Cảm nhận về đoạn thơ Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/…Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi luiss462, 8 Tháng một 2023.

  1. luiss462

    Bài viết:
    8
    Cảm nhận về đoạn thơ "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/.. Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

    [​IMG]

    Nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, quê ở làng Phương Trì, huyện Đan Phương, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông là một nhà thơ đa tài với đủ các thể loại sáng tác, hoạt động nghệ thuật như thơ ca, nhạc, họa.. Không chỉ vậy ông còn từng là một chiến sĩ của binh đoàn Tây Tiến – một đơn vị được thành lập vào năm 1947, hoạt động chủ yếu ở vùng rừng thiêng nước độc của Tây Bắc. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên trí thức Hà Nội giống như Quang Dũng, sống và chiến đấu trong những điều kiện rất thiếu thốn, gian khổ và đặc biệt là bệnh sốt rét hoành hành khiến đời sống đã khổ nay còn khổ hơn. Nhưng bằng tất cả ý chí, sự can trường, tinh thần lãng mạn của người chiến sĩ đoàn binh Tây Tiến vẫn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Chính vì khoảng thời gian sinh hoạt cùng toàn đội có nhiều kỉ niệm như vậy nên khi ông chuyển sang đơn vị khác công tác, ông vẫn nhớ về đơn vị cũ cùng những đồng đội đã từng chiến đấu, nhà thơ đã không khỏi xúc động mà viết lên bài thơ "Nhớ Tây Tiến", sau đó ông đã đổi tên thành "Tây Tiến".

    Bài thơ "Tây Tiến" của ông được in trong tập "Mây đầu ô" (1986). Bài thơ với 34 câu thơ đã thể hiện sâu sắc nỗi nhớ da diết của tác giả về đồng đội trong những chặng đường hành quân gian khổ, đầy thử thách, hi sinh trên cái nền thiên nhiên của Tây Bắc, Bắc Bộ hùng vĩ, dữ dội. Đồng thời nó còn thể hiện những kỉ niệm đẹp về tình quân dân và khắc sâu lí tưởng chiến đấu của người lình Tây Tiến. Thật vậy, ở khổ hai của bài thơ ta lại càng thấy rõ hơn tình quân dân gắn bó, thiên nhiên, con người Tây Bắc với vẻ đẹp mĩ lệ đồng thời tái hiện lại cho ta cảnh sông nước miền Tây hữu tình, thơ mộng.

    "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

    * * *Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

    Mở đầu đoạn thơ là hình ảnh của một doanh trại vào buổi đêm với không khí vui tươi của đêm liên hoan tưng bừng, lung linh, vui như đi trẩy hội:

    "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

    Kìa em xiêm áo tự bao giờ"

    Hai câu thơ như mở ra một thế giới mới về núi rừng Tây Bắc vậy. "Doanh trại" là nơi đóng quân của đoàn quân Tây Tiến cũng là nơi diễn ra lễ hội văn hóa đậm đà tình dân quân. Đồng bào dân tộc đã tụ họp về đây để sinh hoạt và góp vui tinh thần với các anh bộ đội. Điều này chắc chỉ có trong thơ Quang Dũng vì khi nhắc đến doanh trại thì ta sẽ nghĩ đến ngay nơi có không khí vô cùng nghiêm túc, khô khan, khốc liệt của các chiến sĩ. Để có thể thể hiện không khí tươi vui như vậy, từ "bừng" đã góp phần không nhỏ vào cảnh tượng đó. "Bừng lên" vừa đột ngột, bất ngờ vừa thú vị. Cả cảnh vật và lòng người đều bừng sáng lên. Chất hào hoa trong bút pháp của Quang Dũng đã được bộc lộ rõ ở đây. Kết hợp với cụm từ "hội đuốc hoa" khiến cho sự tinh tế trong việc sử dụng từ ngữ của ông càng thêm sâu sắc: Vừa có tính tả thực vừa đậm chất lãng mạn. Đêm liên hoan ấy tràn đầy ánh sáng của những bó đuốc như bông hoa lửa trong đêm tràn đầy màu sắc, nhộn nhịp, rộn ràng âm thanh. Góp vào sự lung linh, rực rõ của ánh "đuốc hoa" là hình ảnh những cô gái với xiêm áo lộng lẫy đang nhịp nhàng trong những vũ điệu của miền sơn cước. Cụm từ "kìa em" đứng ở vị trí đầu câu thơ như gợi sự bất ngờ nhưng dầy thiện cảm của người lính khi nhìn thấy sự hiện diện của các cô gái bản làng. Nhà thơ đã phát hiện ra vẻ đẹp rực rỡ của cô gái bằng cả niềm yêu, niềm say đắm đến cảm phục, yêu hơn cả là trang phục truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc.

