Truyện Ngắn Bước Tiếp Con Đường - Mạc Vấn

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Mạc Vấn, 5 Tháng chín 2018.

  1. Mạc Vấn

    Bài viết:
    157
    Bước tiếp con đường
    Mạc Vấn


    Anh và cô nhìn nhau trìu mến. Trong ánh nhìn đó bất cứ một ai cũng không thể phủ nhận một sự thật là họ đang đắm mình trong tình yêu, một tình yêu như bao tình yêu khác, nhưng cũng đặc biệt mà không một tình yêu nào giống. Anh nhè nhẹ đặt đôi môi lên môi cô, cô cũng dường như đã chờ giây phút này quá lâu, hai người vừa nhẹ nhàng vừa vồ vập, chậm chạp tận hưởng giây phút bên nhau nhưng lại vô cùng khẩn trương nơi hai bờ môi nóng bỏng. Bao nhiêu ước hẹn, bao nhiêu mong chờ giây phút gặp nhau này còn gì để nói. Còn lời nào có thể nói. Sau phút giây cuồng nhiệt, anh nhìn sâu vào đôi mắt cô:

    - Cũng đã quá lâu rồi. Ba năm không phải là ngắn. Chẳng biết giờ mộ chị ấy ra sao, có ai săn sóc không, hay cỏ cây đã um tùm.Những đứa kia anh thật không hy vọng… Chị ấy đã khổ cả một đời…

    Cô thở dài não ruột, chừng như chợt nhớ lại một kỉ niệm sâu xa, đôi mắt cô gần như sắp ướt. Cố kìm mình, cô hỏi anh:

    - Chúng ta nói gì ba năm trước, anh còn nhớ chứ?

    Anh lại nhìn thật sâu vào đôi mắt cô, nói khẽ:

    - Ba năm qua, không ngày nào anh không nhớ. Cho đến bây giờ anh cũng không biết là mình đã đúng hay sao, dẫu sao thì, mọi việc cũng đã qua, chị có tha lỗi cho chúng mình vì cái tội không nghe lời hay không thì cũng vậy. Ba năm ngồi tù, anh tin chị cũng sẽ thông cảm một phần. Vả chăng, chúng ta làm thế cũng là một phần vì chị ấy…

    Im lặng một lát, anh khẽ nói tiếp:

    - Và vì chính chúng ta…

    ***

    Trên con đường ngoằn ngoèo dẫn vào khu nghĩa địa, thấp thoáng hai bóng người đang bước đi những bước đi chậm rãi. Họ đi sát vào nhau, người đàn ông mang dáng vẻ thư sinh còn người phụ nữ dáng mai hao gầy, trông cũng không đến nỗi không vào mắt. Đôi lúc người phụ nữ đưa tay lên ngang mắt, có vẻ đã có những giọt nước mắt rơi bên những bước chân chậm rãi của họ. Nghĩa địa thê lương, gió hiu hắt, chiều đã xế bóng. Khung cảnh thật làm con người ta cảm khái vạn phần. Bất giác buông tiếng thở dài không sao kìm được. Cái chết, có lẽ là thứ bi ai cổ xưa nhất của nhân loại, có lẽ vậy…

    Đã ba năm rồi, nhưng đường đất cả hai đi vẫn còn quen thuộc lắm. Quên sao được cái ngày đó, quên sao được con đường này. Cái ngày mà người đó về với đất, con đường mà người đó được mang đi tới nơi an nghỉ cuối cùng. Hôm đó, anh và cô, cùng rất nhiều đứa trẻ khác, đã khóc những trận nức nở, oằn người. Tưởng chừng nước mắt có thể rửa trôi tất cả mọi niềm vui, mọi hy vọng trên đời này. Tưởng chừng anh và cô đang bước những bước có gai trên chính trái tim mình. Cái ngày mà người chị nuôi của gần hai chục đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa đi về thế giới bên kia…

