Cụ Móm Tác giả: Hồ Nguyên Vân Thể loại: Truyện ngắn Link: Các Sáng Tác của Hồ Nguyên Vân. Nguồn: Internet Hôm nào cũng vậy, vào khoảng mười giờ cho đến mười giờ ba mươi phút sáng là chị đã đứng ở trước cửa hàng gọi với vào với một giọng rất nhẹ nhàng nhưng đủ để cho tất cả các cô nhân viên bán hàng đang làm việc trong cửa hàng đều nghe thấy. - Có ai ăn gì không em ơi? Chị dáng người cao, khuôn mặt dài trái xoan, đôi môi mỏng, giọng nói nhẹ nhàng, có phần thảo mai, tuổi khoảng ngoài bốn mươi, chị bán cơm nắm muối vừng. Hàng ngày chị bê cắp một cái mẹt, trên đó là những nắm cơm, những chiếc bánh dày, túi muối lạc vừng, những khoanh giò, túi ruốc và tay xách một chiếc làn đi dạo trên các phố bán hàng. Khách hàng chính của chị là những cô nhân viên bán hàng trong các cửa hàng trên phố, đó là bữa ăn trưa của họ, và những người khách đi đường, họ mua ăn như một món quà ăn vặt. Khi bán hàng chị rất chiều khách, nên rất được lòng khách, mặc dù là có nhiều người cũng bán cơm nắm muối vừng như chị nhưng họ (các cô nhân viên bán hàng) chỉ chờ chị để mua, mặt khác đồ ăn của chị làm rất ngon, vị vừa vặn, sạch sẽ và theo như mọi người đều công nhận thì chị thật thà chứ không làm ăn giả dối như những người khác. Tất cả các đồ chị bán đều do chị tự làm chứ không phải đi lấy buôn về để bán nên rất bảo đảm, ví như ruốc chẳng hạn, một trăm phần trăm là làm từ thịt lợn chứ không phải trộn với hay làm từ thịt gà như những người khác, hay muối lạc vừng ăn rất thơm và ngọt vị của lạc tươi với độ rang chín vừa tới chứ không phải lạc đã để lâu, bị mốc hay rang quá lửa. Vậy nên chị được đánh giá là một người bán hàng có tâm và tử tế. Hôm nay cũng như mọi ngày, mười giờ sáng chị đã đến trước cửa hàng bán thủ công mỹ nghệ trên phố Hàng Gai, và vẫn với câu chào quen thuộc: - Có ai ăn gì không em ơi? - Rồi chị đặt cái mẹt cơm nắm lên trên cái làn to thật to và ngó vào bên trong chờ đợi. Trong cửa hàng lúc này có ba nhân viên, khi nghe thấy tiếng chị, Hồng là nhân viên ít tuổi nhất, cô là sinh viên mới ra trường, cô học chuyên ngành kế toán, trong thời gian đang chờ xin được công việc đúng chuyên ngành cô tạm thời làm việc ở đây vừa để có tiền trang trải và vừa để học thêm tiếng Anh, là người đang ở gần ngoài cửa nhất ra hiệu cho chị chờ và quay vào hỏi: - Các chị ơi hôm nay có ăn gì không ạ? - Không hôm nay chị có đồ ăn rồi! - Thanh trả lời. - Chị cũng không ăn đâu, hôm nay muốn đổi món, chị gọi bún đậu rồi! - An nhân viên nhiều tuổi hơn cả hai trả lời. - Vậy là chỉ có mỗi em ăn thôi à! - Hồng hỏi mà không chờ câu trả lời, rồi vào tủ đựng đồ của mình, lấy tiền và đi ra để gọi món. - Cô ơi, cô cho cháu một nắm cơm và mười nghìn ruốc, cô cho cháu thêm ít muối lạc vừng vào ruốc cô nhé! - Ừ, hôm nay có mình cháu ăn thôi à? - vừa lấy đồ ăn cho Hồng chị vừa hỏi. - Vâng, các chị