    Cảnh đêm liên hoan không chỉ có hình ảnh không thôi mà nó còn có cả âm thanh phát ra từ những nhạc cụ của đồng bào Tây Bắc:

    "Khèn lên man điệu nàng e ấp

    Nhạc về Viên Chăn cây hồn thơ"

    Ban đầu, nhà thơ xưng "em" nhưng sau lại xưng "nàng", cách sử dụng ấy khiến ta cảm nhận được em như một nàng tiên kiều diễm và ta như lạc vào cõi thần tiên với không khí mê say đến ngất ngây. Chính trong không khí của âm nhạc, vũ điệu ấy đã chắp cánh cho tâm hồn những người lính Tây Tiến, họ thực sự ngất ngây trước người và cảnh. Là một nghệ sĩ đa tài, không chỉ làm thơ mà tác giả còn viết nhạc, vẽ tranh.. nên khi đọc những bài thơ ông viết ta thấy nó trở nên sống động hơn bao giờ hết. Trong thi có nhạc, có họa, từng nét vẽ, từng âm thanh, từng ánh lửa bập bùng cùng tiếng nhạc dân tộc dập dìu, vui tươi tưởng như hiện lên thật hữu hình trước mắt, vang lên thật hữu thanh bên tai để chính lòng ta cũng phải rạo rực mà hòa theo không khí rộn ràng ấy. Câu thơ "nhạc về Viên Chăn" như một lời gợi nhắc về địa điểm diễn ra liên hoan ở vùng biên giới Việt-Lào vì địa bàn hoạt động của đoàn bình Tây Tiến không chỉ ở khu vực Tây Bắc mà còn ở địa phận khác ở các tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khảng ở Lào.

    Có thể nói, bốn câu thơ đầu không chỉ là những con chữ không thôi, người đọc như nhìn thấy cả ánh sáng, nghe được cả âm thanh và cảm nhận được vẻ đẹp cuốn hút đầy sức sống của những người con gái của núi rừng. Đoạn thơ còn làm nổi bật tình quân dân ca nước ấm nồng, dõi theo, tiếp súc mạnh cho những người chiến sĩ trên chiến trường gian lao, khói lửa. Từ đó, ta ngày càng thấy đời sống tinh thần phong phú của đoàn binh Tây Tiến tại chiến trường miền Tây gian khổ.

    Tiếp nối đoạn thơ là bốn câu thơ trong dòng hồi tưởng "trôi" về miền đất lạ Châu Mộc thuộc tỉnh Sơn La: Nơi có nhiều bãi cỏ rộng bát ngát, mênh mông. Quang Dũng là người lính với tâm hồn thi sĩ đã khai phá ra biết bao vẻ đẹp kì thú của nơi Châu Mộc. Năm tháng cứ thế trôi qua, chỉ còn lại những kỉ niệm, cảnh vật và con người xưa trong tâm trí nhà thơ:

    "Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

    Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

    Có nhớ dáng người trên độc mộc

    Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa".

