Đề thi tham khảo đánh giá năng lực môn Ngữ Văn

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lagan, 29 Tháng một 2023.

  1. Lagan

    Bài viết:
    635

    Câu 1. Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp/ hoặc ngữ nghĩa/ logic/ phong cách:

    Bằng ý định không lùi bước, con người đã tạo ra được những phép nhiệm màu tưởng như không thể.

    A. Ý định

    B. Con người

    C. Tạo ra

    D. Phép nhiệm màu

    Câu 2. Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp/ hoặc ngữ nghĩa/ logic/ phong cách:

    Chúng ta đã lập nên mạng thông tin liên lạc và du dịch toàn cầu, đặt chân lên khám phá mặt trăng và đang vươn xa tìm hiểu cả những hành tinh xa xôi hơn nữa trong thái dương hệ . Khả năng của con người là vô tận nếu chúng ta biết khám phá và lợi dụng nó. không có trở ngại nào là không thể vượt qua đối với những người mang tinh thần không lùi bước.

    A. Vô tận

    B. Thái dương hệ

    C. Lợi dụng

    D. Và

    Câu 3. Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp/ hoặc ngữ nghĩa/ logic/ phong cách:

    Hạnh phúc đến từ trải nghiệm những nỗi buồn trong cuộc sống khiến chúng ta đồng cảm với những người rơi vào cùng hoàn cảnh giống mình. Nếu cuộc sống hoàn thiện, bạn không thể biết cảm thông. Nếu cuộc sống không có khó khăn, bạn không thể trưởng thành .

    A. Trải nghiệm

    B. Đồng cảm

    C. Hoàn thiện

    D. Trưởng thành

    Câu 4. Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp/ hoặc ngữ nghĩa/ logic/ phong cách:

    Nhưng cho dù bạn đối diện với mặt trời ấm áp, hay trái tim bạn ngập lụt trong trận cuồng phong, hãy biết rằng đó là dòng chảy không ngừng của cuộc sống. Trân trọng những giờ phút hạnh phúc và mạnh dạn đi qua những niềm đau.

    A. Hay

    B. Ngập lụt

    C. Dòng chảy

    D. Mạnh dạn

    Câu 5. Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp/ hoặc ngữ nghĩa/ logic/ phong cách:

    Đối với những vấn đề chưa giải quyết, sẽ có nhiều ý kiến, nhiều giả thuyết khác nhau. Sẽ có tranh luận, có trao đổi. Không tranh cãi, không trao đổi, không có khoa học. Không có gì nguy hiểm bằng là không bao giờ được nghe một ý kiến khác ý của mình. Nghe mà phải tôn trọng, dù điều ấy có thể làm sụp đổ bao nhiêu suy nghĩ mà mình đã công phu xây dựng lên.

    A. Giả thuyết

    B. Tranh cãi

    C. Nguy hiểm

    D. Sụp đổ

    Câu 6. Phương án nào sau đây KHÔNG phản ánh đặc điểm của văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến 1975?

    A. Nền văn học được cách mạng hóa, gắn bó chặt chẽ với cuộc chiến đấu của dân tộc.

    B. Nền văn học phát triển với tốc độ mau lẹ, bắt kịp sự phát triển của văn học thế giới.

    C. Nền văn học phát triển theo định hướng đại chúng hóa.

    D. Nền văn học mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.

    Câu 7. Tác phẩm nào sau đâyKHÔNG ra đời trong cùng giai đoạn với các tác phẩm còn lại?

    A. Đàn ghi-ta của Lor-ca – Thanh Thảo

    B. Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm

    C. Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài

    D. Vợ nhặt - Kim Lân

    Câu 8. Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại

    A. Tự tại

    B. Tự giác

    C. Thanh thản

    D. Nhàn tản

    Câu 9. Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại

    A. Nhạt nhòa

    B. Nhạt phai

    C. Nhạt nhẽo

    D. Phôi pha

    Câu 10. Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại

    A. Thanh minh

    B. Ngụy biện

    C. Biện minh

    D. Chứng minh

    Câu 11. Chọn từ/ cụm từ thích hợp để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

    * * *sự phát triển của các thành phố là điều đáng mừng hay đáng lo, _____ có một sự thật rõ ràng: Trái đất đô thị hóa là điều chắc chắn, và những quyết định mà chúng ta đưa ra ngày nay về việc xây dựng và sinh sống tại thành phố như thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều thế hệ sau này.