hôm nay đổi món ạ! Lúc này đang ngồi ở bậc thềm bên ngoài cửa hàng là cụ Móm. Không biết tên thật của cụ chính xác là gì nhưng tất cả mọi người trên phố ai cũng biết cụ và đều gọi cụ là cụ Móm. Cụ năm nay đã chín mươi bảy tuổi, nhà cụ ở đâu đó gần phố hàng Trống, hàng ngày cụ cũng một bên đòn gánh ra ngồi bày bán thuốc lá và quạt giấy cho khách qua đường. Không phải vì nhà cụ nghèo khó hay cụ không có con cái mà ở cái tuổi như vậy rồi cụ vẫn phải ra ngồi bán ở lề đường để kiếm sống. Ngược lại, gia đình cụ rất khá giả, con cái cháu chắt cụ cũng đều thành đạt nhưng vì cụ đã làm công việc buôn bán trên vỉa hè này từ khi cụ còn trẻ. Bây giờ về già, tiền thì cụ không thiếu mà cụ cũng chẳng tiêu gì đến tiền nhưng một phần vì ở nhà con thì đi làm, cháu thì đi học, nên chẳng có ai nói chuyện, cụ buồn, và phần nhiều hơn là cụ nhớ nghề (người già mà), cụ nhớ những bon chen của cái nghề buôn bán vỉa hè. Thế là hàng ngày cụ vẫn một đòn gánh, một túi gồm thuốc lá, quạt giấy, bật lửa và một số đồ linh tinh như dây buộc tóc (nhưng đã gần như là đứt), rồi gậy, rồi nón cụ ra bày bán, bất kể là ngày nắng hay mưa. Con cái cụ lúc đầu nói nhẹ với cụ: ' Bà ở nhà chơi với các cháu các chắt, nhà có phải thiếu tiền đâu mà bà cứ ra ngồi bán cho vất vả' nhưng cụ không nghe, cụ vẫn cứ ra, rồi họ nói khó với cụ: ' Bà đã già rồi, còn tiếc gì mấy đồng tiền bán hàng ấy nữa, nhỡ ra ốm đau lại khổ con khổ cái' cũng không được, bực mình họ nói gắt: ' Nói bà không nghe, bà có biết là như thế là bà đang làm xấu mặt con cháu không, họ lại nghĩ rằng con cái bà đối xử không tốt với bà để bà phải vất vả..', cụ bảo 'kệ họ', nói thế nào cụ cũng vẫn ra, bực mình quá người già đúng là ương bướng, họ giấu đồ của cụ đi để cụ không có đồ bán nữa, nghĩ rằng cụ sẽ không đi nhưng cụ vẫn đi. Có hôm mười hai giờ trưa cụ hớt hải đi ra chỉ với chiếc đòn gánh và cái túi rỗng không, rồi vẫn ngồi bán, hỏi cụ thì cụ bảo: ' Con cháu nó giấu đồ của tôi đi, nhưng mà ở nhà buồn lắm, ra ngoài này ngồi người qua người lại nói chuyện cho vui, chúng nó cứ giữ tôi ở nhà nhưng chờ chúng nó ngủ tôi trốn đi đấy..'. Rồi cụ cười, nụ cười móm mém. Người qua đường, nhìn thấy ai là những người thuộc bà con xóm phố cụ đều nhớ hết mặt, cụ vẫy họ vào hỏi han nào là: ' Có bán được hàng không cô?'rồi ' Bố mẹ vẫn khỏe cả chứ?'Vì tai cụ cũng đã có phần nghễnh ngãng nên khi trả lời cụ hay trò chuyện với cụ hoặc là phải nói rất to hoặc là phải ghé sát vào tận tai cụ nói thì cụ mới nghe thấy được, vậy nên những người trẻ thì rất ít kiên nhẫn nên họ chỉ trả lời cụ qua quýt cho xong rồi họ đi, còn những người nhiều tuổi thì kiên nhẫn hơn, họ ngồi sát lại gần cụ hỏi han sức khỏe cụ, rồi nói với cụ về tình hình sức khỏe của bố mẹ họ, rồi cho cụ biết bà con hàng phố những người tầm tuổi cụ hay ít hơn, ai còn ai mất, rồi ai cũng phải