Đề bài 01: Đọc đoạn văn bản: [..] Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, đây là một chân trời gần gũi, mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến - cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình. [..] Chờ Liên (vợ Nhĩ) xuống tầng dưới rồi Nhĩ mới lên tiếng: - Tuấn, Tuấn à! Anh con trai đánh trần ngồi tựa vào bức tường đầu cầu thang, tay nhặt rau muống, mắt cúi xuống một cuốn sách truyện dịch. Nghe bố gọi, Tuấn chạy vào trong tay vẫn cầm quyển sách dày cộm gập đôi: - Bố mỏi rồi. Con đỡ bố nằm xuống nhé! - Chưa.. - đến lúc này Nhĩ mới ngắm kĩ đứa con trai. Nó là đứa thứ hai, gần một năm nay vắng nhà, đi học tận trong một thành phố phía nam và vừa mới trở về đêm qua. Anh thấy càng lớn thằng con anh càng có nhiều nét giống anh. Người cha sắp từ giã cõi đời đang giấu một tâm sự bí mật gì đó trong cái vẻ lúng túng. Anh ngước nhìn ra ngoài cửa sổ một lần nữa rồi quay vào bất chợt hỏi: - Đã bao giờ Tuấn.. sang bên kia chưa hả? - Sang đâu hả bố? - Bên kia sông ấy! Anh con trai đáp bằng vẻ hờ hững: - Chưa.. Nhĩ tập trung hết sức còn lại để nói ra cái điều ham muốn cuối cùng của đời mình: - Bây giờ con sang bên kia sông hộ bố.. - Để làm gì ạ? - Chẳng để làm gì cả. - Nhĩ có vẻ ngượng nghịu vì cái điều anh sắp nói ra quá ư kì quặc - Con hãy qua đò đặt chân lên bờ bên kia, đi chơi loanh quanh rồi ngồi xuống nghỉ chân ở đâu đó một lát, rồi về.. Anh con trai cười: - Bố đang sai con làm cái việc gì lạ thế? - Hay là thế này nhé. - Nhĩ vẫn không hề thay đổi ý kiến - Con cầm đi mấy đồng bạc xem bên ấy có hàng quán người ta bán bánh trái gì, con mua cho bố. Anh con trai miễn cưỡng mặc quần áo, đội chiếc mũ nan rộng vành đề phòng đến trưa có thể nắng to - theo lời yêu cầu khẩn khoản của Nhĩ - giắt vào người mấy đồng bạc. [..] Ngay lúc ấy, cái vật mà Nhĩ nhìn thấy trước tiên khi được ngồi sát ngay sau khuôn cửa sổ là một cánh buồm vừa bắt gió căng phồng lên. Con đò ngang mỗi ngày chỉ qua lại một chuyến giữa hai bờ ở khúc sông Hồng này vừa mới bắt đầu chống sào ra khỏi chân bãi bồi bên kia, cánh buồm nâu bạc trắng vẫn còn che lấp gần hết cái miền đất mơ ước. [..] Nhĩ nhìn mãi đám khách nhưng vẫn không tìm thấy cái mũ cói rộng vành và chiếc sơ mi màu trứng sáo đâu cả. Thì ra thằng con trai của anh chỉ mới đi được đến hàng cây bằng lăng bên kia đường. Thằng bé vẫn cắp cuốn sách bên nách đang sà vào một đám người chơi phá cờ thế trên hè phố. Suốt đời Nhĩ cũng đã từng chơi phá cờ thế trên nhiều hè phố, thật là không dứt ra được. Không khéo rồi thằng con trai anh lại trễ mất chuyến đò trong ngày. Nhĩ nghĩ một cách buồn bã, con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình, vả lại, nó đã thấy có gì đáng hấp dẫn ở bên kia sông đâu? Họa chăng chỉ có anh đã từng trải, đã từng in gót khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia, cả trong những nét tiêu sơ, và cái điều riêng anh khám phá thấy giống như một niềm mê say pha lẫn với nỗi ân hận đau đớn, lời lẽ không bao giờ giải thích hết. Nhĩ chợt nhớ ngày bố mẹ anh mới cưới Liên từ một làng bên kia sông về làm vợ anh Liên vẫn đang còn mặc áo nâu và chít khăn mỏ quạ. So với ngày ấy bây giờ Liên đã trở thành một người đàn bà thị thành. Tuy vậy, cũng như cánh bãi bồi đang nằm