Cảm nhận về chi tiết bốn bát bánh đúc trong truyện ngắn Vợ Nhặt của nhà văn Kim Lân Lập dàn ý: Mở bài: - Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, chi tiết về bốn bát bánh đúc Thân bài: - Ý nghĩa về chi tiết bốn bát bánh đúc - Thái độ, tình cảm, tấm lòng nhân đạo của nhà văn Kim Lân thông qua hình ảnh bốn bát bánh đúc. - Bày tỏ quan điểm, nêu cảm nhận, đánh giá của bản thân về chi tiết bốn bát bánh đúc được thể hiện trong tác phẩm - Phân tích, liên hệ đến các tác phẩm để làm nổi bật lên vấn đề được đề cập đến. Kết bài: - Khẳng định, đúc kết lại vấn đề. Bài Làm Kim Lân là nhà văn nổi tiếng viết về đề tài làng quê Việt Nam, người nông dân có số phận nghèo khổ. "Vợ nhặt" là tác phẩm được nhà văn khắc họa thành công tính cách, diễn biến tâm lí nhân vật bằng ngòi bút chân thực, sinh động, giàu tấm lòng nhân đạo. Điểm nổi bật, đáng chú ý, để lại nhiều suy tư, trăn trở, cảm xúc cho người đọc, đó là chi tiết bốn bát bánh đúc trong truyện. "Vợ nhặt" kể về nạn đói năm Ất Dậu 1945 khiến người nông dân lâm vào cảnh bần cùng, nghèo khổ, thiếu thốn trăm bề. Nhân vật Tràng được tác giả Kim Lân khắc họa từ ngoại hình xấu xí, thô kệch: "Hai con mắt nhỏ tí", "hai bên quai hàm bạnh ra" thân hình to lớn, vập vạp đến tính cách hiền lành, tốt bụng, lương thiện, anh sống chủ yếu nhờ vào nghề đẩy xe bò. Cuộc sống ngày càng bấp bênh, vất vả, cơ cực hơn khi anh phải tự mình bươn trải để kiếm sống. Cái đói tràn về xóm ngụ cư khiến biết bao người chết chốc trở thành hồn ma vất vưởng: "Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người." Từ những chi tiết, hình ảnh kinh hoàng, thương tâm về nạn đói trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của tác giả Kim Lân ta chợt nghĩ đến bài "Ô Cầu Dền" trong tập tản văn "Bát phố", nhà văn Bảo Sinh cũng nhắc về nạn đói: "Năm 1945, đây là mả chôn chung của nạn nhân chết đói. Hàng ngày, xe bò chở đầy xác chất trên phủ mảnh chiếu, chân tay thò ra ngoài, lọc cọc, rập rình, xe đu đưa những cánh tay, cẳng chân cũng đu đưa theo. Xác chết được đổ đầy vào một cái hố chôn chung, sau đó lấp đất phẳng, không có dấu hiệu mồ mả gì cả." Không khí trở nên ảm đạm, u tối khi ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh và ngắn ngủi. Sống trong hoàn cảnh túng thiếu cái ăn, cái mặc con người dần trở nên mất động lực, niềm tin vào cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong truyện, nhà văn Kim Lân tạo dựng tình huống Tràng gặp thị hai lần. Lần thứ nhất, trong lúc Tràng đẩy xe bò quá mệt anh hò một câu vu vơ: "Muốn ăn cơm trắng mấy giò này! Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì!" Không ngờ thị lại chấp nhận đẩy xe bò với Tràng chỉ vì "cơm trắng mấy giò" Vốn là cô gái cũng ý nhị, nhẹ nhàng, hiền lành, nhưng vì miếng ăn khiến thị gạt bỏ sĩ diện, lòng tự tôn của người con gái để chạy ra đẩy xe bò. Điều đáng sợ trong hoàn cảnh lúc bấy giờ chính là cái đói quá khủng khiếp khiến con người chỉ nghĩ đến miếng ăn để có thể tiếp tục sống thay vì chỉ nghĩ đến nhân phẩm. Nhà văn Kim Lân đã thể hiện cái nhìn đầy cảm thông, thấu hiểu và yêu thương những con người nghèo khổ khi phải đương đầu với đói khát. Không dừng lại ở đó, tác giả tiếp tục xây dựng tình huống lần thứ hai, Tràng gặp thị nhưng lần này khác hẳn lần trước, chính Tràng không nhận ra thị của lần đầu gặp gỡ hay cười đùa với mình khi chứng kiến sự thay đổi vẻ ngoài hết sức tiều tụy, xanh xao: "Áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt." Có lẽ vì thấy thị như thế nên chàng trai ấy tỏ ra hào sảng mời thị bốn bát bánh đúc với vẻ đầy tự đặc pha lẫn tự hào vỗ vào túi: "Rích bố cu" đột nhiên tia sáng hiện rõ trên khuôn mặt mừng rỡ, vui tươi của thị, xóa tan đi sự xanh xao, tiều tụy vì nghèo đói. Người con gái ấy là hiện thân của số phận nghèo khổ khi phải chịu đói nhiều ngày nên khi có cơ hội được chàng trai xa lạ mời ăn, chị không còn chút do dự, ngần ngại, thẹn thùng, ý tứ: "Thị ngồi sà xuống ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng." Hình ảnh ấy khiến người đọc không khỏi nghẹn ngào, xúc động, xót xa và càng thấy thương cho số kiếp con người bần cùng. Phẩm giá người con gái không còn quan trọng, bởi sự sống mới là tất yếu. Từ chi tiết bốn bát bánh đúc, ta liên tưởng đến tác phẩm: "Một bữa no" của nhà văn Nam Cao cũng phản