    Nhìn ngôi mộ đã được xây đắp đàng hoàng, cỏ cây được vun vén, chị không khỏi lộ vẻ ngạc nhiên. Còn anh, anh tỏ ra rất bình tĩnh, không chút biểu hiện gì trên khuôn mặt, chỉ có đôi mắt dường như có vẻ xa xăm hơn, bâng khuâng hơn. Rồi với một cử chỉ thành kính nhất, anh cúi đầu, đứng lặng một lúc,và bắt đầu lầm rầm trong miệng:

    - …chị sống khôn chết thiêng, hôm nay là ngày em được ân xá trước thời hạn…Trước là em ra đây thăm chị, cũng đã ba năm một tháng rồi, em vẫn mãi chờ ngày này. Đúng ba năm một tháng trước em đã ra đây thăm chị…Sau là em mong chị tối nay về dùng với em bữa cơm…

    Ngập ngừng một lát, anh nói nốt câu:

    - …bữa cơm mừng em và Nhi ra tù.

    Còn cô, cô đã phủ phục bên ngôi mộ mà nức nở từ lúc nào. Đến lúc hai người ra về thì trời đã tối mịt. Anh khẽ nói trong miệng: “chị em ta có cơm dùng cơm, có cháo dùng cháo, có rau dùng rau, có thịt dùng thịt, chắc chị vẫn chưa quên đúng không, nếu có muộn quá chỉ mong chị đừng trách, cũng bởi vì em muốn ngồi bên chị lâu hơn một chút…”. Cô nắm chặt lấy bàn tay anh, anh siết lấy, hai người lại đi sát vào nhau. Cô thủ thỉ:

    - Ngôi mộ của chị, chắc chú Mạnh, chú Nam làm rồi. Chắc cũng muốn chị…có lẽ chúng ta đã trách nhầm mấy chú ấy, họ không tham gia với hai ta…

    Cô không nói hết câu, nhưng anh đủ hiểu, thật ra thì cái này anh cũng đã suy nghĩ rất nhiều. Ngần ấy đứa em nuôi nhưng chỉ có anh và cô là quyết tâm phục hận. Ngần ấy đứa em nuôi chị có ghét bỏ, có không săn sóc đứa nào đâu. Nhưng khi mà chị có một kết cục thê thảm như thế, tòa lại xử quá nhẹ, anh không đành lòng. Thật sự không đành lòng. Lũ chó má, anh đến giờ vẫn còn hận chưa ra tay hết được cả năm thằng hung thủ mà chỉ mới có ba. Ấy thế mà những đứa em kia thì chỉ xây lại mộ chị là như nhau sao? Anh cố dằn lòng không nghĩ nữa, dẫu sao cũng là anh em ở với nhau mười mấy năm trời…Anh lại chợt thổn thức. Người yêu chị là lính, đã hi sinh trong một lần đánh quân thù trên biển, người ta không công khai hẳn ra, chỉ nói anh mất vì việc nước, chị đã từng bảo chị sẽ giữ mãi đời con gái để mai này được gặp anh nơi thế giới bên kia, chị vẫn có thể mỉm cười nói với anh rằng chị đa giữ trọn lời thề. Bao nhiêu hạnh phúc lứa đôi mơ ước bất ngờ tan vỡ, chị cũng đau khổ lắm. Anh và cô cũng đã bao lần biết chị khóc thầm một mình. Nhưng chị gắng gượng được, và rồi từ một tiểu thư được thừa kế tài sản không phải nhỏ từ gia đình, chị mang tất cả đi để xây dựng một mái ấm cho những đứa trẻ mồ côi cơ nhỡ. Chẳng ai biết vì sao chị lại làm vậy. Tất cả chỉ biết chị đã làm, và làm trong gần hai mươi năm, có thế thôi. Mãi sau này, khi mà anh và cô đã khá lớn rồi, trong một lần tâm tình chị mới nói, đấy là ước nguyện của người yêu chị, anh ấy vẫn thường mơ về một mái ấm tình thương, vì anh thấy còn nhiều mảnh đời bất hạnh quá, ngay cả anh cũng nằm trong số đó, anh cũng đã dự định khi lấy chị rồi, sẽ dồn tiền sau này làm việc đó. Cuối cùng thì lại là chị làm thay anh… Hai người, anh và cô vẫn thường cảm thán, ở nơi đó anh có ngậm cười về chị không? Và bây giờ, khi gặp nhau rồi, anh sẽ nói gì với chị? Anh, người lính giã từ cuộc đời khi hãy còn trẻ trung, còn mang trong mình nhiều khát vọng giúp đời, người hi sinh vì việc nước. Chị, người đã lỡ thì nhưng cũng bởi yêu một mình anh, gánh cuộc đời là ngôi nhà tình thương thu nhận những mảnh đời bất hạnh, chưa kịp nhìn tất cả nên người đã bạc mệnh ra đi. Hai người gặp nhau sẽ nói gì? Nụ cười hay nước mắt?...Còn anh, tay vẫn trong tay cô, nhưng cổ họng bỗng như nghẹn lời…

