Tên Truyện: Cỏ *Đôi lời của người viết: Mình sáng tác truyện ngắn này từ rất lâu trước đây, cùng nhiều truyện nữa, dựa trên chất liệu là những lời kể, câu chuyện truyền miệng mình nghe từ người khác, từ đó phóng tác thành một thế giới không thật. Idea ban đầu là từ những chuyện ngắn nhỏ lẻ, mình sẽ kết nối chúng với nhau, làm dày dần thế giới ảo mình đã tạo. Nhưng ý tưởng này đã ngỏm khá sớm, do lúc đó mình còn khá trẻ, và chỉ nhìn thấy những mảng màu tối trong cuộc sống. Hi vọng những gì mình đã viết không khiến bạn đọc khó chịu. Thân. * Tác Giả: Thập Nhất Nguyệt Vũ Thể Loại: Truyện Ngắn Số Chương: 1 1 Cỏ vẫn rấm rức khóc đòi mẹ, mặc cho ba xoa mãi cái đầu cháy nắng khét lẹt, mặc cho mưa gió quần vũ trên mái lá tả tơi, dột lỏn tỏn xuống cái thau mẻ. Cỏ vẫn khóc, như thể chỉ cần khóc thì mẹ sẽ về, chỉ cần nhõng nhẽo thì mẹ sẽ đứng trước cửa nhà với cái áo mưa ướt nhẹp nước, và hai ba con sẽ chạy đến ôm chầm lấy mẹ như cảnh phim hàn quốc mà em hay xem ở nhà ông Hai đầu xóm. Nhưng vẫn chỉ có mưa và mưa. Chắc là trời cũng khóc, khóc dai dẳng, khóc cạn nước. Đã là ngày thứ sáu mẹ không về, kể từ hôm ba em lè nhè trong hơi men, cầm dao phay chém tan tành hết mọi thứ trong nhà. Lu khạp vỡ, chén tô vỡ, bàn ghế gãy từng đoạn, từng khúc, cả con gấu bông chột mắt mẹ cho, em vẫn ôm ngủ mỗi tối cũng bị ba em cắt lìa đầu. Hôm đó em chỉ biết co người như con tôm khô trong góc nhà, khóc thét gọi mẹ. Khi đã rũ người đi vì men, vì mệt, vì lưỡi dao trên tay sức cán, ba nằm sõng soài ra đất, thều thào: "Mẹ con đi rồi Cỏ ơi, mẹ con đi rồi.." Lúc đó em chỉ nghĩ "đi" là đi chợ, đi chơi đâu đó như những lần mẹ vẫn nhờ em coi nhà dùm rồi đi mất, đến chiều lại về, muộn lắm thì mai lại về. Em đâu biết ý của ba là đi biệt, đi trốn, là em và ba đã trở thành món đồ cũ bị bỏ lại bên đường. Ngày sau mẹ chưa về, em vẫn tỉnh bơ hỏi: "Mẹ chưa về hả ba, mẹ hư quá, đi chơi quên cỏ luôn." Ba nhìn em, không nói một lời. Đã chẳng còn hơi men để ba em dựa vào, để nói huỵt tẹt ra là mẹ em không về nữa, ba chỉ có thể dành cho Cỏ ánh nhìn chua xót. Ngày sau nữa, rồi ngày sau nữa, mẹ vẫn chưa về, em bắt đầu hỏi dồn: "Mẹ về chưa ba?", "Ba đi kiếm mẹ về đi ba..", "Ba về nội tìm mẹ đi ba.", "Ba dắt con đi chợ kiếm mẹ đi ba, mẹ bị lạc ngoài chợ rồi," và khi ba trả lời em bằng những cái nhìn câm, em khóc. Từ đó cho đến hôm nay, khi trời gió mưa ào ạt, ngày nào em cũng khóc hỏi: "Mẹ đâu?" 2 Mẹ từng kể Cỏ nghe, ngày sinh Cỏ mẹ khóc ròng vì sinh thiếu tháng, em cũng chỉ to hơn bàn tay người lớn một chút, đã vậy nhà còn nghèo. Hai vợ chồng có