Đoạn nghị luận xã hội: Cách ứng xử khi nhận được một ân tình Dàn ý: 1. Giải thích: - Ân tình là người giúp đỡ ta lúc khó khăn, lỡ bước, hoạn nạn; là người hỗ trợ, động viên ta vượt qua khó khăn, thử thách - Ứng xử khi nhận được một ân tình là thể hiện bằng lòng biết ơn; luôn nghĩ đến chuyện đền trả và đáp lại 2. Bàn luận - Trong cuộc sống hàng ngày, con người luôn nhận được những ân tình từ người khác: Khi hoạn nạn, ốm đau, khốn khó có người ra tay giúp đỡ; khi thất vọng, buồn đau, thất bại có người động viên, sẻ chia, khích lệ; khi cô đơn, cơ nhỡ có người trở che, đùm bọc.. Nhiều khi ân tình nhận được lại chính từ những nghĩa cử cao đẹp: Sẵn sàng nhường lại phần của bản thần mình cho người khốn khó hơn; bênh vực bảo vệ khi ta bị rơi vào thế yếu.. - Nhận được một ân tình là nhận được một sự tử tế trong cuộc đời. Không phải ai cũng sẵn lòng cho đi sự tử tế, bởi lòng tốt còn đi kèm với sự hi sinh - Biết ơn là cách ứng xử cần có trước mỗi ân tình, bày tỏ lòng biết ơn và có thể trả ơn là cơ sở cho những tình cảm tốt đẹp khác; nó thể hiện phẩm chất đạo đức cần có của mỗi con người; giúp con người xích lại gần nhau; xã hội nhờ đó mà thêm tốt đẹp. - Vẫn còn có người lại tỏ thái độ vô ơn, quên ơn; sẵn sàng quên đi những ân tình mà mình nhận được - Vô ơn là trái với lẽ phải, trái với đạo lí cần lên án 3. Bài học nhận thức và hành động: - Ghi nhớ công ơn, biết ơn đối với người đã đến với ta lúc ta cần nhất - Đáp lại bằng ân nghĩa, tình thương, hành động thiết thực - Sẵn sàng giúp đỡ người khác để lan tỏa ân nghĩa; ứng xử tốt dẹp giữa người và người với nhau. Đoạn văn tham khảo: Đoạn 1: Marcel Proust nói rằng: "Hãy biết ơn những người làm chúng ta hạnh phúc vì họ là những người làm vườn đầy duyên dáng khiến tâm hồn chúng ta nở hoa." Câu nói khẳng định một trong những thái độ cần có của chúng ta khi nhận được một ân tình là biết ơn. Ân tình là người giúp đỡ ta lúc khó khăn, lỡ bước, hoạn nạn; là người hỗ trợ, động viên ta vượt qua khó khăn, thử thách. Trong cuộc sống hàng ngày, con người luôn nhận được những ân tình từ người khác: Khi hoạn nạn, ốm đau, khốn khó có người ra tay giúp đỡ; khi thất vọng, buồn đau, thất bại có người động viên, sẻ chia, khích lệ; khi cô đơn, cơ nhỡ có người chở che, đùm bọc.. Nhiều khi ân tình nhận được lại chính từ những nghĩa cử cao đẹp: Sẵn sàng nhường lại phần của bản thân mình cho người khốn khó hơn; bênh vực bảo vệ khi ta bị rơi vào thế yếu.. Khi nhận được ân tình, mỗi người chúng ta cần thể hiện lòng cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp đó. Một lời cảm ơn chân thành, một cử chỉ siết chặt bàn tay.. là cách thể hiện sự cảm kích đó. Danh ngôn có câu: "Cảm ơn là lời cầu nguyện tốt nhất mà bất kì ai cũng có thể dùng." Vậy nên, đừng bao giờ quá bận rộn để quên nói lời "cảm ơn". Không chỉ là lòng cảm kích, khi nhận được một ân tình, ta cần khắc ghi ân tình ấy trong lòng. Nói cách khác, ta cần phải biết ơn sự giúp đỡ của mọi người khi gặp bước khó khăn. Trái tim không biết ơn sẽ không tìm được sự hạnh phúc. Khi chúng ta có lòng biết ơn, sẽ tìm thấy hạnh phúc từng giờ. Ý nghĩa cao quý nhất của lòng biết ơn không nằm ở những lời cảm ơn ta thốt ra, mà nằm ở hành động ta sống với lòng biết ơn đó. Việc chúng ta hành động như nào chính là thước đo thật sự cho lòng biết ơn. Khi nhận được ân tình, người khác giúp đỡ mình như thế nào, thì khi họ gặp hoạn nạn, mình cũng nên tìm cách giúp đỡ như thế. Mọi hành động giúp đỡ chân tình trong hoàn cảnh này là biểu hiện đẹp nhất của sự báo đáp ân tình. Lòng biết ơn sinh ra tình yêu mến, tình yêu mến lại sinh ra lòng biết ơn, vì vậy, khi nhận được một ân tình - hãy nhớ biết ơn và báo ơn! Đoạn 2: "Lòng biết ơn không chỉ là đức hạnh lớn nhất, mà còn là mẹ của mọi đức hạnh khác." – Marcus Tullius Cicero. Khi nhận được một ân tình, chúng ta nên giữ thái độ trân trọng và biết ơn. Ân tình là biểu hiện của sự quan tâm, giúp đỡ chân thành từ người khác, đôi khi là sự hy sinh thầm lặng. Vì vậy, trước tiên, chúng ta cần ghi nhớ và đánh giá cao tấm lòng mà người đó dành cho mình. Sự biết