    Anh lại nhớ đến cái ngày đầu tiên anh được chị đưa về, cái mà sau này anh gọi nó là nhà với tất cả tình yêu mến. Lúc đó là lúc anh đang đói gần như lả đi, nhưng nhất quyết không chịu lấy không của chị một suất cơm. Anh một mực bảo anh phải có công thì mới chịu nhận của người khác. Bố mẹ anh khi mất chẳng để lại cho anh được gì nhiều, chỉ có những lời dặn dò đó là quý giá nhất, anh vẫn mãi ghi tạc đến giờ. Sau đó thì, anh về nơi đây với chị, anh cũng là người đầu tiên chị nhận nuôi, là anh cả của hai chục đứa em sau này. Tại nơi đây anh được ăn no, được mặc ấm, được học văn hóa, được dạy nghề. Ban đầu, có mình anh, tất nhiên mọi thứ đều quá tốt với anh, sau dần có thêm người, quyền lợi anh cũng ít dần đi, nhưng anh chưa bao giờ quan trọng. Đối với anh, nhờ có chị, được như thế đã là tốt lắm rồi. Anh vẫn hay nói lại với mọi người, rằng chị bảo anh là người lì nhất chị từng biết, đói hoa cả mắt còn làm cao, rồi cuối cùng lại ngã lăn ra ốm mấy ngày. Anh cũng chẳng biết nói gì hơn, chỉ có thể ghi khắc trong lòng, nếu không có chị anh đã chẳng còn trên đời. Vì thế anh luôn luôn “bảo vệ” chị. Nhớ có lần, thằng Nam không nghe lời chị, làm chị buồn, anh giận lắm, liền hẹn nó đánh nhau. Anh vốn nhỏ con hơn Nam nhiều, nhưng có sao. Đó là một trận đánh khốc liệt, không đánh không thành anh em, sau này mọi người hay đùa thế. Kết quả là anh bầm dập nhưng vẫn hiên ngang còn Nam thì từ đó sợ anh một phép. Nhưng cuối cùng chính anh lại làm chị không vui hơn. Cũng từ đó anh hứa với chị với chính mình rằng sẽ hông bao giờ dung vũ lực giải quyết vấn đề. Cho tới ba năm trước, anh không những dùng nắm đấm trở lại, anh còn dắt theo mình một con dao thật sắc thật nhọn. Cũng tiếc cho anh mà cũng may cho anh, ba thằng trong số năm thằng giở trò đồi bại với chị, sau đó nhẫn tâm phi tang tội ác của mình, đã bị anh trừng phạt, nhưng đều không chết. Anh nhớ lần đó, anh theo sát những ngày truy tìm, những ngày xử án với tâm trạng đau khổ vô cùng, anh nhất quyết sẽ trả thù sau khi anh thấy bản án tòa đưa ra quá nhẹ so với tội ác của chúng, tội ác mà anh không thể dung thứ. Anh biết sẽ rất khó ra tay vì chúng luôn có an ninh kề bên mà đợi chúng ra tù thì anh không kiên nhẫn được. Trong những ngày xử cuối cùng, anh đã bàn với Nhi, và cả hai sẽ ra tay ngay khi tòa cho tất cả ra khỏi phòng. Nhi sẽ làm lạc hướng an ninh, còn anh là người sẽ ra tay…