    A. Dù/ nhưng

    B. Vì/ nên

    C. Tuy/ nhưng

    D. Nếu/ thì

    Câu 12. Chọn từ/ cụm từ thích hợp để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

    Khi tâm hồn chúng ta đã vắng những giấc mơ, khi đôi cánh của tâm hồn chúng ta không còn da diết đập, thì chúng ta bắt đầu trở về thế giới của hoang thú ngay trên chính những con đường hiện đại siêu tốc của chúng ta. Chúng ta tưởng chúng ta đang bay lên về phía ____ nhưng thực tế chúng ta đang mỗi ngày chìm vào bóng tối.

    A. Ánh sáng

    B. Tự do

    C. Sự sống

    D. Hạnh phúc

    Câu 13. Chọn từ/ cụm từ thích hợp để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

    Có những sự thay đổi khiến bạn phải chiến đấu, ____ với bản thân ____ cả xã hội, hay những định kiến đến từ cộng đồng.

    A. Cùng/ và

    B. Không những/ hay

    C. Cùng/ cùng

    D. Không chỉ/ mà còn

    Câu 14. Chọn từ/ cụm từ thích hợp để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

    Phong trào thơ mới (1932- 1945) với những tên tuổi như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử được xem là một cuộc ______ trong lịch sử thi ca Việt Nam.

    A. Đấu tranh

    B. Nổi loạn

    C. Cách mạng

    D. Cải cách

    Câu 15. Chọn từ/ cụm từ thích hợp để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

    Khuynh hướng ___ và cảm hứng _____ là đặc điểm nổi bật của văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến 1975.

    A. Lịch sử/ hiện thực

    B. Hiện thực/ lao động

    C. Sử thi/ lãng mạn

    D. Dân tộc/ lịch sử

    Câu 16. Thao tác lập luận nào được sử dụng trong đoạn văn sau?

    Thuần túy ngữ nghĩa, "tử tế" nguyên gốc chỉ là "thận trọng, kỹ lưỡng từ chuyện nhỏ nhặt". Dần, với người Việt, tử tế trở thành "đàng hoàng", "tốt bụng" với người khác. Nếu tôi không lầm, vài mươi năm trở lại đây, hai chữ tử tế dần dà được người Việt trao cho một nội hàm ngày càng đa nghĩa và sâu rộng hơn: Tử tế là "nhân hậu", "trung thực", "liêm khiết"; thậm chí là "có trách nhiệm", "dám làm, dám chịu", "giữ chữ tín", "thượng tôn pháp luật", "biết hối lỗi".

    (Trích Tử tế à, tử tế ơi, hãy quay lại với người Việt! Trương Trọng Nghĩa, Báo Người Đô thị, ngày 23/12/2018)

    A. Phân tích

    B. Chứng minh

    C. Bình luận

    D. Giải thích

    Câu 17. Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

    Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

    Quân xanh màu lá dữ oai hùm

    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

    (Trích Tây Tiến, Quang Dũng, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

    Phương án nào sau đây nhận xét chính xác về giọng điệu của câu thơ: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc"?

    A. Chủ động, ngang tàng, mạnh mẽ

    B. Gấp gáp, dồn dập, thôi thúc

    C. Tự tin, kiêu hãnh, khinh bạc

    D. Nhẹ nhàng, thiết tha, bay bổng

    Câu 18. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

    Hắn phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng. Hắn phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc. Rồi mỗi lần đọc lại một cuốn sách hay một đoạn văn ký tên mình, hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng vò nát sách và mắng mình như một thằng khốn nạn.. Khốn nạn! Khốn nạn! Khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì chính hắn là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương! Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện. Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương. Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa.

