Đề luyện thi vào 10 - Môn Văn

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi hy2732003, 28 Tháng bảy 2022.

  1. hy2732003

    Bài viết:
    0
    ĐỀ SỐ 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:


    Bạn không cần phải thắng bằng mọi giá

    Một trong những câu hỏi quan trọng bạn có thể tự hỏi là: "Tôi muốn mình luôn luôn đúng hay tôi muốn được hạnh phúc?". Trong nhiều trường hợp, hai điều này thường không đi cùng nhau.

    Việc tỏ ra mình là người luôn đúng - nghĩa là người khác sai - sẽ đẩy chúng ta vào thế sẵn sàng tranh cãi với bất kỳ ai không cùng quan điểm. Và nếu tình trạng này cứ tiếp diễn sẽ khiến đầu óc chúng ta tốn rất nhiều năng lượng cũng như làm chúng ta xao nhãng với cuộc sống xung quanh. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn dành rất nhiều thời gian và công sức để chứng minh (hay bảo vệ) quan điểm của mình và cho rằng người khác đã sai. Vô tình hay hữu ý, nhiều người tin rằng việc đưa ra ý kiến riêng "đúng đắn" sẽ giúp người khác điều chỉnh họ và học hỏi thêm nhiều điều. Thực ra, điều này hoàn toàn sai.

    Bạn hãy nhớ lại xem, đã bao giờ bạn bị ai đó "sửa lưng" và bạn nói với họ: "Cảm ơn bạn đã chỉ cho tôi thấy điều tôi sai!". Hoặc đã bao giờ có ai đó nói cảm ơn khi bạn phản đối họ hay chứng tỏ bạn đúng họ sai. Sự thật là đa phần chúng ta đều không thích bị người khác vạch ra sai lầm của mình. Con người luôn mong muốn người khác lắng nghe và được công nhận. Do đó, một người biết cách lắng nghe thường là người được yêu quý và tôn trọng. Những người có thói quen hay phản đối người khác thường chỉ nhận được phản ứng bực bội và bị lảng tránh.

    (Richard Carlson - Tất cả đều là chuyện nhỏ, NXB Tổng hợp Thành phố HCM, trang 35)

    Câu 1 . Xác định phương thức biểu đạt của văn bản.

    Câu 2 . Theo em việc bảo vệ quan điểm của mình và cho rằng người khác đã sai là đúng hay sai? (0, 5 điểm)

    Câu 3 . Xác định lời dẫn trực tiếp trong câu sau, chuyển thành lời dẫn gián tiếp: Một trong những câu hỏi quan trọng bạn có thể tự hỏi là: "Tôi muốn mình luôn luôn đúng hay tôi muốn được hạnh phúc?".

    Câu 4 . Em có đồng tình với quan điểm của tác giả cho rằng việc khẳng định mình luôn đúng và mình muốn được hạnh phúc thường không đi cùng nhau không? Vì sao? (1, 0 điểm)

    II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

    Câu 1 (2.0 điểm)


    Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về câu nói: " Cảm ơn bạn đã chỉ cho tôi thấy điều tôi sai!". Câu 2 (5.0 điểm)

    Cảm nhận của em về khổ thơ sau trong bài Đồng chí của Chính Hữu:

    Quê hương anh nước mặn, đồng chua

    Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

    Anh với tôi đôi người xa lạ

    Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

    Súng bên súng, đầu sát bên đầu

    Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

    Đồng chí!
     
    Ngọc Thiền SầuDiệp Minh Châu thích bài này.
  2. hy2732003

    Bài viết:
    0
    GỢI Ý LÀM BÀI ĐỀ SỐ 1

    I. Đọc hiểu

    1. Phương thức biểu đạt: Nghị luận

    2. Học sinh có thể lập luận theo nhiều quan điểm khác nhau, song cần làm rõ được các ý:

    - Việc bảo vệ quan điểm của mình là đúng. Bởi đó là cách để khẳng định bản thân và cần thiết phải giữ vững lập trường, suy nghĩ của mình.

    - Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng cho rằng mình luôn đúng và người khác đã sai. Bởi vì sự đánh giá của mình về chính mình và người khác là sự đánh giá phiến diện.

    - Cho nên không nhất thiết trong mọi trường hợp cần bảo vệ quan điểm của mình và cố gắng chỉ ra người khác đã sai.

    3. "Tôi muốn mình luôn luôn đúng hay tôi muốn được hạnh phúc?".

    - Chuyển: Một trong những câu hỏi quan trọng bạn có thể tự hỏi là bạn muốn mình luôn luôn đúng hay bạn muốn được hạnh phúc

    4. Học sinh có thể đưa ra ý kiến riêng của mình và lập luận thuyết phục. Song cần làm rõ được các ý:

    - Việc khẳng định mình luôn đúng là thái độ hiếu thắng, tự kiêu tự đại không nên có trong giao tiếp.

    - Niềm hạnh phúc là cảm giác mãn nguyện khi chúng ta đạt được ước mơ trong cuộc sống.

    - Việc khẳng định mình luôn đúng không thể đem lại hạnh phúc cho con người bởi vì:

    + Tâm lí hiếu thắng có thể đem lại cho bạn cảm giác hãnh diện vui sướng nhất thời. Nhưng sẽ khiến bạn trở nên bị ghen ghét, xa lánh.

    + Bản thân mình không lắng nghe và nhận thấy lỗi sai của mình.

    + Khiến cho người khác thấy bực bội, không muốn lại gần

    II. Làm văn

    Câu 1. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về câu nói: "Cảm ơn bạn đã chỉ cho tôi thấy điều tôi sai!".

    * Yêu cầu về hình thức:

    - Đảm bảo bố cục đoạn văn: Câu mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn

    - Trình bày câu văn mạch lạc, lập luận rõ ràng, sáng nghĩa

    * Yêu cầu về nội dung:

    - Giải thích câu nói: Là lời cảm ơn cần thiết khi có ai đó vạch ra lỗi sai của chính mình

    - Phân tích ý nghĩa của câu nói:

    + Câu nói đã khẳng định rằng: Không phải mọi lúc bản thân mình luôn đúng. Do đó, khi được người khác chỉ ra sai lầm của mình cần biết lắng nghe để sửa lỗi.

    + Biết nói lời cảm ơn khi có người giúp bạn sửa sai và hoàn thiện chính mình. Đó là cách ứng xử có văn hóa.

    - Bàn luận:

    + Trong giao tiếp, không ai luôn đúng hoặc luôn sai. Chúng ta nhất thiết cần phải lắng nghe quan điểm của người khác và nhìn thấy chỗ sai của mình.

    + Trên thực tế, nhiều người luôn cố tỏ ra mình luôn đúng và phủ nhận người khác. Khi bị vạch ra sai lầm thì luôn cảm thấy khó chịu, ấm ức. Đó là thái độ tiêu cực, cần loại bỏ khi giao tiếp.

    - Bài học nhận thức và hành động:

    + Luôn học hỏi, lắng nghe từ người khác.

    + Luôn cầu thị, tự sửa lỗi để hoàn thiện mình.

    + Không nhất thiết phải thắng bằng mọi giá trong giao tiếp. Luôn khiêm tốn với chính mình, luôn khéo léo trong cách chỉ ra lỗi sai của người khác.

    Câu 2. Viết bài văn

    A. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận

    B. Xác định đúng vấn đề nghị luận

    C. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

    1. Mở bài

    - Giới thiệu tác giả, tác phẩm và 7 câu thơ đầu: Tác giả Chính Hữu – một nhà thơ, chiến sĩ đã xúc động mà sáng tác ra bài thơ. Tình đồng chí đồng đội sâu nặng dù trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn được thể hiện rõ nhất trong 7 câu thơ đầu cảu bài thơ

    2. Thân bài:

    * Khái quát, nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ

    * Cảm nhận về nét đặc sắc nội dung: 7 dòng thơ đầu đã khái quát cơ sở hình thành của tình đồng chí

    + Họ chung nguồn gốc xuất thân: Đều là những người con của vùng quê nghèo khó, nơi "nước mặn đồng chua", "đất cày lên sỏi đá" -> Những vùng quê lam lũ, nghèo khổ, thời tiết khắc nghiệt. Họ đều là những người nông dân mặc áo lính, ra đi từ mảnh vườn thửa ruộng.