phơi mình bên kia, tâm hồn Liên vẫn giữ nguyên vẹn những nét tần tảo và chịu đựng hy sinh từ bao đời xưa, và cũng chính nhờ có điều đó mà sau nhiều ngày tháng bôn tẩu, tìm kiếm.. Nhĩ đã tìm thấy được nơi nương tựa là gia đình trong những ngày này. Con đò đã sang quá nửa sông, ngồi đây Nhĩ đã có thể nhìn thấy rõ từng mảnh vá trên lá buồm cánh dơi in bật trên một vùng nước đỏ. [..] Anh đang cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó. Ngay lúc bấy giờ, chiếc đò ngang mỗi ngày một chuyến chở khách qua lại hai bên sông Hồng vừa chạm mũi vào cái bờ đất lở dốc đứng phía bên này. (Nguyễn Minh Châu, TríchBến quê, NXB Hội nhà văn 1991) Qua đoạn trích trên, em hãy viết một văn bản nghị luận bàn về vẻ đẹp nghệ thuật của truyện Bến quê – Nguyễn Minh Châu. Gợi ý tham khảo I. Mở bài * Yêu cầu: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm + Nêu khía cạnh trong nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ tập trung làm rõ. *Kiến thức bổ trợ về tác giả, tác phẩm: 1. Tác giả - Nguyễn Minh Châu (1930- 1989), là nhà văn quân đội, một trong những cây bút văn xuôi tiêu biểu của nền văn học thời kì kháng chiến chống Mĩ. - Từ sau 1975, nhất là từ đầu những năm 80 - thế kỉ XX, ông đã trăn trở đổi mới mạnh mẽ về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần đổi mới văn học nước nhà.. 2. Tác phẩm - "Bến quê" được lấy làm tựa đề cho tập truyện cùng tên của Nguyễn Minh Châu xuất bản năm 1985. - Qua cảnh ngộ và tâm trạng của nhân vật Nhĩ, truyện "Bến quê" gửi gắm những suy nghĩ, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, thức tỉnh mọi người sự trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị, gần gũi của gia đình, quê hương. - Truyện thành công trong việc tạo dựng tình huống nghịch lí, trần thuật qua dòng nội tâm nhân vật, ngôn ngữ và giọng điệu giàu chất suy tư, hình ảnh mang tính biểu tượng. II. Thân bài: Một vài nét nghệ thuật đặc sắc của truyện Bến quê – Nguyễn Minh Châu 1. Xây dựng và miêu tả tâm lí, tâm trạng nhân vật sâu sắc, tinh tế - Nhân vật chính có hoàn cảnh trái ngược: + Khi còn trẻ thì đi ngao du khắp nơi, khắp các chốn trên thế giới. + Hiện tại lại mắc bệnh hiểm nghèo, không còn khả năng đi lại, sinh hoạt hoàn toàn phụ thuộc vào vợ con. - Những suy nghĩ, diễn biến tâm lí của nhân vật Nhĩ trong hoàn cảnh ấy: + Nhĩ suy nghĩ về vợ, cảm nhận được vẻ đẹp của người vợ trong những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh. + Nhĩ xót xa vô cùng khi thấy Liên mặc tấm áo vá và phải chịu bao vất vả, lo toan + Liên đã tần tảo, hi sinh thầm lặng suốt đời vì chồng con, vì gia đình. => Nhĩ nhận ra vẻ đẹp bình dị, mộc mạc chân thành của vợ mình và thấm thía tình cảm gia đình mãi mãi là ấm áp, hạnh phúc và là nơi nương tựa vững chắc nhất. - Khoảnh khắc nhận ra vẻ đẹp của bãi bồi bên sông cũng là lúc trong Nhĩ bừng lên một niềm khao khát cháy bỏng đó là được đặt chân lên bãi bồi đó. -> Khát vọng rất bình dị nhưng đã trở nên đặc biệt trong hoàn cảnh của anh lúc này - đó là một điều vô vọng => thể hiện sự thức tỉnh xót xa của Nhĩ. - Từ việc nhờ đứa con trai thực hiện ước muốn của mình không thành cùng với quãng đời tuổi trẻ của chính mình, Nhĩ đã nghiệm ra một quy luật có tính chất phổ biến của đời người. => Cách miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật của tác giả tự nhiên theo quy luật, chứa nhiều triết lí nhân sinh. 2. Xây dựng nhiều hình ảnh, chi tiết mang ý nghĩa biểu tượng, có sức chứa lớn về cảm xúc, tư tưởng - Hình ảnh bến quê (ngay ở nhan đề tác phẩm) gợi ra từ hình ảnh thực: Thuyền – bến, nơi neo đậu, đi về của những con thuyền, con đò khái quát thành nghĩa biểu tượng nơi bến đỗ của đời người, chốn đi về, nơi nương dựa của mỗi người, đó chính là gia đình, quê hương.. - Hình ảnh của bãi bồi bên kia sông, hàng năm vẫn bồi đắp phù sa màu mỡ nuôi cây lá xanh tươi. Hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng: Vẻ đẹp của cuộc sống quê hương, những cái thật gần gũi, bình dị, quen thuộc, bãi bồi cũng như đức hi sinh thầm lặng của Liên suốt đời bồi đắp, chăm chút cho chồng con. Và thật trớ trêu: Dòng sông bên lở, bên bồi, Nhĩ vô tình quên lãng thì Liên lại là người bồi đắp. - Những bông hoa bằng lăng cuối mùa màu sắc như đậm hơn, một màu tím thẫm như bóng tối mang theo dấu hiệu của sự tàn phai, tiêu biến. Cái tàn lụi bỗng trở nên gấp gáp, nhẫn tâm khi nó gắn với tâm trạng và cảnh ngộ của Nhĩ; những tảng đất lở bên này sông, khi cơn lũ đầu nguồn đã dồn về, đổ òa vào giấc ngủ của Nhĩ, gợi ra sự sống đang bị thời gian khoét dần đi, lở lói, xót xa.. - Hình ảnh đứa con trai của Nhĩ sa vào đám chơi cờ thế bên lề đường gợi ra điều mà Nhĩ gọi là sự chùng chình, vòng vèo, thờ ơ, vô tình, hay toan tính mà trên đường đời người ta khó tránh khỏi. - Hình ảnh Nhĩ cố đu mình, nhô người ra khỏi khung cửa sổ giơ cánh tay gầy guộc khoát khoát cũng mang ý nghĩa khái quát (như đã phân tích ở trên). => Hầu hết những hình ảnh trong truyện đều mang hai nghĩa: Nghĩa thực và nghĩa biểu tượng. Hai lớp nghĩa này gắn bó, thống nhất, khiến cho các hình ảnh không bị mất đi giá trị tạo hình và sức gợi cảm. Ý nghĩa biểu tượng được gợi ra từ hình ảnh thực và được đặt trong hệ quy chiếu của chủ đề tác phẩm. 3. Ngôn ngữ: Dung dị, đời thường, những đối thoại gần gũi bộc lộ chân thật những tâm tư của nhân vật. III. Kết bài: Khẳng định giá trị nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Minh Châu. Đề bài 02 : Hãy viết bài nghị luận phân tích, đánh giá nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Công Hoan qua đoạn truyện ngắn sau: Đố ai biết anh phu xe lững thững dắt cái xe không ở đằng ngã tư đầu phố kia, đi như thế từ bao giờ đấy? Trông anh ấy có vẻ "đói" khách lắm. Có lẽ thế thật. Vì ai lại tám giờ tối ba mươi Tết rồi, còn lang thang phố nọ sang phố kia thế? [..] Khốn nhưng anh ấy vừa mới ốm dậy, ốm một trận tưởng mười mươi chết, thành ra không những mất một dịp kiếm tiền vào lúc cuối năm, mà bao nhiêu tiền dành dụm trong bấy lâu, sạch sành sanh cả. Bởi vậy hôm nay, anh ấy cố vay được cái vốn để đi mua xe, kiếm bữa gạo để ăn tết. [..] Anh ấy đi lững thững như thế, qua Hàng Trống, quặt ra phố Nhà Thờ, xuyên thẳng ra lối nhà thương Phủ Doãn, thì bỗng đứng dừng, quay cổ lại nhìn. - Xe! - Đây! [..] Qua chợ Đồng Xuân, vòng về Hàng Cót, lại rẽ sang Cửa Đông, bà khách bỗng hỏi: - Anh có bằng lòng kéo tôi giờ nữa không? - Vâng, nhưng bà có cho cháu hai hào thì cháu kéo hầu bà giờ nữa. - Được. - À, anh có hào lẻ không, cho tôi vay mấy hào, chốc nữa tôi giả