ngưỡng mộ cụ về sức khỏe của cụ, không biết là cụ có nghe được hết không chỉ biết rằng cụ gật gù với nụ cười móm mém. Còn những người qua đường là khách vãng lai, khi nhìn thấy cụ họ cũng phải tò mò, họ hỏi thăm tuổi cụ (cụ rất tự hào khi cho họ biết tuổi của mình), ' Một trăm có lẻ' – cụ trả lời (lần nào được hỏi dù là người quen hay người lạ cụ đều nói mình đã hơn trăm tuổi), mặc dù tuổi chính xác của cụ là chín mươi bảy tuổi. Rất đỗi ngạc nhiên, họ thương cụ vì nghĩ rằng đã trăm tuổi rồi mà cụ vẫn phải đi bán hàng ở vỉa hè như thế này ạ? Cụ không nói gì mà cụ chỉ cười. Nghĩ thương hại cho cụ, hoặc là họ biếu cụ tiền hoặc là họ mua hàng cho cụ, nếu khách mua hàng là người nước ngoài thì hoặc là Hồng hoặc là An hay Thanh ai đang ở gần đó chạy ra bán giúp cụ nhưng đôi khi dù khách là người Việt Nam họ vẫn phải ra phiên dịch cho cụ vì cụ không nói tiền theo mệnh giá hiện tại mà cụ vẫn dùng tiền đồng và hào nên hay gây ra sự hiểu nhầm và bối rối đối với những khách hàng tuổi còn trẻ. Cụ rất thích ăn những món quà vặt như Bánh Đúc, Tào Phớ, Ngô luộc, Khoai Lang luộc, những người bán hàng khi bán cho cụ bao giờ cũng rẻ hơn có khi họ còn không lấy tiền, cụ thì cứ đòi trả còn họ thì không lấy, cụ bảo ' Bán hàng được bao nhiêu mà không lấy, với lại ta có ăn xin đâu ta mua mà!'nghe cụ nói vậy họ lại phải nhận tiền của cụ nhưng đáng ra là mười nghìn thì họ chỉ lấy cụ năm nghìn thôi. Như vậy cũng được vì cụ không đồng ý mua đắt nhưng cũng không muốn lấy không của ai cả. Khi thấy Hồng ra mua cơm nắm, trong lúc cô đang đợi để trả tiền cụ hỏi: - Bao tiền nắm cơm hả cô? - Năm nghìn cụ ạ. – Hồng trả lời. - Cô bán cho tôi một nắm, - cụ nói với chị bán hàng. - Cô lấy cho cụ một nắm cơm với muối lạc chị nhé, muối thì cô đừng cho nhiều lạc cứng cụ không ăn được đâu! - Hồng nói rồi lấy thức ăn của mình và đi vào. *** An là người nhiều tuổi hơn cả ba nhân viên đang làm việc trong cửa hàng và cũng là người hay ra trò chuyện với cụ nhất. Nhiều hôm mười hai giờ trưa rồi mà vẫn thấy cụ ngồi, biết là cụ lại quên giờ giấc cô ra nhắc cụ: - Cụ ơi mười hai giờ trưa rồi đấy, cụ có về ăn cơm, nghỉ trưa rồi chiều lại ra bán. - Thế à, đã mười hai giờ rồi cơ à? Vậy mà suốt từ sáng đến giờ không có ma nào nó mua! - cụ nhăn mặt lắc đầu. Cụ nói vậy thôi, thực ra là có khách mua cho cụ rồi nhưng cụ quên thế nên cụ cố ngồi để xem có bán thêm được gì không, nhưng khi thấy An ra nhắc cụ mới thu dọn đồ đi về. Cũng có hôm, thấy cụ ngồi đã quá trưa cô ra nhắc cụ để cụ về thì cụ lại bảo: - Tôi vừa mới ra, chưa bán được gì mà đã mười hai giờ rồi à? Thôi kệ, không thấy đói, mà nếu đói có hàng quà bánh nào đi qua thì mua, sợ gì! Cụ đã ra ngồi từ sáng sớm nhưng một phần vì cụ quên giờ giấc cộng với một chút tiếc rẻ và sốt ruột (bệnh nghề nghiệp mà). Người già mà, một khi đã ngang lại còn nổi tính