    - Họ ra đi từ khắp các phương trời, vốn là những người xa lạ, nhưng "không hẹn mà quen" -> họ cùng gặp nhau nơi tình yêu tổ quốc, lý tưởng cách mạng.

    + Họ cùng chung lý tưởng, nhiệm vụ chiến đấu: "Súng bên súng, đầu sát bên đầu" :

    - Súng: Tượng trưng cho nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

    - Đầu: Tượng trưng cho lý tưởng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc.

    - > Điệp từ, hình ảnh thơ sóng đôi đã nhấn mạnh sự gắn kết những người lính khi họ cùng sát cánh bên nhau, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ, cùng chung lý tưởng

    + Họ cùng chung hoàn cảnh gian khổ khó khăn trong cuộc đời người lính: Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ -> sự thiếu thốn, vất vả, gian khó của cuộc đời người lính đã gắn kết họ lại với nhau, thấu hiểu, thông cảm, thương yêu nhau thành đôi tri kỷ, hiểu mình, hiểu ta, tuy 2 mà 1.

    - > Tất cả những điểu đó đã tạo nên tình đồng chí.

    + Đồng chí!

    - Đó là tình cảm cao đẹp, gắn kết thiêng liêng giữa những người lính - đó không chỉ là chung chí hướng, cùng mục đích mà hơn hết đó là tình tri kỉ đã được đúc kết qua bao gian khổ, khó khăn, cùng chia ngọt sẻ bùi với nhau.

    - Dòng thơ thứ 7 có kết cấu đặc biệt, thể hiện cảm xúc nghẹn ngào của Chính Hữu khi nhớ về những người đồng chí, đồng đội của mình.

    * Cảm nhận về đặc sắc nghệ thuật:

    - Thể thơ tự do, câu thơ dài ngắn khác nhau, phù hợp với dòng cảm xúc của tác giả.

    - Ngôn ngữ thơ bình dị, hàm xúc.

    - Hình ảnh thơ chọn lọc, sử dụng nhiều hình ảnh sóng đôi..

    - Cảm xúc dồn nén.

    - Sử dụng thành công thành ngữ dân gian..

    3. Kết bài

    - Ý nghĩa của bảy câu thơ đầu: Qua bảy câu thơ đầu của bài thơ "Đồng chí", Chính Hữu đã sử dụng nhiều hình ảnh chân thực, gợi tả và khái quát cao đã thể hiện được một tình đồng chí chân thực, không phô trương nhưng lại vô cùng lãng mạn và thi vị.

    D. Sáng tạo: Có quan điểm riêng, suy nghĩ phù hợp.

    E. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.
     
    Ngọc Thiền Sầu thích bài này.
  3. hy2732003

    Bài viết:
    0
    ĐỀ SỐ 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Phần I :(6, 5 điểm)

    Viết về hình ảnh người lính, Phạm Tiến Duật đã khắc họa tư thế ung dung, hiên ngang của người chiến sĩ Trường Sơn:


    Ung dung buồng lái ta ngồi

    Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng


    1. Bài thơ tiểu đội xe không kính được sáng tác theo thể thơ nào? Ý nghĩa nhan đề bài thơ.

    2. Nêu biện pháp tu từ được dùng ở câu trên? Cho biết tác dụng của BPTT ấy.

    3. So sánh hình ảnh người lính trong bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu và "Bài thơ tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật, em thấy có điểm gì tương đồng?