    Nhớ đến đây anh lại chợt nhớ một điều, nếu không có chị, không có mái ấm đó, anh đã không gặp được Nhi, đã không gặp được một người “biết mình, hiểu mình” như cô ấy. Ở đời, nhất là với những người như anh, còn cần gì hơn, còn mong mỏi gì hơn? Mười mấy năm sống cùng nhau, khoảng thời gian không phải là ít, sự gắn bó cũng có thể nói là ít người cùng tuổi sánh bằng. Anh hiểu cô, cô hiểu anh, cũng như Tử Kỳ hiểu rõ tiếng đàn của Bá Nha vậy. Anh luôn bảo bọc cho cô, điều đó hẳn nhiên rồi. Anh cũng hay ngồi kề bên cô vuốt nhẹ mái tóc, hát những bản nhạc tình lứa đôi. Có nhiều khi, anh và cô cứ ngồi thế, ngồi thế mãi, mặc kệ mọi thứ xung quanh, mặc kệ tất cả, nhẹ nhàng cảm nhận những giây phút tĩnh lặng đầy ngọt ngào bên nhau. Lúc còn trẻ con thì hai người vẫn hay nô đùa, anh nhiều luc còn ngẫu hứng làm thơ tặng cô nữa. Mỗi lần học văn hóa, hay học nghề, hay bắt tay vào làm cái này, cái kia, hầu như anh và cô luôn luôn ngồi cạnh. Cũng bởi cô là người đến thứ hai sau anh, nên những đứa em còn lại vẫn kêu cô là chị cả. Anh nhiều lúc nghe lại cứ mơ mộng vẩn vơ…Tuổi thơ anh cứ dần trôi qua như vậy. Đôi lúc tự hỏi lòng, một người yêu thương, một mái ấm, một người chị, những người anh em, con người ta còn truy cầu gì hơn...

    Ba năm trước, ngay tối hôm trước buổi xét xử cuối cùng, cô đã trao mình cho anh. Chẳng vì lẽ gì cả, chỉ là hai người đã tự nguyện, đã tin tưởng, đã coi nhau như một nửa của đời mình. Điều đó tưởng chừng như là điều dĩ nhiên nhất trong những điều dĩ nhiên. Nào ai biết trước sau khi hai người ra tay thì sẽ thế nào? Cô và anh đều không muốn lặp lại bi kịch của người chị mà họ rất mực kính yêu, dù chỉ là vạn nhất. Âu cũng là một cách chứng minh cho mối tình của họ. Dù đúng, dù sai, nào ai có thể phân biệt, nào ai có thể phán xét? Khi ấy anh hai mươi còn cô mười chín…Ấy vậy mà thoáng chốc đã ba năm rồi. Ngoảnh mặt lại, cuộc đời cứ như là một giấc mộng vậy. Một cuộc đời được bao nhiêu cái ba năm? Hôm nay không trân trọng, ngày mai không trân trọng, đến lúc nhận ra những thứ trân quý với mình liệu có phải là đã quá muộn không? Ba năm trong tù, anh đã không ngừng suy nghĩ, về mọi việc, về mọi người, và về chính anh. Tuổi thơ anh đã từng khổ cực, tuổi thơ anh đã từng có niềm vui, tuổi thơ anh đã từng có cha mẹ, tuổi thơ anh đã từng có người chị cưu mang, có cô em người tình thanh mai trúc mã. Thật ra thì anh còn mong muốn gì hơn…

    Hôm nay, anh và cô ngồi bên mâm cơm trầm ngâm. Cũng đã ba năm rồi họ mới được cùng nhau ăn bữa cơm rồi còn gì. Vẫn là những món anh thích nhất. Ghém sống chấm mắm tôm, lòng nấu dưa chua, ít thịt hấp cơm, đĩa cá rán…Thật ra thì anh cũng biết người ta chẳng ai mang những thứ này cúng người đã khuất bao giờ, nhưng cũng vì về muộn, nên cũng cơm canh dưa muối vậy thôi, anh biết chị có linh thiêng cũng sẽ không trách móc gì. Tình nghĩa giữa họ còn cần một mâm cơm cúng thịnh soạn mới chứng tỏ được hay sao? Anh nhìn cô, cô nhìn anh, cũng chưa ai nhấc đũa. Ba năm rồi còn gì, không phải là quá dài nhưng cũng đâu phải là ngắn. “Sĩ biệt tam nhật” huống chi là ba năm. Cũng không thể chỉ ngồi mà cảm khái mãi, anh nhẹ giục cô:

    - Thôi ăn đi em.