tiếc của nữa thì có nói ngọt mấy cũng không nghe mà bắt ép cụ thì không được. Những lúc như vậy An lại phải dọa cụ: - Cụ ơi trời sắp mưa rồi kia kìa, cơn mưa to lắm, cụ về đi kẻo mưa xuống, dính nước mưa vào thì rét lắm. - vừa nói cô vừa chỉ vào đám mây trên trời. Cô không biết là cụ có thật sự tin đám mây đó là cơn mưa hay không cô chỉ biết rằng khi nghe nói đến mưa là cụ sợ, nên cô dùng cái cớ đó với cụ những khi nói ngọt với cụ không được, và lần nào cũng hiệu quả, cụ đồng ý đứng lên cùng cô thu dọn đồ, rồi gồng gánh chống gậy đi về. *** Lúc này cô đang làm việc ở trong nhà, nghe thấy ở ngoài cửa có tiếng nói rất to, cô nhìn ra thấy chị bán hàng cơm nắm đang nói gì đó với cụ, vừa nói chị ta vừa giơ tờ tiền chìa ra trước mặt cụ, cô đi ra xem thế nào, khi đến gần cô nghe thấy chị ta quát: - Bà bị điên à? Nắm cơm của tôi năm nghìn đồng cơ mà! - Chị ơi có chuyện gì thế? - An hỏi. - Bà này bà ấy bị ngớ ngẩn, nắm cơm của chị, chị bán năm nghìn mà bà ấy trả chị có hai nghìn, em xem có được không? Rất không hài lòng với cái cách nói của chị ta, An nhìn cụ Móm, rồi cô quay sang nói với chị ta. - Chị có biết năm nay cụ bao nhiêu tuổi rồi không? Cụ đã gần trăm tuổi, thứ nhất về tuổi tác cụ hơn cả tuổi mẹ chị, chứ em không muốn nói là cụ bằng tuổi bà chị vậy mà chị nói với cụ như vậy chị không thấy xấu hổ à? Thứ hai, về tiền bạc cụ không nghĩ theo tiền bây giờ mà cụ nghĩ theo mệnh giá tiền của ngày xưa, với lại cụ cũng có phần đãng trí rồi nên cụ cho rằng năm nghìn là đắt nên cụ mới trả chị có hai nghìn, đồng ý rằng chị không biết điều đó nhưng chẳng nhẽ chỉ vì có mấy nghìn đồng mà chị quát cụ như vậy mà chị nghe được à? Chị ta không nói gì, có thể vì An là khách hàng thường xuyên mà cũng có thể chị ta thấy xấu hổ. Khuôn mặt sầm xuống, thu dọn hàng hóa của mình, cắp chiếc mẹt với những nắm cơm những khoanh giò chả lên sườn, tay xách chiếc làn, chị ta đi. An quay sang nhìn cụ Móm, cụ nhìn cô với nụ cười móm mém, cụ nói: - Con bé nó hỗn láo thế, từ lần sau tôi không mua của nó nữa, đã bán đắt lại còn hỗn. An ngồi xuống gần cụ, ghé vào tai cụ: - Sắp mười hai giờ rồi, cụ về nghỉ trưa rồi chiều lại ra bán cho đỡ mệt. Nói rồi cô đứng dậy đi vào và biết chắc rằng cụ sẽ không về. hết
Bạn ơi mình thấy giọng văn của bạn rất bình dị và man mác buồn ấy. Nhưng bạn để phông chữ hơi khó đọc á. Để time new roman nó dễ nhìn hơn ý. Về phần nội dung thì cách giải quyết mẫu thuẫn khá đời thực tế, nhưng hơi phũ so với cảm quan của mình. Mưu sinh bằng nghề bán hàng rong đúng là không dễ dàng gì, từ góc nhìn của họ thật sự khó để thấy những thứ tích cực hơn ngoài lợi ích và lợi nhuận nhỉ :(
Mình rất cảm ơnBún Chả Truyện đã đọc tác phẩm và những góp ý của bạn. Đúng thế bạn ạ, cuộc sống mưu sinh thật khó khăn và đôi khi chỉ vì chút lợi ích mà họ hành động phũ phàng. Thật buồn!