ánh cuộc sống nghèo đói: "Hơn ba tháng, bà lão chỉ ăn toàn bánh đúc. Mới đầu, còn được ngày ba tấm. Sau cùng thì một tấm cũng không có nữa. Tiền hết cả. Mỗi sáng, bà ra chợ xin người này một miếng, người kia một miếng. Ai lấy đâu mà ngày nào cũng cho như vậy?" Khi đói quá lâu, bà đi xin ăn và bi kịch cuối cùng bà chết dù được ăn no. Nhân vật thị trong tác phẩm "Vợ nhặt" thì khác, thị tìm đến cái ăn để tiếp tục sống. Miễn là còn chút ánh sáng, khát vọng sống nhân vật ấy vẫn không ngừng cố gắng thay đổi số phận. Bên cạnh đó, trong bài "Chết đói" nhà văn Tô Hoài kể về cảnh lao đao, khốn khổ vì đói: "Năm ấy, Nam Cao lên ở với tôi. Viết truyện kiếm thêm, năm thoảng ba thì mới được cầm đồng tiền. Nam Cao dạy mấy đứa cháu anh Khôi tôi ở làng trên. Anh Khôi đã ý tứ trả công thầy giáo bằng gạo. Phỏng thử chẳng có những xó gạo ấy, không biết chúng tôi có mắt xanh lè giống thằng Vinh, hay còn thế nào nữa." Qua đó, ta thấy cái đói có sức tàn phá, hủy diệt sự sống của con người khủng khiếp đến như thế nào. Các nhân vật trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân thể hiện được ý chí, khát vọng sống mãnh liệt dù ở bất kỳ trong hoàn cảnh nào thì những con người ấy vẫn luôn kiên cường, mạnh mẽ đối mặt và vượt qua mọi chông gai, khó khăn và thử thách. Nếu bạn sống trong hoàn cảnh đó, bạn có như nhân vật Tràng sẵn sàng hy sinh món tiền để đổi lấy một bữa no cho người con gái đó xa lạ hay không? Hành động của anh Tràng là nghĩa hiệp, cứu giúp người nghèo khổ, dù anh phải nhịn ăn để đổi lại bốn bát bánh đúc ngon lành cho cô gái đáng thương, tội nghiệp. Một hạt gạo trong thời đó đáng quý biết nhường lại, con người phải đánh đổi bao nhiêu sức lao động để có được một bữa cơm đạm bạc là điều hết sức cam go, vất vả và khó nhọc. Chính tấm lòng biết thương người đồng cảnh ngộ, nên Tràng không hề tính toán, chi ly, sẵn sàng mời thị bốn bát bánh đúc. Và cũng nhờ bốn bát bánh đúc mà Tràng lấy được vợ. Điều bất ngờ ở đây là thị theo Tràng về làm vợ cũng chỉ vì miếng ăn. Ngày nay, chẳng có ai đơn giản, dễ dàng lấy được vợ như thế cả. Nhưng chính cái đói khiến giá trị con người trở nên thật rẻ mạt, chấp nhận từ bỏ danh dự, nhân phẩm để được ăn và được tiếp tục sống. Tình huống truyện Kim Lân xây dựng hết sức sinh động, tạo được sự bất ngờ, lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. Nhà văn miêu tả, khắc họa thành công tính cách, con người, diễn biến tâm lí nhân vật bằng ngôn từ hết sức gần gũi, chân thực và tự nhiên. Bốn bát bánh đúc là chi tiết đơn giản, nhưng không kém phần ý nghĩa, sâu sắc thể hiện được tấm lòng nhân đạo của tác giả dành cho người nông dân nghèo khổ. Bánh đúc là loại bánh dân dã chủ yếu được làm từ bột gạo, cách làm hết sức đơn giản và rẻ tiền. Phẩm giá của người con gái chỉ bằng bốn cái bánh đúc thật rẻ rúng đến đau lòng. Tác giả lấy hình ảnh thị, bốn bát bánh đúc, cuộc sống nghèo khó của Tràng để gián tiếp tố cáo sự độc ác, bạo tàn của bọn thực dân Pháp, phát xít Nhật đã đẩy người dân đến bước đường lầm than, khốn cùng. Bốn bát bánh đúc là cầu nối gắn kết giữa hai con người xa lạ, giúp Tràng với Thị trở nên gần nhau hơn, tìm được tiếng nói chung. Họ đều là người nông dân cùng chung cảnh ngộ nghèo khổ, khao khát được sống, được hạnh phúc. Bốn bát bánh đúc là hình ảnh mang đậm tính nhân văn, triết lý sâu sắc của nhà văn Kim Lân nhằm đề cao, ca ngợi những con người trong thời kì nghèo đói vẫn luôn quý trọng tình nghĩa, biết lắng nghe, quan tâm, sẻ chia, thấu hiểu, đùm bọc, trân quý và yêu thương lẫn nhau. Bốn bát bánh đúc tượng trưng cho khát vọng sống, khát vọng về mái ấm gia đình, cuộc sống ấm no, hạnh phúc thể hiện sức mạnh tiềm tàng thúc giục con người phải tiếp tục giữ vững niềm tin, hy vọng về tương lai tươi sáng. Cuộc sống còn bao điều tốt đẹp đang chờ đợi ta ở phía trước, thay vì bi quan, từ bỏ sự sống thì sao ta không đứng dậy đối mặt và vượt qua tất cả bằng chính sức mạnh ý chí, nghị lực. Truyện ngắn: "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân không chỉ miêu tả về nạn đói, mà còn phê phán sâu cay sự bóc lột, đàn áp của bọn thực dân Pháp và phát xít Nhật. Hình ảnh, chi tiết bốn bát bánh đúc hiện lên trong truyện thật đẹp, vì nó thể hiện được khát vọng sống, ý chí, nghị lực phi thường và tình người thật ấm áp, cao quý.