    Được vài miếng, chừng như cầm lòng không đặng sao đó, anh nghẹn ngào:

    - Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế

    Ngừng một chút, anh cố lấy lại vẻ trầm tĩnh, ngân nga:

    - Khế trong vườn thêm một ít rau thơm

    Ừ thế đó mà một đời xa cách mẹ

    Ba mươi năm về, nước mắt xuống mâm cơm

    Bồi hồi, xúc động, anh nói trong khi nước mắt chực trào:

    - Chị cũng như mẹ. Trông mâm cơm anh cứ nghĩ chị còn đây. Ba mươi năm xa rời, hẳn là đau xót, nhưng ba năm xa rời, mà bóng hình cũ cũng đã ra người thiên cổ, nỗi đau chắc cũng không…

    Cô nhìn anh, ánh nhìn vẫn trìu mến dịu dàng, cô vẫn biết anh là một người trọng tình cảm hơn hết.

    ***

    Nhìn mái nhà xưa anh bỗng lại chạnh lòng. Khi anh và cô về đến đây thì chẳng còn ai nữa. Tất cả đều đã lớn, tất cả đều đã đi cả rồi.Vả lại, chị đã mất rồi, hai anh chị cả thì cũng mang tù mang tội vào thân thì còn ở lại làm chi. Kể ra mấy đứa em đã lại phiêu bạt mỗi đứa một nơi mà cũng xây cho chị được một ngôi mộ đàng hoàng thì cũng gọi là nghĩa tử nghĩa tận. Mai này có sang cát cho chị, tuy có cách rách hơn một chút cũng không sao, ít ra còn hơn là để nơi chị nằm chỉ là một nấm đất có vài vòng hoa viếng và trơ trơ những cỏ. Anh bỗng quay qua cô, nhẹ nhàng hỏi:

    - Những lời ba năm trước em còn nhớ không?

    Cô nhoẻn miệng cười, nũng nịu:

    - Em không hay quên như anh đâu. Anh muốn chúng ta bắt tay ngay bây giờ sao?

    - Đúng vậy.

    Đôi mắt anh chợt ngời sáng. Tuổi thơ anh ở đây, tuổi thơ cô cũng ở đây. Còn gì tuyệt vời hơn khi anh và cô, sẽ tiếp bước chị, nối gót suy nghĩ người yêu chị, mà dựng xây một mái ấm tốt đẹp hơn cho những trẻ em khốn khó, những mảnh đời bất hạnh. Anh và cô sẽ làm được, nhất định sẽ làm được, dù biết trước sẽ gặp nhiều khó khăn. Bất chợt anh bỗng thấy bóng hình chị đang bế một cậu bé nơi bậc thềm, cậu bé trông rất giống anh hồi mười mấy năm về trước…

    Link góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] - Các Tác Phẩm Sáng Tác Của Mạc Vấn
     
    Tinh Tổng, Bút ChìChiracat thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng chín 2018
  2. Bút Chì

    Bài viết:
    7
    Cốt truyện không mới, đọc mấy dòng đầu tôi cũng lờ mờ đoán ra lý do anh vào tù nhưng tò mò đọc tiếp để chắc chắn hơn.
    Tôi nghĩ bạn tham tình tiết quá, cái gì bạn cũng muốn đưa vào nên có cảm giác thiếu logic. Theo tôi thì bạn nên đầu tư khắc hoạ hình ảnh chị hoặc cô bạn gái mà thôi.
     
  3. Mạc Vấn

    Bài viết:
    157
    cảm ơn bạn hehe
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...