vắt kiệt sức cũng không ra được mươi đồng, tiền viện phí cũng phải vay mượn khắp chòm xóm. Mẹ sợ Cỏ khó nuôi, nào ngờ em lớn lên như ngọn cỏ bên đường, èo uột mà mãnh liệt. Cỏ hay bệnh vặt, cứ sốt rồi lại thôi. Năm ba tuổi, Cỏ chỉ cao đến vai bọn trẻ cùng lứa trong xóm. Cũng năm đó cơn động kinh đầu tiên ập đến lúc em đang chơi nhà chòi trước nhà. Như sóng, như bão, cơn bệnh đến không báo trước. Mẹ lúc đó đang đơm lại cúc áo cho ba, ba thì đang ở công trường với xi măng và cát đá. Không ai hay biết, những cơn co giật đang dần mon men từ nữa người trái của cỏ sắp nuốt trọn cả cơ thể. Khi mẹ hét toáng lên thì mắt cỏ đã trợn ngược không thấy được con ngươi. Hàng xóm bâu lại, người bảo mẹ làm cái này, người chỉ mẹ làm cái kia. Lúc đó mẹ trẻ lắm, vừa hơn mười tám tuổi, chỉ biết đưa ngón tay vào miệng Cỏ để em không cắn vào lưỡi, miệng lầm bầm vái tổ tiên, trời đất đừng mang Cỏ đi. Cô Ba cạnh nhà bắt con thằn lằn kêu Chú Tư nhai cho Cỏ nuốt, mà Chú Tư cứ đứng nhìn, phân bua "Ghê thấy mồ, mà không biết có cứu được người không". Không một gợn suy nghĩ, mẹ giật con thằn lằn từ tay Cô Ba, cho vào miệng nhai lấy nhai để. Không biết có phải nhờ con thằn lằn không mà Cỏ qua được cơn động kinh, mẹ bị một phen hú vía. Ba đi làm về cãi nhau với mẹ, mẹ bị gãy mất cây răng vì cái tát trời giáng của ba. Sau lần đó mẹ phải canh chừng từng giây, không ngơi nghỉ, cứ một chút lại gọi "Cỏ ơi". Những cơn động kinh tìm đến Cỏ nhiều hơn, đến nỗi thằn lằn trong nhà phát sợ, di cư hết sang nhà hàng xóm. Mẹ thì biết phân biệt được thằn lằn con nào đực, cái, già, trẻ.. khi bỏ nó vào miệng. Hàng xóm cũng ngó chừng Cỏ như trái bom nổ chậm. Chỉ có cỏ là không nhớ gì, chỉ biết mình bệnh, vậy thôi. Rồi làm sao, làm sao cũng không biết, lúc qua cơn động kinh hỏi thì em nói là ngủ mới thức, có biết gì đâu. Nghe xong ai cũng lắc đầu. 3 Năm bốn tuổi, mẹ đi làm giấy khai sinh cho Cỏ. Người ta hỏi bé tên gì, mẹ im lặng hồi lâu rồi bảo Danh Thị Cỏ. Người ta hỏi đi hỏi lại coi có đúng không, "Cỏ hả, chặc, sao không đặt là Hồng, Lài, Trúc, Cúc gì đó cho sang, cho đẹp mà kêu là Cỏ. Thứ cây tầm thường mọc đầy bên đường bị người ta dẫm đạp". Mẹ cười cười, rồi người ta cũng ghi vô đó, tên đó. Mẹ ít ăn học, đâu biết nhiều về chữ nghĩa, vừa qua tiểu học thì bỏ học phụ ngoại đi bán chuối chiên, bán tới năm mười lăm tuổi ngoại gã mẹ cho ba. Mẹ chẳng có gì. Khi đặt tên em mẹ chỉ nghĩ cỏ là thứ cây dễ sống, mưa giông bão bùng cũng mãnh liệt vươn lên, Mẹ muốn Cỏ của mẹ cũng vậy, dù đá núi hay cát biển cũng phải mạnh mẽ mà sống, mà cười. Đừng như