Liên hệ mở rộng khi phân tích hai câu: Quân đi điệp điệp trùng trùng Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan Hình ảnh đoàn quân được miêu tả trong sự trưởng thành, lớn mạnh, đội ngũ đông đảo, hùng hậu. Nghệ thuật trùng điệp với hai từ láy "điệp điệp" và "trùng trùng" đi liền nhau ở câu thơ có sức gợi tả đó, nó vừa gợi lên hình ảnh đoàn quân với sức mạnh vô song, tầng tầng, lớp lớp như sóng cuộn. Đoàn quân ra mặt trận hùng tráng, mang cả sức mạnh của lòng yêu nước, của lí tưởng cách mạng, khát khao chiến đấu và chiến thắng quân thù. Câu thơ thứ hai "Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan" đầy sáng tạo, được ngắt theo nhịp 4/4 càng làm tăng thêm vẻ đẹp của người lính - một vẻ đẹp vừa hiện thực vừa mộng ảo, gợi lên những ấn tượng đẹp về anh bộ đội cụ Hồ. Câu thơ trước hết tả thực hình ảnh những người lính trong cuộc hành quân đêm, súng khoác trên vai, ánh sao chênh chếch trên đầu mũi súng. Nhưng câu thơ không chỉ có ý nghĩa tả thực mà còn gợi nhiều liên tưởng. Trong đó, ánh sao là biểu tượng cho lí tưởng của người chiến sĩ, là ánh sáng cách mạng, là ý chí đánh giặc của người lính. Những người lính chiến đấu vì lí tưởng cao đẹp, vì độc lập tự do cho đất nước. Cụm từ "ánh sao đầu súng" đã nâng tầm vóc những người lính khiến họ vươn tới tận sao trời. Từ "bạn cùng" đã nhấn mạnh sự hài hòa giữa vẻ đẹp và lí tưởng ngời sáng của người chiến sĩ với cái bình dị, đời thường của người lính được gợi ra từ hình ảnh "mũ nan". Chiếc mũ nan ấy có thể được đan bởi những người dân Việt Bắc, họ gửi vào chiếc mũ bao nhiêu tin yêu cho chiến trường: Ngày xuân mơ nở trắng rừng Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang Như thế, hình ảnh "Ánh sao đầu súng" ở đây cũng có nét giống với hình ảnh "Đầu súng trăng treo" trong bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu. Ánh sao đầu súng ấy cũng có thể là ánh sáng của ngôi sao gắn trên chiếc mũ nan của người lính, ánh sáng của lí tưởng cách mạng soi cho người lính bước đi, như nhà thơ Vũ Cao trong bài "Núi đôi" đã viết: Anh đi bộ đội sao trên mũ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Liên hệ mở rộng khi phân tích đoạn: Ai về ai có nhớ không? Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang. Nắng trưa rực rỡ sao vàng Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công Điều quân chiến dịch thu đông Nông thôn phát động, giao thông mở đường Giữ đê, phòng hạn, thu lương Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu.. + Hình ảnh ngọn cờ đỏ sao vàng: Khi thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cũng là lúc lá cờ đỏ sao vàng được lấy làm quốc kì của dân tộc ta. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên cửa hang lộng gió, phải chăng đó là hang PắcPó, nơi lãnh tụ HCM kính yêu của chúng ta sống và làm việc. Hình ảnh này không chỉ mang ý nghĩa tả thực mà nó còn mang ý nghĩa tượng trưng cho tinh thần, ý chí quyết tâm cao độ trong cuộc kháng chiến của quân và dân ta và niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến của dân tộc. + Ánh nắng trưa rực rỡ: Khung cảnh Việt Bắc nơi chiến khu hiện lên rực sáng bởi sự xuất hiện ánh nắng chói chang của mặt trời. Hãy nhớ lại những tháng năm dân tộc ta phải đi qua "nghìn đêm thăm thẳm sương dày" mới hiểu hết giá trị của ánh nắng mặt trời khi chiếu rọi đến nơi đây. Phải chăng điều nhà thơ Tố Hữu muốn nói thật giản dị nơi nào có Đảng, có chính phủ nơi đó có ánh sáng mặt trời, có sự sống, có độc lập tự do. Đó là chân lí mà chàng thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Kim Thành đã nhận ra từ tuổi đôi mươi. Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ Mặt trời chân lí chói qua tim Khung cảnh nơi chiến khu hiện lên thật rực rỡ, làm tấm phông nền tươi sáng cho "Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công" . Có lẽ không có hình ảnh nào tuyệt mĩ hơn ánh sáng lí tưởng cách mạng đang tỏa khắp chiến khu, ngọn gió của tự do đang phần phật thổi trên lá cờ tổ quốc. Tất cả vì ngày mai chiến thắng.