ơn không chỉ là lời nói mà còn cần thể hiện qua hành động. Đơn giản nhất là tỏ lòng cảm ơn chân thành, hay khi có cơ hội, hãy sẵn lòng giúp đỡ lại để đáp đền tình cảm ấy. Đồng thời, biết ơn còn thể hiện qua việc chúng ta sống tốt hơn, nỗ lực hơn như một cách để không phụ lòng người đã giúp mình. Quan trọng nhất là không quên ân tình đã nhận, dù thời gian có trôi qua. Thái độ biết ơn không chỉ khiến mối quan hệ giữa con người thêm gắn kết mà còn làm cho cuộc sống trở nên ấm áp và ý nghĩa hơn. Ngược lại, nếu sống vô ơn, con người dễ rơi vào trạng thái cô đơn và đánh mất các mối quan hệ quý giá. Vì vậy, khi nhận được ân tình từ người khác, hãy trân trọng, biết ơn và sẵn sàng trao đi ân tình khi có thể. Xem tiếp bên dưới: Đoạn 3
Đoạn 3: Nhận được sự giúp đỡ của người khác mà không biết ơn hẳn là kẻ bạc bẽo, "vong ơn bội nghĩa", "qua cầu rút ván", "ăn cháo đái bát".. Những người đó sao có thể nhận được sự tôn trọng của người khác. Khi nhận được một ân tình, nhất định chúng ta phải có thái độ biết ơn, trân trọng. Bởi nhận được ân tình là nhận được sự quan tâm, sẻ chia, hoặc lớn lao hơn là những nghĩa cử cao đẹp: Sự giúp đỡ tận tình để ta vượt qua giai đoạn khó khăn của cuộc đời. Gặp chuyện buồn hoặc rơi vào tình huống bế tắc, ân tình ấy sẽ giúp con người có động lực để vượt qua, có cuộc sống tốt hơn, vì vậy biết ơn sự giúp đỡ của họ là điều hiển nhiên. Lòng biết ơn có thể thể hiện bằng câu nói giản đơn: Cảm ơn, cũng có thể được thể hiện qua cái bắt tay, cái ôm chân thành. Lòng biết ơn nên ghi lòng tạc dạ, không nên chỉ thể hiện thoáng qua để rồi quên lãng. Cùng với lòng biết ơn, khi nhận được ân tình, chúng ta hãy lan tỏa ân tình của mình đến những người khác, để xã hội thêm đẹp. Biết nhận và biết cho đi, vòng yêu thương sẽ nới rộng. Mở lòng giúp đỡ hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, là một cách để ta đền đáp ân tình được đón nhận từ mọi người. Không có thứ gì có thể khiến ta thấy biết ơn về những gì ta đang có bằng việc cho đi. Bởi lẽ, khi chia sẻ và giúp đỡ người khác, chúng ta chứng kiến và thấu hiểu cho hoàn cảnh của họ, nhưng đồng thời cũng nhận thức được mình đang có cuộc sống sung sướng ra sao, những ai đã giúp đỡ mình có được cuộc sống ấy. Như vậy, khi nhận được một ân tình, hãy biết ơn và biết cho đi ân tình. Đó là lẽ sống cao đẹp tôn vinh giá trị con người. Đoạn 4: "Ân tình" là sự quan tâm chân thành giữa người với người, thể hiện qua những động viên, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần. Khi nhận được một ân tình, chúng ta nên giữ thái độ trân trọng và biết ơn. Thái độ này không chỉ thể hiện qua lời nói cảm ơn mà còn qua những hành động thực tế như sẵn sàng giúp đỡ lại khi có cơ hội. Có nhiều cách để bày tỏ lòng biết ơn, tùy thuộc vào ngữ cảnh và mối quan hệ. Như nói lời cảm ơn - lời nói đơn giản nhưng rất hiệu quả, lời cảm ơn chân thành có thể tạo ra sự kết nối mạnh mẽ. Nếu "khó nói", có thể viết một bức thư hoặc tin nhắn bày tỏ lòng biết ơn có thể tạo ra ấn tượng lâu dài. Và, quan trọng hơn nữa, hãy trả ơn bằng cách hỗ trợ, giúp đỡ người khác trong những lúc họ cần. Ai chẳng có lúc gặp khó khăn, họ từng giúp mình không có nghĩa là họ không cần quan tâm, giúp đỡ. Cho và nhận cần hài hòa mới tạo nên vòng tròn kết nối bền vững. Bàn về lòng biết ơn, sẽ có không ít người biết đến nhà văn nổi tiếng Helen Keller, người mù và điếc từ nhỏ, đã nhận được sự hỗ trợ tận tình của cô giáo Anne Sullivan. Bằng tình thương và sự kiên nhẫn, cô Anne đã giúp Helen học cách giao tiếp, mở ra thế giới tri thức mới mẻ. Helen luôn biết ơn người cô của mình và quyết tâm học tập, trở thành người phụ nữ khiếm khuyết đầu tiên lấy bằng đại học. Sau đó, bà dành phần đời còn lại để cống hiến cho cộng đồng người khuyết tật, đem sự giúp đỡ và hy vọng đến cho nhiều người có hoàn cảnh giống mình. Lòng biết ơn của Helen không chỉ ở lời cảm ơn cô Anne mà còn ở việc lan tỏa tình yêu thương và hy vọng, đáp đền ân tình bằng cách giúp đỡ những người khác. Thái độ biết ơn và trân trọng như vậy khiến cuộc sống trở nên ý nghĩa và gắn kết hơn.