mẹ, ngoại đặt tên mẹ là Lan. Thứ cây cao sang quyền quý, đẹp đẽ, mà yếu ớt sống nay chết mai.. Năm Cỏ năm tuổi ngoại mất, cũng là lần đầu mẹ biết đến ung thư, thứ bệnh nhà giàu mà ngoại giấu nhẹm không cho mẹ biết. Hôm làm ma chay mẹ quỳ bên quang tài ngoại thơ thẩn buồn so, đó cũng là lần hiếm hoi từ khi lấy nhau ba em không say, em không lên cơn động kinh bất chợt. Mọi thứ diễn ra êm xuôi, trôi chảy, để mẹ tiễn ngoại đi. Cuối năm trước, mẹ kể về Chú Sưa cho Cỏ nghe – người đã cứu Cỏ. Hôm đó mẹ dẫn Cỏ đi chợ, lúc mẹ đang lựa mớ rau muống đồng thì cơn động kinh ập đến, người đi chợ bâu lại chen lấn chỉ để coi Cỏ bị làm sao. Mấy bầy thằn lằn trốn biệt, mẹ kêu người ta chừng em giùm rồi chạy xấn vào nhà đầu tiên mẹ thấy, "thằn lằn đâu, thằn lằn đâu?" mẹ cuốn quýt, lăn xăn, mà mặt cắt không ra giọt máu. Và Chú Sưa xuất hiện, ngay vào lúc cơn động kinh đã liếm láp đến chân phải, chú bồng Cỏ lên xe ô tô - mẹ vừa kể vừa cười – mẹ lúc đó còn dè dặt không dám bước lên, kêu "hay là anh chở con em đi trạm xá trước đi, rồi em bắt xe ôm tới sau". Chú ngơ người, "trời ơi, chị lên đi, gấp mà!", đó là lần đầu tiên mẹ đi xe hơi, mà còn là xe sang nữa. Chú Sưa dành trả hết tiền thuốc cho Cỏ, còn dúi cho mẹ một sấp tiền. Mẹ phân trần, "thôi không lấy đâu", lần lữa mãi chú mới nhét vào tay Cỏ rồi đi mất, lúc đó Cỏ còn say ngủ vì mũi thuốc an thần người ta tiêm vào người Cỏ. Từ hôm ở chợ mẹ hay gặp Chú Sưa, chú cho mẹ nhiều thứ lắm, nào váy áo, nào nhẫn, nào dây chuyền.. Mẹ giấu ba hết. Mẹ nói Cỏ đừng giận mẹ những khi mẹ đi chợ, đi chơi mà bỏ Cỏ ở nhà, nào mẹ về sẽ mua bánh kẹo thưởng cho Cỏ, mua thuốc cho Cỏ uống đỡ bệnh, mua đồ chơi cho Cỏ. Mẹ dặn đừng nói ba biết, ba biết mẹ không chơi với Cỏ nữa.. 4 Cỏ nhớ vậy, rồi nhớ trước khi mẹ đi, ba với mẹ có cãi nhau. Ba quăng mấy món đồ Chú Sưa tặng mẹ ra đường, luôn miệng hỏi "Mấy cái này ở đâu ra hả, ở đâu ra?". Rồi ba đánh mẹ. Cỏ rất sợ những khi ba say, ba như con thú hoang gầm gừ, giơ nanh vuốt. Cỏ sợ mà cũng thương ba, ba chỉ dữ dằn với mẹ, còn với Cỏ ba dịu dàng, nhỏ nhẹ như con mèo. Hay là ba biết bí mật nhỏ của Cỏ và mẹ, hay là vậy nên mẹ giận Cỏ rồi? Có phải mẹ đang núp đâu đó quanh nhà chờ Cỏ nhận lỗi rồi mới chạy ra với Cỏ không? Cỏ kéo tay ba khỏi tóc, chạy quanh nhà, vừa chạy vừa kêu "mẹ ơi Cỏ biết lỗi rồi, mẹ chui ra với Cỏ đi..", "mẹ ơi.." Chỉ có tiếng mưa trả lời, lặng ngắt. Ba bước tới ôm Cỏ, gục đầu lên vai Cỏ, em nghe mùi cát và xi măng thoảng qua mũi. Cỏ thấy vai mình ướt, không biết vì trần nhà dột hay vì đâu, nhưng Cỏ chắc là ba không khóc. Vì