    4. Em hãy viết một đoạn văn khoảng 15 câu theo phép quy nạp để cảm nhận về hình ảnh những chiếc xe không kính trong bài thơ
    "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" (Phạm Tiến Duật). Trong đó có sử dụng phép lặp và câu cảm thán (gạch dưới, chú thích rõ 1 câu cảm thán và từ ngữ sử dụng làm phép lặp).

    Phần II :(3, 5 điểm)

    Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

    "Bản lĩnh là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt. Muốn có bản lĩnh bạn cũng phải kiên trì luyện tập. Chúng ta thường yêu thích những người có bản lĩnh sống. Bản lĩnh đúng nghĩa chỉ có được khi bạn biết đặt ra mục tiêu và phương pháp để đạt được mục tiêu đó. Nếu không có phương pháp thì cũng giống như bạn đang nhắm mắt chạy trên con đường có nhiều ổ gà.

    Cách thức ở đây cũng rất đơn giản. Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm.. Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn. Đó là những kỹ năng đã được trau dồi cùng với vốn tri thức, trải nghiệm. Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào yếu tố này.

    Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh. Khi xây dựng được bản lĩnh, bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà còn được nhiều người thừa nhận và yêu mến hơn."


    Câu 1. Chỉ ra BPTT được sử dụng trong câu sau: Nếu không có phương pháp thì cũng giống như bạn đang nhắm mắt chạy trên con đường có nhiều ổ gà.

    Câu 2 . Theo tác giả, thế nào là bản lĩnh?

    Câu 3 . Từ đoạn trích trên, em hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ về ý kiến: Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.
     
    Ngọc Thiền Sầu thích bài này.
  4. hy2732003

    Bài viết:
    0
    GỢI Ý LÀM BÀI ĐỀ SỐ 2

    Phần I

    Câu 1

    * Thể thơ: 8 chữ

    * Ý nghĩa nhan đề bài thơ:

    - Bài thơ có nhan đề khá dài, khá đặc biệt: "Bài thơ về tiểu dội xe không kính". Nhan đề bài thơ thoạt nghe sẽ thấy như có chỗ thừa: Thừa hai chữ "bài thơ". Nhưng chính chỗ thừa ấy sẽ tạo sức hút cho người đọc ở vẻ khác lạ và độc đáo ở sức gợi: Gợi chất thơ của cuộc sống nơi chiến trường.

    - Hình ảnh "tiểu đội xe không kính" được đưa vào nhan đề bài thơ:

    + Gợi hiện thực phổ biến, quen thuộc trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

    + Gợi hiện thực của cuộc chiến vô cùng gay go, khốc liệt.

    + Gợi vẻ đẹp của người lính lái xe Trường Sơn, vẻ đẹp của lòng dũng cảm, của ý chí nghị lực, của sự kiên cường.

    Câu 2:

    + Thủ pháp đảo ngữ, đưa từ "ung dung" đứng đầu câu gợi sự bình thản, điềm tĩnh đến kì lạ của người lính.

    + Điệp từ "nhìn" được nhắc lại ba lần, cộng với nhịp thơ dồn dập, giọng thơ mạnh mẽ đã thể hiện cái nhìn khoáng đạt, bao la giữa chiến trường của người lính.

    + Thủ pháp liệt kê "nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng" đã cho ta thấy tư thế vững vàng, bình thản, dũng cảm của người lính lái xe. Họ nhìn thẳng vào bom đạn của kẻ thù, nhìn thẳng vào con đường đang bị bắn phá để lái xe vượt qua.

    Câu 3:

    - Bài thơ về tiểu đội xe không kính và bài Đồng chí cùng viết về những người lính kiên cường, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn hiểm nguy. Họ cùng phải trải qua những hoàn cảnh chiến đấu thiếu thốn về vật chất, những điều kiện vô vùng khó khăn, nguy hiểm.

    - Những người lính trong hai bài Đồng chí và Bài thơ về tiểu đội xe không kính là những người lính trải qua hai cuộc kháng chiến gian khổ chống Pháp, chống Mỹ có những điểm chung: Lòng yêu nước, tinh thần quật cường, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc bất chấp mọi gian khổ, nguy hiểm, gian khổ.