    Hình ảnh con người hiện hữ ở câu thư đi kèm cùng những câu hỏi đầy tha thiết theo đó cũng là hình ảnh buổi "chiều sương" lãng mạn, nhẹ nhàng, thơ mộng khác với sự hùng vĩ ở đầu bì đã khiến cho nhân vật trữ tình luôn băn khoăn "người đi Châu Mộc chiều sương ấy" liệu rằng "có thấy" và "có nhớ" những vẻ đẹp thơ mộng, nên thơ của "hồn lau", "dáng người trên độc mộc" và cả "dòng nước lũ" có những cánh hoa đong đưa hay không. Mộ thế giới khác của thiên nhiên Tây Bắc được mở ra, không còn mạnh mẽ, khúc khuỷu, thăm thẳm mà chuyển sang nên thơ, mơ mộng hơn. "Chiều sương ấy" là chiều thu năm 1947. Sương trắng phủ mò núi rừng chiến khu in đậm hồn người, hoài niệm càng trở nên mênh mang. Đặc biệt, đại từ "ấy" tạo nên nét riêng, nét độc đáo cho buổi chiều sương, như nhắc lại kỉ niệm những buổi chiều sương đẹp đẽ, lung linh trong miền kí ức. Không chỉ vậy, chữ "ấy" còn bắt vần với chữ "thấy" ở câu dưới tạo nên một vần lưng giàu âm điệu như một tiếng khẽ hỏi "có thấy" cất lên trong lòng. "Hồn lau" là hồn mùa thu. Hoa lau nở trắng cờ, lá lau kêu xào xạc trong gió thư "nẻo bến bờ" -nơi bờ sông, bờ suối. Phải chăng những bông lau đang thả mình phất phơ trên bến bờ đã tạo nên cái hồn cho bến bờ hay hồn của cảnh. Đó là sự hóa thân của chính tâm hồn nhà thơ để mỗi ngọn lau, một cánh hoa cũng mang những nỗi niềm, tâm trạng. Chính những điều này đã biến những sự vật vốn vô tri như cũng có cái riêng đời sống của nó. Thêm vào đó, sự gợi nhắc về "dáng người" mảnh mai, duyên dáng trên chiếc thuyền độc mộc xinh xinh đã khiến cho bức tranh về cảnh và người hiện lên với sự khỏe khoắn, rắn rỏi bên cạnh cái vẻ huyền ảo, mơ màng của miền cổ tích xa xưa. Đó là cái dáng của những cô lái đò người dân tộc, cái dáng mềm mại duyên dáng thật hợp với con thuyền độc mộc. Thiên nhiên Tây Bắc vốn nổi tiếng với con sông Mã, một dòng sông đã chứa trong đó biết bao dữ dội nhưng trong bài thơ "Tây Tiến" này nó lại hiện lên với sụ nhẹ nhành kì lạ: Những cánh hoa rừng không bị "dồi lên dập xuống" mà "trôi dòng nước lũ hoa đong đưa". Từ láy và cũng là một tính từ "đong đưa" gợi lên một chuyển động nhẹ nhàng, tinh tế của bông hoa như đang làm dáng làm duyên giữa dòng nước lũ đang dội trào cuồn cuộn. Thật là một vẻ đẹp nguyên sơ, thanh khiết và gợi cảm đến nao lòng. "Hoa" ở đây trước hêt là hiện thực, là rừng vì Tây Bắc là xứ sở của các loài hoa. Tác giả chọn miêu tả "hoa đong đưa" chứ không "đung đưa" cho ta thấy sự tinh tế của tác giả sắc sảo phần nào: "Đung đưa" chỉ gợi lên chuyển động cơ học, tính chất vật lí còn "đong đưa" thì trái ngược hoàn toàn, nó gợi nhớ biết bao tình tứ, cảm xúc của tác giả và cũng ẩn dụ cho cái đẹp muôn đời, cho người con gái, cho những bàn tay vẫy chào tiễn biệt người lình vượt sông đi đánh giặc.

    Qua bốn câu thơ cuối của hai bài thơ "Tây Tiến", Quang Dũng đã phác họa nên bức tranh đầy ắp những kỉ niệm đẹp lung linh, huyền ảo và hình ảnh buổi chiều sương mang đạm sự lưu luyến, nhớ nhung da diết. Không chỉ có vậy, đoạn thơ còn để lại một dấu ân sđẹp đẽ về thơ ca kháng chiến, về sự thành công khi kết hợp hài hòa giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn và cả các yếu tố nghệ thuật: Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, hồn thơ mang đậm chất lãng mạn, hào hoa..

    Bằng ngòi bút tài hoa hữu nhạc, hữu họa, kết hợp với những bút pháp miêu tả độc đáo, Quang Dũng đã khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên mang vẻ đẹp thơ mộng của Tây Bắc và những dấu ấn vui tươi của một thời chiến đấu bên đồng đội. Đồng thời cũng giúp người đọc cảm nhận được sự tài hoa của tác giả bởi nét bút của ông vừa sinh động, ảo diệu trong từng câu thơ mà ông viết nên.
     
    sharon 205LieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...