những lần mẹ hư, ba vung vào mặt mẹ những cái bạt tay, những chén dĩa văng vãi khi hơi men chiếm trọn tâm trí ba. Mẹ khóc rất nhiều. Cỏ cũng khóc. Nhưng ba thì không. Cỏ nghĩ ba không biết khóc, không thể khóc, không rơi nước mắt như mẹ khi vung cây roi vào mông Cỏ khi Cỏ hư. "Mình đi tìm mẹ nghen con, ba dắt Cỏ đi nghen!" mắt cỏ sáng lên "Dạ", vừa hay mưa cũng dứt. 5 Sau cơn mưa con đường đất đỏ ướt lẹp nhẹp, mấy bụi cỏ may bên đường ướt sũng nước ngai ngái hôi, đám đom đóm bu lấy bu để rồi bị nước đọng trên tán lá cao rớt xuống động bay tán loạn. Ba cõng Cỏ trên lưng, Cỏ cõng cái áo khoác giày ịch của ba trên lưng. Vài bước em lại hỏi "mẹ ở đâu, gần không, tới chưa ba, sao xa vậy ba, ba mệt hông, Cỏ xuống nghen!" vài bước đầu ba còn trả lời Cỏ bằng những gì ba có, sau đó chỉ dành cho Cỏ sự im lặng. Mấy ngọn đèn đường vàng vọt rọi xuống dáng hình của hai con người, rọi rõ mấy giọt mưa lưa thưa rớt rơi lên mái đầu bạc màu xi măng của ba. Giọng ba đều đều, như rớt vào dĩ vãng "Hồi đó lần đầu ba gặp mẹ cũng có cái khung cảnh này, chỉ khác là hồi đó mưa lớn hơn, chứ không lớt ngớt lưa thưa vầy. Ba núp mưa ở trước mái hiên nhà ông Tám Tàn, nay cái mái đó cũng đã bị người ta giở ra để xây nhà máy. Mẹ con vào núp mưa sau ba, ướt lem nhem, ba thấy thương quá nên cởi áo khoác đưa mẹ con mượn. Mấy hôm sau, mẹ con tới tìm ba ở công trường, người ta chọc, mẹ con quăng cái áo vô mặt ba rồi không nói không rằng bỏ về.. vậy đó con, sau này ba mẹ thương nhau cũng không dám nói, sợ người ta chọc. Cứ lửng lửng lơ lơ vậy mà bám dính lấy nhau.. Sau đó ba biết ghen, khi thấy thằng Tòn chở mẹ con tình tứ. Ba sợ mẹ con thương nó nên ba đánh liều rủ mẹ con đi uống cà phê, định rằng sẽ bị từ thẳng ngờ đâu mẹ con gật đầu. Hồi đó ba biết cà phê là cái khỉ gì, cũng bày đặt như người ta gọi cà phê ra uống. Ba cười, cái cười méo xẹo như đang kéo nữa gương mặt chùn xuống." Đêm đó về tới cái bãi sậy ngay bờ sông Sầu, ba rủ mẹ con đi ngắm sông.. rồi.. mấy tháng sau bụng mẹ dần to lên. Nội sợ để lâu không hay, nên bắt ba cưới. Mà, hồi đó.. hồi đó.. "Ba lặp lại mấy lần" hồi đó "rồi lại đều đều như dòng sông Sầu đang chảy:" Hồi đó thằng Tòn nó kể với mấy người trong công trường, mẹ con với nó.. mẹ con.. nó cười ba, nó nói "không biết con Lan nó đẻ ra da đen hay da trắng, người Kinh hay Khơ me." Người ta cười ba. Lần đó ba chọi cái ấm trà vào mặt nó, nó chỉ cười.. chỉ cười thôi con.. nó hả hê lắm.. " Cỏ đã ngủ, em không nghe hết câu chuyện của ba, có nghe em cũng không biết người Kinh là người gì, người Khơ me là người