹ - Nguyễn Ngọc Oánh

    Cành bàng thả lá heo may

    Mẹ gầy, cái dáng khô gầy cành tre

    Gót chai nứt nẻ đông hè

    Ruộng sâu bấm mãi đã tòe ngón chân

    Mẹ ngồi vá áo trước sân

    Vá bao mong ước, tay sần mũi kim

    Bát canh đắng, lá chân chim

    Lẫn vài con tép Mẹ tìm dành con

    Co ro một mảnh chăn mòn

    Tàn đêm giấc ngủ hãy còn ngoài chăn

    Mẹ gom giẻ rách, giấy manh

    Mặc đôi quang thủng giữ lành tiếng rao

    Áo nâu phơi vẹo bờ rào

    Cái phận đã bạc còn cào phải gai

    Quả cà cõng mấy củ khoai

    Con thút thít, Mẹ nghẹn hai ba lần

    Tối về đến lớp bình dân

    I tờ nhặt được đôi vần lại rơi

    Cha con trời gọi về trời

    Chái nhà mưa dột, ướt lời ru thương

    Tiễn con ra chốn chiến trường

    Gạt thầm nước mắt mong đường con khô

    Hai tay hết sẻ lại cho

    Còn phần Mẹ - một thân cò qua sông..

    (Mẹ - 1994, Nguyễn Ngọc Oánh)​

    Chú thích:

    1. Tác giả Nguyễn Ngọc Oánh.

    - Nguyễn Ngọc Oánh sinh ngày 13/8/1937, quê tại Quỳnh Bá, Quỳnh Lưu, Nghệ An, hiện thường trú tại Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Hội viên hội nhà văn Việt Nam từ năm 1996.

    - Ông có sở trường về thơ ngắn. Những bài tứ tuyệt, thơ hai câu và thơ lục bát của ông viết nhiều và khá thành công. Thơ ông không cầu kỳ khó hiểu mà vẫn sâu đậm chất triết lý dân dã trong trẻo, chất tình tứ của hội làng; đằm thắm nét truyền thống và bộn bề cốt cách hiện đại.

    - Cái độc đáo thơ ông không nằm ở sự cầu kỳ câu chữ, hay trong những ý tưởng tìm tòi bí hiểm, mà nằm ở chính những rung động trong cuộc sống thường ngày.

    [​IMG]

    2. Bài thơ Mẹ

    Bài thơ in trong tập "100 bài thơ hay nhất Việt thế kỷ XX" do Trung tâm Văn hóa doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo Dục phối hợp tổ chức bình chọn.

    Trả lời những câu hỏi sau:

    Câu 1. Hình dáng người mẹ trong bài thơ được miêu tả qua câu thơ nào?

    - Hình dáng người mẹ trong bài thơ được miêu tả qua câu thơ:

    "Mẹ gầy, cái dáng khô gầy cành tre"

    Câu 2. Bài thơ được viết theo thể thơ nào? Việc tác dụng sử dụng thể thơ đó có tác dụng gì?


    - Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát.

    - Tác dụng: Tạo nhịp điệu uyển chuyển, nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người; Thể hiện được tình cảm yêu thương mà tác giả dành cho mẹ.

    Câu 3. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau:

    "Bát canh đắng, lá chân chim

    Lẫn vài con tép, Mẹ tìm dành con"


    - Biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ trên là biện pháp liệt kê.

    Câu 4. Nêu một thông điệp của bài thơ có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao?

    - Bài thơ mang đến cho tôi một thông điệp rất ý nghĩa đó là hãy quan tâm lo lắng cho mẹ, thấu hiểu những vất vả của mẹ. Mẹ là người phụ nữ vĩ đại nhất trong cuộc đời mỗi người. Mẹ là người đã sinh ra, nuôi dưỡng, dạy dỗ ta nên người. Mẹ đã dành cả cuộc đời của mình để lo lắng, chăm sóc cho ta. Biết quan tâm lo lắng cho mẹ, thấu hiểu những vất vả của mẹ là một thông điệp vô cùng ý nghĩa. Thông điệp này nhắc nhở chúng ta phải biết trân trọng, yêu thương mẹ của mình. Mẹ đã phải trải qua rất nhiều vất vả để có thể nuôi dạy chúng ta. Mẹ phải lo toan cho cuộc sống gia đình, phải chăm sóc cho con cái, phải làm việc quần quật để kiếm tiền. Mẹ đã phải hy sinh rất nhiều cho chúng ta, không biết mệt mỏi, không biết than thở. Vì vậy, chúng ta cần phải biết quan tâm, lo lắng cho mẹ. Chúng ta cần phải yêu thương mẹ, luôn ở bên cạnh mẹ, giúp đỡ mẹ những lúc cần thiết. Chúng ta cần phải thấu hiểu những vất vả của mẹ, biết trân trọng những gì mẹ đã làm cho chúng ta.