cả đồng cho tiện. Anh xe móc bao phục, lấy ra hai hào, đưa cho bà khách. Bà khách vào hiệu, mua gói thuốc lá, bao diêm, còn tiền mua cả hạt dưa để cắn. Anh xe nhấp nhổm chạy rảo cẳng vài bước, rồi lại tiến bước như trước. Một lúc, anh mới đánh bạo hỏi một câu rõ khôn: - Bà tìm ai, thưa bà? - Tôi tìm người quen. - Người quen bà ở phố nào? - Anh cứ kéo đi. Anh xe lại cứ kéo như thế, ra Ga, vòng về đường Sinh Từ, quặt về Hàng Bông, Hàng Mành, Hàng Vải Thâm, vân vân. Mãi mãi, mà người khách vẫn không tìm thấy ai quen. - Thưa bà bây giờ mấy giờ rồi? - Mười một giờ kém năm. - Con kéo hết giờ này, xin bà cho tiền để con đi đón khách ở ga về. - Anh có bằng lòng kéo tôi giờ nữa không? - Thưa bà, con đón khách ở ga hay ở nhà chớp bóng thì một cuốc cũng được hai hào chỉ. - Anh đã chắc có khách chưa? Hay là mật ít ruồi nhiều, rồi dắt xe về không. Anh lại cố kéo tôi giờ nữa, đi thủng thỉnh thế này mà được tiền, chả hơn chạy mửa mật ra ư? Anh xe nghe bùi tai, lại bằng lòng kéo [..] . Lúc ấy, bốn bên im lặng như tờ, chỉ thấy tiếng lách tách bà khách cắn hạt dưa thôi, thì bỗng một tràng pháo nổ, đì đẹt pháo giao thừa. - Mấy giờ rồi, thưa bà? - Phải gió nhà nào bây giờ đã đốt pháo giao thừa! Mới có mười hai giờ kém mười lăm. [..] Tới chỗ khi nẫy, anh dừng xe lại, nói: - Bây giờ có lẽ mười hai giờ, xin bà cho cháu tiền. Bà khách có ý luống cuống, nói: - Chết! Anh hỏi tiền tôi bây giờ à? Anh chịu khó kéo tôi một giờ nữa đi. - Thôi khuya rồi, cháu phải về nhà. - Này, chả nói giấu gì anh, tôi cũng đi kiếm khách từ tối đến giờ. Có anh biết đấy. Có gặp ai hỏi han gì đâu. Tôi định nếu có khách thì hỏi vay tiền trước để giả anh. Nhưng chẳng may gặp phải cái tối xúi quẩy thế này, thì tôi biết làm thế nào? - Thế cô đi xe tôi từ chín giờ, cô không giả tiền tôi à? - Bây giờ thì tôi biết làm thế nào? - Tôi kéo cô lên Cẩm. - Lên Cẩm thì tôi cũng đành lên với anh, chứ tôi biết làm thế nào! - Thế mà cũng vác mặt mặc cả xe giờ, lại còn vay tiền người ta mà mua thuốc lá với hạt dưa! [..] Đến cửa một nhà săm, cô ả bảo: - Anh hãy ghé vào đây một tý cho tôi hỏi vay tiền người này xem có được không. Một lúc lâu, một tràng pháo nổ vang trời, làm anh giật mình. Anh sực nghĩ đến cô ả, không biết cô ta vào đấy làm gì mà lâu thế [..] . Anh gõ cửa gọi. Người bồi săm ra. - Ông ơi, tôi hỏi thăm ông, người con gái quấn khăn quàng trắng vào đây ban nãy, nằm ở buồng nào? - Chả có buồng nào có khách cả. - Thế người con gái ấy đâu? - Ra ngay từ bao giờ rồi, còn đâu mà hỏi? - Thôi chết tôi rồi, ra cửa nào? Người bồi lấy ngón tay cái, hất ngang về phía cổng sau. Anh xe choáng người như nghe tiếng sét đánh. Anh bàng hoàng như chợt tỉnh giấc chiêm bao. [..] Tiếng pháo chào xuân nối đuôi nhau đùng đùng, toạch toạch.. 11-2-1931 (Nguyễn Công Hoan, Trích Người Ngựa - Ngựa Người ) I. Mở bài * Yêu cầu: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm + Nêu khía cạnh trong nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ tập trung làm rõ. * Kiến thức bổ trợ về tác giả, tác phẩm: 1. Đôi nét về tác giả Nguyễn Công Hoan: - Với những cống hiến hết mình cho nghệ thuật, năm 1960 Nguyễn Công Hoan đã được nhắc đến trong Từ điển Bách khoa toàn thư của Liên Xô, không những thế ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật vào năm 1996. - Đến với các sáng tác của Nguyễn Công Hoan, độc giả sẽ cảm nhận được trọn vẹn sự chân thực từ bức tranh về những tháng ngày gian khó của dân tộc cũng như nỗi thống khổ mà đồng bào ta lúc bấy giờ phải gánh chịu. - Không những thế, Nguyễn Công Hoan còn là một nhà văn của nông thôn khi đã thẳng thắn dùng ngòi bút của mình để phê phán bọn cường hào cũng như chế độ thực dân nửa phong kiến đã khiến dân ta chịu nhiều áp bức, bất công với giọng văn trào phúng và châm biếm. 2. Tác phẩm: - Người Ngựa - Ngựa Người là một tác phẩm nổi bật của Nguyễn Công Hoan kể về số phận của những người lao động nghèo, thông qua câu chuyện đầy trớ trêu của anh phu xe, tác giả đã chỉ ra những mặt trái của xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời. - Không chỉ vậy, câu chuyện còn chứng tỏ tài năng trong nghệ thuật kể chuyện của nhà văn. II. Thân bài: Nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Công Hoan 1. Tình huống trào phúng ra nước mắt - Cuộc gặp gỡ tréo ngoe giữa anh phu xe cùng quẫn và cô gái điếm ế khách vào đêm 30 Tết, trong khoảnh khắc giao thừa. - Tình huống truyện được tác giả xây dựng tuy đơn giản nhưng vẫn chứa đựng tinh thần nhân văn và phong cách trào phúng đặc trưng của nhà văn. Qua đó, Nguyễn Công Hoan đã làm nổi bật lên thái độ phê phán xã hội bất công cùng sự xót thương cho những kiếp người nghèo khổ. 2. Mạch truyện nhanh mà chậm - Truyện xoay quanh một cuốc xe bị bùng tiền của anh phu khốn khổ chỉ kéo dài vài tiếng trước giao thừa - Truyện được xây dựng là những đối thoại liên hoàn giữa 2 nhân vật khiến cuộc gặp gỡ như kéo dài vô tận theo bước chân mệt mỏi của anh phu, theo sự thất vọng vì ế khách của cô gái 3. Xây dựng nhân vật - Nhân vật được xây dựng với tính cách đơn giản một chiều nhưng lại phù hợp với mạch truyện và tình huống truyện - Nhân vật được khắc họa chủ yếu qua đối thoại 4. Kết cấu truyện - Kết cấu truyện dựa trên sự đối lập xoay quanh anh phu xe và cô gái bán hoa: Tuy đều sống dưới đáy xã hội nhưng cách mà cả hai mưu sinh lại không giống nhau, nếu anh phu xe đổi sức lao động của mình để có được những đồng tiền chân chính thì vị khách trên xe lại vô cùng lười biếng, không chịu lao động, quỵt tiền của một người phu nghèo khó, trong một tình thế cùng quẫn: Kéo xe giữa đêm 30 Tết. =>Chính sự đối lập này đã cho thấy tài hoa của tác giả trong việc xây dựng cốt truyện, đồng thời mang đến cho độc giả nhiều góc nhìn khác nhau về các mảnh đời trong xã hội đương thời. - Ngay ở phần nhan đề Người Ngựa - Ngựa Người, Nguyễn Công Hoan đã thể hiện thái độ châm biếm, giễu cợt. - Truyện bắt đầu bằng niềm hi vọng của anh phu và kết thúc bất ngờ bằng chi tiết chạy trốn quỵt nợ của cô gái điếm, cũng là nỗi thất vọng ê chề của anh phu vào đúng khoảnh khắc giao thừa. 5. Giọng điệu: Giọng văn châm biếm nhưng vẫn chứa đựng tinh thần nhân đạo đã để lại cho độc giả nhiều suy ngẫm về phận đời của những con người đáng thương ở xã hội thực dân nửa phong kiến. 6. Ngôn ngữ: Mộc mạc, đời thường, giản dị => tái hiện thành công bối cảnh hiện thực của Việt Nam dưới chế độ thực dân nửa phong kiến trước Cách mạng tháng Tám. III. Kết bài: Khẳng định giá trị nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Công Hoan.