gì. Với em chỉ cần giống như ba là người, như mẹ là người, như ông Hai là người, như cô Ba là người.. Nhưng ba thì hiểu, hơn mười mấy năm đội nắng mưa công trường, ba biết người cũng phân ra nhiều loại người, như sông chảy từng dòng, từng mạch chia đất đai thành từng mảnh, từng cù lao.. Loại người như ba là một cù lao bị tách biệt từ nhỏ, đi đâu cũng cắm cúi cặm cụi, không dám ngước mặt. Mà có ngước mặt cũng chỉ để nước mắt chảy ngược vào trong, tự nuốt lấy, liếm láp lấy. Ba như con thú hoang phải tự học cách sinh tồn từ nhỏ, mà thằng Tòn, và nhiều người khác nữa là thợ săn đang chực chờ. Mẹ từ lúc nào đã trở thành cái lồng nhốt đời ba lại, để những tay thợ săn xảo trá ấy cười nhạo. Sau đám cưới ba bắt đầu uống, bắt đầu say với thứ độc dược cay nồng. Ba tự giết mình, giết mẹ, từ từ, chậm rãi bằng những nắm đấm, chân đá, cái tát, câu chửi thề và những ý nghĩ lũ xảo trá kia đã gieo vào đầu ba. Chỉ có Cỏ là điều tuyệt vời nhất của ba, như một mầm xanh giữa cù lao khô hạn, ba sống vì Cỏ, cười vì Cỏ. 6 Đã hơn bốn tháng từ khi mẹ đi. Cỏ thôi không còn hỏi" Mẹ về chưa? "Nữa. Buổi sáng đi làm ba gửi Cỏ bên nhà cô Ba, tối Cỏ về nhà với ba. Có hôm chơi nhà chòi, Cỏ vẫn ngờ ngợ là mẹ đang trốn ở đâu đó, gần lắm. Em hay la lớn:" Mẹ ra đi, đừng trốn nữa, không Cỏ nghỉ chơi với mẹ đó! ", em chờ đợi, nhưng chỉ có tiếng ve cùng tiếng gió xạo xạc trả lời. Đôi mắt em thôi tìm kiếm nữa, tay lại xúc đất đá đổ vào cái lon sữa bò làm gạo, mấy cọng mười giờ em để cạnh làm rau. " Mẹ đi ra đi, Cỏ biết lỗi rồi.. " Hôm đó cô Ba cuống cuồng lên, chạy khắp xóm hỏi" bé Cỏ có sang đây chơi không, anh chị có thấy bé Cỏ không? ", nhưng chẳng ai biết Cỏ đi đâu, cứ như em đã biến mất không dấu vết. Chỉ chú Sưa biết. Vì chú sẽ dẫn em đi gặp mẹ, để lần này mẹ em sẽ trả lời thay cho ve, gió và mưa. Chú dắt Cỏ qua những căn phòng mang khục khặc tiếng ho, mùi dầu gió, ngổn ngang con người. Có người nằm trên giường, có kẻ ngồi bó gối trên nền gạch, bọn họ đều có một điểm chung là gương mặt toát lên vẻ đờ đẫn và mỏi mệt. Đến căn phòng cuối dãy, nơi đầy những máy móc và tiếng kêu bíp bíp. Ở đó, Cỏ gặp mẹ. Cỏ chạy tới ôm chầm lấy mẹ, lúc này mẹ cỏ nằm trên giường bệnh, cỏ mếu máo nói" mẹ xấu quá, trốn ở đây ngủ tới bây giờ còn chưa dậy. "Cỏ lay mẹ, mà không hay cái ống thở trên mũi mẹ sắp rơi ra," mẹ dậy đi, dậy dắt Cỏ về nhà đi.. đi mẹ.. Cỏ không cho ba đánh mẹ nữa đâu, mẹ đừng ngủ nữa ". Chú Sưa nắm lấy tay Cỏ," để mẹ ngủ đi con, mẹ con mệt rồi ". Cỏ dường đã nhìn ra nét hao mòn trên mặt mẹ, em dừng, nhìn ngắm mẹ một lát, em hỏi" tóc mẹ Cỏ đâu rồi? ", chú Sưa cố cười nhẹ nhàng, nhưng nụ cười như mếu" tóc mẹ con rụng hết rồi.. ", mắt Cỏ trong veo" tại ba Cỏ hả? "," đâu phải, tại mẹ con về ở với phật nên không có tóc.. "," giống thầy chùa hả chú? "Cỏ phụng phịu hỏi," Ừa, giống thầy chùa, "chú Sưa trả lời," hèn gì! "Cỏ làm mặt suy tư, nét đâm chiêu như bà cụ non. Cả buổi mẹ ngủ suốt, không nói với em câu nào. Lúc chú Sưa đưa Cỏ về, Cỏ ôm lấy cái chân giường, phải khó lắm chú Sưa mới lôi được Cỏ đi.. Cỏ về nhà ai cũng thở hắt ra, luýnh quýnh hỏi" con đi đâu vậy Cỏ?" "Cỏ đi thăm mẹ.", "thiệt hả, mẹ con đang ở đâu?", "mẹ con đang ở chung với phật.." Cô Ba trầm ngâm, nghĩ ngợi, "hay là con Lan nó lên chùa ở rồi ta?" Tối đó ba về, cô Ba kể hết cho ba nghe. Ba ừ ừ cho qua chuyện, tay và mắt còn bận vo gạo bắt nồi cơm. Cô Ba thở dài, "thôi rồi.." 7 Sau khi đưa Cỏ về, chú Sưa về bệnh viện chăm sóc mẹ. Cầm khăn ướt lau mặt cho mẹ mà tay chú run run, một chút sức lực cũng không còn. Chú giận, giận số phận cười nhạo chú, buộc chú phải bất lực nhìn hai người đàn bà mình thương dần lụi tàn. Cô Như – vợ chú cũng vì căn bệnh quái ác này mà tiều tụy rồi qua đời. Từ ngày cô mất chú ở vậy, một mình. Vào một hôm chú đi cà phê với đám bạn ở gần chợ, chú thấy người đàn bà nắm tay con thủng thẳng xách cái giỏ may, mặc đồ bộ màu cỏ úa. Chú nhìn theo mãi, cái dáng này sao mà quen quá, quen quá chừng. Như, Như đó sao? Không, không phải.. Như đâu có ốm như vầy. Còn đứa nhỏ, chời ơi, phải đứa bé trong bụng Như không mất thì bây giờ cũng đã lớn như vầy. Chú đứng dậy chào mấy ông bạn, bảo "tôi vào chợ mua chút đồ rồi về", rồi bám theo cái bóng lưng gầy gò kia. Và mọi thứ diễn ra như những gì mẹ kể, chú đã ở sẵn đó, như một phép màu ngay vào lúc Cỏ sắp về với thần phật. Những ngày sau chú siêng đi chợ. Siêng lạ kì. Có khi chú chạy xe ra chợ chỉ để mua vài chai xà bông, hay cái bàn chải, có khi chỉ vài cọng hành, trái ớt. Chú ngóng chờ mãi cái dáng gầy gầy kia, để làm gì cũng không biết. Nhiều khi chú nghĩ cũng chỉ nói với người ta "Chị ơi, sao chị giống vợ tôi quá" Nhưng rồi cái câu đó chú cũng giữ lại trong lòng. Sau những lần bắt chuyện, chú nhận ra mẹ thật thà đến chú không thể nói ra cho được. Dáng người, gương mặt, những thói quen, cái nheo mắt và nhất là cái tật cắn móng tay mỗi khi thẹn, làm chú không khỏi giật mình sao mà giống vợ chú quá. Và những lần hẹn nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Mẹ cho chú cảm giác được sống như hồi còn có cô Như, cái cảm giác mà có tiêu tốn hết tiền bạc hay mất đi cả mười năm tuổi thọ chỉ để được