Ngôn Tình [Dịch] [Đồng Nhân Tây Du] Chuyển Sinh Thành Nữ Chúa Núi Bàn Tơ Cùng Đại Thánh HE - Đấu Ngư

Thảo luận trong 'Box Dịch - Edit' bắt đầu bởi Mỹ Hương Lệ Duyên, 23 Tháng bảy 2025 lúc 3:18 PM.

  1. Chương 20: Qua Đò

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Không ngờ bản thân lại có thể tận mắt chứng kiến quá trình một phàm nhân nhờ công đức mà thành thánh phi thăng thành tiên, Bạch Phù chỉ cảm thấy vô cùng mới lạ. Ai mà đoán được thi thể mà nàng ta tùy tay vớt lên thật thất lễ lại là người mang đại công đức cơ chứ?

    Tuy nhiên, đối với việc người khác thành tiên, Bạch Phù lại chẳng có chút cảm xúc nào. Nàng thật ra cũng muốn lên Thiên Cung thăm thú một phen, nhưng nghĩ tới việc muốn lên đó, trừ phi là chính thức nhận chức, làm một dạng "trâu ngựa" khác, bằng không sẽ bị thiên binh thiên tướng khắp nơi làm khó dễ. Nghĩ tới đây, chút hiếu kỳ còn sót lại cũng tan biến mất.

    Cảnh đẹp thế gian còn chưa dạo khắp, việc gì phải tự chuốc lấy phiền toái?

    Bạch Phù ăn hết bát canh cá tạp với bánh nướng, sau đó trả bát cho ngư gia rồi lặng lẽ rời đi.

    Ngư gia cầm bát, thần hồn có chút hoảng hốt, lại nhìn mảnh bạc vụn còn dư trong tay, mới nhớ ra là có một vị lữ khách hào phóng từng mua canh cá, ăn xong rồi đem bát trả lại. Nhưng lạ thay, ngư gia lại không tài nào nhớ nổi vị khách đó trông như thế nào.

    Kỳ quái thật, thời buổi này chuyện gì cũng có thể xảy ra.

    Ngư gia lắc đầu cười, rồi vui vẻ bắt đầu công việc của một ngày mới.

    Bạch Phù lẫn vào trong đám người, chẳng lo lắng rằng dung mạo khác thường của mình sẽ khiến người ta sợ hãi, bởi nàng đã tự đặt lên mình ma pháp hỗn nhiễu. Dù có cùng người khác sóng vai mà đi, cũng sẽ bị họ vô thức bỏ qua.

    Lâu rồi chưa dạo bước giữa dòng người, Bạch Phù nhắm mắt cảm nhận nhịp sống náo nhiệt của phố phường. Nơi đây là bến cảng, buôn bán tấp nập, tất nhiên kéo theo sự phát triển kinh tế sôi động.

    Chỉ tiếc rằng, vào thời này, vận chuyển đường biển vẫn không thể an toàn bằng đường thủy nội địa, đặc biệt là trong bối cảnh triều đình nhà Đường xem phát triển kênh vận nội địa là quốc sách trọng yếu.

    Nhất là sau khi Hồng Câu Vận Hà chính là con kênh mà Dương Quảng cho đào được hoàn thành và đưa vào sử dụng, vô số thương nhân vì sự an toàn mà ưa chuộng đường thủy nội địa hơn. Do đó, việc vận chuyển bằng đường biển bị ảnh hưởng không ít. Nhưng bởi đường biển có thể mang về rất nhiều kỳ trân dị bảo ngoại quốc, một chuyến đi biển đem lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với nội thủy, mà nhân vì tài tử, điểu vì thực vong, trước lợi ích khổng lồ, vẫn có vô số thương nhân đổ xô ra khơi, khiến đường thủy nội địa dù phát triển mạnh vẫn không thể hoàn toàn thay thế hải lộ.

    Thực tế là, từ sau khi Hồng Câu Vận Hà được mở, không chỉ loài người được hưởng lợi, mà cả yêu tinh tu luyện nơi thủy vực cũng hoan hỷ bơi từ biển vào sông, cùng nhau thưởng thức sự phồn thịnh của Thái Huyền thịnh thế.

    Bạch Phù vừa đặt chân đến Nam Thiệm Bộ Châu đã được chứng kiến chuyện Lâm Mặc phi thăng thành tiên, biết nàng ta được phong làm thần tiên cai quản thủy lộ, trong lòng không khỏi tò mò về sự phát triển thủy đạo thời kỳ này. Nếu có thể, nàng cũng muốn xuôi theo đường thủy đến Trường An, xem thử cảnh tượng hoa nở khiến kinh thành chấn động là như thế nào. Nhưng nghĩ lại, vẫn là thôi, nơi đó dù sao cũng là dưới chân thiên tử, bản thân nàng hiện tại dù gì cũng không còn thân thể con người, lỡ như kinh động long khí hộ quốc, dẫn đến sự thù địch từ các vị thần trên trời thì thật chẳng đáng.

    Bạch Phù hiểu rằng thời điểm này, Trung Nguyên Đại Đường vừa yên ổn chưa lâu, mới chỉ vài chục năm thái bình, muôn dân còn đang trong thời kỳ nghỉ ngơi dưỡng sức sau loạn lạc, cho nên dù là Đường hoàng trên đất hay thần quan trên trời đều cảnh giác cao độ, quyết không để bất cứ biến cố nào phá hỏng sự yên bình khó khăn lắm mới có được.