    Câu 4:

    A. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận 0, 25

    B. Xác định đúng vấn đề nghị luận: 0, 25

    C. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm;

    Dàn ý tham khảo

    1. Mở đoạn:

    - Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Phạm Tiến Duật là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ cứu nước. Thơ ông thường viết về người lính trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa với giọng điệu trẻ trung, sôi nổi. Bài thơ "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của ông là một trong những minh chứng tiêu biểu cho nét tinh nghịch cũng như tinh thần bất khuất, hào hùng của người chiến sĩ.

    - Nói về con đường chiến tranh: Con đường Trường Sơn đông nắng tây mưa - con đường huyền thoại một thời lửa cháy vẫn luôn gợi nhắc trong ta hình ảnh những đoàn xe khí thế hướng về miền Nam cùng hình ảnh những chàng trai, cô gái dũng cảm trên trận tuyến chống Mĩ.

    2. Thân đoạn:

    - Khái quát hoàn cảnh ra đời bài thơ: "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" ra đời năm 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt. Bài thơ đạt giải nhất cuộc thi thơ do báo văn nghệ tổ chức, được in trong tập thơ "Vầng trăng quầng lửa". Từng có mặt trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mỹ, Phạm Tiến Duật đã từng tận mắt chứng kiến những chiếc xe không kính băng băng trên đường ra trận. Chính hình ảnh những chiếc xe không kính, tiểu đội xe không kính đã khơi nguồn cảm hứng cho nhà thơ.


    - Phân tích: Hai câu đầu bài thơ

    Bằng một giọng thơ vừa như đối thoại, vừa như phân bua, gây sự chú ý, mở đầu nhà thơ viết:

    Không có kính không phải vì xe không có kính

    Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi.

    + Với ngôn ngữ thơ giản dị, giọng điệu thản nhiên pha chút ngang tàng, chắc khỏe như tác phong người lính; tác giả đã lí giải nguyên nhân những chiếc xe không có kính. Tác giả dùng từ ngữ phủ định "không" điệp lại ba lần, chuyển sang ý khẳng định: Những chiếc xe không kính vốn không phải là một chủng loại riêng, không phải là thiết kế của những nhà sản xuất mà bởi: "Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi".

    + Biện pháp tu từ liệt kê kết hợp với các động từ mạnh "giật", "rung" làm hiện lên hình ảnh những chiếc xe mang trên mình đầy thương tích của bom đạn chiến tranh.

    + Giọng điệu thơ như trùng xuống bởi hai chữ "đi rồi" thể hiện tâm trạng xót xa cho những chiếc xe- người bạn đồng hành thủy chung.

    + Hai câu thơ còn cho thấy sự ác liệt của chiến trường những năm chống Mỹ. Thì ra cuộc chiến tranh thời kì 1969- 1970 đã làm cho những chiếc xe vận tải biến dạng. Giặc Mỹ tàn bạo muốn cô lập miền Nam, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đã trút bom xuống những cánh rừng Trường Sơn, nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông duy nhất nối liền hai miền Nam- Bắc.

    - Phân tích: Hai câu thơ tiếp

    + Hình ảnh những chiếc xe không kính một lần nữa lại được miêu tả một cách chân thực, sinh động ở khổ thơ cuối của bài thơ:

    Không có kính rồi xe không có đèn

    Không có mui xe thùng xe có xước

    + Vẫn là phép điệp ngữ quen thuộc không có ", kết hợp với phép liệt kê tăng cấp:" Không có kính "," không có đèn "," không có mui "," có xước "cho thấy sự hỏng hóc càng tăng theo cấp số nhân, đó là quy luật tất yếu của sự huỷ diệt mà đế quốc muốn đem tới Việt Nam.