sống như vậy thêm một lần nữa chú cũng bằng lòng đánh đổi. Nhiều khi chú nghĩ chắc mẹ là người ông trời đền cho chú, thay cho người mà chỉ có thể ở cùng chú vài năm hạnh phúc ngắn ngủi. Chú muốn tiến xa hơn, nhưng.. cái nắm tay chú trao mẹ đã rụt tay về không nhận, mẹ phân trần, bằng cái giọng phân trần ở bệnh viện "em.. em có chồng rồi, anh.. đừng như vậy" Chú phải im lặng rất lâu để nén những thất vọng vào trong, nở một nụ cười hiền với mẹ "không sao đâu, anh hiểu mà". Hôm mẹ đến tìm chú xin ở nhờ, mẹ chìa ra sợi dây chuyền vàng và hai trăm nghìn đồng, bảo là "Sợi dây chuyền này em giấu chồng mua để dành, chờ Cỏ nó vào lớp một em bán lấy tiền đóng học phí.. Nhưng mà bây giờ.. Khi nào em chết, anh làm ơn lo ma chay cho em, em không muốn anh Thành với bé Cỏ buồn." chú đã ngần ngừ. Không phải vì điều mẹ đang khẩn khoản cầu xin, mà vì nổi đau đang đầy tràn ra trước mắt. Chú biết mình phải cảm lại một lần nữa sự dày vò tiếc nuối ấy, cảm giác những điều quan trọng của mình dần tan biến đi như sương khói. Mà, mẹ cũng có phải là của chú đâu.. Đặt khăn vào thau, chú nắm bàn tay gầy của mẹ, giọng chú nhẹ như không "Lan à, em có gặp Như.. em nói với Như là anh nhớ cổ lắm nghen Lan!" 8 Một tối nọ cô Ba sang nhà đưa cho ba một cái hộp gỗ, nói là đồ mẹ gửi cho ba và Cỏ. Trong hộp có một sợi dây chuyền và rất nhiều tiền. Ba hỏi "Lan đâu?" cô Ba lắc đầu không biết, hồi chiều một người đàn ông lạ nhận là bạn của mẹ đem đến nhờ đưa tận tay. Ba nhếch mép lên cười một cái, cô Ba nhìn thấy rõ ràng trong cái cười đó chứa một chút ghen tuông, một chút mặc cảm.. và ở đâu đó, rất nhỏ nhoi, le lói, có một chút hi vọng.. Hôm nay Cỏ được vào lớp một. Cầm giấy khai sinh trên tay, nhìn tên Danh Thị Cỏ ba không nhịn được cười. Vào cái đêm cùng nhau ngắm sông, mẹ nằm gác đầu lên ngực ba hỏi lỡ mà sau này có con mình đặt tên con là gì? , Ba im lặng, để cho những mạch suy nghĩ lan ra, chảy hòa vào dòng sông Sầu, tỏa vào màn đêm, vào hơi người thở đều đều trên ngực trái. "Tên Sầu đi?" "Tên gì xấu ồm!" "Ừ há!" Ba lại trầm ngâm, nhìn gió vờn bông sậy rơi lã chã, "Cỏ đi" "cũng xấu!" "mà ý nghĩa!", mẹ kêu "ý nghĩa cóc khô!" rồi cắn vào ngực ba một cái.. Ba nhận luôn sáu tháng lương công trường còn nợ ba từ năm ngoái, gửi một nữa cho cô Ba, "chị chừng giùm bé Cỏ, tôi phải đi xa một thời gian!", "đi đâu?", "đi chùa!" Ba quay đi, cô Ba đứng lơ ngơ trông theo cái bóng người khuất dần phía cuối đường. Hoa nắng chói chang in trên mặt đường, đi tìm gì đây sương khói? * * * Hoàn thành ngày 9 tháng 8 năm 2017 Viết bởi Thập Nhất Nguyệt Vũ