    (Trích Đời thừa, Nam Cao, Tuyển tập Nam Cao, tập hai, NXB Văn học, 2002, tr. 9)

    Sự xuất hiện của các tính từ trong ngôn ngữ độc thoại nội tâm trong đoạn trích nói lên điều gì về tâm trạng, tính cách của nhân vật?

    A. Sự dằn vặt của con người tự ý thức sâu sắc, thẳng thắn, nghiêm khắc đối diện với sự thật về sự tha hóa của bản thân.

    B. Niềm phẫn uất của con người thẳng thắn, coi trọng nhân phẩm trước một xã hội khốn nạn, tầm thường, giả dối.

    C. Sự từ chối đối diện với thực tại, kiên quyết phủ định sự tha hóa của bản thân của một con người yếu đuối và hèn nhát.

    D. Sự chấp nhận của con người thấu hiểu lẽ đời, lựa chọn thỏa hiệp với cái tầm thường, sự bất lương, đê tiện để tồn tại.

    Câu 19. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

    Tôi cực lực công kích sách vệ sinh đã dạy ta ăn uống phải sạch sẽ, nếu ta muốn được khỏe mạnh, béo tốt. Thuyết ấy sai! Trăm lần sai! Nghìn lần sai! Vì tôi thấy sự thực, ở đời này, bao nhiêu những anh béo, khỏe, đều là những anh thích ăn bẩn cả, thì đấy, các ngài cứ hãy nhìn ông huyện Hinh, hẳn các ngài phải chịu ngay rằng tôi không nói đùa.

    (Trích Đồng hào có ma, Nguyễn Công Hoan, NXB Văn học, 2017)

    Những biện pháp tu từ nào được sử dụng trong ngôn ngữ của người kể chuyện để tạo ra giọng điệu châm biếm, giễu cợt bản chất của viên quan huyện?

    A. Nói quá, tương phản, tăng cấp

    B. Điệp từ, tăng cấp, chơi chữ

    C. Ẩn dụ, điệp từ, phép đối

    D. Tương phản, câu hỏi tu từ

    Câu 20. Dưới đây là hai đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích khi ông đi đến quyết định chấm dứt sự tồn tại mang tên hồn Trương Ba, da hàng thịt:

    Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.

    Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây, ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong.

    * * *

    Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết.

    Và:

    Đế Thích: Không! Ông phải sống, dù với bất cứ giá nào

    Hồn Trương Ba: Không thể sống với bất cứ giá nào được, ông Đế Thích ạ! Có những cái giá đắt quá, không thể trả được..


    (Trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ, Nàng Sita- Những vở kịch khai thác tích truyện dân gian, NXB Trẻ, 2018, tr. 88, 93)

    Cái giá mà Trương Ba không chấp nhận trả cho sự sống quý giá của mình là gì?

    A. Mắc nợ ân huệ của người khác

    B. Không còn được là chính mình

    C. Sự phán xét của người khác

    D. Từ bỏ tên họ của mình

    Câu 21. Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

    Đất là nơi anh đến trường

    Nước là nơi em tắm

    Đất Nước là nơi ta hò hẹn

    Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

    Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc

    Nước là nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi

    Thời gian đằng đẵng

    Không gian mênh mông

    Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ

    Đất là nơi Chim về

    Nước là nơi rồng ở

    Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

    (Trích Đất nước- Chương V trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm)

    Yếu tố không gian trong đoạn thơ trên có ý nghĩa như thế nào trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề của đoạn thơ?

    A. Khẳng định sự mênh mông rộng lớn của diện tích lãnh thổ và niềm tự hào về truyền thống lịch sử lâu đời.

    B. Thể hiện tình yêu mãnh liệt dành cho từng tấc đất quê hương và những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

    C. Khẳng định đất nước vừa thiêng liêng vừa bình dị, đất nước được làm nên từ những điều nhỏ bé, gần gũi trong cuộc đời mỗi con người.