    Câu 5. Qua bài thơ, anh/chị hiểu gì về tình cảm tác giả dành cho mẹ?

    - Tình cảm tác giả dành cho mẹ:

    + Tình yêu thương, lòng biết ơn chân thành, sự kính phục dành cho tất cả những hi sinh vất vả của mẹ.

    + Thể hiện niềm tự hào sâu sắc về mẹ.

    Câu 6. Anh/chị hiểu như thế nào về hai câu thơ:

    "Hai tay hết sẻ lại cho

    Còn phần Mẹ - một thân cò qua sông"


    - Hai câu thơ trên bộc lộ tâm tư sâu kín:

    - "Hai tay hết sẻ lại cho" đã khái quát chân thực phẩm chất cao đẹp của mẹ: Nhân hậu, vị tha, suốt đời hy sinh (cho con, cho gia đình, cho đất nước).

    - ".. một thân cò qua sông" càng làm sáng đẹp hơn cuộc đời tần tảo, thầm lặng hy sinh của mẹ.

    => Qua đó, ta thấy ở nhà thơ tấm lòng yêu thương, biết ơn mẹ chân thành, sâu sắc cùng niềm hạnh phúc vì có mẹ trên đời.

    Câu 7. Từ ý nghĩa bài thơ, anh/chị có suy nghĩ gì về những điều con cái cần làm để thể hiện lòng hiếu thảo đối với cha mẹ.

    - Những điều con cái cần làm để thể hiện lòng hiếu thảo đối với cha mẹ:

    + Tôn trọng cha mẹ: Tôn trọng cha mẹ là biểu hiện cao nhất của lòng hiếu thảo. Con cái cần kính trọng cha mẹ về cả nhân cách, đạo đức, lối sống. Con cái cần nghe lời cha mẹ, tôn trọng ý kiến của cha mẹ, không được cãi lời, đối xử thô lỗ với cha mẹ.

    + Yêu thương cha mẹ: Yêu thương cha mẹ là biểu hiện của lòng hiếu thảo. Con cái cần yêu thương cha mẹ bằng cả trái tim, luôn quan tâm, chăm sóc cha mẹ, sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân để cha mẹ được vui vẻ, hạnh phúc.

    + Giúp đỡ cha mẹ: Giúp đỡ cha mẹ là biểu hiện cụ thể của lòng hiếu thảo. Con cái cần giúp đỡ cha mẹ những công việc nhà, những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống, giúp cha mẹ giảm bớt gánh nặng.

    + Chăm sóc cha mẹ khi ốm đau, già yếu: Khi cha mẹ ốm đau, già yếu, con cái cần hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, giúp cha mẹ có cuộc sống an nhàn, hạnh phúc.

    + Vâng lời cha mẹ, tránh xa những thói hư tật xấu ngoài xã hội.

    + Học tập, rèn luyện thành tài để cha mẹ tự hào.

    Câu 8. Nêu suy nghĩ của anh/chị về niềm hạnh phúc khi ta có mẹ.

    - Trong rất nhiều quan niệm về hạnh phúc, chúng ta không thể phủ định: Hạnh phúc là khi còn mẹ ở bên.

    - Mẹ cho ta một cuộc đời; là người yêu thương con vô điều kiện, vô thời hạn: Bao dung, thấu hiểu, chia sẻ, hi sinh..

    - Khi vui, buồn; thành công, thất bại; khi mệt mỏi giữa cuộc đời luôn có vòng tay mẹ chở che.

    - Hãy biết trân trọng hạnh phúc vô giá mà mình đang có: Yêu thương, thấu hiểu, hiếu thảo với cha mẹ khi cha mẹ đang còn.

    Câu 9: Phân tích, đánh giá nội dung, nghệ thuật bài thơ "Mẹ" của Nguyễn Ngọc Oánh.

    + Về nội dung: Bài thơ phác họa chân thực, sinh động bức chân dung người mẹ nông dân: Nghèo khổ lam lũ, vất vả cực nhọc; tình yêu thương sâu nặng, bao ước mong tốt đẹp cho con (mẹ gửi gắm, chăm chút trong từng đường kim, mũi chỉ, miếng ăn, giấc ngủ) ; mẹ luôn nhận về mình nỗi buồn đau, thua thiệt, sự cô đơn, thiếu thốn.. Người con thấu hiểu, biết ơn trân trọng người mẹ nhân hậu, vị tha, bao dung, hi sinh thầm lặng suốt đời của mẹ.

    + Về nghệ thuật: Bài thơ có những nét đặc sắc về nghệ thuật như: Thể thơ lục bát; thi liệu, hình ảnh thơ gần gũi, quen thuộc mà giàu sức gợi; Sử dụng nhiều biện pháp tu từ; giọng điệu tha thiết, lắng sâu, buồn thương..
     
    AdminLieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...