Truyện Ngắn Đại Sảnh Danh Vọng - Lê Linh Chi

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Lê Linh Chi, 6 Tháng hai 2023.

  1. Lê Linh Chi

    Bài viết:
    2
    Đại sảnh Danh vọng

    Tác giả: Lê Linh Chi

    Truyện Ngắn - Đại Sảnh Danh Vọng - Lê Linh Chi

    [​IMG]

    Khi những người tham gia ca hát hết hơi, quyết định dừng lại để lục tục kéo nhau về thì tôi cũng hết hơi! Đêm qua thức trắng, sáng chợp mắt được chút thì chuông hẹn giờ réo. Chờ đến lượt báo thứ ba, tôi mắt nhắm mắt mở ngồi dậy, lên đồ, choàng cây đàn vào vai rồi chạy vội tới đám thôi nôi để kiếm cơm. Trưa về chợp mắt, rồi lại chuông hẹn giờ réo, lại lên đồ. Lần này, tôi phải thắt dây nịt chặt thêm một nấc vì bụng lép, choàng đàn vào vai rồi phóng xe tới đám mừng thọ.

    Vớ chai nước còn bỏ lại trên bàn gần đó, tôi tìm một chỗ khuất, ngồi chờ nhận thù lao. Thường, gia đình sẽ mở bao thư, vét tiền mừng, tính toán đủ kiểu rồi mới thanh toán tới ban nhạc. Nên, thời gian chờ kéo dài bao lâu là tùy thuộc vô các khoản phát sinh, có thể khá lâu, hoặc rất lâu. Nhưng lâu cũng chưa phải là tệ nhất. Tệ nhất là có khi tôi chỉ nhận được một phần rất ít, thậm chí không được đồng nào!

    Ngồi nán lại bàn tiệc ngoài tôi ra còn có một ông cụ, mà tôi đoán là ngôi sao của buổi tiệc mừng thọ. Ông có vẻ kiệt sức, ngớ ngẩn, gắng gượng giữa một khung cảnh ồn ào, lộn xộn. Bên cạnh ông là một thanh niên, có lẽ là con, suốt buổi tiệc luôn ngồi bên cạnh ông. Lúc tôi chìu lòng khách đàn đủ thứ thể loại nhạc Đông, Tây, kim, cổ không liên quan nhau là lúc không khí tiệc cực kì huyên náo! Người thì hát một hơi bốn, năm bài, lè nhè, lạc giọng. Người chỉ hát vài câu rồi chạy xuống bàn nhậu tiếp. Trẻ con chạy lên chạy xuống sân khấu đuổi bắt, thử đập trống, thử búng dây đàn.. kéo theo phụ huynh chạy tới chạy lui tìm góc live stream. Từ trên sân khấu, tôi thấy có một lúc anh ta liên tục quay lại nhìn đám khách khứa đang cố sức nói đua với cái loa của ban nhạc, đang gào thét: "Dô, dô", rồi lại quay sang nhìn tôi, như bất bình về thái độ của khách, như lo lắng cho tâm trạng của tôi.

    - Thấy tôi nhìn, anh gật đầu chào, rồi đi tới:

    - Chắc anh mệt rồi. Em mời anh uống cà phê, ăn tạm chút gì nha!

    Tôi với tay cầm cây đàn, anh ta nói:

    - Cứ để đây đi anh, toàn người trong nhà, chắc không sao đâu.

    Tôi nói:

    - Sợ con nít phá làm hư thôi.

    Anh nhìn bao đàn sờn cũ, gật gù:

    - Dạ, mấy anh nhạc sĩ chỉ thích chơi cây đàn quen thôi.

    Chúng tôi vẫn thường mượn đàn của nhau. Ban nhạc có ba, bốn người. Một người khi thì chơi ở vị trí này, khi thì ở vị trí kia, tiền đâu mà sắm đủ. Lắm khi được gọi tới vào giờ chót, ai đó đưa cho cây đàn nào cũng không quan trong. Vấn đề là, cây đàn này là tài sản của đứa bạn. Nó nghèo kiết xác, nên, nếu hư vào thời điểm cuối năm lắm tiệc tùng như thế này, nó không tài nào xoay được cây khác. Tôi cũng thế.

    Anh ta ngồi nhâm nhi cà phê trong lúc chờ tôi ăn ngấu nghiến tô phở. Đường phố vắng tanh, thỉnh thoảng có vài cặp đôi tình tứ ôm eo nhau lướt xe qua. Khi đã no, tôi buồn ngủ kinh khủng! Nhấp li cà phê đậm đặc, tôi nhìn vào trong sảnh, cố đoán xem diễn biến đã đến đâu rồi. Anh nhìn tôi cẩn thận che chắn cây đàn, nói:

    - Chắc mấy anh tập đàn suốt ngày?

    Tôi nhớ lại cảnh phòng trọ bẩn thỉu, bừa bãi, kẻ nằm người ngồi lướt web, chat chít, chơi game. Có khi cánh cửa phòng bật ra, lao vào một anh bạn say khướt, đi đâu mất mấy ngày không rõ, nhưng chắc chắn không phải đi tập đàn. Tôi ậm ừ:

    - Thì lúc rảnh cũng tập.

    - Ba em hồi đó là nhạc công nổi tiếng, chơi đàn gì cũng giỏi.