    D. Khẳng định sự vĩ đại, linh thiêng của đất nước trong chiều kích lịch sử và đời sống tâm linh của nhân dân ta.

    Câu 22. Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

    Không gian dày đặc toàn trăng cả

    Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng

    (Trích Huyền ảo, Hàn Mặc Tử, Hàn Mặc Tử - danh tác thơ, NXB Hội Nhà văn, 2014)

    Phương án nào chỉ ra tính sáng tạo trong việc sử dụng từ "trăng" ở những câu thơ sau?

    A. Với từ "trăng" trong câu thơ thứ hai, tác giả sử dụng nghệ thuật chơi chữ để thể hiện sự lung linh, huyền diệu của không gian đêm trăng và sự trong trẻo của mối tình mới chớm.

    B. Với từ "trăng" trong hai câu thơ, tác giả sử dụng hiện tượng chuyển nghĩa của từ, khiến cho ánh trăng lung linh nhiều sắc thái: Ánh sáng của tự nhiên, ánh mắt của người thương, ánh sáng của tình yêu.

    C. Với từ "trăng" trong hai câu thơ, tác giả sử dụng từ đa nghĩa để thể hiện những sắc thái khác nhau trong cảm nhận về không gian qua tâm trạng đắm say của nhân vật trữ tình.

    D. Với từ "trăng" trong câu thơ thứ hai, tác giả đã tính từ hóa danh từ, gợi ra vẻ đẹp lung linh, huyền diệu của không gian nửa thực nửa như mộng ảo nơi "tôi" và "nàng" tắm mình dưới ánh trăng.

    Câu 23. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

    Hỡi đồng bào cả nước,

    "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

    Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mĩ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

    Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:

    "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".

    Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

    (Trích Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

    Trên cơ sở trích dẫn Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mĩ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791, Hồ Chí Minh đã khẳng định điều gì?

    A. Quyền cơ bản của con người

    B. Quyền bình đẳng, tự do của các dân tộc

    C. Quyền tự chủ chính trị của các dân tộc

    D. Độc lập và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam

    Câu 24. Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

    Ta về, mình có nhớ ta

    Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

    Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

    Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

    Ngày xuân mơ nở trắng rừng

    Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

    Ve kêu rừng phách đổ vàng

    Nhớ người em gái hái măng một mình.

    Rừng thu trăng rọi hòa bình

    Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

    (Trích Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

    Tính dân tộc trong thơ Tố Hữu được thể hiện như thế nào trong đoạn thơ trên?

    A. Sử dụng thể thơ lục bát, những câu thơ mang âm hưởng ca dao, mĩ cảm truyền thống, thể hiện vẻ đẹp đặc trưng của thiên nhiên, đời sống và tâm hồn người Việt.

    B. Sử dụng các công thức diễn đạt quen thuộc trong ca dao, tục ngữ, truyền tải những kinh nghiệm của nhân dân về con người và xã hội.

    C. Thể thơ tự do, sử dụng cặp đại từ xưng hô quen thuộc trong đời sống, xóa nhòa ranh giới giữa đời thường và văn chương.

    D. Sử dụng chất liệu văn hóa dân gian, dấu ấn mĩ cảm và bút pháp của hội họa cổ điển để khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc.

    Câu 25. Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

    Sông không hiểu nổi mình

    Sóng tìm ra tận bể

    (Trích Sóng, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

    Hành trình của con sóng trong hai câu thơ sau thể hiện khát vọng nào của người con gái trong tình yêu?

    A. Khát vọng khẳng định quyền bình đẳng, quyền được tự do lựa chọn tình yêu và hạnh phúc.

    B. Khát vọng kiếm tìm bản ngã, tìm kiếm sự thấu hiểu, đồng điệu trong tình yêu.

    C. Khát vọng tìm kiếm một tình yêu lớn lao, bay bổng và khẳng định bản ngã trong tình yêu.

    D. Khát vọng khẳng định vị thế của mình trong tình yêu.

    Câu 26. Dưới đây là những câu văn miêu tả căn buồng của Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ:

    Ở căn buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình chỉ cứ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.

