Lưu Trọng Lư (19/6/1912 – 10/8/1991) là nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch Việt Nam sinh ra trong một gia đình quan lại xuất thân nho học. Ông học đến năm thứ ba tại trường Quốc học Huế thì ra Hà Nội làm văn, làm báo. Ông là một trong những nhà thơ khởi xướng Phong trào Thơ mới rất tích cực diễn thuyết bênh vực "Thơ mới" đả kích các nhà thơ "cũ". Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia Văn hóa cứu quốc ở Huế. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tuyên truyền, văn nghệ ở Bình Trị Thiên và Liên khu IV. Sau năm 1954, ông lại hoạt động văn học, nghệ thuật: Hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1957, đã từng làm Tổng thư ký Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam. Các Tác Phẩm của Lưu Trọng Lư bao gồm: Tiếng thu (1939), Tỏa sáng đôi bờ (1959), Người con gái sông Gianh (1966), Từ đất này (1971), Chị em (1973), Đây mùa thu tới (1987), Bâng khuâng (1988), Bao la sầu (1989) "Chị em" là bài thơ nổi tiếng thể hiện được tiếng lòng, suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của hai chị em dành cho nhau. Một trong những bài thơ đặc sắc, chứa chan tình cảm yêu thương của hai chị em, phải kể đến bài thơ: "Chị em" của Lưu Trọng Lư. Tựa đề bài thơ tuy đơn giản, mộc mạc, nhưng chứa đựng trong đó biết bao sự quan tâm, chăm sóc và yêu thương của hai chị em dành cho nhau những điều tử tế, chân thành và tốt đẹp nhất. Thường những bài thơ ngợi ca về tình yêu, ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ ta đã đọc và thưởng thức nhiều rồi. Vậy thì hôm nay hãy cùng mình chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ về tình cảm hai chị em thật đẹp trong bài thơ này nhé! Chị Em Em bước vào đây Gió hôm nay lạnh, Chị đốt than lên, Để em ngồi cạnh. Nay chị lấy chồng Ở mãi Giang Đông Dưới làn mây trắng Cách mấy con sông. Chăn lụa, gối bông Chị mang theo chồng, Mai phòng chị lạnh Đốt giùm nén hương. Chồng chị là ai Chị nào có biết! Đợi đến ngày mai Nhìn qua kẽ liếp. Sao em thổn thức Buồn nỗi gì em? Nay em khóc chị Mai ai khóc em? Em đưa củi vào Lửa hồng thêm đượm, Rót chén rượu đào Cho lòng thêm thắm. Uống thêm chén nữa Mừng buổi chia li Tiễn ngày vui hết Tiễn thời xuân đi. (Lưu Trọng Lư)