    Tôi nhớ đến cảnh anh xoay đầu tới lui nhìn tôi ái ngại khi nãy, cười:

    - Tụi tôi thì chắc là vầy luôn, gọi là nhạc công đình đám. Anh thấy đó, động cơ nào mà tập với luyện!

    - Ba em mê tập lắm. Má em la hoài. Tại sáng sớm má em phải dậy để dọn hàng bán mà khuya ba em lại lôi đàn ra tập. Mấy lần ba em cũng tính nghỉ, ở nhà phụ má em mà bạn bè cứ tới năn nỉ. Không có ba em họ cũng thất nghiệp. Rồi mấy khách quen họ cứ nhắn ra. Có người còn tìm tới tận nhà lôi kéo.

    - Rồi ba anh có ra lại không? Tôi tò mò.

    - Ra chứ anh. Được ít lâu thì ba em không về nữa. Ông tới nhà người ca sĩ hay diễn chung ở luôn.

    - Vậy, anh là con của bà bàn hàng hay bà ca sĩ?

    - Là con bà bán hàng. Bên bà ca sĩ chục năm rồi đâu liên lạc nữa. Bà bỏ ba em lên taxi, đưa địa chỉ kêu chở về nhà em. Ít lâu ba em kêu qua lấy về mấy cây đàn nhưng họ nói liệng bỏ hết rồi. Thấy họ không nhiệt tình, thái độ này nọ nên thôi em cũng không tới nữa.

    - Rồi ba anh còn tập đàn cả đêm không?

    - Ba em bị viêm khớp tay, cũng đâu đi bác sĩ gì, ai chỉ thuốc gì thử thuốc đó. Uống thời gian dài thành giờ đổ đủ thứ bịnh: Run tay, lãng tai, lẫn.. Tùm lum hết! Vậy chứ cũng đòi đàn. Tụi em mua cho ba em cây guitar điện, không gắn ampli, để ông đàn tứng tưng cho vui mà má em cũng khỏi kêu nhức đầu nhức óc.

    Tôi gật gù, dù không mong muốn nhưng câu chuyện của anh cũng khiến tôi tạm quên cơn buồn ngủ. Anh nói:

    - Vậy chứ lúc tỉnh táo cũng đòi bật nhạc, bật không đúng ý là không chịu nghe. Ca sĩ nào, nhạc sĩ nào, bài nào nhớ hết! Hồi nãy ba em khen anh đàn hay, biểu em kêu mọi người ngồi cho đàng hoàng, nói nhỏ thôi, mà em sao bảo người ta được!

    Tôi cười:

    - Chắc tại tai ba anh nghe không rõ thôi. Tôi theo nghề gần chục năm, chưa nghe ai khen hay hết.

    Một người phụ nữ hiện ra trước sảnh, vẫy tay gọi anh. Tôi đoán mọi việc đã giải quyết xong. Anh đi tới, rồi quay về với một bao thư:

    - Tụi em gửi anh, cũng khuya rồi, giờ em phải đưa ba em về. Cảm ơn anh nha.

    Tôi đeo dây đàn lên vai rồi cũng nhanh chóng lái xe rời đi. Được một quãng ngắn, tôi nhận ra mình bỏ quên mũ bảo hiểm bên trong nhà hàng. Những ngày cuối tuần như hôm nay, công an đứng rất đông ở khu nhà hàng, quán nhậu để thổi nồng độ cồn. Không muốn một ngày tất bật, thân thể nhức nhối rã rời mà công toi vì nộp phạt, tôi vội quay lại nhà hàng. Khi tôi tới, anh đang dìu ông cụ đi xuống bậc thang. Ông bước từng bước một rất chậm, rất khó khăn. Khi tôi chạy ngang, một bên tay còn tự do của ông bất ngờ níu lấy tôi. Động tác ấy khiến ông loạng choạng. Tôi dừng lại, nắm một bên vai giúp ông lấy lại thăng bằng. Ông cụ lập cập lôi từ túi áo ra một vật, dúi vào tay tôi. Những ngón tay vụng về của ông khiến vật đó rơi xuống đất. Một tay vẫn giữ ông cụ, một tay tôi với xuống mặt đất nhặt. Hóa ra là bao thư. Tôi túm được góc bao thư, một tờ giấy bên trong rơi ra. Dưới ánh sáng mờ mờ, tôi nhận ra đó là tờ tiền 500 đồng. Loại tiền này hiện không mua được thứ gì, không còn ai xài. Thấy tôi ngỡ ngàng, người con ngượng nghịu giải thích:

    - Ba em hồi đó được khách thưởng tiền nhiều lắm. Giờ ông lẫn, cứ đòi tụi em đưa lại tiền khách thưởng để chia lại cho anh em trong ban nhạc. Tụi em phải bỏ mấy tờ 500 vô bao thư, ba em muốn làm gì thì làm. Lâu lâu mất hết thì lại đưa ông mấy tờ khác.

    Rồi một tay vẫn giữ ông cụ, anh vội móc ví với một tay còn lại:

    - Để em gửi anh..

    Tôi gạt đi:

    - Không cần đâu. Tôi nhận thưởng của ba anh thấy vui mà.

    Rồi với vẻ trịnh trọng tôi học lóm được từ các ngôi sao, tôi cúi gập sâu người chào ông. Mĩm cười lịch thiệp, tôi bước thẳng tới phía trước, duyên dáng như sắp bước qua cánh cửa của Đại sảnh Danh vọng.

    Hết
     
    Ngọc Thiền SầuLieuDuong thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng hai 2023
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...