Viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ về sức ảnh hưởng của tính đố kị trong con người. Các bước làm bài 1. Xác định đề. - Gạch chân từ khóa (đoạn văn ngắn, suy nghĩ, sức ảnh hưởng, tính đố kị) - Xác định khía cạnh cần bàn luận, trọng tâm bài viết (sức ảnh hưởng - tiêu cực) - Xác định đối tượng, phạm vi bàn luận (tính đố kị trong con người) 2. Dàn ý. - Câu chủ đề: Giới thiệu vấn đề, khẳng định tính chất (đúng/ sai) của vấn đề. (Tính đố kị có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với con người) - Giải thích vấn đề: Nêu khái niệm hoặc biểu hiện của vấn đề. (Sự đố kị là thói ganh đua, ghen ghét không vui khi người khác đạt được, có được những thành tựu hơn mình. - Bàn luận vấn đề: Vấn đề ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực thế nào đến bản thân, gia đình và xã hội? · Ảnh hưởng sức khỏe · Phá hoại mối quan hệ của con người · Không có thời gian tận hưởng và nhìn nhận cuộc sống (Dẫn chứng: Truyện cổ tích, cuộc sống) - Bàn luận phản đề: Nếu không có vấn đề ấy thì bản thân, gia đình và xã hội sẽ như thế nào? (Nếu không có tính đố kị, mọi người sẽ thân thiện, tốt bụng) - Bài học và thông điệp: Chúng ta cần làm gì để phát huy mặt tích cực/ hạn chế mặt tiêu cực của vấn đề. (Phải sống là chính mình, tự đánh giá và nỗ lực hết mình) 3. Viết bài. (Bám sát dàn ý đã viết) 4. Soát lại bài. (Kiểm tra lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, cách dùng từ) Bài làm Phật pháp thánh hiền muôn đời đã dạy: "Ghen ăn tức ở muôn đời khổ, yêu thương nhường nhịn vạn kiếp vui.". Chân lí ấy hoàn toàn đúng đắn. Ấy vậy mà trên đời vẫn có nhiều người sa lầy trong thói đố kị nhỏ nhen để rồi gây ra và tự mình gánh chịu những hậu quả nặng nề. Sự đố kị là thói ganh đua, ghen ghét không vui khi người khác đạt được, có được những thành tựu hơn mình. Nó bắt nguồn từ thói hư vinh và lòng tham không đáy của con người, có đôi khi, sự đố kị lại được gieo trồng và tự nảy mầm từ chính sự tự ti, mặc cảm của con người. Ngay trong những câu chuyện cổ tích ta thường được kể, những nhân vật phản diện như hai cô chị trong cổ tích Sọ Dừa, như Lý Thông trong truyện Thạch Sanh, như mẹ con nhà Cám trong cổ tích Tấm Cám và nhiều nhân vật khác nữa, tất cả họ đều tự dìm mình trong vũng lầy của sự đố kị tối tăm. Họ luôn tìm cách có được những thứ không phải của mình để rồi phải gánh chịu những hình phạt đắt giá do chính mình gây ra. Sự đố kị có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Bởi lẽ những người có tính đố kị thường sẽ luôn căng não để so đo tính toán thiệt hơn với người khác, tinh thần luôn tràn ngập cảm xúc tiêu cực dẫn đến căng thẳng kéo dài. Tính đố kị còn là một trong những con sâu mọt phá hoại mối quan hệ giữa người với người. Đã có biết bao công ty, đoàn thể vì ganh ghét, đố kị mà lục đục nội bộ, hòa khí bị rạn nứt rồi chia tay trong không vui. Sức mạnh đoàn thể bị tổn thương khiến cho mọi người không sao hòa đồng được, môi trường làm việc ngày càng căng thẳng, xuống cấp, chất lượng làm việc cũng theo đó mà đi xuống một cách trầm trọng. Tính đố kị còn khiến cho con người có ít thời gian hơn để hưởng thụ và nhận ra những điều tốt đẹp từ cuộc sống và những gì mình đang có. Bởi lẽ những người có tính đố kị giống như những người mù, họ không bao giờ nhìn thế giới như nó vốn vậy mà tìm cách bóp méo nó đi. Ví như có hai bạn học sinh được một bạn khác tặng kẹo, trong khi một bạn nghĩ rằng: "Bạn ấy thật tốt bụng!" thì bạn còn lại lại nghĩ: "Nó chỉ đang khoe nó có kẹo." Rõ ràng, những suy nghĩ méo mó như thế sẽ dần ươm mầm cho chồi cây "đố kị" sinh sôi mãnh liệt. Thử nghĩ mà xem, nếu không có tính đố kị, cuộc sống sẽ tươi sáng đến nhường nào. Mọi người sẽ luôn vui vẻ chan hoàn, thân thiện và sẻ chia để ai cũng được yêu thương và sống một cách trọn vẹn. Những người nghèo sẽ không nằm đó đố kị với người giàu mà đứng dậy chăm chỉ làm lụng, những người tàn tật sẽ không ghen ghét với người lành lặn mà tự mình nỗ lực theo tấm gương thầy Nguyễn Ngọc Ký, những người chưa đủ năng lực sẽ thôi nói xấu người giỏi mà tự học tập để nâng cao kĩ năng.. Những điều đó sẽ khiến cho con người và xã hội ngày càng tốt đẹp. Bởi vậy, điều chúng ta cần làm là sống vì chính mình, tự mình nhìn mình mà đánh giá và nỗ lực, bởi như Bill Gates đã nói: "Cuộc sống vốn không công bằng, hãy tập quen dần với điều đó." Hãy cùng chung tay để triệt hạ vấn nạn đố kị này!