    - Đánh giá về nội dung, nghệ thuật: Với thể thơ tự do, không gò bó về vần điệu, ngôn ngữ đậm chất văn xuôi, Phạm Tiến Duật đã sáng tạo nên một bài thơ với hình tượng độc đáo. Khi đọc thơ của ông, ta có cảm giác như đang đi thẳng vào giữa cuộc chiến, đến nơi nóng bỏng nhất, trọng điểm ác liệt nhất, gặp những con người quả cảm nhất.

    3. Kết đoạn:" Bài thơ về tiểu đội xe không kính"là một bài thơ đặc sắc tiêu biểu cho phong cách thơ Phạm Tiến Duật. Chất giọng trẻ, chất lính của bài thơ bắt nguồn từ tâm hồn phơi phới của thế hệ chiến sĩ Việt Nam thời chống Mỹ mà chính nhà thơ đã sống, đã trải nghiệm. Qua đó, tác giả cũng đã khắc họa hình ảnh những chiếc xe không kính độc đáo nhưng cũng đầy chân thực về cuộc sống khốc liệt nơi chiếc trường. 0, 5

    D. Sáng tạo: Có quan điểm riêng, suy nghĩ phù hợp. 0.25

    E. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt. 0, 25

    Phần II

    Câu 1: Biện pháp tu từ: So sánh 0, 5

    Câu 2: Theo tác giả, bản lĩnh là: Dám nghĩ, dám làm, có thái độ sống tốt 0, 5

    Câu 3:

    * Yêu cầu về hình thức:

    - Đảm bảo bố cục đoạn văn: Câu mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn

    - Trình bày câu văn mạch lạc, lập luận rõ ràng, sáng nghĩa

    * Yêu cầu về nội dung:

    1. Mở đoạn:

    - Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Tuổi trẻ cần phải có bản lĩnh để đương đầu với mọi khó khăn, thử thách.

    2. Thân đoạn:

    * Giải thích:

    – Bản lĩnh là sự tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân và có chính kiến riêng trong mọi vấn đề. Người bản lĩnh dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn.

    * Phân tích, chứng minh:

    - Biểu hiện của người sống bản lĩnh:

    + Quyết đoán, không vì người khác nói ra nói vào mà lung lay ý chí quyết tâm của mình.

    + Người có bản lĩnh thường nói là làm và không nói hai lời.

    + Khi gặp khó khăn thường không than khóc oán trách số phận hay đổ lỗi cho người này, người kia mà là người tự dám nhận lỗi về mình tự mình khắc phục khó khăn để bước tiếp.

    + Dám sống theo đuổi ước mơ dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống

    - Ý nghĩa của việc sống bản lĩnh:

    + Sống bản lĩnh giúp cho bản thân có được sự tự tin trong cuộc sống, từ đó đề ra những mục tiêu và dám thực hiện chúng.

    + Bên cạnh đó, người bản lĩnh cũng dễ dàng thừa nhận những sai sót, khuyết điểm của mình và tiếp thu những cái hay, cái mới, cái hay.

    + Trước những cám dỗ của cuộc sống, người bản lĩnh hoàn toàn có thể tự vệ và tự ý thức được điều cần phải làm.

    * Bình luận, mở rộng:

    + Là học sinh, bản lĩnh được biểu hiện qua nhiều hành vi khác nhau. Đó là khi bạn cương quyết không để cho bản thân mình quay cóp, chép bài trong giờ kiểm tra. Đó là khi bạn sẵn sàng đứng lên nói những sai sót của bạn bè và khuyên nhủ họ. Khi mắc sai lầm, bạn tự giác thừa nhận và sửa sai.

    3. Kết đoạn:

    - Đưa ra bài học nhận thức và hành động

    Ví dụ: Không phải ai sinh ra cũng có được bản lĩnh. Bản lĩnh của mỗi người được tôi luyện qua nhiều gian lao, thử thách. Bằng sự can đảm, học từ những thất bại, đứng dậy từ những vấp ngã.. mỗi chúng ta đang dần tạo nên một bản lĩnh kiên cường.
     
    Ngọc Thiền Sầu thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...