    Chi tiết này có ý nghĩa như thế nào trong việc khắc họa thân phận của nhân vật?

    A. Một cuộc đời quẩn quanh, mỏi mòn trong sự nghèo khổ, tù đọng và buồn chán.

    B. Một cuộc đời ngột ngạt, tăm tối, tù hãm, bế tắc, chết mòn trong sự đọa đày, nô lệ.

    C. Một cuộc đời chìm nổi trong đắng cay nhưng vẫn le lói ánh sáng của niềm hy vọng.

    D. Một cuộc đời tăm tối, nghèo khổ, đắng cay, hoang mang, vô định, không lối thoát.

    Câu 27. Trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, cuộc gặp gỡ ở tòa án huyện, người đàn bà hàng chài đã tâm sự:

    - Từ nhỏ tôi đã là một đứa con gái xấu xí, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa. Hồi bấy giờ nhà tôi còn khá giả, nhà tôi trước ở trong cái phố này. Cũng vì xấu, trong phố không ai lấy, tôi có mang với một anh con trai một nhà hàng chài giữa phá hay đến nhà tôi mua bả về đan lưới. Lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi.

    Lời kể về người đàn ông thể hiện phẩm chất gì ở nhân vật người đàn bà hàng chài?

    A. Sự bao dung, thấu hiểu

    B. Lòng chung thủy

    C. Đức hi sinh

    D. Sự nhẫn nhục, chịu đựng

    Câu 28. Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

    Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

    Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

    Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa

    Óng tre ngà và mềm mại như tơ

    Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát

    Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

    Như gió nước không thể nào nắm bắt

    Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh

    (Trích Tiếng Việt, Lưu Quang Vũ)

    Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào?

    A. Thơ tự do

    B. Thơ tám chữ

    C. Thơ bảy chữ

    D. Thơ sáu chữ

    Câu 29. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ sau:

    "Nào đâu cái yếm lụa sồi?

    Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân

    Nào đâu cái áo tứ thân?

    Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?"

    (Chân quê – Nguyễn Bính)

    A. Miêu tả

    B. Biểu cảm

    C. Tự sự

    D. Nghị luận

    Câu 30. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

    Và hắn nghĩ đến câu nói hùng hồn của một nhà triết học kia: "Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ". Nhưng hắn lại nghĩ thêm rằng: Từ rất đáng yêu, rất đáng thương, hắn có thể hy sinh tình yêu, thứ tình yêu vị kỷ đi; nhưng hắn không thể bỏ lòng thương; có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường, nhưng hắn vẫn còn được là người: Hắn là người chứ không phải là một thứ quái vật bị sai khiến bởi lòng tự ái. Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình.


    (Trích Đời thừa, Nam Cao, Tuyến tập Nam Cao, Tập 2, NXB Văn học, 2002, tr. 10)

    Tính đa thanh của ngôn ngữ kể chuyện có giá trị như thế nào trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của đoạn trích trên?

    A. Tạo nên tính đối thoại, thúc đẩy những xung đột của nhân vật với chính mình, đẩy xung đột của nhân vật với hoàn cảnh đến mức không thể thỏa hiệp.

    B. Thể hiện cuộc đấu tranh của nhân vật trong việc chấp nhận, thích nghi với sự ích kỷ của con người và sự tầm thường của hoàn cảnh sống.

    C. Thể hiện sự do dự của nhân vật trong việc lựa chọn lí tưởng sống cho riêng mình giữa muôn vàn quan điểm đối lập: Sống yêu thương hay tàn nhẫn, yếu đuối hay mạnh mẽ, ích kỷ hay vị tha..

    D. Thể hiện cuộc đấu tranh nội tâm để khẳng định triết lý sống xem tình thương, sự vi tha là gốc rễ của hành động, là cốt lõi nhân tính, đồng thời tạo nên tính đối thoại về quan niệm sống cho tác phẩm.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...