Đoạn văn: Cảm nhận khổ 3, 4 trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi seleneagnos, 30 Tháng tám 2022.

  1. seleneagnos

    Bài viết:
    5
    "Trên con đường bất tận dài mãi, dòng máu thi ca vẫn chưa bao giờ ngừng chảy trong huyết mạch những chàng lính trẻ.."

    [​IMG]

    [​IMG]

    "Không có kính, ừ thì có bụi

    Bụi phun tóc trắng như người già

    Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

    Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

    Không có kính, ừ thì ướt áo

    Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời

    Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa

    Mưa ngừng, gió lùa, khô mau thôi."​

    Những khổ thơ trên trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của nhà thơ Phạm Tiến Duật đã thể hiện cuộc sống chiến đấu đầy gian khó, hiểm nguy, từ đó làm ngời sáng lên những phẩm chất cao đẹp của người lính lái xe trên cung đường Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Trên hành trình băng qua đường dốc hướng về miền Nam, những người lính đã được nếm trải đủ thứ "đặc sản" thiên nhiên của Trường Sơn: Gió cứ vù vù xoa vào mắt; bụi thì "phun" mù mịt vào mặt, phủ kín mái đầu; mưa lại "tuôn", "xối", "như ngoài trời" cứ dai dẳng, táp trực diện vào người lính; sao trời, cánh chim "như sa, như ùa vào buồng lái" thật đột ngột, bất ngờ, thử thách tay lái người lính. Thiên nhiên vốn đã gai góc, nhưng con người cũng chẳng chịu thua, những người lính cứ nắm vô lăng băng băng tiến bước, cảm nhận con đường dọc dài, khúc khuỷu vun vút lao đi như "chạy thẳng vào tim".

    Hậu quả để lại cho họ là cảm giác khô rát, ngứa ngáy ở mắt thật khó chịu, là khuôn mặt lấm lem bụi bặm loang lổ, mái tóc trắng xóa "như người già"; là những nguy hiểm, khó khăn khi phải lái xe trong cơn mưa mù mịt choán tầm nhìn, mà người lính đã giảm nhẹ xuống chỉ còn đôi ba lần "ướt áo". Cùng biện pháp tu từ điệp ngữ và liệt kê đi theo xuyên suốt, các câu thơ đã gợi lên thiên nhiên, hiện thực khắc nghiệt cứ thế ùa vào những buồng lái trần trụi, lấp đầy mọi không gian: Trong xe, trong tầm mắt, cả trong lòng người; và họ - những người lính trẻ trung đã để con đường của trái tim, con đường của lòng yêu nước dẫn lối. Từ những hình ảnh khắc nghiệt, gian khó của ngoại cảnh, ta càng thấy bật lên những phẩm chất, thái độ mạnh mẽ, can trường và tràn đầy sức sống của các chiến sĩ. Nhờ phép điệp cấu trúc, qua các khổ thơ, ta nhận ra giọng điệu đặc trưng của những người lính: "Không có kính, ừ thì.."; "chưa cần thay", "chưa cần rửa", thật gần gũi, chỉ như những lời ăn tiếng nói hằng ngày.

    Những người lính thốt ra lời nói hào sảng, ngang tàng, đậm chất lính dân dã, như thể họ đã chấp nhận, thậm chí là coi thường những gian lao phải trải qua. Trên con đường bất tận dài mãi, họ vẫn thảnh thơi ngước nhìn trời cao, ngắm sao, ngắm trăng; dòng máu thi ca vẫn chưa bao giờ ngừng chảy trong huyết mạch của những chàng lính trẻ, để họ tiếp tục mộng mơ kể cả khi đứng trước hiện thực khốc liệt. Rồi khi dừng chân nghỉ ngơi, họ lại "phì phèo châm điếu thuốc", tìm kiếm sự nhẹ nhõm, thư thái sau một cuộc hành trình vất vả, căng thẳng, thở ra làn khói thuốc nhẹ bẫng, thổi tan cả những thử thách, chông gai đã vượt qua và đang đón đợi; ta thấy trong đó vóc dáng những người lính thật ngang tàng, ngạo nghễ, đầy khí phách. "Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha"; ngay cả giữa những khó khăn ngổn ngang, chất chồng, những người lính vẫn tìm thấy niềm vui nhỏ bé, cùng nhau bật tiếng cười hóm hỉnh, lạc quan trong tình đồng chí gắn bó keo sơn.

    Và sau những cuộc hành trình đằng đẵng, họ "lại đi", "lại đi" không ngừng nghỉ, "lái trăm cây số nữa" với tâm thế thách thức không chỉ hoàn cảnh khắc nghiệt, thiếu thốn mà cũng là thử thách chính mình, gắn với tinh thần quả cảm, can trường, hiên ngang của những người thanh niên phơi phới, nhiệt thành cùng tình yêu nước vẫn luôn sôi trào. Qua những biện pháp nghệ thuật điệp ngữ, điệp cấu trúc, liệt kê, đảo ngữ, ẩn dụ, ngôn ngữ thơ và động từ sinh động, gợi hình gợi cảm mà gần gũi, Phạm Tiến Duật đã tái hiện những gian khổ, khó khăn của người lính lái xe trong thời kỳ đánh Mỹ, làm nổi bật những phẩm chất cao đẹp của một thế hệ trẻ "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", để lại cho độc giả nhiều ấn tượng với lối viết chân thực, tinh tế cùng cá tính sáng tạo, độc đáo, trẻ trung.

    "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

    Mà lòng phơi phới dậy tương lai."​
     
    Mình là Chi thích bài này.
    Last edited by a moderator: 30 Tháng tám 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...