Tác phẩm: Bước đường viết văn Tác giả: Nguyên Hồng Reviewer: Ôn An Na Tên Nguyên Hồng không còn xa lạ trên văn đàn Việt Nam. Ông nổi tiếng với những tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết đầy sống động, chân thành và sâu sắc. Cuốn sách "Bước đường viết văn" là tổng hợp những kỷ niệm của tác giả trên con đường văn chương, bao gồm nhiệt huyết, đam mê từ thuở niên thiếu cho đến lúc gần đất xa trời. Thời gian dài như thế đủ để ta cảm nhận trái tim tha thiết với nghề viết, tha thiết với đời, khát khao cháy bỏng muốn cống hiến cho nền văn học nước nhà. Ông nói rằng: "Cảm hứng viết văn đã ở trong tôi từ thuở còn rất trẻ, khi tôi mới bước vào tuổi 17, 18. Tôi rất ham muốn được viết, mơ ước một ngày nào đó sẽ trở thành một nhà văn có tên tuổi trên văn đàn. Những ngày tháng ấy, tôi luôn cảm thấy sự nhiệt huyết và khát khao mãnh liệt trong lòng mình." Ước mơ viết văn giống như bẩm sinh đã có, ông nung nấu từ những ngày còn bé, ông đam mê muốn được viết, muốn được hòa trong câu chữ, để bày tỏ nỗi lòng mình. Viết văn phải xuất phát từ khát khao mãnh liệt, những giá trị văn chương đem lại phải đi từ bản lĩnh và tài năng của người cầm bút. Ông khẳng định mình qua tác phẩm "Bỉ vỏ" khi bước vào tuổi mười sáu, tuổi còn quá trẻ để thấu hiểu chuyện đời. "Bỉ vỏ" kể về một cô gái tên Tám Bính hiền lành, lương thiện. Tiêu đề đã thể hiện phần nào nội dung của tác phẩm - bỉ vỏ - một người đàn bà ăn cắp. Dòng đời nghiệt ngã đã đẩy cô vào bước đường cùng, trở thành một cô gái bỉ vỏ lành nghề. Trái tim trong sáng ngày nào đã bị xã hội vấy bẩn, Bính bị tha hóa, kiếm sống bằng cái nghề cướp lấy tài sản dựa trên xương máu, nước mắt của người khác, gây nên bao cảnh cơ nhỡ. Bính vừa đáng thương lại vừa đáng trách, nhưng Nguyên Hồng không phê phán, cô lập, mà qua đó ông đồng cảm, thấu hiểu, xót thương cho số phận đau đớn ấy: "Tám Bính lẻ loi, bơ vơ, trơ trọi ấy, cũng có cả một phần tôi và một phần của bao nhiêu người cùng cảnh. Tôi mượn Tám Bính để đưa ra ánh sáng ban ngày một sự thật trong những sự thật của một hạng người, một số người. Tôi mượn Tám Bính để làm cho nhiều người thấy có một sự thật trong những sự thật như thế của xã hội." Xuyên suốt quá trình viết văn của ông, ông hướng ngòi bút đến những mảnh đời bất hạnh ở thế kỉ trước, khi mà đất nước còn chưa phát triển, cổ hủ và lạc hậu, số phận con người chịu nhiều bất công. "Tôi sẽ viết về những cảnh đói khổ, về những sự áp bức, về những nỗi trái ngược bất công. Tôi sẽ đứng về phía những con người lầm than bị đày đọa, bị lăng nhục. Tôi sẽ vạch trần ra những vết thương xã hội, những việc làm bạo ngược lộng hành của xã hội thời bấy giờ. Tôi sẽ gánh lấy mọi trách nhiệm, chống đối cũng như bào chữa, bảo vệ. Tôi sẽ chỉ có tiến bước, chỉ có đi thẳng. Tôi sẽ chỉ biết có ánh sáng. Và chính tôi là ánh sáng." Mặc dù cuộc sống của ông cũng chẳng êm ấm gì, ông vẫn luôn muốn xoa dịu những trái tim nhiều vết xước. Qua "Những ngày thơ ấu", tôi biết được ông là kết quả của một cuộc hôn nhân không tình yêu, hôn nhân do cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Người cha nghiện ngập, cờ bạc rồi qua đời. Mẹ ông bỏ đi tha phương, để lại ông với họ hàng bên nội. Vì ông tự mình trải qua nên mỗi câu văn đều chạm đến người đọc. Khi nghe bà cô họ nội cay nghiệt phê phán mẹ mình, giọt nước mắt lăn dài trên má, ông ngậm ngùi chịu đựng. Thuở nhỏ, ông thường nghe bà cô nói xấu về mẹ, những định kiến xã hội ăn sâu vào máu, không chấp nhận một người phụ nữ chưa mãn tang chồng đã tái giá, không cho phép người phụ nữ đi tìm hạnh phúc mới. Nhưng tấm lòng yêu thương, hiếu thảo của ông dành cho mẹ chưa bao giờ phai nhạt. Ông thương mẹ, chỉ mong mẹ được hạnh phúc, ấm no. "Bước đường viết văn" như một cuốn sổ ghi chép đầy đủ về con đường văn chương của một người cầm bút thực thụ. Nguyên Hồng là nhà văn suốt đời đi sâu vào những mảnh đời éo le. Ông thể hiện chiều sâu nhân đạo trong trái tim mình qua con chữ được mài giũa bằng trải nghiệm cuộc sống. Bằng giọng văn đầy chân thành và nhiệt huyết, ông đem đến cho nền văn học nhiều giá trị to lớn và cả bài học cho những người đam mê văn chương. Đó là khát khao mà người nghệ sĩ nào cũng muốn để lại cho đời.