"Nơi lạnh nhất không phải Bắc Cực mà là nơi không có tình người", tình yêu thương là thứ con người cần có để sống trong đời. Yêu thương rất quen thuộc, nhưng viết về yêu thương thế nào cho hay thì không phải dễ dàng. Vì vậy mình xin gửi tặng các bạn một số đoạn văn mẫu tham khảo về cách viết. ĐỀ: Bàn về giá trị của tình yêu thương trong cuộc sống. ĐOẠN VĂN 1: Tình yêu thương là cội nguồn cho sự đồng cảm và sẻ chia. Mẹ Teresa – người sáng lập ra dòng "Thừa sai bác ái", khát vọng xoa dịu những cơn khát hòa bình của nhân loại, đã dành trọn đời mình cho những người nghèo khổ. Chính tại giáo xứ này, Mẹ Teresa đã chăm sóc cho những con người bị mắc bệnh phong, bệnh lao phổi, những người mà xã hội đã đóng cửa với họ. Cuộc đời đa sự, nếu dễ dàng thì chúng ta đã không đến với nó bằng tiếng khóc, nói như Ono Masatsugu: "Con người đồng hành cùng nỗi đau", nhưng nỗi đau ấy lớn hơn cả với những con người ở bước "cùng đường tuyệt lộ". Những cử chỉ ân cần, những lời cầu nguyện của con chiên thấy mình chỉ như "bút chì trong tay Chúa", với người bình thường có thể không lớn lao, nhưng với người nghèo khổ và bất hạnh, đó là bàn tay chìa ra với người thiếu một nơi để bám víu, là dòng suối hiện ra với một người đương chạy đua với Tử Thần ở sa mạc khô khốc sự sống và tình yêu. Bởi thế mà với mẹ Teresa, "nếu có người nghèo trên Mặt Trăng, tôi cũng sẽ lên tận Mặt Trăng". Đó là tình yêu phủ lên tất thảy chúng sinh, là cơ hội và động lực thúc đẩy một người dù bên kia sườn dốc cuộc đời vẫn miết mải đứng về "phe nước mắt" của những người đau khổ. ĐOẠN VĂN 2: Tình yêu thương chính là liều thuốc chữa lành những vết thương tinh thần cho con người một cách hiệu quả và tối ưu nhất. Nó níu giữ những giá trị tốt đẹp của con người, đồng thời cũng khiến con người sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn. Và ta thấy, Anne Suvallin, người thầy của nhà văn Helen Keller là một minh chứng cho sức mạnh to lớn của tình yêu thương sẽ làm thay đổi một con người. Nhắc đến Helen Keller, người ta nhắc đến một con người vĩ đại dù mang trên mình bệnh khiếm thính và khiếm thị nhưng lại có thể trở thành một nhà văn và truyền cảm hứng cho rất nhiều người khuyết tật trên thế giới. Nhưng nhắc đến thành công đến vậy của Helen, người ta không thể bỏ qua tượng đài sừng sững Anne, người đã dùng cả tấm lòng để đưa Helen đến ánh sáng. Ngay từ đầu, chính Anne là người mang những vết thương rỉ máu, tuổi thơ bất hạnh, mẹ mất sớm, cha bỏ đi xa, em trai mất vì bệnh tật và chính bà cũng gần như mù sau những cú sốc. Vậy mà, Anne không hề từ bỏ cuộc sống, bà trở thành giáo viên và đồng ý dạy một "đứa trẻ rừng rú" không có bất cứ khái niệm nào về cuộc sống con người như Helen Keller. Và khái niệm trừu tượng đầu tiên Anne dạy cho Helen cũng chính là tình yêu. Bà đã viết vào tay Helen: "Cô yêu Helen" và đặt tay Helen lên trái tim mình để thấy nó đập. Để rồi từ một Helen lúc nhỏ mù mờ hỏi liệu tình yêu có giống hương thơm của hoa, có giống mặt trời rực rỡ đã có thể trưởng thành và dõng dạc trả lời: "Tình yêu là cái tình cảm tự nhiên giữa một người với những người khác". Anne đã dùng cuộc đời mình, kiên nhẫn và chữa lành những vết thương cho Helen. Bà đã không hề bỏ rơi Helen trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chính tình thương của bà đã nâng đỡ một đứa trẻ trong bóng tối có thể hiểu và làm quen với ánh sáng, thậm chí là thấu hiểu tường tận ánh sáng hơn là những người có thể nhìn thấy. Thứ tình cảm vô hình nhưng lại có thể xoa dịu và cho con người động cơ, động lực để tiếp tục sống. Ngọn lửa được thắp lên từ một người nhưng lại có khả năng lan truyền đến rất nhiều người. Anne thắp lên niềm tin cho Helen, để rồi Helen lại có thể thắp lên niềm tin cho hàng triệu người khuyết tật đang mất niềm tin vào cuộc sống. Bởi vậy, con người không thể sống mà không có tình yêu thương. Qua đó, tình yêu thương được xem là thứ vũ khí sắc bén nhất mà con người có được, nó không chỉ làm thay đổi cuộc sống của một người mà còn là cả cộng đồng, thậm chí là toàn thế giới.