    Tuy không thể đến Trường An, nhưng nơi Mân Châu này cách Quế Châu không xa, ít ra là với Bạch Phù mà nói. Nàng nghĩ hay là cứ thuận đường đi về phía tây, tới huyện Lâm Quế tức Quế Lâm dạo một phen, tiện thể du ngoạn cả Nam Ấn Châu tức Quý Châu và Nam Chiếu.

    Phải biết từ lâu nàng đã có mong muốn được đặt chân đến những nơi này một chuyến, chỉ tiếc khi đó túi tiền eo hẹp, vì sinh kế mà nguyện vọng này cứ mãi bị đè nén trong lòng. Tuy bây giờ vẫn không dư dả bạc tiền, nhưng lòng đã tự do, du ngoạn nghèo cũng có cái thú riêng.

    Quyết định xong xuôi, Bạch Phù lại lặn mình xuống biển, lấy ít san hô và trân châu đem đổi lấy ít bạc, rồi thuê một chiếc thuyền khách có mui, nhờ thuyền phu chở nàng theo thủy lộ đến Lĩnh Nam, sau đó sẽ dựa vào hai chân mà đi đến Quế Châu.

    Mân địa nóng ẩm, dù tiết trời đã sang thu mà vẫn chẳng thấy khí trời se lạnh, Bạch Phù vốn không thích ngồi trong khoang thuyền ngột ngạt, bèn ra đầu thuyền thưởng ngoạn phong cảnh.

    Để có thể vừa chiêm ngưỡng cảnh vật hai bên đường, lại không dọa đến người phàm, Bạch Phù dùng dải ren tơ tằm do chính nàng đan trong lúc rảnh rỗi che lên mắt. Như vậy, nàng có thể thông qua những kẽ hở thưa thớt của ren mà nhìn thấy phong cảnh, mà người khác cũng chẳng chú ý đến điều bất thường của nàng.

    Dù ma pháp hỗn nhiễu quả thực có thể khiến người ta không để tâm đến nàng, nhưng đôi mắt của nàng suy cho cùng vẫn là "tà nhãn" sinh ra từ lời nguyền, Bạch Phù không muốn vô tình mang đến bất hạnh cho người khác, bởi vậy mỗi khi bước vào chốn đông người, đều dùng ren che mắt.

    Bạch Phù đứng bên mạn thuyền, trầm tư suy tính xem mùa đông năm nay nên trú đông nơi nào. Bị ảnh hưởng từ nguyên thân là nữ lang chu, Bạch Phù cực kỳ sợ lạnh, mỗi khi tiết trời băng giá sẽ trở nên lười biếng, rệu rã. Nàng cần phải sớm chuẩn bị nơi trú đông, dù nói rằng Mân địa không lạnh như phương Bắc, nhưng hiện tại đâu phải thời đại trái đất ấm lên nghìn năm sau, Bạch Phù đoán, một khi đông về, cái lạnh ẩm thấp thấm tận xương ở đây cũng đủ khiến nàng khốn đốn rồi.

    "Cô nương, phía trước là trạm kiểm soát, lát nữa nếu gặp quan binh thì đừng sợ, tại hạ sẽ lo liệu mọi chuyện." Người chèo thuyền lên tiếng dặn dò.

    "Trạm kiểm soát" ấy, tương đương với trạm thu phí đường cao tốc thời hiện đại. Cấu trúc của nó là như sau: Triều đình cổ đại để đảm bảo mỗi chiếc thuyền đều nghe lệnh dừng lại, không ai lợi dụng thủy lộ để chạy trốn, sẽ đặc biệt chọn nơi có mực nước bằng phẳng, rồi dùng đất đắp cao hai bên bờ, tạo thành một đoạn thủy lộ thẳng tắp và rộng rãi. Thuyền qua lại phải theo lệnh quan binh mà neo vào vị trí chỉ định xếp hàng, lần lượt kiểm tra.

    Thuyền nhỏ sẽ được kiểm tra ở một bãi cạn được đầm nện chắc chắn bằng bùn vàng trộn rơm, còn quan binh thì đứng ở hai bên bờ nông. Họ sẽ ném dây thừng nối với ròng rọc cho thuyền phu, đợi thuyền phu dùng dây chạc cố định thuyền lại, rồi theo hiệu lệnh của quan binh, hai bên đồng loạt quay ròng rọc, kéo thuyền lên bãi cạn ở giữa, như vậy, cả con thuyền liền không còn nằm trong nước, mặc người kiểm tra.

    Chờ kiểm tra kỹ càng, xác nhận thuyền có giấy thông hành hợp lệ, nộp đủ thuế, quan binh lại ra lệnh một tiếng, ròng rọc lại kéo dây ở đầu thuyền đưa nó trở lại mặt nước cứ thế lặp lại.

    Tự nhiên cũng có người thử trốn kiểm tra thu thuế, nhưng phần lớn đều không thành công, bởi lẽ quá trình kiểm tra ấy chỉ là bước đầu tiên. Trên thực tế, để ngăn chặn việc trốn thuế, trạm kiểm soát còn có những biện pháp nghiêm ngặt hơn nữa..

    -

    Thuyền khách có mui: Thuyền ô bồng
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...